Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Rất phản cảm, cần phải thay đổi”
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh: LAD) |
Việc các bệnh viện mở khu dịch vụ, khám, điều trị “tự nguyện, theo yêu cầu” là một giải pháp thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế của Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Chủ trương đã được khẳng định là đúng, vấn đề là đẩy mạnh xã hội hóa bằng phương pháp nào và phải làm như thế nào cho phù hợp.
Nếu các bệnh viện không làm riêng khu dịch vụ, điều trị tự nguyện, theo yêu cầu ra một chỗ mà làm chung với khu vực khám chữa bệnh BHYT thông thường thì gây điều tiếng rất xấu. Về mặt xã hội nó tạo ra một hình ảnh phản cảm, rất dở, vì phân bịệt giàu nghèo ngay trong bệnh viện bởi vào cùng một bệnh viện nhưng một bên là “chủ nghĩa tư bản”, còn một bên là “chủ nghĩa xã hội”.
Bên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã đề nghị Bộ Y tế cố gắng dần tách riêng các khu vực này ra, muốn làm dịch vụ thì phải huy động vốn để xây dựng khu dịch vụ ra hẳn một chỗ khác, tránh vấn đề “nhạy cảm”.
Nhưng Bộ Y tế cho biết đó là phương hướng về lâu về dài, còn ở thời điểm hiện tại thì ngành y tế thiếu rất nhiều nguồn lực (cả về tài chính lẫn con người) nên vẫn phải tiếp tục duy trì tình trạng “chung đụng” giữa 2 bên.
Thậm chí, có nhiều nơi còn tận dụng luôn nguồn lực của bệnh viện để sử dụng cho khu vực dịch vụ (tất nhiên là nguồn thu từ khu vực này sau đó cũng quay lại để hỗ trợ chéo các khu vực khác).
Định hướng tương lai là thế, ai cũng biết nhưng phải có thời gian chuyển đổi, chưa làm ngay được.
Ông Dương Huy Liệu, Chủ tịch Hội khoa học kinh tế y tế Việt Nam: “Thay đổi hướng tiếp cận nguồn vốn”
Các bệnh viện cần thay đổi hướng tiếp cận các nguồn vốn trong khu vực xã hội hóa |
Mặt được của xã hội hóa y tế là phát triển được kỹ thuật tốt hơn nhiều trên cơ sở huy động vốn, người dân có dịch vụ để sử dụng (không có dịch vụ tốt để sử dụng thì phải chịu chết). Nhìn từ mặt này thì xã hội hóa mang lại lợi ích rất lớn.
Nhưng xã hội hóa hiện nay do chưa có cách thực hiện bài bản, khoa học nên chưa thực sự tạo ra sự công bằng. Bởi người không có điều kiện kinh tế thì được hưởng lợi ít hơn người có khả năng kinh tế tốt. Nhưng mình phải chấp nhận, vì nếu không có xã hội hóa thì tất cả đều không được hưởng.
Hiện nay, theo quy định, những khu khám chữa bệnh theo yêu cầu có giá do đơn vị đó tự quyết định. Nhưng Bộ Y tế cũng nên xem giá đó có phản ánh đúng chi phí không, nếu chưa phù hợp thì cần phải xem xét lại.
Nên chuyển thành đầu tư công khi đến một mức độ nào đó, hoặc cho BV vay vốn của ngân hàng để tự đầu tư để hạn chế hệ lụy. Bởi khi công ty đặt máy trong đó thì họ sử dụng mọi cách để thúc đẩy việc sử dụng máy đó nhằm thu lại lợi nhuận nhanh nhất. Cần tiếp cận theo hướng này (bệnh viện đứng ra vay vốn thay vì góp vốn với các công ty, cá nhân bên ngoài) sẽ minh bạch hơn, giảm được tiêu cực.
TS.BS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương, trưởng bộ môn Kinh tế Y tế (ĐH Y tế công cộng): “Không được phân biệt đối xử với bệnh nhân”
Không nên (và không thể) triệt tiêu y tế dịch vụ, phục vụ những đối tượng có khả năng chi trả” (vì đây là quy luật thị trường). Nhưng cần có cách làm khéo léo để “không gây phản cảm”, khiến người nghèo chạnh lòng.
Về lý thuyết mà nói, khu vực y tế tự nguyện (y tế dịch vụ) sẽ hỗ trợ chéo cho khu vực y tế phục vụ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, không thể đẩy hết bác sỹ giỏi và các nguồn lực khác sang khu vực dịch vụ, sao nhãng khu vực khám bệnh thông thường cho người nghèo. Để làm được điều này cần có sự tinh nhạy, lương tâm của lãnh đạo các bệnh viện.
Để “không gây phản cảm”, mỗi bệnh viện cần giáo dục nhân viên y tế để họ không có thái độ phân biệt bệnh nhân có tiền và bệnh nhân nghèo, đối xử bình đẳng với tất cả mọi đối tượng bệnh nhân. Ngoài việc giáo dục thường xuyên phải có chế tài đi cùng để bắt buộc họ phải thực hiện thái độ công bằng này.
Theo Vietnamnet