16 mét vuông - Tạp chí Đẹp

16 mét vuông

DELETED

Chưa đến mùa mưa mà ông trời đã giở trò keo bẩn trong trách nhiệm rót nắng. Thế nên cả ngày cứ âm âm u u. Buổi sáng thức dậy, hai hàng cây trên phố lười rửa mặt, dật dựa gục đầu vào nhau, cố gắng che giấu những chiếc lá ủ rũ bám đầy bụi khói, thỉnh thoảng hé mắt thờ ơ nhìn xuống dòng người nhung nhúc chen lấn nhau chạy quáng quàng trên phố. Hệt như một bức tranh có bố cục chật chội lại bị dùng quá nhiều tông màu lạnh, để rồi gây nên một cảm giác trầm uất và khó thở cho người xem.

Thứ bảy cơ quan ít việc nên phải “sáng tác” ra một lý do để lẩn trốn, bèn bịt mũi khiến giọng nghèn nghẹt đúng kiểu người bị cảm cúm, gọi điện xin sếp cho nghỉ. Chẳng biết sếp có tin không nhưng vẫn “ừ” một cách miễn cưỡng, mà nếu không cho thì nhân viên cũng đã quyết “ngã bệnh” rồi, đành phải “ừ” thôi! Nằm trăn qua trở lại một chốc thì chán. Bật ti-vi kênh nào cũng thấy toàn những chương trình ca nhạc nếu không nghèo nàn tẻ nhạt thì cũng rặt một thứ lai căng! Đành cưỡi xe xuống phố, định bụng ra quán cà phê quen. Nhưng vừa ló mặt ra đường đã thấy đám đông nghẹt cứng, mặt mũi liền tối sầm. Thấy người bỗng dưng mệt ra, có vẻ như bị cảm cúm thật. Bèn lập tức hiểu ngay ra rằng sáng thứ bảy thế là đã bị phá hỏng rồi. Vì trời âm u và vì người nhung nhúc. Rốt cuộc là quay xe trở về. Mà về đâu? Còn về đâu nữa, ngoài căn phòng mười sáu mét vuông?

Tôi sống và làm việc trong những căn phòng mười sáu mét vuông. Những căn phòng mười sáu mét vuông luôn được tận dụng triệt để mọi khoảng không gian từ mặt bằng cho đến mặt đứng, nhằm đặt-để-treo-mắc-ốp… nhiều loại máy móc.






Tôi sống và làm việc trong những căn phòng mười sáu mét vuông. Những căn phòng mười sáu mét vuông luôn được tận dụng triệt để mọi khoảng không gian từ mặt bằng cho đến mặt đứng, nhằm đặt-để-treo-mắc-ốp… nhiều loại máy móc.


Có quá nhiều loại máy móc tồn tại trong những căn phòng mười sáu mét vuông! Nào là máy in trắng đen nhãn hiệu HP LaserJet 5M, nào là máy in màu Epson Stylus Color 900, nào là máy Scanjet 4C, nào máy Scanner Epson 1600 Pro., nào máy lạnh hiệu Philco ngựa rưỡi hay hai ngựa, rồi thì các máy vi tính thuộc hệ PC và Macintosh, cả những loại máy móc khác nhỏ bé hơn nhưng cũng “tinh vi” hơn như máy quay phim kỹ thuật số hiệu Kodak, máy ảnh cũng kỹ thuật số hiệu Nikon… và…

Đấy là văn phòng thiết kế, nơi tôi cật lực lao động tám tiếng không muốn và cả không dám mệt mỏi hay nói đúng ra là phải cố gắng che giấu sự mệt mỏi. Rồi khi trở về nhà, cũng với căn phòng mười sáu mét vuông, nơi tôi thường xuyên bật nút “Power” chiếc máy vi tính PC (lại máy vi tính?) với bộ vi xử lý Pentium III đang trở nên lạc hậu thê thảm, để thiết kế vài việc vặt có được từ những mối quan hệ hoặc ơ hờ hoặc thân thiết, rồi còng lưng gõ văn bản, trao đổi e-mail hay nghe nhạc MP3. Chiếc máy hát cũ mèm chỉ có giá trị kỷ vật hơn là giá trị sử dụng, vứt chỏng chơ nơi góc tường giăng đầy bụi và mạng nhện; chiếc tivi hiệu Samsung loại 17inches màn hình phẳng, tuy còn mới cáu nhưng một hôm nọ nổi máu “hâm”, tôi đã cho vài vệt sơn dầu màu vàng cam khiến nó đánh mất vẻ hài hòa sang trọng và trở nên cực kỳ lố bịch. Khi tôi hiểu ra thì đã quá muộn, đành quay ra o bế cái đầu máy DVD có linh kiện ngoại được lắp ráp tại nội địa, nhưng chỉ chuyên đọc những đĩa VCD Tàu kém chất lượng nên mắt đọc đã “mù” đi nhanh chóng, khiến sáu tháng một lần tôi phải vác đi cân chỉnh lại!

Còn gì nữa nhỉ, trong căn phòng mười sáu mét vuông? Còn rất nhiều! những thứ linh tinh được đặt-để-treo-mắc-ốp… vào mọi khoảng trống có thể, những vật dụng cần thiết tối thiểu cho một đời sống độc thân và cả những thứ chỉ có tác dụng trang trí, mà vì phút ngẫu hứng nào đó hoặc thậm chí là đua đòi, tôi đã tha về “khủng bố” thêm cho căn phòng một vẻ chật chội quá tải. Bằng cách đó, tôi khai thác triệt để tuổi trẻ của mình trong những căn phòng mười sáu mét vuông!

Những đêm mất ngủ, tôi nghĩ rằng rất có thể suốt quãng đời thanh niên, tôi sẽ phải lặn ngụp trong khói bụi phố phường và trú ẩn trong những căn phòng mười sáu mét vuông hiếm khi có cửa sổ. Sáng tôi ra đi và khuya tôi trở về. Những chiếc máy đủ thứ kiểu dáng, đủ thứ nhãn hiệu, đủ thứ công năng được bật lên, tỏa ra đủ tầng nấc nhiệt lượng, vang lên đủ thứ tiếng kêu sinh động và khắc khoải. Tôi khai thác chúng và chúng khai thác lại tôi. Chúng hút lấy tôi, bám lấy tôi, tiêu phí tiền bạc – sức khỏe – thời gian của tôi; và, tôi nuôi nấng nỗi cô đơn lẫn ích kỷ của mình trong những căn phòng mười sáu mét vuông có quá nhiều máy móc!

“Mày giàu có quá!” – “Nghệ hâm” khẽ nói cái câu đã nói đi nói lại quá nhiều lần, khiến tôi thấy chúng vô hồn như thứ âm thanh digital được ghi sẵn vào đĩa rồi phát ra từ một trong những cái máy đang hiện diện trong phòng. Ba mươi phút trước đây “Nghệ hâm” đã rời bỏ căn phòng cũng mười sáu mét vuông của nó, chạy rong trên phố mà không hề dừng lại một nơi nào. Dù những quán cà phê bây giờ đã được “deco” công phu với nhiều kiểu dáng quyến rũ và sang trọng, những quán vườn thích hợp với “type” người ưa sự trầm tư cũng đã trầm tư hơn (nghĩa là các em phục vụ mặt cố ra vẻ man mác buồn, nhạc vặn nhỏ volume cho rỉ rả, còn các chậu cây cảnh thì lòa xòa không cắt tỉa thái quá hòng tạo cảm giác thật tự nhiên). Tôi hiểu bạn tôi, rất nhiều lần tôi cũng đã chạy trốn căn phòng của mình bằng cách chạy rong trên phố như thế, với hy vọng những tiếng động ầm ĩ của xe cộ, tiếng la hét, chửi bới của những người bán rong trên hè phố… sẽ khiến tôi có cảm giác như đang vào cuộc bận rộn. Xét cho cùng đó là một sự bận rộn “ảo”, một đối xử độc ác với chính bản thân mình. Tôi thảy tôi ra đường với mục đích chối bỏ một thứ, để rồi phải hứng chịu nhiều thứ khác. Bằng cách đó, tôi đang giết dần tuổi trẻ của mình bên ngoài những căn phòng mười sáu mét vuông!




“Nghệ hâm” lại hỏi: “Lâu rồi có gặp Min không?”. Tôi bảo rằng không thường lắm. Min là một trong những gương mặt bạn bè thân mà mỗi tháng chúng tôi chỉ còn có khả năng gặp nhau chỉ vài lần, còn phần lớn là liên lạc qua điện thoại. Bằng cách thông qua những thứ máy móc diệu kỳ, chúng tôi chia sẻ những câu chuyện đáng lý ra phải được nói trong một không gian khác. Tôi nhớ một đôi lần, Min đến, thái độ uể oải và dè dặt. Trông nó bắt đầu béo ra ở bụng vì ngồi quá lâu trước máy vi tính vào ban ngày và các quán bia vào ban đêm. Nó nhìn quanh căn phòng của tôi như so sánh rằng giữa tôi và nó ai sẽ giàu hơn, bằng cách đếm và ước lượng tổng số tiền tôi mua sắm những thứ máy móc hiện đại đó. “Tao không còn sống chật vật như trước, nhưng đã nếm thấy mùi nhàn nhạt của đời. Hình như tao đang chai sạn và lạnh lùng. Thấy mọi thứ đều vô nghĩa!”. “Bệnh của những người thành đạt sớm đấy mà” – tôi nhận xét, hơi mai mỉa và thoáng chút đố kỵ. “Mày nghĩ như thế thật à? Thành đạt? Hừ, cái câu “chưa mua được đất – chưa cất được nhà” là nỗi ám ảnh thường trực của tất cả những kẻ ngụ cư và nhập cư như tụi mình. Tao đã vượt qua được vế đầu, nhưng đã cảm thấy mệt mỏi vì hai từ thành đạt?”. “Mày mông lung quá! Có người cả đời không vượt qua được phân nửa câu nói ấy đâu. Mày phải biết hài lòng chứ?”, nói xong thì cảm thấy lòng quặn đau một chút và trái tim gần như bị tổn thương một chút. Có ai mà biết hài lòng về mình bao giờ? “Ừ, nhưng tao bỏ vẽ rồi”. “Vẽ vời! Máy tính có thể đẻ ra tiền nhưng không ai nặn sơn dầu ra mà ăn cả” – tôi chống đối yếu ớt. Câu chuyện vẫn miên man và rối rắm như thế, cho đến lúc chiều ập xuống. Thật ra, căn phòng tôi ở không có những buổi chiều, khái niệm chuyển biến về thời gian là không tồn tại. Vì nó tối tăm mờ mịt, tôi luôn phải bật tất cả các đèn nhưng không đem lại hiệu quả ánh sáng như mong muốn. Tôi luôn thèm khát một căn phòng có thật nhiều cửa sổ, một căn phòng tràn trề ánh sáng. Khi hiểu ra sự “thèm khát” trong tôi, Min đã kết luận: “Mày đòi hỏi quá!”.

“Mày đòi hỏi quá! Căn phòng của tao còn tối hơn!” – “Nghệ hâm” cũng kết luận, hệt như Min, khiến tôi hoang mang nghĩ rằng có lẽ mình đòi hỏi thật. Nó lại rít thuốc, ngồi dựa lưng vào tường, thở ra những vòng khói mang hình “còng số 8”. Đúng là bi kịch: khi nó công phu tập luyện cái trò ấy cho điệu nghệ thì khốn thay, chiếc còng số 8 ấy còng cuộc đời nó vĩnh viễn vào khói thuốc. Nhưng nó chẳng hối tiếc. “Ở đời ai cũng phải lệ thuộc vào một thứ gì đó. Như giống đực và giống cái phải lệ thuộc vào nhau. Tách riêng ra, đàn ông lệ thuộc quyền lực còn đàn bà lệ thuộc tình cảm. Chia nhỏ ra nữa, tao lệ thuộc vào ảo giác còn mày lệ thuộc vào những cái máy”. “Và tổng kết lại là tất cả chúng ta đều bị lệ thuộc vào những căn phòng, rằng không ai đủ can đảm phơi cuộc đời mình ra dưới ánh sáng mặt trời và những đám mây. Người ta gọi những kẻ không có chỗ chui ra chui vào là dân lang thang cùng quẫn, là dân màn trời chiếu đất. Đấy mày xem, rồi ai cũng phải dính chặt đời mình vào những căn phòng. Cả khi chết đi, chúng ta cũng bị lèn chặt lại bởi xác trà và hàng mớ vật dụng khác, rồi nhét vào một chiếc hòm chật chội tù túng. Không ai dám nằm chết thong thả dưới ánh mặt trời. Người ta sẽ gọi đó là một cái chết bất hạnh của những kẻ vô gia cư”.

Chúng tôi bỗng dưng im lặng sau câu nói ấy. Không gian chuyển động rậm rịch bên ngoài nhưng chẳng thể xua đi sự ngưng đọng trong căn phòng. Tia nắng, sợi gió rủ nhau đi hoang, nhòm ngó vào những căn phòng tăm tối bằng thái độ sợ hãi và tránh né. Cuối cùng, không chịu đựng nổi cảm giác tù túng, chúng tôi phải rời phòng đi ra quán.

Ở cái quán nhỏ cũ kỹ, không tên, nơi giọng Thái Thanh nhả tơ vướng vít trên những tán cọ vây bọc khắp lối đi, chúng tôi cùng nhau bàn luận về âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, văn học và muôn vàn những vấn đề phức tạp trong nghệ thuật. Nói say sưa, nói như bị bệnh dịch, nói về tất cả nhưng lại cố tránh né nói về tình trạng của chúng tôi, rằng làm cách gì để chúng ta thoát ra khỏi những căn phòng mười sáu mét vuông?

Rất khuya, tôi trở về nhà. Như một thói quen, tôi lại bật quạt cho chạy ro ro rồi khởi động máy tính để kiểm tra email, nhận mấy mẩu quảng cáo hấp dẫn truyền đi trên mạng, tìm kiếm và download vài ca khúc MP3 mà mình quan tâm. Sau đó tắt hết tất cả đèn và đi ngủ. Lúc ấy, vũ trụ chợt hiện ra. Bao giờ vũ trụ cũng sẽ hiện ra khi tôi tắt hết đèn. Đó là một bầu trời sao vĩ đại nằm trong diện tích trần mười sáu mét vuông. Khi tôi dọn về nơi ở mới, tất cả đã hiện diện như thế. Chủ nhân trước của căn phòng đã kỳ công đính những ngôi sao nhỏ li ti bằng một loại chất liệu hấp thụ nhiệt và phản quang trong đêm tối, khiến chúng trở nên lung linh huyền ảo như một bầu trời sao thật sự. Hàng đêm, để dỗ mình vào giấc ngủ, tôi luôn chong mắt ngước nhìn “bầu trời” để đếm sao mà chưa bao giờ biết chính xác có bao nhiêu ngôi sao tất cả. Bằng cách đó, tôi đã nuôi dưỡng ước mơ của mình trong những căn phòng mười sáu mét vuông!

“Ở lại với anh đêm nay!”. Khi tôi nói ra câu này, mặc dù đã thay chữ “ngủ” bằng chữ “ở” cho có vẻ “trong sáng”, nhưng thật lòng tôi vẫn thèm dùng chữ “ngủ” hơn, em tát cho tôi một cái khiến tôi phút chốc thấy được cả bầu trời sao khi chưa kịp tắt đèn. Tình huống này hệt như một cảnh phim tôi và em từng xem. Nhưng khác trong phim, sau khi giáng một cái tát cực mạnh, thay vì bỏ đi, em đã ở lại. Và đúng như lời cầu khẩn của tôi, em đã “ở lại” mà không “ngủ” với tôi. Khi nhìn thấy bầu trời sao, em đã khóc rưng rức






Nhưng rồi một ngày kia em không đến nữa. Ước mơ của tôi cũng sụp đổ hoàn toàn. Tôi không thể dùng từ “phản bội” để quy tội cho em. Trong đời sống có muôn vàn những cuộc chia tay không đoán trước, có rất nhiều lý do để biện minh.


vì xúc động. Tôi nhanh trí dối em rằng tôi đã kỳ công làm ra “vũ trụ” ấy cốt để em vui. Và em vui thật, sau khi ngừng khóc, em cùng tôi vẽ ra một viễn cảnh về một tương lai rực rỡ. Rằng chừng vài ba năm nữa, bằng tất cả nỗ lực của hai đứa, “chúng mình” sẽ vượt qua được cả hai vế của câu nói ám ảnh với dân ngụ cư: “Chưa mua được đất, chưa cất được nhà”. “Chúng mình” sẽ nhân bản hình thức “vũ trụ” như thế này cho tất cả các căn phòng, bất kể nó có nhỏ hơn diện tích mười sáu mét vuông, bất kể nó là phòng ngủ, phòng ăn hay toilet. “Con chúng mình cũng sẽ được sinh ra dưới vòm trời đầy sao như thế này. Vì em sẽ không đi Từ Dũ, mà sẽ rước hẳn bác sĩ sản khoa về nhà…”. Em nói miên man, miên man…, cho đến khi chìm vào giấc ngủ, bỏ tôi bay lượn một mình với niềm hạnh phúc choáng ngợp. Vậy là, tôi đã tìm kiếm được tình yêu của mình trong những căn phòng mười sáu mét vuông!

Nhưng rồi một ngày kia em không đến nữa. Ước mơ của tôi cũng sụp đổ hoàn toàn. Tôi không thể dùng từ “phản bội” để quy tội cho em. Trong đời sống có muôn vàn những cuộc chia tay không đoán trước, có rất nhiều lý do để biện minh. Dù rất đau buồn, tôi vẫn phải đi đi về về căn phòng nhỏ của mình, chia sẻ những tiếng động khắc khoải tỏa ra từ các loại máy móc, ngước mặt nhìn bầu trời sao trước khi đi ngủ và cố hy vọng đêm nào đó, em hoặc một người tương tự em sẽ quay lại. Tôi luôn tin là em sẽ quay lại. Tôi sẽ cố gắng để không đánh mất niềm hy vọng của mình trong những căn phòng mười sáu mét vuông!

Min đã xây được nhà và chuẩn bị cưới vợ. Nó hay điện cho tôi, cười nhiều và hứa giúp đỡ tôi về mặt tài chính cho đợt triển lãm tranh sắp tới. Trong những buổi chiều thứ bảy, tôi vẫn đến quán nhỏ một mình, nơi tiếng hát sầu não của Thái Thanh lan dài trên những tán lá cọ loang nước vì cơn mưa trút xuống ban chiều. “Nghệ hâm” thỉnh thoảng ngủ lại phòng tôi, tranh luận đủ thứ về âm nhạc – điện ảnh – sân khấu – văn học… Sau cùng chúng tôi bàn về một kế hoạch cụ thể hơn là mở một văn phòng thiết kế, chúng tôi sẽ vay vốn của Min, dù sao nó cũng là bạn tốt. Hàng đêm, tôi vẫn không ngừng xây dựng tương lai của mình trong những căn phòng mười sáu mét vuông!

Ôi những căn phòng mười sáu mét vuông có quá nhiều máy móc!

(Vũ Đình Giang)

Thực hiện: depweb

07/02/2005, 10:22