Việc làm phim ngắn – loại phim trước đây chỉ dành cho sinh viên điện ảnh làm bài tập – hiện đã trở thành một phong trào trong giới trẻ. Nhờ sự trợ giúp của máy ảnh có chức năng quay phim, giờ đây, dường như ai cũng có thể trở thành “nhà làm phim ngắn”.
Chuyên đề “Phim ngắn cho đường dài” của Đẹp online sẽ gửi tới bạn đọc những lời chia sẻ chân thành của 4 nhà làm phim Đỗ Quốc Trung, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Hữu Tuấn và Phan Đăng Di. Phim ngắn không phải thể loại chỉ dành cho người nghiệp dư, mà đây chính là một thể loại riêng, có yêu cầu riêng. Đi từ phim ngắn tới phim dài là một quá trình cơ bản của người đạo diễn, và qua các tác phẩm nhỏ này mà chặng đường của những nhà làm phim trẻ đầy đam mê được bắt đầu.
Các bài viết trong chuyên đề:
Trung ROD: “Không tự tin thì nên bỏ nghề”
Trung Rwo: “Điện ảnh Việt như… quả trứng gà”
Nguyễn Hữu Tuấn: “Cái đẹp không bao giờ có giá thấp”
Phan Đăng Di: “Chỉ có thể trông chờ vào những gương mặt mới”
Tổ chức: Linh Hanyi
“Làm tốt phim ngắn để tìm đường”
– Trung đã bước đầu đạt được khá nhiều thành công: được giải thưởng, được mang phim đi chiếu ở nước ngoài… Trung có nghĩ mình là đã một đạo diễn giỏi?
– Một đạo diễn giỏi hay không giỏi không phải do người đó tự nghĩ, mà là do khán giả và những người làm nghề khác đánh giá. Hơn nữa, một người làm phim mà lại quan tâm mình đang giỏi hay không giỏi thì sẽ rất khó để làm việc. Làm phim chỉ là một công việc để thỏa mãn niềm đam mê được kể chuyện của tôi, không phải nhằm so sánh với người khác để cho rằng ai giỏi hơn ai.
- “Trực nhật với Thư Kỳ” (2012)
- “Ngày đầu tiên của mùa thu” (2011)
- “The dunk” (2011) – hợp tác với Hàn Quốc
- “Cá chuối” (2011)
- “Cùng nhau đơn độc” (2010)
- “Những tia nắng nhảy múa” (2009)
- “Bad boy” (2009)
– Tại sao Trung lại chỉ làm phim ngắn?
– Phim ngắn rất quan trọng, với bất kỳ đạo diễn nào trên thế giới, vì đó là bước đệm dể thực hành, để tìm tòi, học hỏi về ngôn ngữ điện ảnh. Nếu tôi chưa thể kể tốt một câu chuyện ngắn, tôi sẽ không thể kể tốt một câu chuyện dài. Sau này, khi đã làm tốt phim ngắn, tôi sẽ làm phim dài của riêng mình.
– Trong ý nghĩ của nhiều người, phim ngắn có nghĩa là nghiệp dư, là dễ làm. Trung nghĩ sao?
– Tôi cũng cho rằng phim ngắn đúng là nghiệp dư thật, nhưng ai cũng phải có bước đầu. Không nghiệp dư thì sẽ không bao giờ có chuyên nghiệp. Thêm nữa, mọi người cứ thử làm phim ngắn xem sao, nó không quá dễ như nhiều người nghĩ đâu.
– Vậy những khó khăn khi làm phim ngắn là gì?
– Khó khăn lớn nhất là sự bất tài của bản thân người đạo diễn mà thôi. Những người làm phim trẻ bây giờ nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các đơn vị, các tổ chức, các nhà sản xuất… Mọi vấn đề về nhân sự, tài chính, kỹ thuật đều sẽ tìm được người giúp đỡ. Điều quan trọng là phải có một câu chuyện tốt, một kịch bản hay, có nhiều điều để nói thông qua bộ phim của mình.
– Xem phim của Trung, người xem có thể cảm thấy day dứt, nặng nề, bế tắc. Tại sao vậy?
– Chuyện này liên quan tới quan điểm sáng tác của tôi. Đó là, khi đưa lên màn ảnh những câu chuyện bế tắc, những gì đen tối nhất, những mặt trái của xã hội, phim của tôi có thể làm cho khán giả nhìn vào đó để thay đổi cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Những nhân vật trong phim của tôi cũng sẽ phải đối mặt với những bức bối đó, những đen tối đó để vượt lên và trưởng thành hơn trong cuộc sống.
– Để làm được một bộ phim hay, yếu tố kiến thức và kinh nghiệm sống rất quan trọng. Là một người còn rất trẻ, thuộc thế hệ 9X, liệu Trung đã đủ tự tin với hành trang kiến thức và kinh nghiệm của mình?
– Tất nhiên nếu không đủ tự tin thì chẳng ai đi làm phim cả. Khi kể chuyện, dù người khác có nói là chán thì người trẻ vẫn phải luôn luôn tự tin. Nếu không có lòng tự tin thì tốt nhất là nên bỏ nghề. Tôi phải yêu và tin vào những câu chuyện mình làm. Vì nếu bản thân tôi không tự tin vào những gì mình kể thì người xem cũng sẽ không tin.
Đỗ Quốc Trung chỉ đạo diễn xuất phim “Cá chuối”
– Nhưng với tuổi đời còn trẻ như vậy, Trung có sợ bị chê là nông cạn, hời hợt?
– Tôi không sợ. Khán giả xem phim sẽ có người chê nhưng cũng có những người hiểu tôi. Tôi không thể cứ chạy theo người khác được. Quan trọng là tôi phải làm được những điều mình thực sự yêu thích và tâm đắc.
– Thực tế, có nhiều phim ngắn của các bạn trẻ bây giờ không có quá nhiều cảnh mang dụng ý nghệ thuật cao, tư tưởng nội dung sâu sắc, không được giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng lại được cộng đồng rất yêu thích và truyền tay nhau. Trong khi có những dụng ý nghệ thuật trong phim của Trung lại không nhiều khán giả cảm nhận được. Trung có khi nào thấy nản lòng không? Trung cảm thấy thế nào khi có những khán giả không hiểu và chê bai bên dưới những phim đăng trên Youtube?
– Việc tôi làm phim mà có khán giả bình luận, chê bai là điều hết sức bình thường, ở đâu cũng thế. Tôi đã dám làm phim, dám tung bộ phim đó ra, thì tôi phải xác định là sẽ có nhiều ý kiến trái chiều.
Khi làm phim, quan trọng nhất là xác định mục đích mình làm bộ phim đó để làm gì? Nếu làm phim để phục vụ khán giả mà lại bị khán giả chê thì tất nhiên là phải buồn rồi. Còn tôi, tôi xác định làm phim trước hết là cho chính bản thân mình. Khi đã làm ra được một bộ phim thì đó chính là một thành công, được khen hay bị chê không còn quan trọng nữa. Quan trọng là tôi đã kể được câu chuyện mà tôi muốn kể. Nếu chỉ vì bị chê mà nản lòng thì đương nhiên sẽ bị đào thải, và sẽ phải từ bỏ công việc mà mình yêu thích thôi.
Tuy nhiên, nói như vậy không phải là tôi coi thường khán giả. Có những phim từ đầu tôi đã làm với mục đích chiều lòng khán giả, và kết quả là nhận được những phản hồi rất tích cực.
Trung trong phim “Dành cho tháng Sáu”
– Trung đã nói, trước khi làm phim, bản thân người đạo diễn phải xác định được rõ mục đích của mình làm phim là để làm gì. Mục đích mà Trung muốn nói có phải là sự lựa chọn giữa việc chiều lòng khán giả hay đi theo những tìm tòi nghệ thuật của mình?
– Đúng như vậy. Trước khi làm một bộ phim, đạo diễn phải có sự lựa chọn rõ ràng, không được nhập nhằng. Nếu đã xác định làm phim thương mại, phim dành cho khán giả thì phim của Trung phải bán được vé, phải thu hút được người xem, còn không làm được như vậy thì có nghĩa là phim của Trung đã thất bại. Còn nếu xác định làm một bộ phim nghệ thuật, nhằm tìm tòi, khám phá hay thể nghiệm các ngôn ngữ điện ảnh thì thước đo thành công chính là sự công nhận của các nhà chuyên môn và những người làm nghề khác.
– Trung đã nhắc đến sự lựa chọn giữa phim nghệ thuật và phim thương mại. Trung có thể chia sẻ quan điểm cá nhân của mình về hai dòng phim này?
– Tôi nghĩ dù là làm phim thương mại hay phim nghệ thuật cũng đều có những giá trị riêng. Điện ảnh của bất kì nước nào cũng cần cả hai dòng phim đó. Quan trọng nhất là mình phải làm phim một cách tử tế. Không phải vì xác định làm phim thương mại mà mình làm những thứ câu khách, dễ dãi. Và thực tế cũng cho thấy, những phim thương mại làm tử tế dù là của Hollywood hay của Việt Nam cũng đều đạt được thành công, bán được vé và được khán giả yêu thích. Với những phim thương mại được làm tử tế, ngay cả những người trong nghề cũng thích xem và đánh giá cao.
– Vậy bản thân Trung, Trung chọn con đường theo đuổi chính là phim thương mại hay phim nghệ thuật?
– Với tôi thì đây là một lựa chọn không dễ dàng. Tính đến thời điểm này, tôi vẫn chưa lựa chọn được. Tôi vẫn đang trong quá trình làm nhiều phim ngắn, chính là để tự tìm tòi xem con đường nào phù hợp với mình hơn. Trong khi chưa lựa chọn được thì tôi vẫn sẽ tiếp tục đọc tiếp, học tiếp và làm phim ngắn tiếp.
“Các nhà làm phim trẻ không hề cô đơn”
– Hiện nay báo chí và dư luận nói nhiều đến sự trì trệ của nền điện ảnh nước nhà. Trong khi đó, tác phẩm của các bạn trẻ có đam mê, có khả năng vẫn chưa tìm được “đầu ra”. Trung có nghĩ đến viễn cảnh tương tự cho con đường tương lai của mình?
– Tôi không nghĩ điện ảnh nước nhà đang trì trệ. Chưa bao giờ Việt Nam có nhiều phim ra rạp đến thế và được khán giả đón nhận đến thế. Tất nhiên cũng có một số phim còn vấn đề này kia, nhưng đó chỉ là số ít. Và tôi nghĩ rằng điện ảnh Việt Nam trong tương lai sẽ còn nhiều cơ hội phát triển.
Còn về bản thân, tôi nghĩ tương lai là do mình quyết định. Hãy cứ làm đi, làm theo đam mê và những gì mình tâm huyết, đừng vội nghĩ bi quan tiêu cực rằng tương lai sẽ thế này hay thế khác. Các nhà làm phim trẻ bây giờ không hề cô đơn, có rất nhiều tổ chức hiểu được niềm đam mê điện ảnh của họ và sát cánh cùng họ. Vấn đề là, với những sự giúp đỡ ấy, cùng với tài năng của chính bản thân mình, mình phải kiên trì theo đuổi con đường đã lựa chọn.
Phải xác định làm phim là một con đường dài, không thể nói hôm nay tôi sợ nên tôi không làm, ngày mai có tín hiệu vui thì tôi sẽ làm. Tương lai hay quá khứ không phải điều quan trọng, quan trọng là có muốn và có dám làm bộ phim của mình hay không.
Poster phim “Trực nhật với Thư Kỳ”
– Từng có thời gian du học ở Hàn Quốc, và sắp tới Trung tiếp tục đi Hungari, Trung so sánh thế nào giữa hoạt động đào tạo cũng như môi trường điện ảnh của Việt Nam và của các nước mà Trung đã đi hoặc sẽ đi?
– Điện ảnh cũng giống như các ngành khác thôi, vì Việt Nam là một nước đang phát triển nên hoạt động đào tạo chưa thể tốt bằng các nước tiên tiến. Ở các nước đó, việc đào tạo được đầu tư rất bài bản và cẩn thận, cả về cơ sở vật chất và con người.
Tuy nhiên, tôi nghĩ điều khác nhất chính là: ở các nước đó họ tôn trọng cái tôi của các tác giả. Tôi có thể làm bất cứ nghề gì tôi muốn, kể bất cứ câu chuyện nào tôi muốn kể, không bị kiềm chế bởi bất cứ điều gì, miễn là tôi phải chịu trách nhiệm về mọi thứ tôi làm. Tôi sẽ có môi trường thuận lợi tạo điều kiện cho sáng tạo. Ở Việt Nam thì chưa có được điều đó.
– Với những người trẻ yêu thích điện ảnh nhưng chưa có cơ hội được đào tạo bài bản, chưa có cơ hội được thử sức, Trung có lời khuyên nào dành cho họ?
– Tôi cũng chỉ là một nhà làm phim trẻ thôi, không thể nói là khuyên hay không khuyên các bạn điều gì. Hơn nữa các nhà làm phim trẻ bây giờ đều rất thông minh, họ luôn luôn biết làm thế nào để làm ra bộ phim của mình, bằng cách này hay cách khác.
Nếu có thể nói đôi điều, tôi muốn nhắn nhủ các bạn đang có ý định thi vào các trường Điện ảnh, hoặc định theo đuổi con đường điện ảnh, rằng: nếu thật sự yêu điện ảnh, thật sự muốn làm phim thì hãy bắt đầu ngay đi. Dù bằng cách này hay cách kia, mọi người sẽ giúp đỡ để bạn hoàn thành được bộ phim của mình.
Một cảnh trong phim “Cá chuối”
– Trung nói làm phim ngắn không khó, rằng các bạn trẻ nếu thích làm phim thì cứ làm đi, nhưng không phải ai cũng có đủ các điều kiện thuận lợi và cơ hội để thực hiện phim như Trung. Ví dụ như trong phim “Cá chuối”, Trung mời được cả NSND Như Quỳnh tham gia diễn xuất, hoặc nhiều cảnh quay ngoại cảnh, cơ sở vật chất khi quay… cũng đều phải nhờ có quan hệ mới có được. Những cơ hội đó có vẻ là khá khó đối với nhiều bạn trẻ khác?
– Vậy tại sao không đặt câu hỏi ngược lại là những cơ hội đó do ai tạo ra? Chỉ có thể là chính mình mà thôi. Những người gạo cội như NSND Như Quỳnh luôn sẵn sàng giúp đỡ các nhà làm phim trẻ, có điều là bạn có đủ tự tin để làm việc với họ hay không, có câu chuyện đủ hay để thuyết phục họ hay không.
Trước khi làm phim “Cá chuối”, tôi không quen cô Như Quỳnh, tôi chỉ liên hệ, sau đó cô bảo sẽ đọc kịch bản rồi mới trả lời. Sau khi đọc kịch bản, cô không những nhận lời đóng phim mà còn không lấy một đồng catse nào. Những việc khác cũng tương tự như vậy thôi.
Các nhà làm phim trẻ ai cũng đi lên từ bàn tay trắng, từ con số không như nhau. Cơ hội là do chính mình tạo ra. Muốn làm và dám làm thì sẽ thành công.
– Cảm ơn những chia sẻ của Trung!
Bài: Cầm Xu
Ảnh: Nhân vật cung cấp