“Những nghệ sĩ đang sống tốt bằng nghề là những người có tài và có thực lực”, nhưng “thực lực ở đây bao gồm nhiều thứ: thẩm mỹ khác người, đầu óc chiến lược hơn người, giọng hát hơn người, ngoại hình hơn người”, Uyên Linh chia sẻ thẳng thắn về tầm quan trọng của tài năng và những con số đối với nền âm nhạc hiện nay.
– Một sản phẩm đạt được bao nhiêu view với chị thì được gọi là cao?
Vài triệu view cho một MV đã là cao đối với tôi. Với những gì tôi đầu tư thì tôi nghĩ nhận lại như vậy là đúng, rất công bằng và tôi không phàn nàn gì.
– Dư luận vẫn cảm thấy ngạc nhiên khi chị thừa nhận mua quảng cáo cho các sản phẩm âm nhạc. Vì sao một giọng ca thuộc trường phái thực lực như Uyên Linh mà cũng cần đến view?
Tôi lại không thấy việc chạy quảng cáo cho sản phẩm âm nhạc là việc gì quá ghê gớm. Nếu nhìn nhận theo góc độ kinh doanh, bạn có sản phẩm tốt thì bạn chắc hẳn sẽ bỏ tiền ra làm quảng cáo cho sản phẩm của mình để chúng được đón nhận rộng rãi hơn. Thời buổi nào thì hình thức quảng cáo đó, thời đại số mà Facebook, YouTube đang là kênh quảng bá rất mạnh thì tôi nghĩ mình không tận dụng nó là mình dở. Tôi còn tiếc không có đủ tiền để chi đúng mức cho các sản phẩm của mình (cười).
– Chị nhận được gì sau sự đầu tư đó?
Tôi chạy quảng cáo cho MV và các bài đăng về album vừa phát hành trên Facebook là chủ yếu, và chúng cực kỳ đơn giản, dễ làm. Tuy vẫn chưa thực sự hài lòng về kết quả nhưng tôi tin đầu tư cho sản phẩm là việc rất nên. Hữu xạ tự nhiên hương là một chuyện, nhận thức đúng về việc quảng bá lại là một chuyện khác. Bạn chỉ nhận về kết quả mà bạn mong đợi khi bạn đầu tư nghiêm túc.
– MV triệu view bây giờ là khái niệm cũ rồi, V-pop bắt đầu chào đón nhiều MV lên tới trăm triệu view. Theo chị, điều này sẽ đưa nền âm nhạc Việt Nam đến đâu?
Nền âm nhạc và thị trường âm nhạc, nên chăng tách biệt hai khái niệm đó ra. Những người xây dựng nền móng cho diện mạo và nội dung âm nhạc có lý lẽ riêng, những người làm kinh doanh âm nhạc cũng có cái lý riêng. Tôi cảm thấy rất thú vị khi quan sát những gì đang diễn ra trong đời sống âm nhạc, có những mảng riêng biệt phản ánh tâm tư của những nhóm người khác nhau.
Tôi thấy đừng nên bi quan hay tỏ ra khó chịu khi có những việc không hợp mắt, thay vào đó hãy thực sự nhìn nhận thành công của người khác. Âm nhạc phản ánh cực kỳ chân thực đời sống xã hội, dù bạn có cố tình phủ định nó đến đâu đi nữa.
– Chị có nghĩ rồi sẽ đến lúc cái tên Uyên Linh buộc phải gia nhập cuộc chiến về lượt xem, như một sự tuân theo quy luật cung – cầu của thị trường trong thời đại trực tuyến lên ngôi?
Tôi thực ra đã gia nhập vào thị trường, những gì tôi làm đã chứng minh điều đó. Nhưng để gọi là “gia nhập cuộc chiến” thì chưa, hay nói chính xác là không thể. Uyên Linh và âm nhạc của cô ấy sẽ khó có thể là một chiến binh trong những “cuộc chiến” âm nhạc. Nói một cách thẳng thắn và chân thành, nhạc của tôi chưa gặp được nhu cầu của số đông. Nhưng không bao giờ tôi buồn phiền, vì âm nhạc là điều gì đó rất cá nhân, khi bạn chỉ sống cho cá nhân mình thì có cái hay là hạnh phúc của bạn không phụ thuộc vào bất kỳ ai, nhưng bạn phải chấp nhận mình không thuộc về số đông.
– Không phải khán giả nào cũng đủ khả năng phân biệt giữa hai trường phái: nghệ sĩ thực lực và nghệ sĩ làm thương mại. Với họ, một bài hát chỉ cần nghe hay là đủ. Vậy làm cách nào để những ca sĩ thực lực có thể khẳng định vị trí của mình, đồng thời duy trì sự đa dạng của các xu hướng thưởng thức âm nhạc?
Nghệ sĩ thuộc trường phái nào cũng phải kiếm sống mà thôi. Có những nghệ sĩ kiếm được rất nhiều tiền và có những nghệ sĩ kiếm được đủ sống. Xét về tài kinh doanh, có thể người này hơn người kia, cũng như vậy với tài năng âm nhạc. Và cá nhân tôi cho rằng những nghệ sĩ đang sống tốt bằng chính – và chỉ một món nghề của mình, đó là những người có tài và có thực lực. Thực lực ở đây bao gồm nhiều thứ: thẩm mỹ khác người, đầu óc chiến lược hơn người, giọng hát hơn người, ngoại hình hơn người…
Những ca sĩ mà xã hội chúng ta đang trọng vọng (chứ tôi không nói những hiện tượng lóe sáng rồi vụt tắt, hay những hiện tượng nổi lên với sự thiếu trọng vọng) là những người sở hữu hầu hết những điều trên, họ sử dụng tốt những điều họ có và quan trọng là họ chưa bao giờ tự thỏa mãn.
Hãy cứ yên tâm rằng thị trường âm nhạc sẽ luôn đa dạng, bởi vì âm nhạc được tạo ra bởi những con người mang cái tôi rất cao, rất riêng, những nhân tố mới luôn xuất hiện, nhóm khán giả mới cũng hình thành liên tục. Điều xã hội mong chờ hiện nay – theo tôi, là một thứ âm nhạc nào đó vượt lên trên những toan tính thường thấy, một điều gì đó mà hết thảy mọi người trân trọng và nâng niu chứ không phải hôm nay bàn tán về nó, hôm sau đã lãng quên.
– Các MV đạt view cao sẽ mang lại cho nghệ sĩ rất nhiều cái lợi: danh tiếng, vị thế, show diễn, nhà tài trợ, hợp đồng quảng cáo… Vậy những ca sĩ không cần view sẽ hoạt động nghệ thuật như thế nào?
Chẳng có ca sĩ nào không cần view, chỉ có ca sĩ không buồn nếu view hay lượt nghe thấp. Họ sống tốt với những show diễn, hội nghị khách hàng diễn ra gần như hàng ngày, hàng tuần trên toàn Việt Nam. Đó là tôi nói về việc kiếm sống, chỉ đơn thuần là duy trì vật chất để tồn tại. Còn tồn tại trên đỉnh cao tinh thần của xã hội thì không thể là câu chuyện một sớm một chiều, nó là quá trình đằng đẵng và nhiều trả giá. Hào quang của nghệ sĩ phần nhiều là do xã hội đem lại. Đừng thấy ai nổi tiếng hơn mình mà đem lòng khó chịu. Người nghệ sĩ có rút gan rút ruột đem tặng cho người đời thì họ mới nhận lại được sự yêu mến. Người nghệ sĩ chưa sáng tạo được bao nhiêu đã chê bai này nọ thì không nổi tiếng được là đúng rồi.
– Thế hệ của Uyên Linh trở về trước được khán giả nhận diện bằng tài năng ca hát. Nhưng ngày nay, tài năng còn phải đồng nghĩa với sản phẩm đạt view cao. Vậy làm cách nào để những giọng ca tốt khẳng định tên tuổi trong thời đại ngày nay?
Là bởi vì chục năm trước hay trước nữa, xã hội Việt Nam đa phần thưởng thức âm nhạc qua truyền hình, radio, những buổi biểu diễn công cộng… Thời đó YouTube và các trang nhạc số chưa mạnh như ngày nay. Điều này quá dễ hiểu và tôi cho rằng thời nào thức nấy, mình phải biết mình đang sống trong giai đoạn nào của xã hội. Đổ lỗi cho thời thế là vô ích. Muốn khẳng định tên tuổi thì điều kiện tiên quyết là bạn phải có tài năng hoặc nhận diện thương hiệu khác người, “khác biệt hoặc là chết”. Bạn muốn nổi tiếng? Bạn buộc phải tìm cách quảng bá bản thân mình ra số đông bằng những phương thức hợp thời đại. Bạn muốn đơn thuần ca hát? Bạn cứ hát thôi, nhưng không thể ngồi một chỗ mà trông chờ số đông “mò” ra bạn.
– Dễ thấy quyền lực của những con số ngày càng có khả năng san bằng mọi giá trị âm nhạc. Thang đo lường của nó sẽ trả về kết quả mà ở đó, bất cứ sản phẩm nào cũng sẽ được nhìn nhận ngang bằng, từ những MV chuyên nghiệp đến nghiệp dư. Làm cách nào phân định những sản phẩm này khi mà chức năng đo view chỉ dừng lại ở đó?
Chính bạn cũng vừa tự phân định những sản phẩm đó với hai từ “chuyên nghiệp” và “nghiệp dư”. Tôi nghĩ những nhóm người khác nhau sẽ tự có cách phân định khác nhau. Chúng ta không mong đợi tri thức ngang bằng giữa sinh viên với giáo sư, giữa nghiệp dư với chuyên nghiệp, giữa học việc với chuyên gia… Khi con số lượt view, lượt nghe là cuộc chiến của những nhà kinh doanh âm nhạc, thì những giá trị tinh thần của tác phẩm âm nhạc lại là cõi thiêng riêng biệt của người nghệ sĩ. Ai tôn thờ điều gì thì tự khắc sẽ tìm đến điều phù hợp với họ.
– Viễn cảnh nào mà chị mong muốn xảy ra nhất với nền âm nhạc?
Những mong muốn như là vươn ra thế giới, có ảnh hưởng mang tầm khu vực… thì nhiều người đã bày tỏ rồi, tôi cũng có mong ước tương tự. Nhưng tôi tha thiết mong rằng sẽ có những nhân tố âm nhạc mới đem lại làn gió mát lành nhưng không nông cạn, những nhân tố gạo cội làm nên kiệt tác mà không cũ kỹ giáo điều… Tôi tha thiết mong một đối trọng cân bằng, nếu trẻ thì trong sáng và nếu già thì sâu sắc chiêm nghiệm. Còn hiện tại tôi thấy, người có nhiều kinh nghiệm âm nhạc thì thích thể hiện mình có đầu óc kinh doanh hơn người; còn người trẻ chưa hát được bao nhiêu thì tác phẩm lại sặc mùi triết lý ba xu.
– Nếu ai hỏi “ca sĩ view thấp thì sao?”, câu trả lời của chị sẽ là…?
Là thiệt thòi một mặt nào đó nhưng sẽ được bù lại bằng những mặt khác. Tin tôi đi, bạn hát cực hay thì bạn sẽ nổi tiếng. Không biết duyên may sẽ đến với bạn vào lúc nào, chỉ biết hãy chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để khi cơ hội đến là “bay”.
Đọc thêm
– Mình nói gì khi nói về lượt view?
– Bích Phương: Chuyện “cày view”chỉ như muối bỏ bể
– Phạm Quỳnh Anh: “Mạng xã hội không thể quyết định sức lao động của nghệ sĩ”
– Uyên Linh: “Chẳng có ca sĩ không cần view, chỉ có người thấy view thấp cũng không buồn”
Sản xuất: Hellos
Nhiếp ảnh: Tang Tang
Stylist: Chi Lemon
Trợ lý: Huey