Phan Đăng Di: “Chỉ có thể trông chờ vào những gương mặt mới”

Việc làm phim ngắn – loại phim trước đây chỉ dành cho sinh viên điện ảnh làm bài tập – hiện đã trở thành một phong trào trong giới trẻ. Nhờ sự trợ giúp của máy ảnh có chức năng quay phim, giờ đây, dường như ai cũng có thể trở thành “nhà làm phim ngắn”.

Chuyên đề “Phim ngắn cho đường dài”của Đẹp online sẽ gửi tới bạn đọc những lời chia sẻ chân thành của 4 nhà làm phim Đỗ Quốc Trung, Nguyễn Thành Trung, Nguyễn Hữu Tuấn và Phan Đăng Di. Phim ngắn không phải thể loại chỉ dành cho người nghiệp dư, mà đây chính là một thể loại riêng, có yêu cầu riêng. Đi từ phim ngắn tới phim dài là một quá trình cơ bản của người đạo diễn, và qua các tác phẩm nhỏ này mà chặng đường của những nhà làm phim trẻ đầy đam mê được bắt đầu.

Các bài viết trong chuyên đề:

Trung ROD: “Không tự tin thì nên bỏ nghề”

Trung Rwo: “Điện ảnh Việt như… quả trứng gà”
Nguyễn Hữu Tuấn: “Cái đẹp không bao giờ có giá thấp”
Phan Đăng Di: “Chỉ có thể trông chờ vào những gương mặt mới”

Tổ chức: Linh Hanyi


“Người làm phim không nên muốn nhiều thứ quá”

– Sau khi phim “Đường đua” ra mắt, nhiều người nhận định rằng cánh cửa cho dòng phim độc lập dường như đã rộng mở hơn một chút. Anh nghĩ sao về điều này?

– Theo tôi, “Đường đua” có thể là một phim được làm tốt, nhưng không hẳn là phim độc lập. Bởi vì ngay từ đầu, định hướng từ phía nhà sản xuất Blue Productions đã là một bộ phim thương mại với những nước đi bài bản để thoả mãn khán giả và đặt mục tiêu thị trường đầu tiên. Phim độc lập có một cơ chế vận hành khác và còn mới mẻ ở Việt Nam. Tinh thần độc lập thể hiện ở việc không dựa dẫm vào các hãng phim lớn, không dựa vào Nhà nước, vốn là do cá nhân bỏ ra và mọi người làm việc theo tiêu chí khá là thiện nguyện. Cánh cửa đối với dòng phim độc lập Việt vẫn ở đúng chỗ đó thôi.


– Có một nghịch lý ở Việt Nam là người làm phim luôn muốn làm cái gì đó mới mẻ, nhưng lại e dè nó không được tiếp nhận. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn cho điện ảnh Việt. Anh nghĩ sao về điều này?

– Đó cũng không hẳn là nghịch lý. Bởi ở Việt Nam, thảng mới có một thứ gì đó tương đối mới như bộ phim “Đường đua”. Nói vậy là bởi cách làm phim của nó mới ở Việt Nam: thả sức cho tưởng tượng, sáng tạo và quyết liệt trong cách làm. Lâu rồi mới có một phim như vậy, còn các hãng phim trong nước mình, cho dù được quyền quyết định làm, vẫn chủ yếu chọn các dự án an toàn, dễ dàng. Nói họ “muốn làm cái mới” thì tôi không tin, bởi họ phải bắt tay vào làm thì mới được.

– Vậy có thể hiểu là, các đạo diễn muốn cái mới, nhưng hãng sản xuất muốn sản phẩm an toàn về doanh thu hơn.

– Những gì nói trên không có nghĩa họ bị ngăn cản. Nếu đạo diễn muốn làm cái mới, họ sẽ tự tìm ra cái cách để làm theo hướng họ muốn, gõ cửa từng nhà tài trợ. Ở tất cả mọi nơi đều thế thôi, nếu làm cái mình muốn thì sẽ phải đấu tranh rất nhiều, và không phải lúc nào cũng có thể làm. Đó là điều mình phải chấp nhận thôi. Hoặc trong thời điểm hiện tại, nếu ai đó muốn làm cái gì đó mới hẳn trong ngôn ngữ điện ảnh thì nên làm một cái phim ít tiền thôi.

Nếu đi theo con đường phim thương mại thì không nói làm gì, bởi bạn sẽ có một tư duy khác trong làm phim, còn nếu bạn muốn đi theo con đường nghệ thuật, thì cái làm bạn tồn tại được chính là nằm ở trong sâu thẳm của bạn có điều gì mới mẻ muốn nói bằng ngôn ngữ của mình hay không. Cái câu “vấn đề của người làm điện ảnh là có gì đó để nói” tưởng chừng đơn giản, nhưng lại là câu khó nhằn nhất. Cái mới ấy phải xuất phát từ trong cá thể của anh có gì đặc biệt, chứ không phải là kể lại câu chuyện của người khác.

– Cách đây một vài năm, các nhà làm phim độc lập thường đau đầu với câu hỏi “Lấy tiền đâu để làm phim?”. Còn bây giờ, câu hỏi chính lại là “Làm sao để tung phim ra thị trường?”. Xem chừng, đầu đã xuôi, nhưng đuôi vẫn khó lọt.

– Không riêng gì ở Việt Nam, đầu ra của phim độc lập nói chung thì ở đâu cũng khó khăn. Đương nhiên, thị trường ở Việt Nam còn mới và mọi người chưa có thói quen xem phim độc lập, chưa có lượng khán giả riêng, hay coi nó như một nhánh riêng của điện ảnh. Nhưng tương tự với số phận phim độc lập trên thế giới, nó là một sự thách thức về mặt thị trường. Kể cả những đạo diễn tài năng lớn của thời hiện đại, có phim được chiếu tại nhiều liên hoan phim, thì việc phát hành phim của họ cũng khá khó khăn.

Trừ trường hợp họ có danh tiếng sẵn và phim được giải tại LHP Cannes, Berlin thì mới có một số hãng chuyên phát hành phim nghệ thuật nhảy vào. Chỉ khi đó, phim của họ mới có một thị trường, nhưng cũng không quá nhiều. Như bộ phim “Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives” dù đoạt giải Cành Cọ Vàng nhưng cũng chỉ bán được khoảng 5000 vé, quá khiêm tốn trong con mắt nhà sản xuất.

Quay trở lại với câu hỏi, các nhà làm phim độc lập cần có sự xác định rõ ràng ngay từ đầu rằng: không nên muốn nhiều thứ quá. Đối với dòng phim này, anh cùng với ê kíp phải được làm bộ phim theo mình muốn, không có sự thúc ép quá nhiều của thị trường và các nhà sản xuất. Đó là điều tốt nhất rồi. Không thể nào vừa muốn làm phim theo ý mình, vừa có một thị trường rộng lớn được.

– Ở Việt Nam vẫn còn phân chia rạch ròi dòng phim thị trường – nghệ thuật và có phần quy chụp. Trong khi đó ở nhiều nơi, người ta đã có thể hòa trộn các yếu tố này vào được với nhau rồi, để tạo ra nhiều bộ phim thị trường mà vẫn rất nghệ thuật.

– Thị trường hay nghệ thuật chỉ là chuyện định danh thôi, không có ý nghĩa gì cả. Về cơ bản, dòng phim phục vụ số đông và dòng phim mang tính cá nhân tác giả sẽ có những cơ chế vận hành khác nhau. Tôi không thích dùng từ nghệ thuật cho dòng phim mình theo đuổi, nơi tiếng nói cá nhân tác giả mạnh hơn. Khi mình làm phim, mình chọn những câu chuyện gắn với cảm xúc, hồi tưởng hay những suy nghĩ rất cá nhân, riêng tư. Nó khác với việc đạo diễn phải quên mình đi để kể lại câu chuyện thỏa mãn số đông khán giả.


“Phim ngắn không phải một thử thách tận cùng”

– Các nhà làm phim trẻ đang đi theo dòng phim độc lập bằng cách tính luỹ hành trang với nhiều bộ phim ngắn khác nhau. Con đường từ làm phim ngắn lên làm phim dài của dòng phim độc lập có quá sức với họ?

– Rất khó và rất khác nhau. Phim ngắn rất đơn giản và không phải là một thử thách tới tận cùng để biết người làm phim có đi được chặng đường dài hay không. Các phim độc lập dài cần những nhà sản xuất rất giỏi, biết đường đưa dự án phát triển lên. Và tiếc rằng, ở Việt Nam vẫn chưa có lực lượng này. Sở dĩ vẫn có một số phim độc lập ở nước ta, là bởi các đạo diễn phải làm hết mọi việc: viết kịch bản, soạn dự án, đi các liên hoan, gặp gỡ nhiều người… Nhưng về lâu về dài, đó không phải là con đường tốt bởi người có thể làm tất cả mọi thứ như thế, chỉ đếm được trên đầu ngón tay và họ chỉ có thể lo được cho dự án của họ thôi.

Khi phải xây dựng một số dự án của riêng mình và Nguyễn Hoàng Điệp, tôi thấy cả núi vấn đề. Nhưng theo tôi, khi mà cộng đồng làm phim độc lập còn quá nhỏ và yếu, thì chúng ta phải luôn luôn dựa vào nhau để giúp đỡ lẫn nhau. Điều này tạo ra một tiếng nói không chỉ có ý nghĩa đánh động về sự tồn tại của dòng phim này ở riêng trong nước, mà còn tạo ra một sự xuất hiện thường xuyên ở các liên hoan phim, từ đó tạo ra nhiều cơ hội hơn cho điện ảnh Việt Nam.

– Nếu được sản xuất quy củ, chúng ta vẫn có thể thực hiện một chùm phim ngắn rồi ghép vào với nhau thành 1 phim dài rồi chiếu rạp, tương tự với các bộ phim như “Paris Je t’Aime”, “New York I Love You…” Ở Việt Nam, dạng phim này liệu có triển vọng không?

– Trong điện ảnh, người ta gọi đó là dạng phim “omnibus”, có cùng một chủ đề để có thể kết nối lại thành một phim dài. Đó là một sự thông minh về mặt thương mại, bởi các phim ngắn nếu tách riêng rẽ thì ít có giá trị khai thác về mặt thương mại. Phim theo chùm là một mẹo hay của dân làm phim để khiến nhà đầu tư hào hứng hơn.

Cái khó của mình vẫn là vấn đề tài chính, người sản xuất chuyên nghiệp. Các dự án phim chùm độc lập như vậy cần nhà sản xuất lèo lái đúng hệ thống của nó, và phải đi nhiều nơi bên ngoài chứ không bó hẹp ở Việt Nam vốn chỉ quen với kiểu nhìn vào giá trị thương mại để đầu tư. Phim chùm như thế khi ra rạp sẽ gặp nhiều vấn đề về việc xác định lượng người xem có đông hay không, lo ngại việc kiểm duyệt cũng khó khăn hơn.

 

 

– Trong thời gian qua, có thể nói điện ảnh Việt Nam có một số sự biến chuyển: nhiều cuộc thi khuyến khích làm phim hơn, nhà sản xuất sẵn sàng chi tiền cho một ê kíp mới toanh và một Dự thảo Chiến lược phát triển điện ảnh tới năm 2020 cũng đã được đưa ra xem xét. Anh có cho rằng tất cả các động thái này sẽ giúp đỡ nền điện ảnh nước nhà phát triển hơn không?

– Theo tôi, sự phát triển của điện ảnh không nằm ở đó. Mình phải nhìn vào con người, chứ không nên nhìn vào chiến lược. Những người đã làm phim thì mình biết mặt họ rồi, phong cách của họ mình đã thấy, khả năng của họ đi tới đâu thì ta cũng đã biết. Mình chỉ còn có thể trông chờ vào những gương mặt hoàn toàn mới, nhưng hiện tại, chẳng ai đầu tư cho những người mới.

Chúng ta bắt đầu phải cho những người mới làm những bộ phim nhỏ, cho họ tiếp cận với điện ảnh một cách bài bản qua các trung tâm có sự trao đổi học thuật như Dự án Điện ảnh ở trường ĐHKHXH&NV, Trung tâm TPD… Hiệu quả chưa nói, nhưng điều này ít nhất cũng giúp cho chính dòng phim nghệ thuật có một lượng khán giả nhiều hơn, chứ ta không thể nào trách khán giả khi họ xem phim thấy không hiểu và chán nản. Muốn xem phim nghệ thuật và thấy nó thú vị,  thì ai cũng cần phải học.

Nếu nhà nước muốn làm điều gì đó cho điện ảnh, thì nên đầu tư vào con người trẻ, nên cấp những khoản tiền cho các gương mặt có khả năng làm phim ngắn. Chứ nếu chỉ vẽ ra những chiến lược, chờ đợi mà không đầu tư, hoặc có tiền mà đầu tư sai mục đích, thì không hy vọng gì được. Những khối tiền lớn nhất của mình vẫn rót vào những bộ phim chiến tranh ít người xem, và cả những người làm cũng không thoải mái do bị tâm lý giao nhiệm vụ phải làm. Thế thì sao mà hy vọng được.

– Là một người tâm huyết với điện ảnh và luôn mở lòng với cái mới, có lẽ anh đang có một số dự án nhằm phát triển những tài năng điện ảnh trẻ?

– Với vai trò cá nhân, mình chỉ có thể làm được một số việc nhỏ nhỏ mà thôi. Tôi đang làm đề án để tổ chức một trại sáng tác vào khoảng cuối tháng 10 năm nay ở Đà Nẵng, để mời những người làm phim trẻ giỏi nhất tới học với những dự án làm phim ngắn tốt. Tới nay thì đề án đã có những hỗ trợ và bật đèn xanh đầu tiên tại một số nơi. Hiện nay mình biết một số bạn đang có khả năng tốt, và nếu mình thực hiện được điều đó thì sẽ có thêm được cái để hy vọng.

– Vậy dự án phim dài tiếp theo của anh đang đi tới đâu rồi?

– Mọi thứ đang rất khả quan. Tôi nhận được tiền tài trợ từ các quỹ, cũng như các nhà đầu tư tư nhân và mọi người đang rất hào hứng bởi làm việc quen nhau rồi. Tất cả đang chạy theo một tinh thần nghiêm túc và chặt chẽ. Cuối năm nay hoặc đầu năm sau tôi sẽ bắt đầu quay bộ phim này. Câu chuyện trong “Cha và con” nói về tình yêu, với nhiều màu sắc khó nói thành lời, có nhiều cảnh vừa hài hước, vừa buồn bã. Sau dự án này, tôi sẽ quay lại Hà Nội để thực hiện một bộ phim nữa về một buổi họp lớp.

– Xin cám ơn anh!

Bài: Trung Rwo

Ảnh: Đẹp

 

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!


From the same category