Kỹ tính và cầu toàn, đạo diễn Tấn Lộc và cộng sự của mình – đạo diễn Việt Tú đã khiến các khán giả Hà Nội tới xem vở múa “Sương sớm” bị choáng ngợp ngay khi bước chân tới sảnh tầng 1 rạp Công Nhân bởi khu sắp đặt ấn tượng với quang gánh, thúng, nia, giỏ… được phủ một lớp thóc. Tiếng côn trùng văng vẳng kêu. Mùi sả tỏa ra thơm ngút ngàn…
Ngay cả lúc tập luyện, tổng duyệt thì đạo diễn Tấn Lộc vẫn yêu cầu diễn viên phải gánh những chiếc hương vòng thật để họ có những cảm xúc thật nhất. Có lẽ vì sự kỹ tính ấy mà không chỉ khán giả Sài Gòn ngất ngây mà ngay cả những khán giả bị cho là khó tính như ở Hà Nội cũng phải xuýt xoa khen ngợi.
Gần 30 nghệ sĩ đoàn Arabesque đã kể một câu chuyện, ở đó có những người nông dân lưng cong lặng lẽ cần mẫn trên cánh đồng của mình; có những day dứt, vật vã của những người đàn bà vắng chồng, khát yêu thương; có những con người nhỏ bé nghèo khổ vật lộn với thiên tai… thông qua ngôn ngữ cơ thể.
Mỗi câu ca, mỗi điệu nhạc, mỗi câu hò đều được chọn lọc trong vở “Sương sớm” hết sức tinh tế. Đó là tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hải Phượng day dứt, là câu vọng cổ mùi mẫn của nghệ sĩ Hồng Thắm vang lên phá vỡ không gian tĩnh lặng, là tiếng đàn bầu thánh thót của bản Dạ cổ hoài lang.
Ngoài yếu tố âm nhạc, âm thanh và vẻ đẹp uyển chuyển của những động tác hình thể, nghệ thuật xử lý ánh sáng ngang (thông thường các vở múa đạo diễn hay chọn cách chiếu ánh sáng trực diện hoặc từ trên xuống) của Tấn Lộc tạo nhiều lớp khiến cho sân khấu có chiều sâu. Ngay cả việc chọn màu sắc trang phục cũng giúp cho vở diễn trở thành một bữa tiệc thị giác mãn nhãn.
“Sương sớm” gợi nhớ lại cho khán giả thủ đô những câu chuyện và hình ảnh họ đã từng có trong ký ức, từng được gặp đâu đó vẫn còn lưu lại trong trí nhớ hoặc vô tình bị lãng quên.
Một số hình ảnh trong “Sương sớm”:
Bài: Sơn Hà
Ảnh: Mạnh Thắng