Thế nhưng anh này không hiểu sao lại thú thật là cũng đôi khi …bịa ra viết, bịa nhưng không ai cãi được. Chẳng hạn, hễ trời mưa to, hỏi bên khí tượng thủy văn đo được lượng mưa trên dưới 200 mm, cứ thế suy ra huyện lúa Yên Thành bị ngập 1000 ha! Vùng trũng mà, cứ nước xuống cỡ ấy là ngập, hơn nữa con số diện tích trồng trỉa làm gì thay đổi mà sợ sai, năm nào mà chả thế. Nói xong hắn cười hề hề…
Có lần mưa gió rào rào, ai cũng chúi mũi vào việc chằng chống nhà cửa, bồi đắp đê đập, an toàn cho người và gia súc, gia cầm..Vậy mà anh bạn này vừa ló mặt về liền đưa một thông tin ráo hoảnh: bên ban chỉ huy phòng chống lụt bão, dàn máy chữ đang gõ rào rào để thống kê thiệt hại, làm báo cáo nhanh, xin trợ cấp! Nghĩa là cứ ước lượng gió bão cấp nào thì lúa ngập hỏng bao nhiêu, nhà cửa đổ bao nhiêu, thiệt hại bao nhiêu… tính toán cộng trừ không sót một hộ nào, một con chó, con gà nào, cứ theo đó mà in ra, gửi gấp! Hắn lại cười hềnh hệch, mặc lại áo mưa và lao đi như mỗi lần được giao việc.
Nhưng hôm nay gặp lại thì không thấy cợt nhả như cũ.
Rốn lũ, tâm bão là hình ảnh quen như cơm bữa vậy mà năm nào mưa bão cũng gây ra những sự cố bất ngờ và hậu quả đáng tiếc, đừng có đùa – anh bạn bỗng trầm ngâm. Có khi dự báo bão vào Vinh, nhưng cuối cùng lại rẽ ra Quỳnh Lưu, trong khi ở đó cứ ăn no, ngủ kỹ, thế là trở tay không kịp. Hay như hoàn lưu bão gây mưa sau khi bão đi qua nhẹ nhàng ở nơi khác, làm ngập lụt nơi này. Rồi mưa to ở thượng nguồn, đang đêm gây lũ quét, lũ ống ở một số vùng, gây ngập úng ở hạ nguồn. Tóm lại là chẳng lúc nào giống nơi nào, không phải kinh nghiệm nào cũng có thể áp dụng ngay được.
Bức ảnh “Bò vào ốc đảo Nậm Giải” của tác giả Hữu Khá
Được mọi người im nghe như thầm cổ vũ, anh bạn cao hứng : Ở đâu thì công tác phòng chống lụt bão cũng cứ phải là phương án “4 tại chỗ”. Trong đó, “vật tư, phương tiện tại chỗ” luôn được quan tâm. Đặc điểm tình hình mỗi nơi một khác, không thể cứ rổ tre, rổ thép, bao cát, cọc tre, thuyền bè, đất đá dự trữ…là xong. Vấn đề là miền biển phải lo chống sóng dữ, triều cường, nước vào, nước ra. Còn miền núi cao phải có phương án sát hợp với địa hình rộng lớn, dễ chia cắt, khó liên lạc, lo sạt lở đất, lo mất đường tiếp viện …
Thế nhưng khi chăm lo những việc lớn như trên, nhiều khi chúng ta lại bỏ quên những việc nhỏ, mà thực ra là không hề nhỏ.
Còn nhớ, trận lũ quét ở Nậm Giải-Quế Phong xảy ra đêm 5 tháng 10 năm 2007 đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề, phải mất mấy ngày sau mới giải quyết được tình trạng chia cắt vùng này với xung quanh. Để kịp thời động viên bà con nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống, lãnh đạo tỉnh, huyện cùng các nhà báo đã phải vượt suối lũ, đèò cao, băng rừng đến tìm hiểu và thông tin xử lý công việc tại chỗ.
Sau đó không lâu, trong một lần nói chuyện với cán bộ cốt cán toàn tỉnh, ông Bí thư Tỉnh ủy là người từng dẫn đầu đoàn công tác Nậm Giải phát biểu: “Đi lên vùng núi cao, tôi bỗng nghiệm thấy phương tiện chống lũ lụt cần dùng nhất, thiết thực nhất, dễ làm nhất trước hết nên có, nên dùng là những đoạn dây thừng.
Mỗi khi qua suối sâu, nước dâng cao, chảy xiết, cầu sập, cầu trôi…chỉ một đoạn dây thừng nối hai bờ suối là mọi người có thể bám vào mà vượt qua. Ở những nơi bà con thường xuyên đi lại, ở những tuyến đường độc đạo, chỉ cần bố trí sẵn, chôn sẵn những chiếc cọc, thân cây và buộc vào đó những đoạn dây, bất cứ ai cũng có thể bám vào đó mà đi, mà vượt suối, an toàn, thuận tiện
Điều cần nói là thứ vật liệu đơn giản này ai cũng có thể làm được, mang theo được như người miền núi ra khỏi nhà đi rừng luôn mang theo con dao. Phải bổ sung ngay vào phương án phòng chống lụt bão của cơ sở cả các thứ dây, rợ, chạc, chão…Phải nói cho mọi người hiểu mà làm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Đừng bao giờ xem nhẹ, dù là một việc nhỏ trong công tác phòng chống bão lụt, nhiều khi chỉ cần một đoạn dây mà cứu sống bao nhiêu mạng người…”.
Ông Bí thư vừa nói về đoạn dây thừng ấy là nhân vật chính trong tác phẩm ảnh “Bò vào ốc đảo Nậm Giải” của tác giả Hữu Khá, đoạt giải Nhất của Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh (2008). Ông Bí thư trong ảnh là người đội mũ bảo hiểm màu xanh, bận đồ lót, áo quần quàng cổ, vượt suối cùng đoàn công tác. Cũng từ loạt bài ảnh về chuyến đi này, còn có bài “Công bộc của dân” cũng chính là nói về ông Bí thư Nghệ An hồi đó.
Anh bạn tôi vẫn chưa dứt đà hứng khởi: Làm báo như mình sống lâu lên lão làng, làm sao bằng chú Thanh Lâm Thời sự VTV1 dẫn chương trình phòng chống bão lụt vừa nói vừa ứa nước mắt, làm sao bằng cô Thanh Bình, Xứ Huế mặc áo mưa lội nước đưa tin trực tiếp, cũng không bằng bác Thế Kỷ làm phim “Nghệ An – 10 ngày 3 cơn bão lớn” (1989) xem thấy cơ cực và gian nan và vượt thoát vô cùng.
Mà nói thêm nhé, dọc Quốc lộ 1, nhiều nơi trong Nam, thỉnh thoảng vẫn thấy cô giáo mầm non đi đầu cầm một đoạn dây, các cháu cứ bám vào đó, cô đưa cả đoàn qua đường, rất hay. Còn nhớ bản tin Thời sự lần ấy đưa tin về cơn bão Nesat (2011) gió mạnh cấp 13 đổ bộ rào rào vào đảo Luzon – Philippin và gây thiệt hại khủng khiếp . Nơi mỗi năm phải gánh chịu bình quân 23 cơn bão lớn, hẳn người ta phải có nhiều kinh nghiệm phòng chống. Cứ xem thì biết và bất ngờ, mà giật mình: giữa phố xá nước dâng đến gần nửa thân người, một đoàn người dân Philippin tay nắm chặt đoạn dây lần lượt đi qua phố xá ngập nước, cứ như ở Nậm Giải, Quế Phong ta vậy!
Nói thế để thấy ông Bí thư quả là cụ thể, sát thực. Và báo chí ta cũng thật tinh tường, nhất là những người trẻ mà xông xáo như Hữu Khá. Đâu như mình sống lâu lên lão, thỉnh thoảng viết tin bài lại …bịa tí chút, thêm tí mắm tí muối mà nếu không tự giác khai ra thì về hưu rồi cũng cấm ai biết, hề hề…
Theo Vietnamnet