NSND Hoàng Dũng: “Không hiểu khán giả bây giờ thích gì nữa”

Sân khấu Hà Nội tuần qua sôi động hơn bao giờ hết. Đã từ rất lâu, các rạp Công Nhân, Tuổi Trẻ, Đại Nam mới được đón một lượng khán giả đến xem đông tới mức ấy.

Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, đó là độ lùi cần thiết để những đóng góp của Lưu Quang Vũ được đánh giá đúng hơn. Có lẽ những vấn đề cố tác giả này đặt ra trong tác phẩm của mình như sự tử tế, lòng can đảm, tính trung thực… không bao giờ cũ, thậm chí còn trở nên thời sự hơn ở thời điểm hiện tại.

Liên hoan các vở diễn của cố tác giả Lưu Quang Vũ đã khép lại, và mong ước những khoảng trống trong rạp được lấp đầy lại trở về với sân khấu miền Bắc. Không chỉ gặp khó khăn chung từ suy thoái kinh tế, bản thân nghệ thuật sân khấu đang phải đối đầu với sự cạnh tranh khốc liệt từ các loại hình nghệ thuật khác, và đặc biệt là sự thay đổi thị hiếu của công chúng.

Chùm bài “Sân khấu: buồn vui sau Lưu Quang Vũ” của mục Giải trí, Đẹp Online xin gửi tới độc giả các ý kiến bình luận, chia sẻ của những nghệ sĩ, người xem,… với mong muốn góp một tiếng nói đồng cảm với những khó khăn, đồng thời khích lệ những tìm tòi, đổi mới để hấp dẫn khán giả của người làm nghề.

 >> Bài liên quan:

Từ liên hoan đến cuộc chiến
“Làm đĩ”, hoàng bào và Lưu Quang Vũ đương thời

Tổ chức: Đinh Phương Linh


“Tôi không bán vé bằng mọi giá”

–  Các vở diễn trong Liên hoan các vở diễn của cố tác giả Lưu Quang Vũ lần này là do các nhà hát tự bỏ tiền túi ra dàn dựng phải không, thưa ông?

– Không. Đây là vở dựng hàng năm của nhà hát, báo chí viết nhầm rồi. Vở kịch “Ông không phải là bố tôi” là vở dựng năm ngoái của Nhà hát Kịch Hà Nội, còn vở “Trái tim trong trắng” tôi dựng cho đoàn kịch Hà Tây từ năm 2007, giờ sáp nhập lại thì thành vở của nhà hát. Các nghệ sĩ vẫn diễn từ hồi đó tới giờ, tôi chỉ sửa sang lại về mặt trang trí cho mới, cho đẹp.

Thực ra, việc dựng vở của Lưu Quang Vũ là một ân tình. Các nhà hát đều có thời điểm sống khỏe khoắn, sống mạnh mẽ nhờ các vở kịch của anh.


– Các vở diễn trong liên hoan đều có rất đông khán giả tới xem, nhiều người phải ngồi cả ở lối đi.  Nếu để dựng kịch bán vé, nhà hát kịch có tự tin?

– Chúng tôi vẫn diễn đấy thôi. Kho tàng của Lưu Quang Vũ có tới hơn 50 vở, khán giả thích kịch của anh, nhưng khán giả cũng đã thuộc kịch của anh, nên việc diễn cũng có nhiều thử thách.

NSND Hoàng Dũng trên sân khấu kịch

– Câu hỏi này đặt ra là vì tôi có nghe ông từng nói, ông không muốn diễn một vở chỉ để cho lác đác khán giả tới xem. Ví dụ, phải từ 300 khán giả trở lên ông mới diễn.

– Tôi không diễn bằng bất cứ giá nào. Tất nhiên vở kịch nào dựng cũng để diễn, nhưng tôi không phụ thuộc vào số lượng khán giả, mà muốn nói tới không khí của buổi diễn. Nếu khán giả lèo tèo quá, thờ ơ quá thì chất lượng vở diễn cũng khó được đảm bảo.

Để tổ chức được một buổi diễn bây giờ không như ngày xưa. Trước đây, thói quen của người Hà Nội là họ rất chịu khó đi xem kịch, chịu khó mua vé. Còn bây giờ, không cần phải đợi tới liên hoan mới thấy, các buổi tổng duyệt vào miễn phí hay phát vé mời thì vẫn rất đông, còn lúc bán vé thì…

– Thực ra việc luôn có đêm diễn, bất kể số lượng, chất lượng khán giả thế nào cũng có lợi ích cho các nghệ sĩ. Đó là cơ hội để rèn nghề, để bồi đắp thêm tình yêu nghề trong họ. Ví dụ trong vở “Ông không phải là bố tôi” của Nhà hát Kịch Hà Nội, khi Công Lý bước ra sân khấu, có ý kiến cho rằng anh ấy tỏa sáng quá, làm sự chênh lệch về trình độ với các diễn viên khác càng rõ nét.

– Nếu xem nhiều vở trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội, bạn sẽ thấy hầu hết các diễn viên là những gương mặt mới. Có thể trong vở này các bạn chưa thật giỏi, nhưng khi có cơ hội va đập, thì có thể chỉ một vài năm nữa, các bạn ấy sẽ xứng đáng thay thế lớp người cũ. Nếu những vai diễn vẫn là của những anh Lý, anh Hiếu… thì chắc chắn không bao giờ các bạn trẻ có cơ hội phát triển.

Diễn được nhiều tất nhiên là tốt, nhưng với điều kiện buổi biểu diễn đó phải xứng đáng. Tôi sẵn sàng có những buổi diễn phục vụ không công cho những đối tượng như học sinh, sinh viên, bộ đội… Nhưng nếu cứ cố diễn, cố rao bán vé giống những nơi khác, thì chúng tôi không làm thế. Tôi không thể để nhân viên của mình bán vé bằng mọi giá, bằng mọi cách. Có thể chưa có khán giả thì mình phải chịu khó hơn, nhưng cách thức vẫn phải đàng hoàng, lịch sự.

 Một cảnh trong vở “Ông không phải là bố tôi” của nhà hát Kịch Hà Nội

– Ngoài ra cũng có nhiều cách năng động hơn để thu hút khán giả, không phải “hạ thấp” nghệ thuật quá, mà tôi thấy Nhà hát Kịch Hà Nội chưa thử.

– Tôi có cách của tôi, người khác có cách của họ. Nhà hát Kịch Hà Nội vẫn dựng những vở hài, nhưng những chương trình đó để phục vụ vùng sâu vùng xa, phục vụ nông thôn, các huyện, thị xã của Hà Nội. Trong điều kiện sân khấu không được tốt thì vở diễn gọn nhẹ về mặt trang trí, đơn giản về mặt cốt truyện thì cũng dễ tiếp cận hơn, khán giả đến xem lúc nào thì đến, thích về lúc nào thì về mà không bị ảnh hưởng.

Đây là cách mà tôi cho là năng động, nhưng cũng phải tính đến sự hiệu quả nữa. Hài kịch bây giờ cũng bão hòa rồi, không hiểu khán giả bây giờ họ thích gì nữa. Có thể không phải ở họ, mà bây giờ có quá nhiều hình thức giải trí khác, những nghệ thuật khác, các show game, chương trình truyền hình thực tế… làm mọi người lười ra đường hơn và cũng lười đến rạp hơn.

Xu hướng chung của thế giới là khán giả không còn say đắm với các bộ môn sân khấu. Họ thích những thứ mới mẻ, phá cách, trong khi sân khấu kịch thì đã quá lâu đời rồi.


– Hoặc ban đầu nhà hát phải tạo ra sự định kỳ, phải chấp nhận trước chuyện sẽ có buổi diễn ít khán giả, chứ nếu cứ chờ đông thì không biết tới bao giờ…

– Chuyện này chúng tôi cũng bàn từ lâu rồi. Nhà hát nào cũng muốn làm như thế, nhưng việc thực hiện lại rất khó đều đặn. Vấn đề vẫn là khán giả thôi.

– Vẫn phải nói lại một câu rất cũ, nguyên nhân một phần cũng phải nói tới phía những người làm nghề. Sân khấu kịch phía Nam vẫn phát triển tốt đấy thôi, thưa ông?

– Họ phát triển mạnh, nhưng họ đi theo hướng khác. Thêm vào đó, khán giả miền Nam rất thích xem kịch, họ rất chịu khó mua vé. Tất cả các đợt diễn thành công nhất của Nhà hát Kịch Hà Nội hay Nhà hát Tuổi trẻ, hay nói chung là kịch miền Bắc, đều thành công nhất ở những đợt biểu diễn ở các tỉnh phía Nam.

Nhiều khi chất lượng vở diễn không quan trọng bằng thói quen của khán giả. Khán giả mê đi xem kịch, thì dù có những vở xem xong họ không thích lắm, nhưng họ vẫn đi xem tiếp. Ở miền Bắc, dù vé xem kịch không đắt, nhưng cái thói quen mua vé đi xem đã mất.

 Một cảnh trong vở “Trái tim trong trắng” (tác giả kịch bản: Lưu Quang Vũ, đạo diễn: NSND Hoàng Dũng)

Bây giờ có những vở kịch hay, thậm chí có vở dựng lại còn hay hơn ngày xưa, nhưng vẫn không có khán giả. Tôi cũng đã từng tính tới việc có những vở diễn kết hợp những ngôi sao lớn của các nhà hát. Nhưng còn các ngôi sao nhỏ thì sao, đời sống của họ sẽ như thế nào? Đây cũng chưa phải một giải pháp hữu hiệu. Không chỉ riêng kịch, cải lương, chèo, tuồng, và cả xiếc thì còn vất vả hơn nữa. Đây là một bài toán rất khó với những người làm nghệ thuật.

– Hoặc còn một lý do khác, là khán giả đã khác xưa mà những vở kịch vẫn như cũ. Ví dụ như các vở kịch của Lưu Quang Vũ đã ra đời cách đây hơn một phần tư thế kỷ, nhưng trong liên hoan lần này, sự đổi mới trong cách thể hiện của nhà hát không nhiều. Trong so sánh với  vở “Mùa hạ cuối cùng” của Nhà hát Tuổi trẻ, có thể thấy họ áp dụng nhiều cách thức khác để phù hợp với khán giả hiện đại hơn.

– Có rất nhiều cách để đổi mới, có thể cách của Nhà hát Tuổi trẻ là mới với bạn, nhưng với người khác thì phương pháp đó cũ rồi. Thực ra, khi dựng lại các vở của Lưu Quang Vũ, tôi quan tâm tới vấn đề trong vở kịch, tôi muốn vở diễn sâu sắc hơn, gần gũi hơn và phản ánh đúng hiện thực của Lưu Quang Vũ hơn, sau đó mới là hình thức.

– Những ví dụ như dựng kịch hình thể vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của NSND Lan Hương, chưa xét tới việc nó thành công hay không, nhưng ý thức muốn làm mới kịch Lưu Quang Vũ là tinh thần cần phải được đánh giá cao.

– Ý thức ấy thì tôi rất hoan nghênh. Lan Hương là người rất dũng cảm, rất kiên trì, còn thành công đến đâu thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, điều đó cũng là bình thường. Ý thức muốn thể nghiệm là tốt, nhưng mỗi người có một cách, mỗi nhà hát có một cách.

Chúng tôi cũng sắp dựng các vở diễn mà tính đối thoại ít hơn, mà phần lớn là ngôn ngữ hành động để mang đi các sân khấu quốc tế.

“Chỉ riêng tiền điện đã khiến tôi hoa mắt, mà còn bao thứ phải lo…”

– Ông có nói tới việc phải lo đời sống cho những “ngôi sao nhỏ”. Nhưng theo tôi, ngành nào cũng nên có sự cạnh tranh, nếu thực sự tài năng, được công chúng yêu mến thì mới nên tiếp tục…

– Thực ra việc kết hợp các ngôi sao lớn với nhau trong các vở kịch cũng chưa phải cách hay. Cách đấy chỉ có thể dùng trong một vài buổi diễn, đợt diễn, chứ về lâu dài, muốn cho sân khấu phát triển thì phải làm công tác đào tạo, bồi dưỡng sao cho thật tốt, để những “ngôi sao nhỏ” có thể phát triển được. Muốn cho họ thành ngôi sao lớn thì phải cho họ cơ hội để họ diễn nhiều.


– Tình hình hiện nay của nhà hát liệu có giúp các “ngôi sao nhỏ” có cơ hội đó không, thưa ông?

– Một năm, Nhà hát Kịch Hà Nội dựng từ 2 đến 3 vở. Kịch bản hay không có nhiều và rất khó kiếm, dù các tác giả viết không ít. Kinh phí cho một vở cũng tùy thuộc vào yêu cầu của vở diễn, có những vở đông người, cần trang trí lớn, phục trang phức tạp thì có khi lên tới hơn 1 tỉ đồng. Tiền sáng tác cho cả khối tác giả, từ đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ tới tiền công tập luyện cho diễn viên thì đều theo quy định của nhà nước rồi. Tôi không thể đòi hỏi diễn viên của tôi tập ngày 3 buổi, tập từ sáng đến tối, tập cả ngoài giờ mà chỉ được 60 ngàn một ngày được, như thế quá “dã man”!

 Một cảnh trong vở “Trái tim trong trắng” (tác giả kịch bản: Lưu Quang Vũ, đạo diễn: NSND Hoàng Dũng)

– Tôi nghĩ nghề nào cũng thế thôi, cứ thực sự giỏi thì không khó kiếm tiền đâu. Nhưng câu chuyện phải nói tới đầu tiên là hãy say đắm với nghề, tập luyện chăm chỉ đã, không nên bàn việc mình sẽ kiếm được bao nhiêu ngay.

– Không chỉ riêng diễn viên kịch đâu, các nghệ sĩ trong những đoàn nghệ thuật sân khấu của cả nước đều gặp khó khăn. Lương thì cũng bình thường như mọi nơi,  theo quy định của nhà nước. Như tôi là giám đốc thì được hơn 5 triệu/tháng, đã cộng tất cả mọi thứ như thâm niên, trách nhiệm, phụ cấp… Những người dưới giám đốc thì lương thấp hơn. Bồi dưỡng tập luyện theo quy định của nhà nước là 20 ngàn một buổi cho một vai chính, cho tới giờ vẫn không thay đổi. Bồi dưỡng biểu diễn thì có thể cao hơn, và mình có thể dùng doanh thu để chi thêm, nhưng một buổi cao nhất cũng chỉ 200.000 – 300.000 ngàn.

Đây là chuyện muôn thuở, lương là thế, đời sống là thế, mọi người đều biết nhưng không thể thay đổi. Nếu những nghệ sĩ đủ sống, họ sẽ yên tâm làm nghề, say mê sáng tạo, còn bây giờ, họ vẫn phải đi làm thêm. May mà các diễn viên kịch có thuận lợi là họ có thể đi đóng phim truyền hình, đi tham gia phim nhựa, đi lồng tiếng… để hỗ trợ cho cuộc sống, nhưng vẫn được làm nghề. Còn nếu không, với đồng lương như thế, nuôi sống bản thân còn khó khăn chứ đừng nói là có một, hai đứa con.

– Vậy liệu có cách nào để “cứu” sân khấu không, thưa ông?

– Phải có nhiều người cùng giải quyết, chứ không thể trông chờ vào một đoàn diễn, một vài người diễn viên.

Chúng tôi đang làm một chương trình kết hợp với Sở Giáo dục. Chúng tôi sẽ có những buổi biểu diễn thường xuyên, một tuần hai buổi cho các trường học. Chương trình này chỉ diễn các trích đoạn kịch cổ điển trong nước và nước ngoài. Buổi biểu diễn nếu trang trí gọn nhẹ, làm thật đơn giản thì có thể diễn ở các trường học, không cần tới rạp, còn khi khán giả tới rạp thì phải đáp ứng đủ các tiêu chí, phải đẹp đẽ, phải lộng lẫy. Chúng tôi xuống các trường học là muốn mang tinh thần của các trích đoạn thôi.

Tôi nghĩ sự kết hợp này sẽ tốt hơn cho sân khấu, tốt hơn cho những nghệ sĩ. Đây là điều kiện tốt cho các bạn trẻ được trau dồi, được rèn luyện, được biểu diễn, vì nhờ các trích đoạn cổ điển, họ sẽ tiến bộ rất nhanh.

Tất nhiên, khi diễn cho các trường học, tôi không bao giờ đặt ra vấn đề doanh thu, nhưng nguyên tắc là cũng phải tích lũy để đủ trang trải, ít ra là tiền điện. Điện ở nhà hát họ tính theo giá điện kinh doanh, nhiều khi tôi xem bảng giá điện tôi nhức hết cả đầu, quãng giờ nào thì họ tính tiền thế nào, dùng nhiều hơn thì họ lại tính mức giá khác. Chỉ riêng tiền điện đã hoa mắt rồi, trong khi ngoài ra còn nhiều thứ khác phải lo nữa…

– Vâng, quả là không dễ dàng. Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện này!

Bài: Linh Hanyi

Ảnh: Ngọc Cảnh Nguyễn



Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!


From the same category