Tội đồ trở lại - tân binh chào sân - Tạp chí Đẹp

Tội đồ trở lại – tân binh chào sân

Thời Trang

Ngỡ ngàng với Gucci

Trước đó, Gucci khẳng định bộ sưu tập Thu Đông 2015-16 dành cho nam và nữ của họ vẫn sẽ được thực hiện bởi cựu Giám đốc Sáng tạo Frida Giannini. Thế nhưng, việc ra đi sớm hơn 1 tháng của Frida Giannini đã làm thay đổi kế hoạch. Cần nói thêm, mặc dù tới thời điểm này Frida Giannini mới chính thức “chia tay” nhà Gucci, nhưng thực tế, sự ra đi của cô đã được dự báo từ lâu bởi các chuyên gia nghiên cứu thời trang, đây được coi là cái kết không thể tránh khỏi. Còn nhớ thời Tom Ford về Gucci, anh đã mang đến một sức sống mới mẻ với vẻ quyến rũ, gợi cảm không thể cưỡng lại khiến đông đảo giới mộ điệu phải phấn khích tột độ. 

Đến thời Frida Giannini, việc lạm dụng họa tiết horsebit (hàm thiếc ngựa) và mô típ hoa lá nhiều màu sắc trên chất liệu lụa mềm mại… khiến các thiết kế trở nên quá an toàn và nhàm chán. Frida thiết kế phụ thuộc quá nhiều vào những nguồn cảm hứng mà quên mất nghĩa vụ phải truyền cảm hứng tới công chúng, và điều này làm mai một dần sự năng động cũng như những giá trị của thương hiệu. Ngay cả những khách hàng trung thành của Gucci dường như cũng “lạc lối” ngay trên “con đường” quen thuộc của mình.

Hai trong số những thiết kế gây xôn xao Alessandro Michele mang tới cho bộ sưu tập mới của Gucci. Sự vô tính (androgyny) thể hiện rất rõ rệt trong các thiết kế này.

Trở lại với bộ sưu tập mới ra mắt của Gucci, chỉ ít hôm trước ngày công diễn, một cái tên khác đã được xướng lên: Alessandro Michele – Trưởng bộ phận thiết kế phụ kiện của Gucci. Anh đã cùng với đội ngũ thiết kế làm lại tất cả các thiết kế trong bộ sưu tập Thu Đông 2015-16 dành cho nam giới. Và anh đã làm được gì? Điều đầu tiên mà Alessandro Michele làm được đó là đưa Gucci thoát ra khỏi những lối mòn mà Frida đã “luẩn quẩn” trong nhiều năm. 

Tờ WWD đã dùng từ “đột ngột” khi nói về những thay đổi trong thiết kế của Alessandro. Thay vì lấy cảm hứng từ các bộ lưu trữ, di sản của thương hiệu, không quá tập trung tung hô kỹ thuật thủ công Ý hay lối sống thượng lưu, đây là bộ sưu tập hướng tới các thiết kế thời trang. Dĩ nhiên, vẫn có những thiết kế gắn liền với Gucci như bộ suits mang âm hưởng thập niên 1970 hay họa tiết op-art bắt mắt. Tất cả được hòa trộn với những chiếc áo ren đỏ, áo cánh của nữ, áo len cổ tròn co rúm, quần dài dáng pyjama thùng thình cùng những đôi giày có chi tiết horsebit quen thuộc bị “biến dạng” thành dép xỏ (slippers) lót lông thú bên trong. Sân khấu trình diễn hình chữ U khác biệt và những người mẫu xuất hiện trong tiếng nhạc phim “A Single Man” (phim do nhà thiết kế Tom Ford làm đạo diễn). Trẻ trung, lập dị và lãng mạn, đó là nhận xét của đa số mọi người khi nhắc tới bộ sưu tập này.

Bộ sưu tập với những thay đổi chóng vánh có lẽ khiến nhiều người ngỡ ngàng và cần thời gian để nhìn nhận đường hướng mới của Gucci. Tuy nhiên, hãy xem xét trường hợp của Saint Laurent (cũng thuộc tập đoàn Kering) khi Giám đốc Sáng tạo Hedi Slimane về “cầm cương”. Việc phá vỡ mọi quy tắc cũ làm ai cũng giận dữ nhưng cho tới giờ, giới blogger và các tín đồ thời trang vẫn không ngừng săn đón những thiết kế mới của Saint Laurent.



Bộ sưu tập Thu Đông 2015-16 dành cho nam giới của Gucci

“Quá Galliano”?

Nói đến NTK Martin Margiela, mọi người nghĩ ngay đến những khái niệm như: tàng hình, nặc danh, bí ẩn, phá cấu trúc (deconstruction), tái chế (recycle), tối giản (minimal)… Còn nhắc tới John Galliano, người ta thường nghĩ đến: lãng mạn, điên rồ, làm quá (over the top),… cùng với hình ảnh ông thường xuất hiện chào vào cuối buổi diễn, không chịu “thua kém” những người mẫu. Việc Renzo Rosso, CEO của tập đoàn OTB sở hữu thương hiệu Maison Martin Margiela, mời John Galliano về làm Giám đốc Sáng tạo đã tạo nên những nguồn dư luận trái chiều. 

Bởi kể từ khi Martin Margiela rời bỏ vị trí vào năm 2009, đội ngũ các nhà thiết kế tiếp quản vẫn đảm bảo duy trì chiến lược nặc danh và bí ẩn, không ai chính thức ra mặt thay thế Martin Margiela (thương hiệu đổi tên thành Maison Martin Margiela sau sự ra đi của người sáng lập). Ấy vậy mà John Galliano lại được lựa chọn để về chỉ đạo đường hướng sáng tạo của một nhà mốt luôn muốn tránh xa dư luận.

Bộ sưu tập đầu tiên John Galliano thực hiện cho Maison Martin Margiela, thú vị thay, lại là những thiết kế cho dòng sản phẩm “Artisanal” cao cấp nhất của thương hiệu. Buổi trình diễn được tổ chức tại London vào thời điểm “giờ trà chiều”, đúng chất quý tộc Anh. Hơn ai hết, bản thân John Galliano cũng hiểu được bộ sưu tập này là cơ hội để ông chứng tỏ mình xứng đáng được trao thêm cơ hội nữa. Và ông đã không làm mọi người thất vọng.

Bộ sưu tập “Artisanal” của Maison Martin Margiela được thực hiện bởi John Galliano

Như đã nói ở trên, “phá cấu trúc” và “tối giản” là những khái niệm gắn liền với sự hình thành và phát triển của Maison Martin Margiela và John Galliano vẫn trung thành với những giá trị cốt lõi này. Ngay từ thiết kế đầu tiên, mọi người đã tỏ rất hào hứng với những gì Galliano mang đến, mẫu đầm suôn bằng da lộn với điểm nhấn là những chiếc ô tô đồ chơi được sơn đen, bộ suits màu đen “vô tính” (androgyny) hay bộ đầm đỏ rực thể hiện được dấu ấn tối giản của thương hiệu. 

Chiếc mặt nạ quen thuộc trong những bộ sưu tập “Artisanal” cũng không “vắng mặt” và mang đến dấu ấn mới. Những bộ trang phục lần lượt được giới thiệu trong tiếng nhạc và tiếng guốc nện trên sàn cứng giữa không gian mô phỏng phòng thí nghiệm (lab) mang phong cách rất đặc trưng của Maison Martin Margiela. Cuối buổi diễn, John Galliano ra chào trong chiếc áo khoác dài màu trắng, giống như những người thợ.

Có ý kiến cho rằng bộ sưu tập này vẫn mang đậm phong cách của Galliano từ thời hoàng kim. Nhiều người vẫn giữ trong đầu hình ảnh của Maison Martin Margiela thời kỳ đầu và theo họ, đó mới là Margiela còn những thiết kế này “quá Galliano!”. Nhưng biết đâu đấy chính là lý do John Galliano được Maison Martin Margiela mời về. Cách đây 10 năm, khi nhà thiết kế Margiela vẫn chịu trách nhiệm sáng tạo những bộ sưu tập cho thương hiệu mang tên mình, có lẽ lúc ấy việc bí ẩn, “tàng hình” vẫn tạo được sự thu hút đặc biệt. 

Còn giờ đây, thời thế đã thay đổi, làm thời trang không giống như làm nghệ thuật bởi các thương hiệu cần duy trì và phát triển. Vì vậy, các thiết kế cần phải cân bằng được cả hai yếu tố: sáng tạo và lợi nhuận. Và John Galliano có lẽ là lựa chọn hoàn toàn phù hợp. 

Thực hiện: Tuấn Anh

logo

Thực hiện: depweb

14/02/2015, 10:18