Thưởng thức "một Paris đậm chất Nga" qua những món trang sức cao cấp của Chanel - Tạp chí Đẹp

Thưởng thức “một Paris đậm chất Nga” qua những món trang sức cao cấp của Chanel

Bộ Sưu Tập

Coco Chanel là người phụ nữ có cá tính đa dạng, những thiết kế theo chủ nghĩa hiện đại của cô luôn được tô điểm bởi các chi tiết trang trí cổ điển. Cô đặc biệt yêu thích sự xa hoa, phù phiếm và giàu chi tiết của phong cách Byzantine (Đế chế Đông La Mã). Phủ đầy vàng và đá pha lê, phong cách đặc trưng của nước Nga trở thành một trong những đam mê đầy ám ảnh mà Chanel theo đuổi đến cuối đời.

Nữ diễn viên ba lê huyền thoại người Nga Anna Pavlova trong một bộ trang phục mang dấu ấn Byzantine

Người đứng sau tình yêu đặc biệt của Coco Chanel dành cho phong cách Byzantine chính là công tước Dmitri Pavlovich – một anh hùng sa ngã với đôi mắt xanh thẳm mơ màng. Gặp gỡ nhau lần đầu vào năm 1911, mối tình giữa Dmitri và Coco chóng vánh nhưng luôn bùng cháy ngọn lửa đam mê. Dmitri giới thiệu Chanel với Byzantine, và tình yêu của cô dành cho phong cách này được tiếp tục phát triển bởi vô số các cuộc gặp gỡ khác với những nghệ sĩ gắn liền cùng phong trào Cách mạng Nga: nhà soạn nhạc Stravinsky, nhà phê bình nghệ thuật Diaghilev cũng như các vũ công ba lê Léonide Massine, Serge Lifar và Boris Kochno. Cuộc gặp gỡ định mệnh của Coco Chanel và công tước còn đưa cô đến với Ernest Beaux – chiếc mũi tài hoa đã tạo ra chai nước hoa No.5 trứ danh.

Nước Nga luôn hiện hữu trong Chanel, ngay cả khi ít ai ngờ đến nhất. Và BST trang sức cao cấp Le Paris Russe de Chanel chính là lời tri ân đến mối quan hệ này. Một Paris đậm chất Nga của Chanel. Dù Gabrielle Chanel chưa từng đặt chân đến đất nước này, nhưng trong giấc mơ của cô và tại căn hộ ở đường Cambon (Paris), dấu ấn của xứ sở bạch dương đã luôn in đậm thông qua những vật trang trí, mà nổi bật nhất là tấm gương họa tiết đại bàng hai đầu. Là motif chính của Le Paris Russe de Chanel, đại bàng hai đầu kết hợp cùng hoa trà, hình bát giác tạo nên bộ khung tuyệt mĩ cho những thiết kế nữ trang cao cấp. Không chỉ nước Nga của thần thoại, mà văn hóa đời thường cũng được lồng ghép khéo léo thông qua kiểu áo roubachka, váy sarafan, khăn choàng đầu kokoshnik và cả những chiếc huy hiệu mà những thành viên của quân đội Nga hoàng vẫn thường mang đầy tự hào trước ngực.

Năm 1967, thiết kế của Chanel lần đầu được ra mắt tại Quảng trường Đỏ của Nga. Dù không dự được sự kiện này, cô vẫn nhận được một món quà đặc biệt từ nước Nga: những nhành lúa mì. Chúng biểu trưng cho vàng, mặt trời và sự may mắn, sau đó còn trở thành hình tượng gắn với nước Nga yêu dấu trong trái tim Chanel. Không chỉ trang trí cho những tác phẩm nữ trang cao cấp của Le Paris Russe de Chanel, lúa mì còn phủ đầy không gian của sự kiện ra mắt bộ sưu tập tại Grand Palais, như tiếng vọng từ quá khứ của người sáng lập nên nhà mốt lừng danh này.

Kim cương là loại đá quý yêu thích của Gabrielle Chanel, bởi nó hàm chứa giá trị lớn nhất trong hình dáng nhỏ nhất. Kim cương phủ khắp bộ sưu tập lần này với đủ kích cỡ và màu sắc – ngay cả vàng, sắc màu quý hiếm nhất trong bảng màu kim cương. Kết hợp cùng opal, spinel, sapphire, ngọc hồng lựu, ngọc lục bảo và cả ngọc trai, những câu chuyện cổ tích của nước Nga hiện lên sống động và cuốn hút đầy choáng ngợp.

Quá trình chế tác các thiết kế trang sức vòng cổ Sarafan trong BST “Le Paris Russe de Chanel”

Patrice Leguéreau – Giám đốc Sáng tạo của Chanel High Jewellery đặc biệt tự hào về những thiết kế lần này của mình. Là một người rất kín tiếng, Patrice chỉ chia sẻ với công chúng về quá trình sáng tạo của riêng bộ sưu tập Le Paris Russe de Chanel. Mỗi năm, và thậm chí đến hai năm một lần, Chanel mới ra mắt một bộ sưu tập High Jewellery mới. Với khoảng thời gian dài để sáng tạo, Patrice Leguéreau luôn muốn tập trung vào một chủ đề độc đáo và truyền tải thông điệp rõ ràng nhất về những ý tưởng của mình.

Ông tham vọng mang sự nữ tính vào phong cách Art Deco, đặc trưng bởi những hình họa sắc cạnh. Và làm cách nào để biến những chất liệu cứng nhắc như kim loại và đá quý trở nên mềm mại, bay bổng như hình thêu và lụa là? Sự phù hoa của văn hóa Nga đặc trưng cho Le Paris Russe de Chanel cũng là một thử thách với Patrice, bởi để thể hiện đầy đủ những chi tiết trang trí nhưng vẫn khiến cho thiết kế trang sức không quá nặng nề khi mang là điều không hề dễ dàng. Chính vì thế, kim cương đã được đội ngũ thiết kế của Chanel biến tấu để trở nên đương đại hơn, thông qua cách sắp xếp và những bộ khung mới tạo hiệu ứng lớp, ren và cả xếp nếp như vải.

Người mẫu Alma Jodorowsky với những món trang sức trong BST “Le Paris Russe de Chanel”

Mảng nữ trang cao cấp của Chanel mới đi vào hoạt động từ năm 1993. Dường như sự mới mẻ chính là thế mạnh của nhà mốt này, bởi không một quá khứ mơ hồ nào có thể ràng buộc sự sáng tạo của đội ngũ thiết kế. Câu chuyện nữ trang của Chanel tiến hóa theo thời trang, với mỗi bộ sưu tập vừa là sự nối tiếp, vừa hé lộ một chương mới.

HIGH JEWELLERY

Giá trị của những món Trang sức cao cấp không nằm ở con số hiện lên trên chiếc cân tiểu ly, chúng là sản phẩm đóng vai trò mở rộng tầm nhìn cũng như ghi dấu ấn riêng cho từng thương hiệu. Qua đôi bàn tay khéo léo của những người thợ kim hoàn, những món phụ kiện tô điểm y phục này còn có thể trở thành kiệt tác nghệ thuật để người ta không ngừng Ngưỡng vọng. câu chuyện về những món trang sức đắt giá vẫn chưa bao giờ thôi làm nức lòng những người yêu cái đẹp.

Đọc thêm

Thưởng thức “một Paris đậm chất Nga” qua những món trang sức cao cấp của Chanel
Khu vườn kỳ ảo của Dior qua lăng kính nghệ thuật của Victoire de Castellane
Thế giới thần thoại của Gucci

Tác giả: Thúy Vy

07/10/2019, 10:00