Phạm Quỳnh Anh: “Mạng xã hội không thể quyết định sức lao động của nghệ sĩ” - Tạp chí Đẹp

Phạm Quỳnh Anh: “Mạng xã hội không thể quyết định sức lao động của nghệ sĩ”

Giải Trí

Sau cuộc ly hôn với nhạc sĩ Quang Huy, Phạm Quỳnh Anh e dè và giữ tâm lý phòng thủ trong mọi cuộc phỏng vấn. Tới tận cuối cuộc trò chuyện cùng tôi, cô ấy mới thở phào và thừa nhận: “Lâu lắm rồi, tôi mới được dốc lòng nói về âm nhạc như thế này”.

Từng đứng trên đỉnh cao V-Pop cách đây 10 năm và quyết định trở lại sau 7 năm vắng bóng, Phạm Quỳnh Anh như được tái sinh một lần nữa. Ở cô toát lên sự lý trí và điểm tĩnh của một người làm nghề lâu năm khi thẳng thắn đánh giá những mặt trái của thị trường giải trí và không e ngại nhắc đến những cái tên đình đám trong showbiz hiện tại.

Trang phục: Lê Lucas – Trang điểm & làm tóc: Quí Đoàn – Hương Đào

– Trở lại con đường ca hát sau 7 năm vắng bóng, điều gì có ý nghĩa nhất với chị?

Ngày xưa, tôi yên tâm rằng mình là một ca sĩ và chỉ cần hát thôi vì tôi luôn có những người đồng đội bên cạnh. Lần này trở lại, tôi chọn con đường độc lập hơn và một mình làm hết tất cả từ việc chọn ca khúc, quyết định quay MV đến nhận show. Tôi nghĩ đây là những bước đi rất đúng đắn để tìm lại bản thân và khám phá những điều mà trước đó tôi chưa từng trải nghiệm.

– Nhiều người vẫn nói trải qua chuyện buồn thì làm âm nhạc sẽ cảm xúc hơn?

Điều đó đúng chứ. Nhưng tôi không muốn để nỗi buồn ngự trị trong lòng mình mà cố gắng hướng bản thân đến điều những tích cực, vui vẻ. Mọi chuyện cũ chỉ là trải nghiệm và vốn sống, giúp tôi có được cái nhìn sâu sắc hơn trong công việc.

– Vậy là khán giả sẽ có cơ hội được thấy chị hát nhạc vui và tích cực hơn trong thời gian tới?

Tôi muốn là một người nghệ sĩ truyền tải và chia sẻ rất nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống. Hôm nay hát về chuyện chia tay thì ngày mai cũng có thể hát về chuyện hạnh phúc. Một vài người cứ nhìn tôi là chỉ thấy buồn thôi, nhưng nếu được chọn, tôi muốn mọi người thấy nhiều khía cạnh khác của cuộc sống khi nhìn vào âm nhạc của tôi.

– Chị không có ý định tìm cho mình một lượng khán giả trẻ – những người đang quyết định mọi xu hướng hiện tại ư?

Tôi không “có mới nới cũ” đâu, chắc gì người mới đã yêu mình bằng người cũ? Để phát triển một tình cảm trong vòng mười mấy năm trời và giữ gìn được tình cảm ấy là điều không hề dễ dàng. Dù không bảo thủ và ôm khư khư những gì diễn ra từ hàng chục năm về trước nhưng tôi biết mình phù hợp với cái gì. Nếu tôi trở lại và chạy theo những xu hướng mới rồi bỏ quên khán giả cũ thì khác gì tôi phản bội họ?

Tôi vẫn chung thủy với người hâm mộ và chung thủy với những gì khiến họ yêu tôi. Tôi không cố gắng nhảy nhót sôi động hay tìm đến những thể loại nhạc khiến mình khác đi. Nghệ sĩ cần phải biết khán giả yêu mình vì điều gì, đừng chạy theo các trào lưu mà đánh mất bản thân.


– Sản phẩm đánh dấu sự trở lại của chị – MV “Tất cả sẽ thay em” đạt được gần 30 triệu lượt xem trên YouTube nhưng những sản phẩm sau đó lại giảm đi. Chị có cảm thấy hụt hẫng?

Tôi vẫn suy nghĩ tại sao những MV sau lại không tốt bằng MV trước nhưng vấn đề đó không thể khiến tôi nhụt chí. Nghệ sĩ cần sự quan sát và học hỏi chứ không phải thấy con số trên YouTube giảm thì mất ăn mất ngủ. Hơn nữa, mỗi bài hát đều có số phận của riêng nó, vài triệu lượt xem vẫn đủ để chứng tỏ sự yêu thích của khán giả mà.

Tôi chưa bao giờ có quan điểm làm ra một MV để người ta xem mình thật nhiều. Những con số trên YouTube của tôi hoàn toàn là thật, tôi không phải huy động một lực lượng “cày view” và cũng không tự tặng cho mình một lượng yêu thích ảo bằng cách bỏ tiền “mua view”. Nếu nghệ sĩ chỉ sống vì những con số trên YouTube thì không thực tế chút nào.

– Chị có sợ rằng nếu không quan tâm đến thành tích trên YouTube, các nghệ sĩ hoạt động lâu năm sẽ khó bắt kịp với đàn em?

Tôi vẫn hy vọng khán giả và truyền thông đừng đem những hào quang của quá khứ so sánh với những gì diễn ra ở hiện tại. Điều đó rất khập khiễng. Ngày xưa, hiện tượng là Ưng Hoàng Phúc. Anh ấy từng bán được hàng trăm ngàn bản đĩa. Còn bây giờ, hiện tượng là Sơn Tùng M-TP. Cậu ấy không bán đĩa thì lại có những thành quả khác. Hai ca sĩ ở hai thời kỳ khác nhau và cách khán giả đón nhận những sản phẩm âm nhạc của họ cũng khác nhau.

Nghệ sĩ chân chính có ít lượt xem không có nghĩa là họ không được đón nhận. Họ vẫn có đối tượng khán giả và môi trường làm nghề riêng. Ví dụ khán giả của các anh chị ca sĩ như Thanh Lam, Hồng Nhung, Tùng Dương… lấy đâu ra thời gian để “cày view”? Nhưng những nghệ sĩ ấy vẫn thành công và xuất hiện trong các chương trình nghệ thuật rất tầm cỡ.

– Nghiêm túc mà nói, thứ hạng thấp trên YouTube có gây ảnh hưởng tới sự nghiệp của chị?

Dù cuộc đua làm ra những MV triệu view đang rất sôi động và ai cũng muốn mình giành chiến thắng, nhưng những MV trên YouTube không phải là tất cả sự nghiệp của tôi. Đâu phải toàn bộ khán giả sẽ ngồi xem YouTube miễn phí suốt ngày suốt đêm? Vẫn có những người sẵn sàng bỏ tiền mua vé, sửa soạn một bộ đồ thật đẹp để đi nghe nhạc. Không thể để mạng xã hội quyết định sức lao động của nghệ sĩ được!


– Hình như chị đang muốn nói đến những khía cạnh tiêu cực của YouTube?

Trước đây, khán giả phải mua vé để nhìn thấy nghệ sĩ. Ngày nay, YouTube phát triển, họ muốn tìm ai thì chỉ cần gõ tên là ra một loạt. Chính vì gặp thần tượng dễ quá lại còn miễn phí nên khán giả rất hay phán xét, bình phẩm và tự cho mình là quan tòa. Tôi cảm thấy chạnh lòng tự hỏi tại sao phải hằn học với nhau như vậy? Đã gọi là giải trí thì phải vui chứ, nếu không muốn xem thì đừng click vào. Khi mọi thứ phát triển, nghệ sĩ cần cố gắng đầu tư vào sản phẩm âm nhạc, khán giả cũng phải văn minh lên và động viên nghệ sĩ, nhìn nhận mọi thứ một cách bao dung hơn.

– Chị có đặt nhiều tâm trí vào việc sản xuất MV không?

Tôi quan tâm đến bài hát hơn MV. Tất cả những bài hát của tôi đều cần có ý nghĩa và câu chuyện rõ ràng. Khi khán giả không xem MV, họ vẫn nghe bài hát trong nhiều năm sau đó. MV nhiều tính drama chỉ là chất xúc tác cho âm nhạc thôi. Chi phí quay hết cả nửa tỉ đồng nhưng bài hát dở thì người ta cũng chỉ xem MV một hai lần là quên.

– Liệu YouTube có đang tạo điều kiện cho những sản phẩm âm nhạc thiếu chất lượng?

Tôi không muốn phán xét chuyện phát hành sản phẩm, vì mọi người đều có lý do riêng. Miễn sao nghệ sĩ khi làm gì đều chân thành và dồn hết tâm sức, đừng vùi dập ai.

Trước đây, cả showbiz dậy sóng vì chuyện Chi Pu đi hát nhưng tôi không phán xét cô ấy. Tôi chính là người đầu tiên dẫn Chi Pu vào phòng thu và chứng kiến Chi không hát nổi một câu. Vậy mà sau này, cô ấy hát được trọn vẹn một bài. Điều tôi đánh giá cao ở Chi là tinh thần phấn đấu và nghiêm túc làm nghề. Hơn nữa, Chi xinh đẹp, đầu tư làm MV chỉn chu, ngay cả ca khúc ballad mới đây cũng tiến bộ hơn nhiều rồi.

Mỗi người đều có quyền theo đuổi âm nhạc nhưng vị trí của họ ở đâu là do khán giả quyết định. Cuối cùng, các sản phẩm yếu kém và thảm họa sẽ tự khắc biến mất trên thị trường thôi, làm sao nó sống mãi được? Cứ để khán giả và thời gian trả lời, tôi nghĩ chúng ta không cần thiết phải bức xúc vì vấn đề này.

Sản xuất: Hellos – Nhiếp ảnh: Tang Tang
Stylist: Chi Lemon – Trợ lý: Huey

Tác giả: Hạnh Moon

12/06/2019, 14:40