Bích Phương: Chuyện “cày view”chỉ như muối bỏ bể - Tạp chí Đẹp

Bích Phương: Chuyện “cày view”chỉ như muối bỏ bể

Giải Trí

Vừa gia nhập câu lạc bộ “MV trăm triệu view” của V-Pop, Bích Phương phải đối mặt với sự thật phũ phàng khi các sản phẩm ra sau “Bùa yêu” là “Drama Queen” và “Chị ngả em nâng” chỉ đạt trên dưới 10 triệu lượt xem. Hãy nghe Phương chia sẻ về cách cô duy trì sự nghiệp khi bị “thổi bay” 90% lượt view trong một sớm một chiều.


– Chỉ trong vài năm mà chị thay đổi hình ảnh liên tục, chị không… mệt sao?

Trước kia tôi vốn không có anti-fan. Ai cũng nghĩ tôi là một đứa dễ thương, vô hại, hoặc cùng lắm là… giả tạo vì hiền lành quá. Người ta có thể ghét tôi, nhưng không có lý do gì để tẩy chay. Rồi đến một thời điểm, tôi nghĩ mình cần trở lại làm chính mình. Và album “Dramatic” chính là những gì thật nhất về con người tôi, tính tôi cũng khó chịu và đồng bóng lắm.

– Người ta đưa drama vào MV để đạt view cao, còn chị hát về drama. Có gì khác biệt ở đây?

“Drama Queen” được xây dựng từ những nét tính cách đời thường của tôi. Khi ở nhà, tôi là một đứa “giòn cười tươi khóc”, có chuyện bé như móng tay cũng phải làm ầm lên bằng được. Mà thôi, tôi không thích so sánh sản phẩm của mình với người khác.

– Lượt xem của MV “Bùa yêu” so với “Drama Queen” là một trời một vực. Chị có nghĩ mình đã thất bại trong việc khẳng định phong cách cá nhân?

Thời điểm “Bùa yêu” đạt trăm triệu lượt xem, tôi hạnh phúc vì công sức của mình và ê-kíp bỏ ra thật xứng đáng, chứ không phải: “May quá, bài này hit rồi!”. Mọi thứ đến với tôi đều có sự tính toán. Còn vấn đề lượt xem hay phản ứng của khán giả là cái đến sau nên tôi không thể kiểm soát được.

Nếu mang một sản phẩm thành công mà không biết tại sao ra so sánh với một sản phẩm thất bại nhưng lại hiểu lý do thì tôi thậm chí còn thích sản phẩm thất bại hơn. Ví dụ như thất bại từ MV “Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau” đã đem đến cho tôi và ê-kíp những kinh nghiệm quý giá để thực hiện MV “Bùa yêu”. Với mọi sản phẩm, dù lượt xem thấp hay cao, tôi nghĩ mình luôn được, chẳng qua là được ít hay nhiều thôi.

– Xét ở khía cạnh thương mại, thật khó hình dung chị đã được gì, khi lượt xem giảm tới 90%.

Tôi chấp nhận thất bại đó và sẽ làm tốt hơn ở lần sau. Mọi người phải hiểu rằng âm nhạc không chỉ là những con số vô hồn, và một mình YouTube không bao giờ đại diện cho cả nền âm nhạc. Có những thứ mà lượt xem không đem lại được, đó là giá trị âm nhạc và nghệ sĩ tính. Tôi may mắn vì đã được trải nghiệm nhiều khía cạnh trong nghề nên bất cứ vấn đề gì xảy ra, tôi đều cảm thấy biết ơn và trân trọng.


– Chị nghĩ thế nào về trào lưu “cày view”?

Không hiểu phong trào đó từ đâu ra chứ tôi thì không thích đâu, ai cũng có việc để làm. Nếu một bài hát đủ hay, một MV đủ hấp dẫn thì cho dù nghệ sĩ không làm gì, lượt xem cũng vẫn cao thôi! Người hâm mộ của tôi không nhiều, dù họ ngồi xem MV cả ngày thì cũng chỉ như muối bỏ bể, vậy bắt họ “cày” làm gì cho khổ ra?

– Nói một cách hài hước thì chị sẽ để cho sản phẩm của mình “tự sinh tự diệt” sau khi phát hành?

Âm nhạc của tôi từ trước đến nay luôn là chính bản thân tôi ở thời điểm ấy. Khán giả luôn ủng hộ những gì tôi làm, miễn rằng tôi vui. Đó mới là yêu thương chân thành. Tôi muốn làm ra sản phẩm hay để mọi người tự vào nghe chứ không ép họ cày view để khiến mình vui. Nếu nghệ sĩ cứ loay hoay sợ mất khán giả thì sẽ thành con rối mất.

– Với những lần chị thử nghiệm mà thất bại, có nên trách khán giả đã không chịu cởi mở đón nhận những nỗ lực thay đổi của chị?

Giờ ví dụ ballad là KFC đi, món này dễ ăn và ngon đấy nhưng mọi người ăn quá nhiều sẽ ngấy và béo phì thì sao? Tôi quyết định làm album “Dramatic” và dự án “Việt Nam Việt Nam”, đó đều là những “món rau” tươi mới, đậm chất Âu Mỹ. Nhưng sau khi nhận ra mọi người vẫn muốn ăn KFC, tôi phải họp ê-kíp lại để xem món rau của mình chán ở đâu, nên bổ sung cái gì cho hấp dẫn hơn. Sản phẩm của tôi không được đón nhận là vì nó chưa đủ hay thôi.

Cái thế của người nghệ sĩ khi làm ra những thứ mới là thuyết phục khán giả chứ không phải giáo điều họ rằng: “Ca khúc này mới lắm, văn minh lắm, các người phải nghe đi!”. Tôi thừa nhận mình hơi cá nhân khi làm album “Dramatic” và không quan tâm đến cảm giác của người nghe, nhưng cũng không thể bao biện là “cái này tôi làm ra quá đẳng cấp, khán giả chưa đủ trình độ để xem”.

– Vậy cách tốt nhất là lượt xem MV và chất lượng sản phẩm phải đi đôi với nhau?

Tôi sẽ không gượng ép bản thân phải làm cái này cái kia để cho lượt xem cao hay giữ suy nghĩ rằng: “Bây giờ đằng nào người ta cũng không xem nên làm cái gì thật chất vào”. Nếu sản phẩm đó được ít lượt xem, tức là nó chưa đủ chất lượng. Chẳng hạn như tôi chưa từng làm sản phẩm thiếu chất lượng mà đạt nhiều lượt xem.

Với “Bùa yêu”, tôi tự hào rằng đây là một sản phẩm có cả âm nhạc và MV tốt. Chẳng có lý do gì mà hai yếu tố đó không được đi cùng nhau cả.

Trang phục: Lê Lucas, Hà Nhật Tiến – Trang điểm & làm tóc :Tùng Châu

– Quan điểm của chị là gì khi các thành tích trên YouTube đang được xem trọng quá mức?

Nếu hoạt động nghệ thuật nghiêm túc, chắc hẳn ai cũng sẽ buồn khi nhắc đến chuyện này. Top Trending của YouTube đâu chỉ dành riêng cho âm nhạc? Sản phẩm trên đó phải cạnh tranh với cả clip hài, web-drama, vlog, stream… Ở Việt Nam chưa có một bảng xếp hạng uy tín nào dành riêng cho sản phẩm âm nhạc nên bắt buộc người ta phải dựa vào YouTube.

Mặt khác, nếu nhìn vào điều tích cực thì tôi nghĩ YouTube trao cơ hội cho tất cả mọi người được làm điều mình thích và các nghệ sĩ trẻ cũng dễ dàng hơn trong chuyện tìm kiếm khán giả. Những nơi khắc nghiệt như thị trường K-pop hay US-UK, đôi khi có tài cũng chẳng nổi tiếng được, còn tại Việt Nam, vì mọi thứ còn rất sơ khai nên khán giả dễ bao dung với nghệ sĩ.

– Chúng ta nên thay đổi điều gì trước tiên?

Tôi tự tin rằng mình là 1 trong 5 nữ ca sĩ có sản phẩm nhạc số tốt nhất Việt Nam, nhưng từ xưa đến nay, tôi không kiếm được đồng nào từ nhạc số cả. Khán giả chưa có thói quen bỏ tiền ra nghe nhạc online và chỉ chờ tới những sự kiện của nhãn hàng để được gặp nghệ sĩ. Còn ở nước ngoài, nghệ sĩ chạy tour và bán nhạc số 1 năm rồi nghỉ 2 năm vẫn được.

Đó là lý do khiến nghệ sĩ quốc tế dù view cao hay view thấp cũng vẫn sống ổn, còn nghệ sĩ Việt Nam dù chạy đua lượt xem nhưng vẫn phải lo chuyện kiếm tiền bên ngoài. Thị trường âm nhạc của chúng ta không được như nước ngoài đâu.

Tôi nghĩ luôn có những tiêu cực tồn tại trong xã hội và tôi chọn cách không để ý đến điều đó. Khi thị trường đã sẵn sàng, mọi thứ sẽ thay đổi. Còn hiện tại, tôi chỉ biết cố gắng làm tốt nhất phần việc của mình. Đó chính là tạo ra sản phẩm chất lượng và mới mẻ cho khán giả.

Bối cảnh nền âm nhạc Việt Nam hiện giờ rất sống động dù hơi rối loạn một chút, nhưng đây vẫn là nơi cho tôi kinh tế và cả cơ hội được làm những gì mình thích. Chúng ta nên trân trọng và biết ơn thay vì đòi hỏi mọi thứ phải lập tức thay đổi.

Sản xuất: Hellos
Nhiếp ảnh: Tang Tang
Stylist: Chi Lemon
Trợ lý: Huey

Tác giả: Hạnh Moon

12/06/2019, 14:43