Trần Lập: 20 năm, chẳng có gì ngoài tiếng vỗ tay trong mơ - Tạp chí Đẹp

Trần Lập: 20 năm, chẳng có gì ngoài tiếng vỗ tay trong mơ

Sao
Được dàn dựng bởi nhạc sỹ Trần Lập, và một ê kíp âm thanh, ánh sáng hùng hậu, Rock Concert 2014 được kỳ vọng sẽ trở thành hoạt động thường niên vào dịp hè cho các rockfan.

Trong chương trình này, ngoài việc khán giả được sống trong bầu không khí sôi sục của các rocband,  qua các ca khúc, thì phần solo ngẫu hứng của những tay guitar sẽ là điểm nhấn độc đáo. Ngoài ra, lần đầu tiên các khán giả của Rock Concert sẽ có quyền quyết định bài hát được trình diễn trên sân khấu.

Đẹp Online đã có một cuộc trao đổi với nhạc sĩ Trần Lập, tổng đạo diễn của chương trình trước khi Rock Concert 2014 bắt đầu.

 

– Tôi có một thắc mắc nhỏ, là trên vé cũng như trên các thông tin khác của Rock Concert đều ghi là có sự tham gia của Quái vật tí hon, khiến cho nhiều người nhầm tưởng là ban nhạc này tái hợp, trong khi thực ra chỉ có Hải Bột thôi. Anh có thể nói thêm về điều này?

– Khi tôi được mời làm đạo diễn chương trình này thì các ban đã được mời xong. Trên thực tế, để đảm bảo quá trình sản xuất, ban tổ chức đã in ấn các ấn phẩm từ cách đây hàng tháng. Chắc là có sơ suất nào đó. Nhưng từ cách đây gần một tháng, BTC đã kịp chỉnh lại thông tin đưa ra trên báo và trên Facebook, và từ lúc phát hành vé thì đều ghi rõ là Hải Bột (QVTH)

Về mặt thực tế, tôi không nghĩ mọi người đến xem với Quái vật tí hon chỉ vì thông tin bị sai. Tôi cho rằng khán giả rất thông minh, quá dễ để họ biết.

Trước đây khán giả ít để ý thành viên của ban nhạc mới, nhưng cái tên Hải Bột đã được rock fans biết đến lâu nay. Và thực tế thì tất cả những gì khán giả mong chờ nhất ở Quái vật tí hon cũng đều là những đặc sắc nhất của Hải Bột. Qua khảo sát, với Hải Bột, tất cả những ca khúc của cậu ấy trong album “Đường về” vẫn là những thứ người ta mong chờ nhất để được xem, được nghe.

– Tôi vừa trao đổi với một bạn rockfan, có vẻ bạn ấy rất mong đợi Rock Concert, mong được đắm chìm vào không khí của rock, chứ không đợi chờ sự đột phá, mới mẻ nào. Tôi thì không phải là rockfan, nên yêu cầu của tôi về cái mới cũng khác. Tôi không mong rằng chương trình này là một kiểu “bình mới rượu cũ”.

– Đây không phải là lần đầu tiên câu hỏi này được đặt ra. Từ bảy năm trước, với RockStorm cũng vậy thôi, những ai đi xem nhiều rồi thì họ luôn hỏi có gì mới không? Nhưng bản thân những người đi xem nhiều vẫn là số ít trong xã hội mênh mông hàng triệu đối tượng này. Thậm chí không phải ai cũng đi xem tất cả các chương trình rock trong năm và tới được mọi thành phố mà rock tour đến. Và rất tiếc, có một thực tế nữa là mỗi năm chỉ có một tour RockStorm! Thế nên rockfan lại cuồng nhiệt với những cái quen thuộc với họ, dù nhu cầu muốn thêm mới là chính đáng.

Với nhạc rock thì không có chuyện “bình mới rượu cũ” gì cả. Nhạc rock, đi xem live không chỉ là để nghe ca khúc, mà là nghe các kỹ năng cao của trình diễn. Đó là lý do vì sao các liveshow của các ban nhạc rock trên khắp thế giới đều có rất đông khán giả.

Nhưng bạn yên tâm đi, bản thân Rock Concert có khác biệt với RockStorm. Những khán giả đến đây chắc chắn sẽ không chỉ được xem phần trình diễn tác phẩm của mỗi ban nhạc, mà còn có cả phần trình diễn solo độc lập. Đó là lý do phần solo – thể hiện khả năng chơi nhạc ngẫu hứng, là phần cảm xúc đặc thù của rock hay jazz, luôn hấp dẫn với cả giới chuyên môn. Các tay chơi sẽ khoe được hết tài năng của họ, dù ngắn ngủi thôi. nhưng người ta sẽ hiểu nhạc rock còn có đặc trưng gì.

Ngoài ra, trong các chương trình khác, các ban nhạc đều chơi độc lập trong phần trình diễn riêng của mình, ít liên quan kết cấu tổng thể của cả chương trình.

Với RockConcert, mạch chuyện bắt đầu từ khi chiến hạm chở âm nhạc ra khơi, đến thăm các hòn đảo khác nhau có tên là Bức Tường, Oringchains, Ngũ Cung… Trên những hòn đảo độc đáo đó có các thần dân với tâm tư, đời sống riêng – chính là các ca khúc thể hiện thái độ âm nhạc mà họ chơi. Chưa kể là các ban nhạc sẽ chơi JAM* – đây là điều cực kỳ khó làm, đòi hỏi khả năng thích nghi, ứng tác và kỹ thuật cao. Sự kết hợp về kỹ thuật này đến cả chuyên gia Nhật Bản cũng phải đau đầu.

– Tôi có một cảm giác là khán giả của dòng nhạc rock ở Việt Nam khá dễ tính. Gần như có món ăn nào đưa ra họ cũng đều khen và đều ủng hộ hết mình. Anh có thấy như vậy không?

– Thực ra là ngay cộng đồng người yêu rock cũng không dễ tính đâu, tính chiến đấu trong mạch máu những người yêu rock rất cao. Nhưng họ rất hiền hoà đón nhận khi thấy cái gì hay và có giá trị. Chính họ trải nghiệm lịch sử rock ở Việt Nam khá lâu rồi để biết chấp nhận những thực tế.

Khoan hãy nói họ đang chấp nhận điều quen thuộc là sự tích cực hay tiêu cực, mà chuyện này đang thể hiện vấn đề cốt lõi là họ quá thiếu các chương trình để xem. Họ chỉ cần được hòa mình vào với nhạc rock thôi đã là quý, khi họ yêu nó. (Một thực tế khác là các rock band quốc tế đi diễn tour cũng vậy thôi. Ban nhạc rock Thuỵ Điển Andromeda đã trả lời phỏng vấn khẳng định cho điều này khi sang Việt Nam. Các ban nhạc ở châu Âu cho ra album khi có điều kiện, nhưng khi trình diễn họ vẫn chọn các bài hát quen thuộc là chính. Chỉ trừ show trình diễn riêng thì mới có thêm các tác phẩm mới được đưa vào nhiều).

Đây là chuyện chúng ta cần đặt dấu hỏi cho giới biểu diễn ở Việt Nam. Rokstorm bắt đầu cách đây 7 năm, tính đến nay đã có 600.000 lượt người xem, xô đổ tất cả các kỷ lục ở Việt Nam, mà tại sao cho đến nay, những người chơi nhạc rock vẫn thuộc về phía bên lề.

Dường như rockfan đón nhận tất cả những gì nhà tổ chức hay các ban nhạc đưa tới cho họ, có lẽ một phần họ hiểu là những điều đó mang lại lợi ích tinh thần lớn cho họ, họ đã từng đắm đuối, yêu mến rock, và bây giờ họ được tôn trọng hơn trong một chương trình được xây dựng như thế này.

Ngoài ra, cả với Rockstorm, hay những điều tôi nói trước đây, đều làm được, làm đúng những gì họ trông đợi, nên họ có căn cứ để tin. Tôi có trách nhiệm với điều họ tin, để sản xuất ra một chương trình giúp họ được sống trong bầu không khí ấy. Còn tất nhiên, trong một thời buổi có quá nhiều sự lựa chọn, có internet, có truyền hình, mong chờ một sự hoàn hảo là điều hướng tới thôi, chứ thực sự sẽ rất khó như những gì ta hình dung ở Hollywood.

– Tôi không biết số lượng like và share thông tin về Rock Concert trên Facebook có tương đương với số người bỏ tiền ra mua vé đi nghe nhạc không?

– Có một hiện tượng rất rõ ràng là có hàng trăm ngàn người theo dõi trên Facebook nhưng có 10% đến mua vé là tuyệt vời rồi. Để khán giả giữ thói quen mua vé đi xem ca nhạc trở lại, thay vì đòi miễn phí hoặc chỉ mua giá bèo đã làm kiệt quệ giới nhạc này, là việc phải làm ngay.

Thực sự điều này là diễn biến tâm lý rất khó lòng thay đổi trong một sớm một chiều, phải để họ ngấm một cách từ từ. Chỉ có vấn đề là sự ngấm từ từ này quá dài, nó kéo dài hàng chục năm rồi, khiến cho nhiều người chơi nhạc nản chí và bỏ cuộc. Đây không chỉ là vết thương đối với nghệ sĩ chơi nhạc nhiều tài năng đã từng đến và ra đi, phải chuyển nghề nghiệp khác, đó là sự lãng phí đáng tiếc về tài năng.

Tôi không muốn so sánh với dòng nhạc khác, với sự lung linh mà họ có, sự bầu chọn này, sự ủng hộ kia; thì ở một hiện tượng khác, vẫn có một chương trình hàng năm thu hút cực lớn người xem, và không thể nói rằng chương trình miễn phí nên chất lượng thấp, khi mà đồng loạt rất nhiều tờ báo, tạp chí nước ngoài đánh giá là chương trình này có giá trị trong khu vực. Vậy tại sao Việt Nam lại không nhìn nhận? Nỗi niềm thì không bao giờ hết được với những người chơi dòng nhạc này.

– Nhưng RockStorm vừa được giải Cống hiến đó thôi.

– Lẽ ra nó phải được nhận nhiều danh hiệu cao quý lâu rồi!

Nếu như mấy năm trước nhạc rock được những giải lớn thì sự kích thích ấy khiến người chơi nhạc có động lực hơn – phải phấn đấu để năm sau được ghi nhận tiếp, có thù lao cao hơn nữa, và ban nhạc ấy sẽ không còn lười nhác hay bỏ cuộc.

Tôi chơi nhạc hết mình vì tôi-làm-việc-phải-làm mà thôi, tôi không chắc anh em khác sẽ làm thế với những khó khăn hiện tại. Tôi chưa từng có duyên với giải thưởng, sau gần 20 năm cống hiến với dòng nhạc này. Khi chúng tôi làm ra một tác phẩm, ngay lập tức bị ăn cắp trên các trang mạng hoặc sản phẩm lậu, nên chúng tôi chẳng muốn bỏ tiền nhà ra làm album nữa. Chúng tôi đã mất mát nhiều sức, tiền bạc, tuổi trẻ mà không mang về nhà được gì ngoài tiếng vỗ tay hò reo đọng lại chút ít trong những giấc ngủ mê, tôi thấy mình chẳng còn động lực nào để sáng tác và thâu âm tiếp. Đây là một thực tế. Tôi không chạy đua theo sự hào nhoáng. Tôi vẫn sáng tác tác phẩm mới vì sự nghiệp của tôi đòi hỏi vậy, các ban nhạc rock vẫn sáng tạo và trình diễn vì những lý do lay lắt thế này thế kia.

Đây là câu chuyện dài. Bức Tường là ban nhạc có nhiều cơ hội nhất mà còn không có điều kiện để mang lại nhiều điều cho âm nhạc, cho bản thân, thì các ban nhạc trẻ hơn lấy đâu ra?

Họ sáng tác ca khúc mới thật nhiều để làm gì, nếu như những bài cũ vẫn còn hot và ra mới thì bị “chôm” trong một chớp mắt? Họ không thể chỉ đáp ứng vài lời yêu cầu từ trên mạng rằng tại sao các anh không có bài mới, trong khi với các bài cũ, đi đâu họ cũng được ủng hộ. Ví dụ như ban Microwave, có bài “Tìm lại” là hit của rất nhiều hit, nếu họ không trình diễn thì nhiều ý kiến cho rằng tại sao các anh không chơi bài này, nhưng nếu chơi thì lại có ý kiến rằng mãi mãi các anh cũng chỉ có như vậy.

Những người làm chương trình Rock Concert không thể chủ quan được. Nếu đưa nhiều cái mới quá, phần ít khán giả sẽ hứng thú nhưng phần đông sẽ đứng xem ngơ ngác. Khán giả bỏ tiền đi xem, họ quyết định sống còn cho Rock Concert.

Tôi cho rằng Rock Concert đang thể hiện tính chiến đấu rất cao của các nhà tổ chức. Trong thâm tâm, tôi ủng hộ một cách tối đa đối với nhà tổ chức nào dám dũng cảm tổ chức những chương trình như thế này trong điều kiện hiện nay. Kinh phí đầu tư rất lớn, nhiều thành phần, nhiều con người tham gia và khả năng thu hồi rất khó khăn. Đây là chuyện khó nhất trong hoàn cảnh ở Việt Nam. Tôi chỉ có một tấm lòng âm thầm, làm việc, cống hiến để chương trình thành công – cái lợi lớn nhất dành cho môi trường âm nhạc. Còn nếu không ủng hộ được những nhà tổ chức, những chương trình như thế này thì sẽ chết.

RockStorm hiện tại là chương trình tốt nhất, nhưng mỗi năm chỉ có được một lần. Các ban nhạc nếu chỉ trông chờ vào một chương trình, làm sao họ có đủ điều kiện để luyện tập và sáng tạo? Hơn nữa, RockStorm dù sao cũng là chương trình có nguồn lực tài chính lớn sẵn có của một nhà tổ chức thương mại. Họ làm ra để phát triển thương hiệu của họ, nhưng thật may mắn là nó tạo ra đất sống tạm thời cho rock Việt Nam. Nhưng sẽ tốt hơn nữa nếu xã hội tạo ra được thêm chương trình có tư cách nghệ thuật, có tiếng nói thực sự lại được phát triển từ vốn nội lực.

– Kỳ vọng vào một chương trình một năm chỉ diễn ra một lần như vậy có quá nhiều không, thưa anh?

– Tôi nghĩ thế này, nhiều khi trong một trận đánh, một thắng lợi không thay đổi cả cuộc chiến đâu, nhưng thắng lợi ấy có tác động rất lớn đến niềm tin. Những người chơi nhạc rock sẽ nghĩ rằng họ có khả năng lật ngược lại rất nhiều thứ. Bản thân giải Cống hiến cho RockStorm đã thỏa mãn được những người yêu nhạc rock hôm nay, vì họ thực sự đã chờ đợi quá lâu rồi.

Nếu Rock Concert thành công, thì các nhà sản xuất khác sẽ tin rằng với những chương trình như thế, với một phần tài trợ nhỏ thôi, họ sẽ bán vé và sẽ thành công. Các nhà đầu tư, những người biên tập khác cũng sẽ có căn cứ để sản xuất tiếp. Điều này mang ý nghĩa sống còn. Chúng tôi cần chương trình có chỗ đứng thật sự, không chỉ trong lòng các rockfan, mà phải bằng các giá trị lượng hóa được.

– Cảm ơn anh Trần Lập đã chia sẻ!

Đẹp Online có một cuộc trao đổi ngắn với một rockfan – bạn Phạm Hà An (sinh năm 1980, ở Hà Nội) về chương trình:

– Rock Concert 2014 vẫn chỉ là những bài hát ấy, bạn vẫn thấy hài lòng, thỏa mãn?

– Cá nhân tôi cho rằng, những bài hát trong chương trình là những dấu ấn, những mốc để rockfan nhớ rằng đó là ban nhạc nào – quả thực đó là thành công của riêng bài hát đó. Tôi vẫn thấy thỏa mãn với các bài hát này, nghe mãi không chán.

Tôi nghĩ rock không như những thể loại khác, cả rock quốc tế cũng thế, “tốc độ sản xuất” các bài hát không thể nhanh được, nó xuất phát từ ngẫu hứng và may mắn nữa. Vấn đề ở đây là không khí, cách tổ chức, là những điều không thể nói ra được.

– Trên vé và các thông tin trước đó, ban tổ chức có ghi là có Quái vật tí hon biểu diễn, nhưng thực ra chỉ có Hải Bột thôi. Bạn cảm thấy thế nào?
   
– Chuyện đó không quan trọng đâu. Không sao cả, Hải Bột cũng là Quái vật tí hon. Xét về phương diện xã hội, những chuyện như thế là nhỏ. Tôi đánh giá nó là bình thường. Tôi là người khó tính, nhưng chỉ khó tính lúc cần thôi. Bản thân rock Việt chưa thực sự tự sống được. Các loại nhạc khác có thể tổ chức các mini show hoặc đi hát phòng trà để kiếm tiền, nhưng rock thì không dễ.
  
– Nếu không khó tính những chuyện này thì bạn khó tính với cái gì?
  
– Với chất lượng. Chúng ta là người Việt Nam, so với các sản phẩm khác ở Việt Nam thì tôi thấy rock Việt làm được nhiều. Tôi nghĩ rock Việt đã là tốt,  là đáng được nhìn nhận rộng lượng.

Tôi rất mong chờ BTC nói riêng và những ban nhạc sẽ mang lại áo khoác mới cho rock thông qua Rock Concert như thế nào. Có thể vẫn bài hát ấy, ban nhạc ấy nhưng hình thức biểu diễn khác nhau. Tôi đang rất tò mò và phải đợi thôi.

*JAM: : Tất cả các ban nhạc tham dự chương trình cùng chơi một bài, với nhiều cách thể hiện khác nhau trên cùng một bản nhạc.

Linh Hanyi (thực hiện)

Ảnh: Nhân vật cung cấp


logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Bột (Nguyễn Công Hải) là người được vị nhạc sĩ vốn được xem là người khó tính, kỹ càng trong âm nhạc và phong cách làm việc Quốc Trung nói rằng: “Tôi không mời Hải Bột vào êkíp của tôi mà hợp tác với anh chàng nghệ sĩ trẻ này. Tôi muốn là thành viên êkíp của Bột, chứ không phải muốn anh là thành viên êkíp của tôi.”

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

Thực hiện: depweb

25/04/2014, 14:24