Tình yêu tuổi 50: Không còn khao khát, nhưng biết giữ gìn. - Tạp chí Đẹp

Tình yêu tuổi 50: Không còn khao khát, nhưng biết giữ gìn.

Sống

Tôi bước vào cơn gió nhẹ buổi sáng. Những tiếng động quen thuộc của phố xá, tiếng rao bánh mì và ép nhựa từ loa MP3, tiếng đập chan chát lon sữa bò xuống đất trước khi mở, tiếng tụm năm túm ba vừa nhồm nhoàm gặm bánh vừa nói cười râm ran, tất cả làm nên một ngày mới. Của phố. Của thị dân. Của những vui buồn mới, những bất hạnh và hạnh phúc mới. Có thể giống hệt hôm qua thôi, nhưng cứ khi ngày mới lên người ta lại tưởng như mình sắp trải qua những điều chưa từng.

Tình yêu tuổi năm mươi nó khác tuổi hai mươi, khác lắm. Nó đến nhỏ nhẻ, từ tốn, thoạt tiên tưởng như vô cảm; nó đến lúc nào không rõ, không có gợn sóng nào, thật mà như mộng; nó như thể Đông Chu của những mảnh tầm thường theo cách nói của Nhất Linh. Tôi không có may mắn để được những ngày hạnh phúc, nhưng những giờ phút hạnh phúc thì luôn có. Như lúc này, vùi trong chăn ấm đọc những cuốn sách xưa, và nhớ đến một người. Một người thôi, không phải những hình ảnh thay nhau đến và đi, như trước kia.

tinh-yeu-tuoi-505-copy

Năm mươi tuổi người ta tương tư một người và thấy người ấy lúc nào cũng mới, như thể cứ mỗi ngày gặp ta lại chứng kiến những điều chưa từng, những niềm vui chưa biết đến. Năm mươi tuổi với một người đàn ông, là bước vào “ngũ thập tri thiên mệnh”, biết Trời ban tặng mình những gì và những gì thì ngoài tầm tay với. Người ta không còn khao khát, nhưng biết giữ gìn.
Cái gì ta có, chẳng phải lúc nào ta cũng quý. Khi còn trẻ, bạn nghĩ mình tạo ra được mọi thứ. Cái gì bạn tạo ra cũng đều thấy quý, tốn vài phút vài giờ cũng đưa lên hàng kỳ công. Đó là ta đang tự lừa mình đấy thôi. Người chạy xe ôm đưa khách từ điểm A đến điểm B, kẹt xe hay đường thông thì vẫn tính quãng đường từ A đến B (về địa điểm, nơi chốn). Ta viết nhạc mất mười lăm phút, cộng với mười năm học, cũng chỉ để tác phẩm đưa người nghe từ điểm A đến điểm B (về tâm hồn, tình cảm). Đến được B, ta thành công. Giậm chân tại A, hoặc là phủi quần bỏ về, ta thất bại. Ta yêu mà làm cho người tình cũ đi, trơ mòn cảm xúc, là lỗi của ta.

Tình cảm, lúc đầy lúc vơi, có khi rỗng như lòng giếng. Làm sao để tình cảm không vơi cạn, không trơ lạnh, là việc khó. Làm sao để nói sự thật của sự cạn kiệt, rỗng không? Làm sao để luôn luôn mới mẻ khi đối diện với những điều quen thuộc, mòn nhẵn? Người ta thường nói lúc khỏe không lo, khi suy yếu thấy mọi thứ như tuột khỏi tầm tay, càng giữ chặt càng tuột. Tôi thì không sợ điều này lắm.

Tôi không cố gắng giữ chặt. Điều tốt lành cũng như điều dữ đều đến và đi một cách tự nhiên. Nhưng tôi dần dà học được cách thay mới chính mình: không có tình yêu lạ, ta cần học làm cho cái nhìn của mình mới lạ.

tinh-yeu-tuoi-503-copy

Để lạ, thì cần học lắng nghe, để ý, quan tâm.
Những tháng năm tuổi trẻ, tôi hầu như chẳng để ý quan tâm đến ai trừ phi có chuyện thực sự cần quan tâm. Tôi sống hời hợt, ích kỷ. Và phải hối hận vì điều ấy: tôi đã bỏ mất, đánh rơi nhiều cơ hội hạnh phúc cho mình và cho người tôi yêu. Bây giờ, ở ngưỡng “toan về già”, tôi chuộc lại lỗi lầm bằng sự quan tâm chân thành dành cho một người mà thôi. Mỗi khi nghĩ về nàng, tôi “dọn mình” như thể đây là lần đầu tiên tiếp xúc. Như thể lần đầu thân mật. Cuộc hẹn đầu. Tình yêu mới.

Bạn sẽ cho đây là một cố gắng miễn cưỡng, mà cũng có thể tôi chưa làm bạn tin được, điều ấy là bình thường. Nhưng cũng như mỗi sáng ta đều thấy mình đối diện với ngày mới, với tất cả những mới lạ tinh khôi của đời sống (dù đời sống vẫn cứ lặp lại), thì ta hoàn toàn có thể nghĩ như vậy, trong tình yêu. Tình yêu tuổi năm mươi dịu nhẹ và bình thường, quan tâm đến nhau theo cách bình thường, không vồ vập hối hả, không mong cầu điều kỳ diệu nào hết, thì lại hóa bền chặt. Tôi tin như vậy.

Bởi vì tôi vẫn giữ được nàng.

Thực hiện: depweb

11/12/2016, 15:47