Kỳ 10 Tác giả Phương Mai đang trên một chuyến hành trình để viết sách mang tên “Con đường Hồi giáo”. Chuyến đi bắt đầu ở Saudi, nơi Hồi giáo khởi phát, sau đó theo chân các chiến binh Hồi giáo tỏa sang châu Phi đến Ma Rốc, và châu Á đến Ấn Độ. Các chiến binh Hồi giáo chiếm được thành phố nào thì tác giả sẽ đến đúng thành phố ấy. Đây là dải đất hùng vĩ của nền văn minh Hồi giáo thời kỳ cực thịnh. Mời các bạn theo dõi nhật ký chuyến đi trên Đẹp hàng tháng, phần một “Khởi đầu gian nan” bắt đầu khởi đăng từ số tháng 2/2012. |
Tất cả những gì tôi tâm niệm trong đầu khi xếp hàng chờ qua cửa khẩu Israel là: “Không cho chúng nó đóng dấu! Nhất định là Không-Cho-Chúng-Nó-Đóng-Dấu!”.
Trở về miền đất hứa
Đền thờ đạo Bahai ở Israel. Tôn giáo này xuất xứ từ Hồi giáo nhưng nhanh chóng trở thành một tôn giáo độc lập, dung hòa và có số đệ tử phát triển nhanh nhất so với các tôn giáo còn lại trên thế giới.
Tamara là người Nga, sinh ra trong một gia đình theo Do Thái giáo. Một ngày kia, cô được mai mối cho một anh chàng cũng sống ở Nga nhưng nhìn như người ngoài hành tinh. Anh ta cạo trọc tóc chỉ để hai lọn dài vàng óng uốn xoăn tít ở hai bên mai rồi chụp lên trên một cái mũ quả dưa. Avia cầu hôn cô, nói rằng không những yêu cô mà việc cưới một người con gái Do Thái cũng tự nhiên và cần thiết như cá thì phải về với nước vậy. Luật Do Thái ghi rõ rằng tôn giáo đi theo dòng mẹ. Chỉ có những đứa trẻ sinh ra từ một người mẹ Do Thái thì mới đương nhiên được công nhận là người Do Thái. Việc ông bố có ngoan đạo sùng tín đến cỡ như Avia, sống ở Nga mà vẫn cạo đầu để lọn chụp mũ, nhưng nếu không cưới một cô vợ Do Thái, hoặc ít nhất… mẹ của cô ấy phải là người Do Thái, thì con cái sinh ra cũng sẽ là người ngoại đạo.
Tamara trở thành vợ, và được ông chồng giàu đức tin giúp cô hiểu được nguồn gốc của dân tộc mình. Avia dạy cô nói tiếng Hebrew (Do Thái), cùng cô tra gia phả của dòng họ để biết rằng tổ tiên của cả hai người chỉ là một trong hàng triệu triệu nhánh nhỏ của người Israel từ suốt ba thiên niên kỷ nay lưu lạc khắp năm châu bốn bể.
3000 năm trước, người Do Thái lập nước ở vùng Trung Đông nơi Jerusalem là trái tim thiêng liêng của tôn giáo. Với dân tộc Do Thái, vùng đất này là những gì Chúa trời đã hứa với tổ phụ của họ Abraham, như kinh Cựu Ước đã ghi: “Ta ban cho con cháu của ngươi mảnh đất này, trải rộng từ sông Ai Cập đến sông Euphrates…”.
Vì thế đây còn gọi là miền đất hứa (the Promised Land). Đổi lại, Abraham và các con cháu của ông phải thực hiện nghi lễ rạch bao quy đầu – một cuộc phẫu thuật nhỏ mở phần da ở đầu dương vật – để được công nhận là người thừa kế miền đất hứa. Việc tại sao Chúa lại đòi hỏi một cái điều kiện có vẻ “trời ơi” như vậy thì còn nhiều tranh cãi. Nhưng đại đa số cho rằng rạch bao quy đầu sẽ vệ sinh hơn do cặn bã không còn nơi tích tụ, và nghi lễ này cũng mang tính tượng trưng cho việc mở trái tim mình để hoàn toàn cởi lòng không vẩn đục với Chúa (circumcision of the heart).
Trên những con phố Israel
Từ trên một ban công nhỏ nhìn xuống bức tường Than Khóc, nơi tột đỉnh linh thiêng của đạo Do Thái.
Hai năm sau ngày cưới, Tamara cùng chồng khăn gói rời Nga di cư đến Israel. Đối với họ, “di cư” có thể bị hiểu là một từ khá phỉ báng, vì thực ra họ chỉ trở về nơi cội nguồn của dòng giống Israel, nơi vua David lập nên vương quốc Israel từ 3000 năm trước, nơi người Israel bị hết chế độ thống trị này đến chế độ đô hộ khác chèn ép, xua đuổi khỏi đất đai của tổ tông, và suốt hàng nghìn năm qua vẫn liên tục tìm đường trở về. Hai vợ chồng Tamara hòa vào hàng triệu người Do Thái chủ yếu từ châu Âu và Nga hối hả đặt chân vào Israel và ngay lập tức trở thành công dân Israel. Luật pháp của Israel đã quy định rõ: Bất kỳ ai, chỉ cần chứng minh được mình là người Do Thái, thì sẽ được trao hộ chiếu.
Trên một chuyến xe điện tại Israel, một cậu bé Do Thái ngồi cạnh một ông già Do Thái, đứng phía xa là một phụ nữ Hồi giáo. Cùng với Thiên Chúa giáo, các tôn giáo lớn này (cùng thờ một đức Chúa Trời/Allah/God) chung sống bên nhau ở Israel.
Trong tổng số khoảng 800 giải Nobel từng được trao có tới ít nhất 20% thuộc về những người Do Thái sinh sống chủ yếu ở Mỹ và châu Âu. Cùng với dòng người trở về là một lượng kiến thức khổng lồ từ khắp năm châu bốn biển, sự đa dạng về văn hóa, sự rộng dài về tầm hiểu biết, sự nhạy bén và linh hoạt của những kẻ đã được thử lửa, đã kinh qua đau thương và mất mát, dám chấp nhận thử thách, dám thay đổi, dám xóa bỏ và làm lại từ đầu. Với một lịch sử non trẻ chỉ chừng 60 năm, từ năm 2002 đến nay trung bình cứ một năm rưỡi Israel lại có một người được tặng giải Nobel.
Bảo vệ miền đất hứa
Tuy nhiên, gì thì gì, lịch sử Do Thái như kể trên vẫn chỉ là từ cái nhìn của tôn giáo. Miền đất hứa sau bao thăng trầm của lịch sử đã có thêm rất nhiều sắc dân Ả Rập tới sinh sống, trong đó có người Palestine. Việc dân Do Thái quay trở về đất tổ suốt cả ngàn năm qua càng ngày càng có nhiều ì xèo từ phía dân Ả Rập. Sau thảm họa diệt chủng Đức Quốc xã giết 5 triệu rưỡi dân Do Thái và làn sóng “trở về” lên đến đỉnh điểm, Liên Hợp Quốc đề xuất việc chia mảnh đất này làm hai phần, một cho dân Do Thái lập nhà nước Israel, một cho dân Palestine, riêng Jerusalem thì trở thành trung tâm quốc tế do Liên Hợp Quốc kiểm soát.
Những cậu bé Do Thái trong một phiên chợ trước ngày thứ bảy (ngày nghỉ lễ của người Do Thái)
Nghệ thuật đường phố ở Tel Aviv
Dân Do Thái đồng ý và lập tức thành lập nhà nước Israel. Dân Ả Rập ở cả miền đất hứa và gần như toàn bộ Trung Đông kịch liệt phản đối cái gai đâm vào mắt này. Chỉ một ngày sau khi nhà nước Israel non trẻ tuyên bố thành lập, liên minh 5 nước khổng lồ quanh đó gồm Ai Cập, Jordan, Syria, Iraq và Li Băng đồng loạt nổ súng tấn công. Đất đai giành giật, chiếm đi cướp lại xóa nhòa đường biên vốn do Liên Hợp Quốc đề xuất. Israel mới đầu chỉ là tự vệ, sau càng đánh càng hăng, trên đà thắng thế chiếm luôn cả Jerusalem làm thủ đô, rồi đem quân đến kiểm soát cả một phần lớn vùng đất Palestine, vì thế nên đây còn là vùng bị chiếm đóng.
Người Do Thái mộ đạo trong một buổi lễ tôn giáo
Suốt trong vài thập kỷ, cuộc chiến ở vùng nóng Trung Đông này bản chất là cuộc chiến giữa Israel Do Thái giáo và Liên minh Ả Rập Hồi giáo đòi quyền làm chủ “hộ” cho dân Palestine thấp cổ bé họng trên vùng đất hứa. Chỉ cho đến gần đây tiếng nói Palestine mới thực sự chiếm diễn đàn do hầu hết các nước trong Liên minh Ả Rập đã bình thường hóa quan hệ với Israel hoặc ngừng cuộc chơi đổ máu. Vua Jordan thậm chí còn mạnh mồm tuyên bố với con dân: “Ai mà dám đụng vào người Israel thì ta sẽ tự tay bóp chết!”
Mỗi người dân là một người lính
Tôi ở nhờ nhà của Tamara và Avia khá lâu, nhưng cho đến gần khi rời đi mới phát hiện ra cái phòng mình ngủ được trang bị một bộ cánh cửa sổ bằng thép rất kỳ quái. Tường nhà cũng rất dày, chừng 30cm. Tiếng Do Thái gọi căn phòng này là mamad. Từ năm 1991 khi Israel bị Iraq tấn công bằng tên lửa Scud, mỗi gia đình ở Israel phải trang bị một căn phòng kiên cố như vậy để tránh vũ khí hóa học và sinh học. Đóng cửa vào là gần như vô trùng. Đóng lâu quá đà chắc chết ngạt luôn.
Một đôi tình nhân lưu luyến trên chuyến xe điện chở họ quay lại doanh trại quân đội.
Sống chung với bão, đối với người Israel, đây là đất nơi tổ tông họ 3000 năm trước từng hưng danh lập quốc, nhưng Israel đã và sẽ mãi mãi là chiếc gai đâm vào mắt cộng đồng Hồi giáo Ả Rập ở Trung Đông, như một kẻ ngang nhiên chiếm đất.
Kỳ sau: Palestine – Bèo dạt mây trôi
EMAIL dr.nguyenphuongmai@gmail.com
TWITTER www.twitter.com/thequest2quest
Bài & ảnh: Phương Mai