Chị Thanh Hương, nhà quận 3, TP HCM đến đáo hạn sổ tiết kiệm tại Sacombank thì được nhân viên thông báo, nếu muốn hưởng lãi suất cao nhất 12% thì phải gửi duy nhất ở kỳ hạn 13 tháng, các kỳ khác lãi thấp hơn. “Với kỳ hạn này, lần gửi trước đó tôi được trả lãi tới 13%, thậm chí đợt trước nữa có lãi tới 13,5%. Như vậy là giờ đã bị giảm mất 1-1,5% mỗi năm”, chị nói.
Lãi suất có khả năng hạ trong thời gian tới. Ảnh: Anh Quân
Trong khi đó, chị Ngọc, quận 1, TP HCM còn than rằng, chị mới đáo hạn sổ tiết kiệm tại VIB với mức lãi suất cao nhất chỉ 11% cho kỳ hạn 12 tháng. Chị cho biết vì đây là ngân hàng gần nhà nên vẫn tiếp tục gửi lại chứ không mang sang nơi khác.
Không chỉ bị giảm lãi suất, nhiều khách hàng còn cho biết không được nhà băng ưu ái bằng các chương trình khuyến mãi tặng quà rậm rộ như trước nữa. “Gửi tiền cả trăm triệu đồng nhưng tôi chỉ được nhân viên ngân hàng tặng kèm cho tấm lịch treo Tết với lời nói : Cảm ơn vì đã ủng hộ ngân hàng chúng em”, chị Nga, một khách hàng gửi tiền tại một phòng giao dịch của ngân hàng quốc doanh nằm trên địa bàn quận Bình Tân kể.
Nhân viên tại Eximbank cũng cho hay, thay vì lãi suất cao nhất áp dụng trước đây là 12,8% một năm, giờ chỉ còn 11,5% cho kỳ hạn 12 và 13 tháng kể từ ngày 5/12. Trong khi đó ở ngân hàng Vietcombank, lãi suất kỳ hạn 12 tháng khá thấp, chỉ 10% một năm, thấp hơn 0,5% so với mức lãi cũ. Các kỳ hạn dài khác cũng chỉ được trả lãi ở mức 10,5% một năm.
Lần lượt các ngân hàng lớn khác như Vietinbank, Agribank, ACB…lãi suất cao nhất hiện nay dành cho người gửi dài hạn cũng đã điều chỉnh xuống quanh mức dưới 12% một năm, thay cho 13% trước đó. Không chỉ giảm lãi suất, nhiều ngân hàng còn không mặn mà huy động kỳ hạn dài.
Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu Nguyễn Thanh Toại cho rằng, thực tế hiện nay buộc các nhà băng phải tự cân nhắc để đưa ra mức lãi huy động hợp lý. “Và việc giảm lãi suất đầu vào là điều mà ngân hàng thấy cần thiết trong bối cảnh này, chứ không phải do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu”, ông nói.
Chung chia sẻ, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại đường 3/2, quận 10 cho rằng, thay vì các năm trước, cuối năm thường là thời điểm tín dụng tăng mạnh, lại lo người dân rút tiền ra chi tiêu dịp Tết nên các nhà băng khá căng thẳng trong việc hút vốn. Tuy nhiên, năm nay thì tình hình khác hẳn. Đến thời điểm này tín dụng vẫn không đẩy ra được thì việc ôm quá nhiều vốn huy động vào lúc này phải được nhà băng cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Trong đó, giảm lãi suất đầu vào là điều bắt buộc”, ông nói.
Cũng với tinh thần trên, Lãnh đạo Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thông tin, thanh khoản của nhà băng hiện vẫn tốt nên giảm thêm lãi suất huy động không ảnh hưởng gì đến hoạt động huy động vốn của ngân hàng.
Ông nhận định thêm, nếu so với các kênh khác như bất động sản, chứng khoán, vàng…thì mức lãi gửi tiết kiệm như hiện nay vẫn là khá tốt. “Tôi nghĩ rằng, không chỉ vì lãi suất huy động giảm nhẹ trên dưới 1% mà khách hàng không gửi tiền vào ngân hàng nữa”, ông nhận định.
Quan sát thị trường có thể nhận thấy, đợt giảm lãi suất lần này được bắt đầu từ những ngày đầu tuần trước. Mở đầu là các ngân hàng lớn, sau đó gần như đồng loạt các ngân hàng nhỏ cũng có mặt trong đợt giảm lãi suất này. Một chuyên gia kinh tế tại TP HCM cho rằng, đây có thể coi là tín hiệu tích cực tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo ông, nếu thời gian tới, điều kiện vĩ mô ổn định, hệ thống ngân hàng được tái cơ cấu và hoạt động lành mạnh, Việt Nam có thể dỡ bỏ dần các biện pháp hành chính như trần, sàn….để các nhà băng hoạt động tốt hơn theo cơ chế điều tiết thị trường.