Truyền hình thực tế: Trò chơi búp bê - Tạp chí Đẹp

Truyền hình thực tế: Trò chơi búp bê

Review
Game show giờ còn trụ lại (và ăn khách) toàn những trò chơi liên quan đến… cho tiền, và đây chính là một phần cơ sở để nói rằng THTT sẽ còn “hot” dài dài, vì nó đem lại cơ hội có cả “tiền” và “danh” cho người tham gia (đồng thời tạo ảo tưởng rằng ai cũng có thể có cơ hội ấy). Nhưng cũng chính từ đây, bản chất của nó lộ ra, thứ bấy lâu nay đã đánh lừa được khối người…

Nói là đánh lừa chứ thực ra THTT không hẳn là xấu, dù có thể còn vài chiêu trò không hay, ví dụ như lợi dụng những lúc hớ hênh của người tham gia rồi bằng vài tiểu xảo công nghệ truyền hình, biến họ thành trò cười (tất nhiên ngoài ý muốn của họ). Nhưng biết làm sao được, trò lố chính là một phần của cuộc chơi mà.

Vậy là có người sẵn sàng muốn làm trò cười cho người khác chăng? Có gì khác nhau giữa những người nổi tiếng phấn đấu trở thành hoàn hảo bằng cách làm đủ trò buồn cười và một bà già về hưu, đương nhiên vô danh, lên ti vi nhảy Gangnam Style? Tại sao cả hai nhóm này đều làm người xem cười lăn cười bò nhưng lên Facebook, lên báo mạng là thấy ngay hai chiến tuyến, nói chung là bênh phe nổi tiếng và nghiêm khắc phê bình phe vô danh. Tức là luôn có một sự bất bình đẳng trong quyền được thể hiện bản thân giữa hai nhóm người này. Và THTT ra đời để vừa làm kẻ dàn hòa, vừa xoáy vào khác biệt không dễ gì xóa nhòa ấy để… tăng rating.

 

Nhiều người đã nhận ra, rằng các chương trình THTT mang dáng vẻ một cuộc thi (thi hát, thi tài năng tổng hợp, thi phiêu lưu mạo hiểm, thi thể thao, thi người mẫu, thi khéo tay hay làm, v.v…) thường luôn gây tranh cãi về kết quả, về người chiến thắng (bởi không có cái chuẩn cố định nào cả, và cũng không ai phải chịu trách nhiệm về kết quả ấy) – điều ít khi xảy ra ở các cuộc thi có các chuẩn mực thực sự. Người ta (báo chí và khán giả) bừng bừng phẫn nộ cả tháng trời về việc một ai đó được cho là không xứng đáng lại đăng quang ở một cuộc thi, trách giám khảo ngồi đó làm bù nhìn hay sao mà không can thiệp vào kết quả để chọn được người (theo họ là) có tài hơn. Ấy vậy mà giám khảo cứ thử can thiệp xem!!!

Để xảy ra chuyện này – tức là mỗi người hiểu một cách và ai cũng cho rằng mình đúng, ai cũng nghĩ chỉ người mình yêu thích mới xứng đáng quán quân – có nguyên nhân từ bản chất của cái gọi là THTT. Cái bản chất ấy thực ra rất đơn giản. Nói nhanh là thế này: Phần lớn các show THTT kiểu thi tài năng đều chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ là các cuộc thi cả. Chúng chỉ “đội lốt” thi cử mà thôi. THTT chứng kiến sự dịch chuyển vị trí giữa người đi “thi” (cứ cho là vậy) với giám khảo (nói đúng ra thì họ giống những người bình luận hơn). Ở những chương trình kiểu này, giám khảo mới là ngôi sao, còn thí sinh, dù có tài năng xuất chúng hay đơn giản chỉ là những kẻ ham vui, chỉ là những nhân vật được đặt vào một cuộc chơi có chủ ý. Cuộc chơi ấy sẽ dần sàng lọc những người thích hợp với tiêu chí của nó, không phụ thuộc vào việc những người ấy có tài hay không.

Khi hiểu được nguyên tắc này, thì không cần phải thắc mắc vì sao quán quân lại là kẻ nọ mà chẳng phải người kia, và người ta có thể yên tâm xem một show THTT như đang xem một phim truyền hình dài tập mà kết thúc rất nhiều khi không theo ý mình (chẳng hạn kẻ ác vẫn sống nhăn mà nhân vật lương thiện lại chết vì ung thư). Mỗi thí sinh đang vào một vai diễn, và cũng có nhiệm vụ y như các diễn viên, hoặc làm cho khán giả cảm động rưng rưng, hoặc vào vai kẻ xấu tính, có khi gia cảnh đáng thương, mà cũng có thể là một biến cố cá nhân đặc biệt nào đó (chẳng hạn chuyển giới).

Khi đã là “diễn viên” thì họ phải chịu theo sự dàn dựng sắp đặt của các “đạo diễn”. Các chuyên gia đằng sau các show thực tế biết cách tác động thẳng tới cảm xúc người xem. Họ biết cách làm cho những gì diễn ra trên sân khấu, trên màn hình tạo được các phản ứng trái ngược nơi người xem, tức là tạo ra một thực tế “ảo”, một thứ thực tế đã qua dàn dựng. Các bàn tay hậu trường sẽ có nhiệm vụ nhào nặn ra các màn trình diễn mang hình thức thi cử, sau đó chuyển qua cho các giám khảo diễn tiếp, diễn cùng.

Nói thì bảo quá lời chứ việc này không khác là bao trò chơi búp bê của các bé gái. Từ chuyện các bé thích phục sức cho búp bê của mình thành các công chúa hoàng tử, ngành điện ảnh liền dựng lên những câu chuyện về các con búp bê đêm xuống biết cử động biết suy nghĩ liền tưởng mình là hoàng tử công chúa thật, rồi khối chuyện ly kỳ cười ra nước mắt xảy đến. Đại thể công thức này rất gần với những gì đang xảy ra ở THTT. Có như vậy thì người ta mới có thể biến một thí sinh không biết tiếng Anh thành một kiểu “nữ hoàng”, “công chúa” nhạc soul ảo theo cách bắt chước rập khuôn qua từng đêm thi, khiến sau khi cuộc thi chấm dứt người ấy cứ đinh ninh mình đã là “nữ hoàng” thật. Việc này cũng tương tự như ở các cuộc thi khiêu vũ cho người nổi tiếng. Mỗi tuần họ thi một điệu nhảy, nhảy tốt điệu đó, không có nghĩa họ sẽ thành ngay vũ sư. Thí sinh vừa xong một buổi thi hát, hôm sau lên đọc báo mạng rồi hoang tưởng mình là diva, divo tới nơi, ấy chính là hiệu ứng của THTT. Còn các ông trùm bà trùm đứng đằng sau thì thích thú ngắm nhìn sản phẩm nhào nặn của mình đang góp phần đắc lực cho việc tăng thời lượng… quảng cáo.

Những lời có cánh “đẳng cấp”, “tuyệt vời”, “bái phục”, “tôi thích em”, “tôi chính thức là fan của em”… bay phấp phới chính là để hợp thức hóa những màn dàn dựng tài tình kia, nhưng rất dễ khiến thí sinh tưởng mình giỏi thật. Cộng với hiệu ứng từ truyền thông, vốn cũng không có nhu cầu phát hiện người giỏi người kém mà chỉ cần đưa tin làm sao câu khách, lại càng khiến mức độ ngộ nhận tăng cao. Còn khán giả, công đoạn tiếp nhận cuối cùng trong chuỗi công nghệ THTT, thì do đã được định hướng từ từ, mưa dầm thấm lâu, mất dần khả năng phân biệt giữa thi thật – thi giả và để cho những cảm xúc (đa phần bồng bột) dẫn dắt, sẽ tự nguyện làm theo đúng ý của các nhà tổ chức.

Đôi khi, phía công chúng dường như xảy ra những cuộc “phản công” ngược với mọi sắp đặt. Nhưng kết quả cuối cùng ai chiến thắng cũng không quá quan trọng với người cầm trịch cuộc chơi. Chấm dứt một show thực tế thì họ lo đi làm tiếp show khác.

Như thế, các nhà đài cũng không có nghĩa vụ phải tham gia vào việc phát triển các tài năng sau khi đã tìm ra, việc ai người ấy làm, không thể kết tội họ đem con bỏ chợ. Đơn giản là hết phim truyền hình thì diễn viên phải lo mà đi tìm… vai diễn mới. Thật buồn cười nếu khán giả thấy ca sĩ mình yêu thích ra khỏi cuộc thi mãi không nổi tiếng được thì liền đổ lỗi cho nhà đài không chịu lăng-xê, không chịu đầu tư. Khán giả kiểu ấy gọi là khán giả lười. Làm sao có thể mong chờ gì ở những khán giả kiểu ấy khi mà đến cái việc tự tay góp phần tạo danh tiếng cho người mình thích họ còn chả buồn làm, muốn đùn cho người khác, chờ khi nào nổi tiếng hẳn thì sẽ quay lại thích để… ăn theo tên tuổi (thời này làm fan của ngôi sao cũng là một kiểu giá trị, từ teen đến doanh nhân đến cả trí thức).

Có thể nhiều người đọc sẽ nghĩ người viết có quan điểm cực đoan, có cái nhìn tiêu cực về một hiện tượng truyền hình đang làm mưa làm gió. Thực ra chẳng phải vậy, ân oán không có, lấy gì ghét. Đơn giản đây là cách nhìn vào bản chất của “hiện tượng” ấy, chỉ đúng ra tính chất “cuộc chơi” của nó, khác hẳn tính chất “cuộc thi” mà nó thường khoác ra bên ngoài. Ở các cuộc chơi được quay hình từng phút từng giây như vậy, tài năng không phải là yếu tố quyết định. Chính vì thế mà dân chuyên nghiệp ham hố đi thi lại rớt ngay từ vòng ngoài không phải là chuyện hiếm. Các sân chơi THTT không có chỗ cho những sáng tạo cá nhân mang tính cách tân.

Một thí sinh đi thi nếu muốn rớt thì cứ việc tự hát các bài mình sáng tác, sẽ được về nhà rất sớm. Cũng đừng mơ mộng cứ có giọng hát hay (có voice) là sẽ được giải, hãy cố phấn đấu để trở thành bản sao của huấn luyện viên thì cơ hội sẽ tới với bạn (bản chất của show này là như vậy). Các thí sinh thi Got Talent muốn giành giải phải chứng tỏ mình là vô danh nhưng làm được ngang bằng hoặc hơn cả những người chuyên nghiệp trong cùng một thể loại tài năng, nếu đem đến sân khấu một thứ mà ngoài mình ra không ai từng có thì xin mời bạn sau khi làm xong phận sự gây tò mò thì quay về địa phương tự diễn tự vui. Tất nhiên, ở đâu cũng có vài biệt lệ. Một số tài năng len lỏi được qua các ma trận của THTT đã phát triển, trở thành ngôi sao “thực” khi đã ra khỏi cuộc thi. Ấy là nhờ ở sự phấn đấu phi thường của riêng họ, biết tận dụng lợi thế có từ khi đi thi mà phát triển tài năng, cá tính. Chứ thi xong rồi tự tưởng tượng mỗi tin nhắn biến thành một khán giả hâm mộ thực, nặng hơn nghĩ là sẽ bán được chừng đó đĩa nhạc cho chừng đó khán giả thì đúng là bệnh nặng quá, cần phải được “thực tế phi truyền hình” chạy chữa cho.

Ở góc độ người xem, với các cuộc thi chính thống, họ “không có cửa” mà dính vào cuộc chơi, còn ở THTT, họ được hưởng cảm xúc như thể mình đã góp tay làm nên chiến thắng, mình là người đầu tư cả cảm xúc lẫn tiền bạc (qua tin nhắn) giúp thí sinh đăng quang, và họ hãnh diện về điều đó. Những điều ấy làm họ rất vui, và THTT thỏa mãn nhu cầu được vui của họ.

Một cuộc chơi thỏa mãn cả người chơi lẫn người xem vậy sao vẫn làm náo loạn các chợ dưa lê? Lẽ ra ai cũng phải lấy làm vui vẻ hài lòng chứ nhỉ!

Bởi ồn ào ấy chính là một phần của cuộc chơi. Cuộc chơi chứ không phải là cuộc thi. Không linh tinh thì làm sao mà tăng rating!

Bài: Nguyễn Minh


Thực hiện: depweb

27/03/2013, 16:33