True Beauty: Em cứ hiền cứ thơ ngây giùm tôi (*)

Bà ngoại tôi đẹp lắm, một nhan sắc tôi cho là khó ai bì kịp, một nhan sắc tự nhiên (trong cả đời, tôi chưa bao giờ thấy bà dùng phấn son) – răng đen, môi trầu cắn chỉ, vấn tóc trần.

Tôi xin bắt đầu bằng câu chuyện về… bà ngoại tôi. Bà tôi sinh năm 1922, mười tám tuổi đã đẻ mẹ tôi và hăm mốt tuổi sinh cậu tôi. Bà là người tôi yêu kính như mẹ. Bà đẹp lắm, một nhan sắc tôi cho là khó ai bì kịp, một nhan sắc tự nhiên (trong cả đời, tôi chưa bao giờ thấy bà dùng phấn son) – răng đen, môi trầu cắn chỉ, vấn tóc trần. Vẻ đẹp của bà đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi, đến mức ở tuổi thiếu niên, tôi chỉ bị chinh phục bởi những cô gái có vẻ mặt, giọng nói, dáng đi giống như bà. Bà cao ráo, xét số đo trung bình những năm 60 thế kỷ trước, thì một mét sáu sáu là thuộc loại cao. Chiều cao lý tưởng nhưng không vụng về hậu đậu, bà làm gì cũng gọn ghẽ cẩn trọng, và nhờ vậy đó chăng, nhờ hành vi luôn luôn ngăn nắp của bà mà tôi thấy bà đẹp hơn?

Nhan sắc không nhất thiết phải có số đo ba vòng lý tưởng, không nhất thiết giải phẫu học phải tuân theo tỷ lệ vàng, không nhất thiết phải sửa tới sửa lui đến khi ngộ độc hóa chất. Chỉ cần “Em cứ hiền cứ thơ ngây giùm tôi”.
Nhan sắc không nhất thiết phải có số đo ba vòng lý tưởng, không nhất thiết giải phẫu học phải tuân theo tỷ lệ vàng, không nhất thiết phải sửa tới sửa lui đến khi ngộ độc hóa chất. Chỉ cần “Em cứ hiền cứ thơ ngây giùm tôi”.

Một nhan sắc là tổng hòa của hai yếu tố: nhìn và nghe. Mắt là nơi nhận ra nhan sắc hình khối trước tiên, giải mã những gì nhìn thấy để rồi dán nhãn “đẹp” lên đối tượng. Nhưng hẳn cánh đàn ông cũng nhiều phen phải sốc vì người đẹp cất giọng không oanh vàng thỏ thẻ mà như loa phường đấm vào tai. Nhan sắc rất cần có giọng nói hay: giọng miền nào cũng được, nhưng âm sắc phải êm, mượt, không lí nhí trong cổ họng cũng không oang oang như thùng phuy vỡ. Và nhan sắc không nhất thiết phải có số đo ba vòng lý tưởng, không nhất thiết giải phẫu học phải tuân theo tỷ lệ vàng, không nhất thiết phải sửa tới sửa lui đến khi ngộ độc hóa chất. Chỉ cần “Em cứ hiền cứ thơ ngây giùm tôi”.

true-beauty-2018-1

Trong đời sống, kinh nghiệm riêng giúp tôi phân loại những độ tuổi mà người phụ nữ đáng yêu hơn (tôi nhấn mạnh ở đây là “đáng yêu hơn”) là từ 18 đến 22, đoạn đời từ 26 đến 30, từ 45 đến ngoài 50. Một người bạn tôi là bác sĩ tâm thần học đã vỗ đùi đánh đét mà phán rằng thống kê của tôi trùng khít với kết quả nghiên cứu phân tâm học của anh, rằng ở những khung tuổi như tôi nói, người phụ nữ có mức độ cân bằng hormone tốt nhất, và nhờ vài giọt hormone đó mà tính tình họ trở nên đằm thắm, tâm lý ổn định, nhan sắc nổi trội hơn.

Tôi là người chụp ảnh chân dung. Đối với các đối tượng được chụp là phụ nữ, tôi luôn cố gắng sắp xếp để chụp họ vào những mốc thời gian bên trên, đại đa số trường hợp tôi đều ghi lại được hình ảnh đẹp nhất của cuộc đời họ. Tôi cũng chủ trương chụp họ không trang điểm. Brad Pitt và Johnny Depp từng cho phép chụp chân dung hai anh không hậu kỳ photoshop – đó là điều mà phụ nữ nhiều khi không liều bằng hai chàng tài tử xi-nê kia, nên thực ra trong hầu hết các buổi chụp, tôi đồng ý cho họ make-up nhưng chỉ thật mỏng thật nhẹ. Một khuôn mặt bồi đầy son phấn thì chẳng còn hồn vía gì, và không xứng đáng với từ “nhan sắc”.

true-beauty-2018-a-14
Dù tháng năm đi qua, nhan sắc vẫn tồn tại. Dù gương mặt có hiện thêm mấy nếp nhăn, dù thân hình không còn Vệ nữ, họ vẫn đẹp.
Tôi rất yêu vẻ đẹp mộc mạc. Một người nữ chỉ cần giữ được sự mộc mạc, người ấy không có tuổi già.

Tôi rất yêu vẻ đẹp mộc mạc. Một người nữ chỉ cần giữ được sự mộc mạc, người ấy không có tuổi già. Dù tháng năm đi qua, nhan sắc vẫn tồn tại. Dù gương mặt có hiện thêm mấy nếp nhăn, dù thân hình không còn Vệ nữ, họ vẫn đẹp. Vì sống hòa quyện với môi trường, họ không sợ hãi, không canh cánh nỗi sợ sắc đẹp tàn phai. Với một tâm lý ổn định như thế, nhan sắc mãi còn nguyên như hoa phong nhụy.

(*) Một câu trong bài hát “Mười sáu” của nhạc sĩ Quốc Bảo


From the same category