Vĩnh biệt giáo sư Trần Văn Khê - Cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam - Tạp chí Đẹp

Vĩnh biệt giáo sư Trần Văn Khê – Cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam

Giải Trí

Với sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy cùng những di sản để lại, giáo sư Trần Văn Khê được  xem là cây đại thụ lớn của nền âm nhạc Việt Nam.

Cả cuộc đời, ông dành mọi tâm huyết đeo đuổi nhiệm vụ mà theo cách nói của ông, là “phụng sự âm nhạc truyền thống Việt Nam đến hơi thở cuối cùng.”

Giáo sư Trần Văn Khê sinh 24/7/1921 tại  làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) trong một gia đình nghệ sỹ, có bốn đời theo âm nhạc truyền thống.

Trong cuốn Hồi ký Trần Văn Khê, Giáo sư Trần Văn Khê có viết rằng, ngay từ khi trong bụng mẹ, ông đã được cậu Năm (tức nghệ sĩ Năm Khương) “ngày ngày thổi sáo, hòa đờn cho đứa bé đang còn trong bụng mẹ nghe để nó thấm nhuần âm nhạc nước nhà.”

Lớn lên trong gia đình mà cả hai bên nội, ngoại đều có những nghệ sỹ chơi nhạc, viết nhạc giỏi, Trần Văn Khê đã thụ hưởng được một không gian âm nhạc và cộng với thiên khiếu, ông sớm bước vào thế giới âm nhạc truyền thống. Tám tuổi ông đã được cậu Năm Khương dạy đờn cò, 12 tuổi, được người cô của mình là bà Trần Ngọc Viện (nghệ sĩ Ba Viện) dạy đờn tranh, 14 tuổi biết chơi trống nhạc.

Ngoài âm nhạc, giáo sư Trần Văn Khê còn là người được học chữ Hán, giỏi ngôn ngữ, sớm bộc lộ năng khiếu văn chương qua sáng tác những bài thơ đầu đời.

Chân dung Giáo sư Trần Văn Khê. (Ảnh: Nguyễn Vinh)

Giáo sư Trần Văn Khê bắt đầu theo đuổi nghiên cứu âm nhạc từ năm 1954. Năm 1958, ông bảo vệ thành công luận án tiến sỹ âm nhạc tại Đại học Sorbonne với luận án chính: “Âm nhạc truyền thống Việt Nam, trong đó nhấn mạnh âm nhạc tài tử miền Nam và nhạc Cung đình Huế” (La musique Vietnamienne traditionnelle) và hai đề tài phụ: “Khổng tử và âm nhạc” (Confucius et la musique), “Vị trí âm nhạc trong xã hội Việt Nam” (Place de la musique dans la société Vietnamienne).

Từ giữa thập niên 1960, ông bắt đầu xuất hiện như một chuyên gia về âm nhạc Việt Nam, người giới thiệu, giảng dạy âm nhạc Việt Nam đến với châu Âu.

Giáo sư Trần Văn Khê từng đoạt nhiều giải thưởng giá trị như: giải thưởng UNESCO –CIM Âm nhạc (1991), Huân chương Nghệ thuật và Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp (1991), Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Văn chương Nghệ thuật Châu Âu (1993), Giải thưởng Âm nhạc quốc tế Koizumi Fumio của Nhật Bản (1994), Huân chương Hiệp sĩ Cành cọ Hàn lâm của Bộ Giáo dục Pháp (1999), Giải thưởng Quốc tế của San Francisco “Đã cống hiến trọn đời cho việc nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam” hay  Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh (2013)….

Trong sự nghiệp của mình, giáo sư Trần Văn Khê công bố gần 200 bài báo nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam và châu Á  bằng tiếng Pháp, Anh trên các tạp chí văn hóa, âm nhạc uy tín trên toàn cầu cùng nhiều công trình khảo cứu giới thiệu âm nhạc, nhạc cụ truyền thống giá trị trên báo chí trong nước.

Ngoài di sản nghiên cứu, ông Trần Văn Khê còn để lại nhiều học trò giỏi, là nghệ sỹ, nghệ nhân, nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống quan trọng hiện nay.

Theo gia quyến giáo sư, trước khi về cõi vĩnh hằng, ông trở bệnh nặng vào ngày 27/5 vì suy tim, viêm phổi nặng, thận hư. Ông bị suy hô hấp khiến không thể tự thở và tim bị rối loạn nhịp chậm. Giáo sư được các bác sỹ đặt nội khí quản cho thở máy và tiến hành đặt máy tạo nhịp tim từ khoảng một tháng nay tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Những năm gần đây, mặc dù đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm,” phải di chuyển bằng xe lăn nhưng tâm huyết mà giáo sư Trần Văn Khê dành cho âm nhạc dân tộc vẫn luôn son sắt.

Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong những chương trình hay những buổi nói chuyện về âm nhạc dân tộc. Buổi chia sẻ gần nhất của ông là vào ngày 25/5, trước khi giáo sư ngã bệnh.

Theo đúng bản di nguyện do giáo sư Trần Văn Khê lập ra vào ngày 5/6, thi hài ông được quàn tại tư gia đường Huỳnh Đình Hai, Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh. Tang lễ của ông cũng diễn ra ở ngôi nhà này.

Ông nhắn gửi: “Nếu vì một lý do gì không cho để hũ tro ở tư gia của tôi được thì các con tôi cùng ban tang lễ quyết định nơi nào lưu trữ thuận tiện nhất.”

Cả đời dành hết thành tựu cho nền âm nhạc nước nhà, ngay cả khi rời cõi tạm, giáo sư Trần Văn Khê vẫn vương vấn, đau đáu với lớp hậu thế cùng tâm nguyện muốn dùng số tiền phúng điếu cho tang lễ để lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng mang tên ông để hàng năm trao cho người được giải về nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Theo: Lê Mây/Vietnamplus

Thực hiện: depweb

24/06/2015, 14:42