Từ “Căn hộ số 69”: Chẳng ai quay cái gì nữa là xong! - Tạp chí Đẹp

Từ “Căn hộ số 69”: Chẳng ai quay cái gì nữa là xong!

Sao

Tuy vậy, có lẽ những phát biểu của Cục Điện ảnh chưa thỏa mãn được các thắc mắc xoay quanh “bộ phim”. Đẹp Online đã có một cuộc trao đổi với Nguyễn Hữu Tuấn, một nhà làm phim độc lập, đạo diễn của “Dành cho tháng Sáu”để lắng nghe những chia sẻ và bình luận của anh xung quanh những ý kiến, quan điểm của Cục Điện ảnh về “Căn hộ số 69” nói riêng và các vấn đề của Luật Điện ảnh nói chung. 

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn

Chủ trương xã hội hóa để phát triển điện ảnh đi về đâu?

– Trong buổi họp báo hôm 25/6 vừa qua, ông Đỗ Duy Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định: “Nam Cito sản xuất phim ‘Căn hộ 69’ gồm 25 tập phim dài 30 phút. Qua kiểm tra, chúng tôi thấy Nam Cito này là một nhóm thanh niên tự đứng ra làm phim này chứ chưa đủ tư cách pháp nhân để có thể sản xuất phim. Họ không có chức năng sản xuất phim. Đó là cái sai thứ nhất”. Nói như vậy thì trước giờ tất cả các cá nhân sản xuất “phim” không có tư cách pháp nhân, không thông qua tổ chức, công ty nào là làm sai với luật? 

Anh và bộ phim “Dành cho tháng Sáu” của anh có rơi vào trường hợp này không? 

– Tôi thành lập hãng phim tư nhân của mình để sản xuất phim chiếu rạp. Vì mục tiêu rõ ràng như vậy nên ngay từ đầu tôi đã hoàn thành thủ tục để tiếp nhận giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh sản xuất phim do Cục Điện ảnh cấp. Vì vậy nên hãng phim của tôi đầy đủ tư cách pháp nhân để sản xuất phim theo luật định. 

Chiều 20/6, Cục Điện ảnh đã gửi văn bản tới Thanh tra Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch về việc xử lý “Căn hộ số 69”. Ngoài ra, Cục Điện ảnh cũng gửi văn bản cho Cục A83, Cục A87 Bộ Công an, Ban Tuyên giáo trung ương để xử lý.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng Phó Cục trưởng đã có cách diễn giải Luật Điện ảnh không đúng. Không hề có điều nào trong Luật Điện ảnh cấm các cá nhân, tổ chức được làm các sản phẩm truyền thông hình ảnh khác phim, mặc dù họ không có chức năng sản xuất phim. 

Tôi xin được đặt câu hỏi là thế nào được coi là phim? Tôi làm phim chiếu rạp thì đã đành rồi. Nhưng liệu tôi quay lại hình ảnh hôm sinh nhật của tôi thì có phải là phim không? Chẳng lẽ tất cả những gì tôi quay cho vui tôi cũng phải lập hãng phim mới được phép làm hay sao? 

Tôi khẳng định là luật quá thiếu sót khi không đưa ra định nghĩa nào hết về cái gọi là phim, như thế thì chẳng có cơ sở nào để kết luận là nhóm “Căn hộ số 69” đã làm phim cả, từ đó suy ra không thể kết luận người ta làm trái luật. Công dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm. Ở đây luật không đưa ra tiêu chuẩn gì quy định cụ thể thế nào là phim, thì không thể kết tội những người có đam mê sản xuất các sản phẩm truyền thông hình ảnh không phải là phim.

Hình ảnh của “Căn hộ số 69”

– Cái sai phạm thứ 2 của “bộ phim”, theo Cục Điện ảnh: những người phát hành “Căn hộ số 69” đã vi phạm Luật Điện ảnh, mà cụ thể là Điều 51 quy định về Hành vi vi phạm trong phổ biến phim (chiếu phim, phát sóng phim chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc chưa có quyết định phát sóng của Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, giám đốc đài phát thanh – truyền hình cấp tỉnh). Anh có thể chia sẻ với độc giả những suy nghĩ của anh về quan điểm này?

– Về mặt này, vẫn phải tiếp tục đặt lại câu hỏi là “Căn hộ số 69” có phải là phim không? Nếu không phải phim thì nó có cần được duyệt hay không? Tôi tin chắc là với Luật Điện ảnh hiện nay, không ai có thể trả lời những câu hỏi này cả, vì chẳng có cơ sở nào để đánh giá cả. 

Nếu cứ sử dụng cách lập luận của Cục Điện ảnh mà chẳng có một căn cứ nào để kết luận nó là phim hay không phải phim, thì bất kỳ ai đăng tải video mà họ quay lên mạng cũng là vi phạm Điều 51 hết. 

Để tránh việc ai cũng vi phạm pháp luật, thì chỉ có cách là chẳng ai quay cái gì nữa là xong chuyện. Như thế thì chủ trương xã hội hóa để phát triển điện ảnh của nhà nước sẽ đi về đâu, khi ngay cả việc đơn giản nhất là quay video chơi cũng phạm luật? 

– Tôi thấy nhiều báo viết rằng “Căn hộ số 69” có nội dung phản cảm, dán mác 18+ và vấp phải sự phản ứng khá gay gắt của công luận. Tác động của những bài báo như thế này là có thật, rõ ràng nhất là Cục đã phải tổ chức họp báo về “bộ phim” này dù chưa xem. Đứng từ góc độ người làm phim, anh nghĩ gì? 

– Thật sự chẳng có cơ sở nào để đánh giá tiêu chuẩn đạo đức của mỗi người. Có người thấy phản cảm, có người thấy không. Chính vì vậy chúng ta rất cần có một bộ tiêu chuẩn cụ thể và khoa học để đánh giá thế nào là một bộ phim phản cảm. Có tiêu chuẩn chung do nhà nước ban hành thì mới tránh được việc mỗi người nói một phách. 

Tuy nhiên theo quan điểm của cá nhân tôi, thì chúng ta chỉ có thể cấm được việc truyền bá những hành vi mà đạo đức nhân loại không thể chấp nhận nổi như ấu dâm mà thôi. Ngoài ra thì cả tính chất bạo lực trên phim hiện nay chúng ta cũng chẳng có bộ tiêu chuẩn nhà nước nào để đánh giá thế nào là bạo lực, thành ra tôi thấy Hội đồng duyệt phim cũng bị buộc phải đánh giá dựa trên những tiêu chuẩn cá nhân hết sức cảm tính, thiếu khoa học. 

Tôi nghĩ, các bộ tiêu chuẩn phù hợp và khoa học không chỉ giúp cho Hội đồng duyệt phim, mà nó giúp chính những người làm phim chúng tôi biết được mình tuyệt đối không được làm cái gì, để không bao giờ phạm phải. 

Cục Điện ảnh không thể là chướng ngại vật của quyền công dân 

– Cục Điện ảnh “thật thà” cho biết họ chưa xem “phim” này, nhưng kết luận “Căn hộ số 69” sai về quy trình sản xuất và phổ biến phim qua thông tin trên báo chí. Dù Cục chưa xem phim, nhưng kết luận của Cục (có thể) ảnh hưởng tới những người sản xuất “Căn hộ số 69” – theo như họ chia sẻ trên báo chí, tập 2 của “phim” có lẽ sẽ không được sản xuất. Là một người làm phim độc lập, anh có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề này? 

Theo thông báo ban đầu từ những người sản xuất, “Căn hộ số 69” sẽ được đăng tải trên Youtube vào ngày 6/7, tuy nhiên, giám đốc sản xuất của sản phẩm này đã chính thức xác nhận sẽ không có tập 2.Chính vì chưa có quyết định ở trên nên chúng tôi mới dừng và chờ. Nếu trong lúc này chúng tôi tiếp tục sản xuất thì sẽ bị mang tiếng là thách thức” – giám đốc sản xuất “Căn hộ số 69” chia sẻ với báo chí. 

– Cục chưa xem “Căn hộ số 69”, vậy thì dựa vào đâu để nói là đấy là phim? Cục là cơ quan quản lý nhà nước của cả ngành điện ảnh, chứ không phải là chướng ngại vật của quyền công dân. Vậy mà thay vì tìm cách thúc đấy sự phát triển theo xu hướng của thời đại, Cục lại cản trở việc sản xuất các sản phẩm truyền thông hình ảnh chưa rõ có phạm luật hay không. Trong khi đó, trên mạng có vô cùng nhiều các video có nội dung xấu, chống phá nhà nước, đó thực sự là những video phạm pháp rành rành, vậy sao chưa thấy ai vào cuộc?  

Cục Điện ảnh có trách nhiệm làm rõ vi phạm của “Căn hộ số 69” dựa trên cơ sở pháp lý chứ không thể xử lý kiểu “nghe nói” được. Nếu hiện giờ Luật Điện ảnh không đủ cơ sở để kết luận về trường hợp của “Căn hộ số 69” thì Cục không có quyền cản trở họ, vì công dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm. Luật chưa chuẩn thì phải tiến hành sửa luật để cho chặt chẽ, có như vậy dân mới phục, mới sống và làm việc theo luật được.

– Sau khi đăng tải trên kênh Youtube vào 5/6, đến nay, “Căn hộ số 69” đã thu hút gần 3 triệu lượt xem, nhưng Cục điện ảnh có vẻ khá lúng túng với cách xử lý “bộ phim” này. Theo anh, vụ việc này có thể mở ra xu hướng những nhà làm phim độc lập tự sản xuất phim và đăng tải lên Youtube để né tránh tất cả các khâu kiểm duyệt cũng như các thủ tục hành chính khác mà vẫn tiếp cận được người xem? 

– Việc người ta quay và đăng các sản phẩm hình ảnh cá nhân lên mạng là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ thông tin. Cơ quan quản lý buộc phải tìm cách thích nghi với điều này, chứ không thể đảo ngược được xu thế này. Phải có các tiêu chuẩn, quy định mới để quản lý nó. 

Xây dựng các tiêu chuẩn này, hay thậm chí một văn bản luật mới, để quản lý như thế nào là một vấn đề mang tính học thuật, cần có sự ngồi lại của các nhà làm luật, các luật gia, các cơ quan chức năng và của cả các nhà chuyên môn trong ngành truyền thông hình ảnh. 

Tôi thật sự cho rằng đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại Luật Điện ảnh hiện có, sửa chữa những gì còn sơ hở và đẩy mạnh những ưu điểm của nó, sao cho phù hợp với thời đại mới và không biến thành một vật cản cho sự phát triển chung.  

Luật Điện ảnh hiện nay quá tham khi bao gồm cả truyền hình, cả video. Tôi thiết nghĩ cũng đã đến lúc loại bỏ những gì không liên quan đến phim chiếu rạp ra khỏi Luật Điện ảnh, để đây trở thành văn bản luật thật sự điều chỉnh ngành điện ảnh của những bộ phim chiếu rạp với các tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật cao cấp và chuyên nghiệp.  

Các loại sản phẩm hình ảnh khác, xin hãy dành cho các văn bản pháp luật khác điều chỉnh và các cơ quan chức năng khác xử lý cho phù hợp.  

Nếu ai đó còn nghĩ rằng Luật Điện ảnh hiện nay đã chặt chẽ lắm rồi, không cần sửa đổi gì nữa, thì đó thật sự là một điều vô cùng đáng buồn và thất vọng cho một người làm phim như tôi. 

– Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!

Bài: Linh Hanyi

Ảnh: Căn hộ số 69’s Facebook


logo 

>>> Có thể bạn quan tâm: “Chúng tôi đã mất mát nhiều sức lực, tiền bạc, tuổi trẻ mà không mang về nhà được gì ngoài tiếng vỗ tay hò reo đọng lại chút ít trong những giấc ngủ mê… Đây là một thực tế.” – nhạc sĩ Trần Lập, tổng đạo diễn của Rock Concert “Battleship” 2014 chia sẻ với Đẹp Online những khó khăn trước khi chương trình bắt đầu.

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

27/06/2014, 09:47