Câu chuyện của “Ôi, ma ơi” cũng có nội dung như “Oan hồn” nhưng được khai thác ở khía cạnh hài hước hơn.
Bee là một cô người mẫu xinh đẹp, đang sống cùng bạn trai là nhà thiết kế nội thất Korn. Với tính tình khá trẻ con, Bee và Korn thường xuyên cãi nhau vì những chuyện không đâu như vì sao không công khai mối quan hệ trên facebook, vì sao Bee lại không chịu cắt tóc ngắn… Những chuyện lặt vặt này càng ngày càng làm cho mối quan hệ của Bee và Korn thêm căng thẳng. Trong một lần cãi nhau, Bee bực mình bỏ đi và bị tai nạn giao thông, khiến linh hồn rời ra khỏi thể xác. Cơ duyên đẩy đưa để cho Bee gặp được một cô gái tên là Kitty. và nếu Bee muốn nhập hồn lại vào thân xác cũng phải thông qua Kitty.
Kitty là một cô nàng từ quê lên thành thị với hi vọng tham gia vào showbiz để gia đình dưới quê có thể thấy mình đứng trên sân khấu dù chỉ một lần. Cô tham gia mọi cuộc thi từ nhỏ tới lớn nhưng đều thất bại bởi “vẻ đẹp” của mình. Kitty sở hữu một vẻ đẹp “khó cưỡng lại” với số đo vòng 1 bằng vòng 2 và cũng bằng luôn vòng 3. Khuôn mặt Kitty cũng làm người ta không thể quên được dù chỉ một lần “lỡ” gặp phải.
Cá tính của Kitty cũng khác hẳn Bee. Kitty dám nói dám làm, không tiểu thư ương bướng như Bee. Mặc dù khác nhau như vậy, nhưng Kitty cũng thông cảm cho hoàn cảnh của Bee và quyết định giúp linh hồn cô nhập lại vào thân xác, tuy nhiên, để việc đó được thực hiện, cả hai lại phải trải qua rất nhiều khó khăn.
Nếu nói đây là một bộ phim kinh dị hay phim ma thì không đúng, vì hơn 90 phút phim, chỉ có khoảng 15 phút đầu tiên là có được 1, 2 phân đoạn làm người xem hồi hộp, giật mình, phần còn lại chủ yếu kể về mối quan hệ bạn bè của Kitty – Bee, hay chuyện tình yêu lãng mạn của Bee và Korn, vì vậy, có thể xem đây là một bộ phim tình cảm “trá hình” kinh dị.
Sau thành công ngoài dự kiến của “Hồn ma Pee Nak”, thể loại phim kinh dị – hài được Thái Lan khai thác khá kĩ. Trong cả bộ phim, những tình tiết gây cười nhẹ nhàng, duyên dáng được đưa vào rất tự nhiên, không có cảm giác khó chịu hay hài nhảm như một số phim Việt Nam mắc phải. Những nụ cười của khán giả đa phần đều dành cho lối diễn xuất rất tự nhiên của cô nàng Kitty.
Diễn viên Thái được rất nhiều người yêu thích là Sudarat Tukky Butprom vào vai Kitty rất “ngọt”. Cách diễn xuất tự nhiên, đơn giản như kiểu “ngoài đời sao thì lên phim y vậy” của Sudarat là điểm nhấn lớn nhất của bộ phim. Khán giả đi xem phim sẽ được cười thích thú khi nhìn thấy hình ảnh Kitty trong bộ đồ hóa trang con thằn lằn, những màn trình diễn nóng bỏng của cô tại các vòng thi tài năng, hay cảnh cô bị hồn ma của Bee hù cho chạy 4-5 tầng lầu, nhưng cũng sẽ có lúc lắng lòng khi thấy được những nỗ lực của cô khi tập luyện, chuẩn bị cho sự xuất hiện của mình dù ngắn ngủi trên truyền hình để gia đình dưới quê có thể chứng kiến. Sudarat là minh chứng hùng hồn cho nhóm nghệ sĩ, diễn viên dùng tài năng của mình để tỏa sáng, chứ không cần dùng đến vẻ đẹp hình thể bên ngoài.
Đối lập với Kitty trong phim là cô nàng người mẫu Bee, do Cris Horwang đóng. Nếu nhìn thoáng qua, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy Cris giống diễn viên Hàn Quốc hơn là Thái Lan bởi làn da cũng như các đường nét khuôn mặt. Vai diễn của Cris trong phim hơi nặng về tâm lý, nhưng khả năng diễn xuất của cô lại chưa đáp ứng được đòi hỏi đó, thế nên có vài phân cảnh Cris diễn chưa thuyết phục người xem, nhưng nhìn chung cũng không đến nỗi là bình hoa di động trong phim.
Các diễn viên phụ khác trong phim như anh kiến trúc sư Korn, người yêu của Bee, ông già Khem làm nghề coi bói, ba cô nàng PG chích botox đến mức mặt biến dạng hay anh chàng (mà cũng có thể là cô nàng) Yan làm nghề trang điểm cho xác chết cũng diễn xuất tự nhiên, tạo ra được những tiếng cười vui vẻ cho cả rạp.
Chủ yếu mang đến cảm giác hài nhẹ nhàng cùng những tình cảm đẹp trong phim, nên kịch bản của “Ôi, ma ơi” xây dựng cũng không có cao trào hay nút thắt. Mạch phim khá chậm, dàn trải đều đều từ đầu đến cuối, nếu bạn nào đã quen với nhịp phim nhanh, gọn, có thể sẽ cảm thấy hơi buồn ngủ khi coi bộ phim này vào buổi trưa, đặc biệt là đoạn giữa phim, khi các phân đoạn tình cảm hơi lê thê. Với cái kết đại đoàn viên, cả nhà cùng vui thường thấy ở dạng phim hài, “Ôi, ma ơi” cũng lặp lại tình trạng ở giữa phim là kéo dài quá mức cần thiết đoạn kết, khiến nhiều người tiếc nuối, cho rằng nếu chọn điểm kết gãy gọn hơn, chắc chắn dư vị của bộ phim sẽ còn sâu hơn.
Mặc dù có tên gọi và được giới thiệu là một bộ phim ma, nhưng với nội dung nhẹ nhàng, tình cảm, cộng thêm những tiếng cười vừa phải, “Ôi, ma ơi” sẽ là một bộ phim đáng xem cho những ai yêu thích điện ảnh Thái.
Bài: Chú Hề
Ảnh: IMDB
>>> Có thể bạn quan tâm: Khoảng mấy năm gần đây, Tết Nguyên Đán luôn là mùa cao điểm để các doanh nghiệp làm phim tung sản phẩm phục vụ về mặt tinh thần cho người xem là phụ và kiếm doanh thu bạc tỷ là… chính. Và chất lượng phim Tết hiện nay đang theo chiều đi xuống đáng báo động.