Khi công an “tuyên chiến” với nạn cướp giật
Một trong những biện pháp đối phó với “đại nạn” cướp giật tại TP.HCM là vào giữa năm 2011, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Công an TP.HCM nghiên cứu, đề xuất thành lập lực lượng cảnh sát du lịch.
Được biết, đây là đề án mà Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch TP.HCM đã đề xuất với chính quyền TP trong nhiều năm qua, nhằm thiết lập một lực lượng chuyên trách, tổ chức tuần tra các khu vực trọng điểm, kịp thời hỗ trợ, bảo vệ du khách nước ngoài khi họ có sự cố, đặc biệt là phát hiện, xử lý các hành vi cướp giật, móc túi du khách… Sở còn đề xuất lực lượng TNXP đảm nhận nhiệm vụ này.
Lực lượng túc trực bảo vệ du khách tại khu vực trung tâm TP.HCM.
Theo tìm hiểu, ở một số quốc gia, lực lượng cảnh sát du lịch được thành lập từ rất lâu và góp phần rất tích cực trong việc bảo vệ du khách, bảo vệ hình ảnh đất nước. Tuy nhiên, vì sao đề án này cho đến nay vẫn chưa khả thi tại TP.HCM?
Lý giải về việc này, Đại tá Nguyễn Phi Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an (phía Nam) cho biết, do tội phạm xâm hại tài sản người nước ngoài, chủ yếu là cướp giật tài sản là loại hình tội phạm đặc thù, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao, hình ảnh đất nước… nên không thể xử lý, giải quyết như các loại hình tội phạm thông thường khác.
Do vậy, đề án thành lập cảnh sát du lịch cho đến nay vẫn còn tạm gác.
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc thành lập thêm lực lượng cảnh sát du lịch là cần thiết nhưng khá tốn kém cho ngân sách; và nếu có thành lập thì lực lượng đảm trách chắc chắn là công an chứ không thể đơn vị nào khác.
Trong khi đó, theo Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Công an TP.HCM, việc thành lập thêm lực lượng cảnh sát du lịch là rất khó, thậm chí không cần thiết.
Tướng Thành cho rằng, hiện TP.HCM có một mạng lưới công an, chủ yếu là trinh sát hình sự đặc nhiệm của Công an TP.HCM và công an các quận, huyện làm nhiệm vụ trấn áp tội phạm hoạt động rộng khắp có khả năng đảm đương được; ngoài ra còn có các “hiệp sĩ đường phố” hỗ trợ.
“Trong thời gian tới, lực lượng công an sẽ có biện pháp mạnh đối với loại hình tội phạm xâm phạm tài sản của người nước ngoài” – Giám đốc Công an TP.HCM khẳng định.
Biện pháp mạnh mà vị giám đốc công an TP.HCM nêu ra là mạng lưới trinh sát hình sự đặc nhiệm sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát ở những nơi đông du khách như: khu phố Tây Phạm Ngũ Lão, trung tâm TP.HCM, các hầm đường bộ, tuyến đường hay xảy ra nạn cướp giật…
Nếu phát hiện đối tượng tình nghi, lực lượng này sẽ theo dõi, lập hồ sơ để kịp thời ngăn chặn, chứ không chờ lúc tội phạm ra tay mới bắt quả tang, truy xét.
“Đối với các đối tượng tội phạm manh động, liều lĩnh, công an TP.HCM cho phép các trinh sát hình sự đặc nhiệm sử dụng vũ khí quân dụng để trấn áp” – tướng Thành nhấn mạnh.
Được biết, ngoài lực lượng công an tuần tra, việc phối hợp giữa công an với lực lượng TNXP, chính quyền địa phương cấp phường, khu phố… được tăng cường. Công an TP.HCM cũng kiến nghị trang bị thêm hệ thống camera lắp đặt trên các tuyến đường, mục đích là theo dõi ở những nơi trọng điểm, đông du khách…chủ động phát hiện các đối tượng khả nghi, phát hiện các vụ người nước ngoài bị xâm phạm tài sản, xâm hại đến sức khỏe để can thiệp, chứ không đợi đến khi nạn nhân tìm đến trình báo.
Người dân, du khách nên biết tự đề phòng, cảnh giác
Trong khi việc xây dựng mô hình chính quy cho “hiệp sĩ đường phố” vẫn còn là vấn đề bàn tới bàn lui; công an TP.HCM đang và sẽ có biện pháp mạnh thì nạn cướp giật vẫn xảy hàng ngày gây nhức nhối, khiến nhiều công ty du lịch đóng trên địa bàn TP.HCM tỏ ra quan ngại.
Một số hướng dẫn viên của các công ty du lịch lớn tại TP.HCM ngán ngẩm cho biết, họ rất “dị ứng” với việc dẫn khách city tour (tham quan TP.HCM), nguyên nhân là khó khăn trong việc bảo vệ du khách trước nạn cướp giật.
Các hướng dẫn viên kể, họ từng lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười, khi khách bị cướp giật, họ phải lóng ngóng đứng ra thay mặt công ty xin lỗi, dẫn du khách đến công an phường trình báo.
Trước tình trạng du khách bị cướp giật như cơm bữa, các công ty du lịch lữ hành đã chủ động tăng cường lực lượng bảo vệ mỗi khi dẫn khách tham quan TP; thế nhưng mỗi khi mất tập trung là khách lại bị giật tài sản, thậm chí người bảo vệ du khách cũng bị giật tài sản.
Với nạn cướp giật, hình ảnh TP.HCM đang “mất điểm” trước con mắt du khách quốc tế.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Trưởng phòng tiếp thị – Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist thẳng thắn trao đổi: “Dù chẳng hay ho gì nhưng khi đón khách tại sân bay, chúng tôi yêu cầu hướng dẫn viên khuyến cáo cho du khách biết 1 số tuyến đường, điểm đen tại TP.HCM thường xảy ra nạn cướp giật để du khách tự bảo vệ tài sản của mình. Bên cạnh đó chúng tôi căn dặn du khách khi tham quan đường phố Sài Gòn, những tài sản giá trị, đặc biệt là giấy tờ tùy thân, hộ chiếu…nên cất giữ ở khách sạn”.
Bà Trà cũng cho biết thêm, có những đoàn khách lẻ tham quan TP, hướng dẫn viên của công ty sẽ kiêm luôn người bảo vệ, nhắc nhở du khách cẩn trọng, còn với đoàn khách lớn, trên 50 người, công ty sẽ phối hợp với lực lượng TNXP hoặc công an để đảm bảo du khách không bị cướp giật và các vấn đề an ninh khác.
Trước tình trạng cướp giật đường phố gia tăng, mới đây UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo các sở ban, ngành, quận, huyện thực hiện công tác đảm bảo an ninh, trật tự du lịch tại địa bàn; trong đó Công an TP được giao nhiệm vụ chính.
Đặc biệt, UBND TP cũng có kiến nghị Bộ Công an đề xuất với Chính phủ thành lập mới hoặc điều chỉnh cơ cấu, cần có một lực lượng chuyên trách về vấn đề an ninh trật tự du lịch, tội phạm đường phố…
Một khi còn “nóng” bởi nạn cướp giật, bao giờ TP.HCM mới thực sự là “điểm đến hấp dẫn, thân thiện, an toàn”?
Theo Vietnamnet