“Xin lỗi, tôi nhầm máy…”. - Tạp chí Đẹp

“Xin lỗi, tôi nhầm máy…”.

Sống

1. Nhiều người bật cười biết tin khách sạn Mitsui Garden Yotsuya ở Tokyo sắp mở các phòng đơn đặc biệt, chỉ phục vụ riêng nữ giới – nơi, như chủ nhân khách sạn cho biết – được thiết kế “để giúp phụ nữ xả stress, giải quyết các vấn đề tình cảm khiến họ ưu phiền”. Vì là nơi… khóc, nên các phòng sẽ được cung cấp khăn giấy tốt để khách hàng lau nước mắt. Với giá khoảng 80 đô la/đêm, “khách sạn khóc” còn phục vụ kem tẩy trang, mỹ phẩm để mắt khách hàng không sưng húp ngày hôm sau. Khách hàng cũng có thể chọn tiểu thuyết hay những bộ phim tình cảm ướt lệ có sẵn. Ý tưởng này không nhảm nhí. Ai đã trải qua những lần muốn-khóc-mà-không-khóc-được, sẽ hiểu nhu cầu được khóc quan trọng biết dường nào…

2. Leo Buscaglia (1924-1998), tác giả nhiều sách tâm lý, nhà thuyết trình, giảng viên khoa giáo dục trường đại học Southern California vào những năm cuối thập niên 1960, từng kể về một cuộc thi mà ông tham gia làm giám khảo: Mục đích của cuộc thi là tìm ra đứa trẻ chu đáo nhất. Bé trai chiến thắng có hàng xóm là một lão ông vừa mất vợ. Thấy người đàn ông khóc, cậu bé bốn tuổi đã bước vô nhà, ngồi lọt thỏm trong lòng ông. Khi mẹ hỏi con đã nói gì với ông hàng xóm, cậu bé cho biết: “Con không nói gì hết, con chỉ giúp ông khóc thôi”.

3. Để đi tới sự nghiệp rực rỡ và gia đình viên mãn như hôm nay, tài tử Brad Pitt đã trải nghiệm vô vàn cay đắng, và vượt lên kiên cường. Nào bỏ đại học để theo đuổi ước mơ diễn xuất khi sắp tốt nghiệp khoa báo chí. Nào phải sống tằn tiện, làm cửu vạn, lái xe cho vũ nữ, đội áo thú mua vui trước các nhà hàng, liên tục đóng vai phụ để chờ vai chính đầu tiên… Nhưng có vẻ đây mới là trải nghiệm con người nhất, dữ dội nhất: Năm 1989, nhận được cú điện thoại bất thường, khẩn cấp từ người yêu Jill Schoelen khi nàng đang quay phim tại Hungary, Brad Pitt đã vét sạch mấy trăm đô còn lại bay tới Budapest. Tới nơi, Jill cho biết cô đã yêu đạo diễn phim và tuyên bố chia tay Pitt. Suốt đêm thức trắng trong khách sạn rẻ tiền ở xứ người, Pitt hút thuốc và tâm sự với một người đàn ông không biết… tiếng Anh (!). Sáng hôm sau, gã trai bị tình phụ quay về Mỹ, bắt đầu giai đoạn khác của cuộc đời.

Ai đã trải qua những lần muốn khóc-mà-không khóc-được, sẽ hiểu nhu cầu được khóc quan trọng biết dường nào…
4. Nước Pháp chưa chấp nhận luật an tử nhưng triển khai một thành tố của nó là khoa Soins palliatives, ta gọi là khoa chăm sóc giảm nhẹ. Thực ra đây chỉ là diễn ý của cụm từ khó dịch, mà mục đích đầy đủ phải như giải thích của bác sĩ Nguyễn Minh Hùng, trưởng khoa Chăm sóc giảm nhẹ, bệnh viện Ung bướu Tp.HCM: “Không chỉ làm bệnh nhân giảm đau đớn mà còn chia sẻ về tinh thần, giúp người bệnh bớt cô đơn, hoàn thành nốt những tâm tư, nguyện vọng trước khi từ giã cõi đời”. Nhiều bệnh viện Pháp còn triển khai sáng kiến mang tên Récit de vie (Kể chuyện đời) – dịch vụ miễn phí dành cho đối tượng của khoa Soins palliatives, giúp người bệnh thực hiện quyển sách từ những lời kể chuyện đời mình. Hàng tuần hoặc hai tuần một lần, trong suốt nhiều tháng, một người viết văn sẽ đến nhà thương ghi chép lời kể của bệnh nhân. Và mỗi lần đến, người viết lại trao các trang biên tập trước để người kể đọc lại, sửa đổi, bổ sung nếu muốn. Bản thảo sau khi hoàn tất được in thành tập sách cho tác giả giữ riêng, đến khi họ mất gia đình mới được đọc.

Với bệnh nhân, đây là dự án sau cuối mang lại cho họ niềm vui sống, nên đôi khi thực hiện xong quyển sách họ rơi vào tâm trạng trầm cảm, u buồn. Ê-kíp điều trị đã thêm ba mươi trang trắng trong tập sách, để người bệnh có thể tiếp tục những tâm tình sau rốt. Theo Valéria Milewski – một trong những người viết, công việc này không phải đối mặt với một bệnh nhân cuối đời, mà với một chủ thể phục hiện cuộc sống đã trải qua. Người kể hầu như không bàn đến cái chết tương lai hay nỗi đau đớn hiện tại, mà chỉ tập trung kể lại những đoạn đời quan trọng với mình trong quá khứ: tuổi trẻ, những quan hệ với cha mẹ, con cái mà họ chưa bao giờ nói đến, chưa có dịp nói ra. Cho nên người viết cần tôn trọng, trung thành với phong cách phát biểu của người kể. Nhà thương và các hội ủng hộ sáng kiến Récit de vie đang cố tìm tài chính để duy trì dịch vụ miễn phí này.

5. Hồi sinh viên chị có nhiều người đeo đuổi nhưng đã chọn yêu, kết hôn với anh – người cùng học cấp ba có gia cảnh rất nghèo. Cưới xong, tự dưng anh biến thành người khác. Là chuyên viên nhà nước song anh luôn cao ngạo dù sống dựa dẫm bên vợ. Ra ngoài phong nhã với phụ nữ bao nhiêu thì ở nhà thô lỗ với vợ con bấy nhiêu, thậm chí đánh vợ. Một năm sau cưới anh ngoại tình. Hai mươi năm kết hôn anh có trên chục người tình. Những năm đầu chị vật vã, mấy lần muốn quyên sinh nhưng cố gắng nín nhịn vì con, vì danh dự của anh. Tám năm ly thân vẫn tiếp tục tù ngục khi tiếp tục bị đánh, nhưng chị không ly hôn vì sợ cha mẹ buồn, xót con côi cút. Tình cờ chị gặp lại người bạn cũ khi xưa rất mến chị, đã ly hôn. Anh vẫn tưởng chị hạnh phúc vì thi thoảng điện thoại hỏi thăm chị vẫn nói như vậy. Khi biết vợ chồng chị ly thân tám năm, anh muốn đưa tay bảo bọc. Chị từ chối, không phải do không mến anh, không cô đơn, mà chim sợ cành cong. Cuộc sống quẩn quanh mấy mẹ con, song nhiều lúc chị cũng thèm có ai để trò chuyện. Một lần, trong tâm trạng khổ đau không thể chia sẻ, chị đã gọi số điện thoại ngẫu nhiên. Để ngại ngùng: “Xin lỗi, tôi nhầm máy…”.

 

Bài: Việt Linh

logo 

Thực hiện: depweb

11/06/2015, 14:52