Từng “ông lớn” xin đầu hàng
Trong các báo cáo gửi lên Bộ xây dựng thời gian đây, Tập đoàn Sông Đà cho biết, tình hình tài chính hiện đang gặp khó khăn, trong đó giá trị khối lượng dở dang và công nợ phải thu lên đến hơn 10.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng nợ đọng của Sông Đà tại các công trình trọng điểm của Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã là hơn 5.200 tỷ đồng. Do Tập đoàn đang phải tập trung tài chính để thực hiện các dự án thủy điện trong và ngoài nước nên không đủ nguồn tài chính để tiếp tục thực hiện dự án Nhiệt điện Long Phú II. Bộ xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ cho phép Tập đoàn Sông Đà không làm chủ đầu tư dự án này.
Nhưng Tập đoàn Sông Đà không phải là doanh nghiệp đầu tiên đầu hàng trước dự án điện bởi lý do tài chính. Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào năm 2008 đã xin trả lại Chính phủ 13 dự án nguồn điện được giao đầu tư cũng bởi lý do không có vốn để triển khai. Đáng chú ý là trong 13 dự án mà EVN xin trả lại khi đó có dự án Long Phú III thuộc Trung tâm Điện lực Long Phú. Hiện Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đang là chủ đầu tư của 2 dự án Long Phú I và Long Phú III. Tuy nhiên, ở thời điểm này khả năng PVN đứng ra nhận nốt dự án Long Phú II, như ngày nào sẵn sàng nhận cả 13 dự án mà EVN trả lại là khó diễn ra. Điều này xuất phát từ thực tế, các dự án điện mà PVN đang đầu tư cũng gặp những khó khăn nhất định trong quá trình triển khai, mà quan trọng nhất là thu xếp vốn.
Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ đạo Nhà nước về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, dự án điện Long Phú I mà PVN là chủ đầu tư hiện cũng chưa ký được hợp đồng vay vốn. Trước đó ngày 5/1/2011, PVN đã khởi công xây dựng dự án Long Phú I và Tổng công ty cổ phần dịch vụ Kỹ thuật dầu khí Việt Nam – PTSC (đơn vị thành viên của PVN) được giao làm Tổng thầu EPC. Tại lễ khởi công, đại diện PTSC cam kết đưa vào vận hành thương mại tổ máy 1 của nhiệt điện Long Phú I sau 39 tháng (trong năm 2014) và hoàn thành toàn bộ nhà máy sau 45 tháng (khoảng đầu năm 2015). Không chỉ có Long Phú I chưa ký được hợp đồng vay vốn mà một số dự án khác do PVN là chủ đầu tư như Nhiệt điện Long Hậu I cũng có tình trạng tương tự.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho hay: nhiều doanh nghiệp là thành viên của Hiệp hội đang khó khăn về vốn, trong đó có cả EVN, PVN, Vinacomin và Sông Đà. “PVN không có tiền để đầu tư cho các dự án nhiệt điện than mà mình là chủ đầu tư, trừ dự án Vũng Áng I hiện nay. EVN thì khó khăn đã thấy rõ nên việc vay vốn cho các dự án của mình lẫn các đơn vị thành viên cũng không dễ dàng”, ông Ngãi cho hay. Điều này cũng được minh chứng khi các khoản lỗ trong sản xuất kinh doanh và do chênh lệch tỷ giá của EVN hiện lên tới trên 20.000 tỷ đồng. Ngoài ra EVN cũng là con nợ bởi chưa trả được tiền xây dựng, tiền mua điện, mua than của Sông Đà, PVN, Vinacomin với số tiền cũng trên dưới 15.000 tỷ đồng.
Vinacomin tuy có lợi thế khai thác than, nhưng với giá bán than cho điện hiện nay vẫn thấp hơn giá thành sản xuất khoảng 8.000 tỷ đồng tính cho năm 2012 thì việc muốn đầu tư nhiều dự án điện hơn cũng là điều không dễ.
Trước hay sau vẫn cần tiền
Để đảm bảo tiến độ đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện cấp bách đã được đặt ra trong Tổng sơ đồ Điện 7, Tổng cục Năng lượng và Bộ Công Thương cũng đề xuất hàng loạt cơ chế đặc thù. Trong số các giải pháp này, vốn vẫn là câu chuyện được bàn tính nhiều nhất. Theo nhận xét của ông Ngãi, trước mắt và lâu dài đều cần tiền. Theo tính toán của phương án cơ sở được đưa ra trong Tổng sơ đồ 7, để đạt được con số tiêu thụ điện là 3.300 kWh/người/năm so với mức 1.000 kWh/người/năm hiện nay cần phải có công suất nguồn đặt là khoảng 70.000 MW vào năm 2020. Mục tiêu này cũng đòi hỏi mỗi năm cần 4,8 – 5 tỷ USD để đầu tư cho ngành điện. Đây là số tiền rất lớn mà nếu không được đáp ứng sẽ khó mà thực hiện được mục tiêu đặt ra trong Tổng sơ đồ 7.
Tuy giờ đây không chỉ có EVN đầu tư vào các dự án điện mà có tới 19 nhà đầu tư khác, trong đó có 7 nhà đầu tư điện theo hình thức nhà máy độc lập (IPP), 8 nhà đầu tư nước ngoài đang làm điện BOT hay hàng chục nhà đầu tư làm thuỷ điện nhỏ và vừa, nhưng nỗi lo về vốn chưa bao giờ thôi nóng với ngành điện.
Nhiều dự án chậm tiến độ – Văn phòng Ban chỉ đạo nhà nước về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia vừa có báo cáo cho hay, trong số 15 dự án dự kiến đưa vào vận hành năm 2012 hiện chỉ có dự án Thủy điện Sơn La và dự án nhiệt điện Mạo Khê máy 1 là đạt tiến độ yêu cầu. Các dự án còn lại đều bị chậm khoảng 3 tháng, đặc biệt có những dự án sẽ chậm đến 9 tháng. – Đối với 8 dự án có kế hoạch vào vận hành trong năm 2013, hiện đã xác định được Nhiệt điện Vũng Áng I máy 2 và Nhiệt điện An Khánh I máy 2 sẽ bị lùi tiến độ phát điện sang năm 2014. – Trong số 6 dự án có kế hoạch khởi công năm 2012, có dự án nhiệt điện Thăng Long đã phải chuyển sang quý I/2013. Đối với 8 dự án điện lên kế hoạch khởi công vào năm 2013, đã nhìn thấy 3 dự án là Nhiệt điện Vân Phong I, Nhiệt điện Duyên Hải II và Nhiệt điện Nghi Sơn II đã chắc chắn không khởi công được theo kế hoạch đã định. Ngoài việc một số dự án chưa ký được hợp đồng vay vốn, không ít dự án nhiệt điện chưa xác định được nguồn than nhập khẩu hay thời điểm có khí để phát điện. |
Bài: Yên Hưng