Tuấn Hưng: Chúng ta đang làm gì Công Phượng, Sơn Tùng vậy? - Tạp chí Đẹp

Tuấn Hưng: Chúng ta đang làm gì Công Phượng, Sơn Tùng vậy?

Sao

Công Phượng đâu phải là tội phạm mà điều tra?

Là một người “chung sống” với truyền thông nhiều năm nay, khi xem và đọc những gì truyền thông nói và viết về Công Phượng, tôi thực sự bức xúc.

Để một cá nhân, hay một gia đình thay đổi được lý lịch của ai đó trong nhà mình, không phải là điều dễ dàng, không phải muốn là làm được. Ở trường hợp của cầu thủ Công Phượng – giả sử có sự thay đổi về lý lịch, cụ thể là thay đổi năm sinh như truyền thông đưa tin, tôi nghĩ rằng phải có tác động từ một cá nhân có tiếng nói, hay cơ quan ban ngành nào đó có đủ quyền lực để làm việc này, một mình Công Phượng không làm được. Tuy nhiên, tới thời điểm này, chưa có ai xác định được Công Phượng có gian lận tuổi hay không, nhưng cách báo chí, truyền hình làm mấy ngày qua, như thể “đúng rồi”. 

Ca sĩ Tuấn Hưng (trái) là một nghệ sĩ đam mê bóng đá, anh đã thành lập đội bóng đá riêng của mình với tên gọi HAT. Chia sẻ về câu chuyện tuổi tác của cầu thủ Công Phượng, Tuấn Hưng cho rằng: Truyền thông đang quá đáng với một tài năng trẻ có nhiều đóng góp như Công Phượng.

Một chàng trai 19 tuổi chưa thực sự trưởng thành và thấu đáo về mọi mặt trong cuộc sống. Cậu ấy mê bóng đá và có thể trong đầu chỉ nghĩ cách nào đó xử lý bóng cho hay, ghi được những bàn thắng đẹp, thì tôi nghĩ cần phải tránh cho Phượng những áp lực không đáng có. Những bàn thắng Công Phượng mang đến đã thắp lửa cho triệu trái tim hâm mộ bóng đá của người Việt thời gian qua. Khi các chàng trai U19 khoác lên mình màu cờ, sắc áo của tổ quốc trong giải đấu vừa qua, chúng ta đã gác lại mọi thứ để trông chờ chiến thắng của họ. Và chính Công Phượng là người có công rất lớn mang lại chiến thắng cho tuyển U19 Việt Nam.

Lý do chúng ta lật lại lý lịch của Công Phượng là gì? Tôi cho rằng, tuổi tác không ảnh hưởng đến tài năng và sự phát triển của của cậu ấy, nó là một con số. Tôi cho rằng việc Công Phượng 19 tuổi hay 21 tuổi không chưa phải là chuyện quá ghê gớm đến mức báo chí vào cuộc và coi cậu ấy như thể cậu ấy đã là người có lỗi như mấy ngày qua. Nếu tiếp tục như vậy, khả năng truyền thông sẽ “bóp chết” một tài năng là điều có thể xảy ra.

Cầu thủ Công Phượng

Chúng ta rất khó khăn để ươm được những tài năng bóng đá như lứa U19 hiện nay. Khi có một lứa cầu thủ tốt như vậy, tại sao chúng ta không tìm cách giữ, tìm cách truyền lửa cho họ? Tôi không ủng hộ cách báo chí thỉnh thoảng cứ “nống” đưa họ lên cao, để họ mất thăng bằng, sau đó lại dìm họ xuống bằng cách lôi ra những sơ hở.

Trong chuyện tuổi tác của Công Phượng, người đầu tiên tôi thương chính là bầu Đức, sau đó là Công Phượng. Hai người đó chắc chắn đang rất đau đầu với luồng thông tin này, trái tim của họ có lẽ đã tổn thương ghê gớm, nếu họ không sai. Bầu Đức đã bỏ nhiều công sức trong việc rèn luyện, tạo ra lứa U19. Trong rất nhiều năm, chúng ta không có có lứa cầu thủ nào đi đến đâu cũng được yêu thích như tuyển U19 hiện tại. Bóng đá Việt Nam đã trải qua rất nhiều giải đấu, nhưng tư duy làm nghề một cách bài bản như vậy không phải lúc nào cũng có.

Từ Công Phượng đến Sơn Tùng

Qua sự việc Công Phượng, tôi lại nghĩ tới chuyện Sơn Tùng vừa qua. Hàng loạt “mũi dùi” quay ra chỉ trích cậu bé, theo tôi là hơi nặng tay.

Sơn Tùng và Công Phượng là một trong rất nhiều nạn nhân của những trận ‘tổng tấn công’ câu view của những bài báo dễ dãi”

Tôi đọc về sự kiện này, thấy hầu như các bài phỏng vấn đều tìm đến các nhạc sĩ lớn tuổi, thế hệ đi trước để lấy ý kiến. Quá ít bài báo lấy ý kiến một ca sĩ bằng tuổi, cùng thời với Tùng, để xem các cậu bé, cô bé ấy nghĩ gì về câu chuyện này. 

Theo tôi biết, trước đây Sơn Tùng vốn là một thành viên của nhóm underground ở Hà Nội, nhóm này sinh hoạt tự phát. Họ không qua đào tạo âm nhạc căn bản mà tự update tìm tòi tài liệu âm nhạc trôi nổi trên mạng. Không chỉ riêng Sơn Tùng mà rất nhiều người sử dụng các beat nhạc của nước ngoài. Trong khi đó, nhạc trẻ của Việt Nam ảnh hưởng bởi nhạc Hàn Quốc và nhạc ngoại khá nhiều, cho nên việc ra đời một bài hát na ná như vậy là điều khó tránh khỏi.



Ca sĩ Sơn Tùng

Vẫn biết, đã làm nghề chuyên nghiệp thì điều tối kỵ là sao chép sản phẩm của người khác. Nhưng Sơn Tùng là một người trẻ, nếu cậu ấy sai, nên có cách giáo dục, xử lý một cách bao dung, rộng lượng hơn, để Tùng và những người trẻ nếu có mắc lỗi sẽ nhận ra và thay đổi theo hướng tích cực. Tôi không ủng hộ cách làm khóa chặt mọi con đường sống của họ. Tôi cho rằng, ít hay nhiều, những người như Công Phượng, Sơn Tùng đang sống có ích, tại sao chúng ta lại phải dùng những hình phạt nặng nề như vậy? Tôi e ngại rằng, khi bị dồn vào chân tường quá mức, tâm lý của những người trẻ sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí nếu rơi vào cùng quẫn có thể làm những điều dại dột mà chúng ta không lường trước được. 

Sơn Tùng và Công Phượng là một trong rất nhiều nạn nhân của những trận “tổng tấn công” câu view của những bài báo dễ dãi. 

Là đồng nghiệp, nhưng đi trước Sơn Tùng, đồng thời là một trong số những người hâm mộ Công Phượng, tôi muốn nhắn gửi đến hai bạn trẻ rằng, mong các bạn hãy vượt qua cơn bão dư luận, tiếp tục sống và làm việc có ích hơn, trước hết là cho những người thân xung quanh mình cũng như bản thân mình, sau đó là vì người hâm mộ và “màu cờ sắc áo” Việt.

Ca sĩ Tuấn Hưng
logo

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

Thực hiện: depweb

18/11/2014, 18:17