Nhu cầu mua sắm và làm đẹp của các tín đồ thời trang ngày càng tăng, đặc biệt là sở thích dùng hàng hiệu có giá trị. Tuy nhiên, khi trào lưu hàng hiệu “lên ngôi” thì cũng là lúc người mua sắm phải đau đầu vì số lượng hàng giả, hàng fake tràn lan quá nhiều. Thậm chí trên các trang mua bán online, có rất nhiều sản phẩm được quảng cáo là “đồ thật”, “đồ Au” nhưng giá thì… siêu rẻ.
Những sản phẩm hay bị “fake” nhất
Nắm được thông tin và hình ảnh của những sản phẩm hay bị làm nhái cũng sẽ giúp bạn có được cái nhìn tổng thể hơn để phân biệt giữa hàng thật và hàng fake. Những thương hiệu thường hay bị fake nhất, chủ yếu là túi xách, bao gồm:
1. Louis Vuitton – Thương hiệu bị “nhái” nhiều nhất bởi độ sang trọng và đẳng cấp của nó. Chiếc túi Speedy này có giá chính hãng vào khoảng 18,3 triệu đồng.
Louis Vuitton Neverfull là chiếc túi dành cho những cô nàng năng động với kiểu dáng lớn, hiện đại, giá khoảng 19,7 triệu đồng.
Dáng vẻ thanh lịch, sang trọng của túi Louis Vuitton luôn cuốn hút các sao lớn, từ minh tinh gạo cội Audrey Hepburn đến sao trẻ như Hilary Duff.
2. Chanel. Chiếc túi 2.55 huyền thoại với thiết kế trang nhã là một món đồ mơ ước của các cô gái yêu thời trang.
Giá của Chanel 2.55 dao động từ 4.000 – 5.000USD (khoảng 84 – 105 triệu VND) tuỳ size.
3. Dior, nổi bật nhất là chiếc túi xinh đẹp, duyên dáng “Lady Dior“.
Những quý cô thời thượng rất chuộng túi Lady Dior. Mức giá của túi từ 3.500 USD (khoảng 73,5 triệu đồng) trở lên.
4. Hermes – món đồ mà chỉ có các con gái nhà tỉ phú, đại gia hay những ngôi sao hàng đầu thế giới mới có khả năng “sờ tới”.
Victoria Beckham sang trọng với chiếc túi Hermes Birkin. Giá của túi Hermes thường rơi vào khoảng trên 200 triệu VND.
5. Prada cũng là một thương hiệu được ưa chuộng.
Chiếc túi Prada Saffiano với giá khoảng 20 – 30 triệu đồng là một lựa chọn hợp lý cho các tín đồ thời trang.
6. Gucci, với chiếc túi quai tre “Bamboo” nổi tiếng, giá từ 2.000 USD, khoảng 40.000.000VND.
7. Miss Sicily của Dolce&Gabbana, giá từ 1.800 USD, khoảng 36.000.000VND.
8. Céline – thương hiệu túi rộ lên trong thời gian vừa qua, với hai mẫu tiêu biểu là Céline Luggage, giá từ 2.800 USD (gần 60 triệu VND)…
… và Céline Phantom với dáng “cánh dơi” sành điệu, giá từ 2.600 USD, khoảng 52.000.000 VND.
9. Michael Kors Selma – chiếc túi thời trang nhỏ nhắn “hút hồn” các sao Việt thời gian gần đây. Giá của túi Selma khoảng 400 USD (8 triệu đồngVND).
10. Christian Louboutin – “đôi giày đế đỏ” huyền thoại với giá đắt đỏ 800 – 1.000 USD mỗi đôi, tương đương 16-20 triệu VND, Louboutin cũng là nạn nhân không thương tiếc của hàng fake.
Năm 2012, Cục Hải quan Mỹ đã “tóm gọn” 20.457 đôi giày Louboutin giả đang được cập bến tàu Long Beach, Los Angeles (theo trang Fashionbi.com).
Với những mức giá từ chục triệu đến cả trăm triệu, chẳng trách đồ nhái của những thương hiệu trên nhan nhản trên thị trường. Những chiếc túi vài chục triệu được bán ở chợ hoặc online với giá chỉ vài triệu, thậm chí… vài trăm nghìn! Vậy làm sao để tránh hàng fake? Đẹp Online sẽ mách bạn một vài bí quyết:
Tư vấn bí kíp tránh hàng fake
1. Chỉ nên mua ở cửa hàng/ website chính hãng:
Bạn chỉ nên mua hàng hiệu ở store của hãng, hoặc trên website chính thức của hãng (thường là tên hãng và “.com”). Bạn cũng nên hạn chế đặt mua qua mạng hay những trang bán lẻ, vì nhiều website mua bán online có thể lấy lại ảnh sản phẩm chính hãng để đánh lừa thị giác của khách hàng. Có nhiều người khi đã chuyển tiền, nhận hàng mới ớ ra vì hàng kém tinh xảo, không đẹp và xịn như trong ảnh.
Có nhiều người bán hàng online còn cam kết đưa ra hoá đơn, tuy nhiên trong thời buổi bây giờ, việc làm giả một chiếc hoá đơn cũng không quá khó khăn. Vì thế, tốt nhất bạn nên trực tiếp ra cửa hàng để đảm bảo mình sẽ không “dính” phải hàng fake.
2. Trước khi mua, nên xem trước thông tin sản phẩm trên hệ thống chính hãng:
Trước khi quyết định mua chiếc túi Dior, đôi giày Louboutin hay bất cứ món hàng hiệu nào khác, bạn nên tìm đến hệ thống cửa hàng hoặc website thuộc quản lý của hãng. Bạn có thể hiểu rõ sản phẩm của mình về chất liệu, kiểu dáng, đường may… và được tư vấn trực tiếp. Khi đã nắm vững thông tin, bạn hoàn toàn có thể chủ động trong việc đặt mua sản phẩm.
3. Kiểm tra phần nhìn của sản phẩm:
Khi mới nhận sản phẩm, bạn hãy kiểm tra qua những điểm sau: quai xách của túi có trọng lượng đặc biệt hơn hàng nhái; màu da và hoa văn không bị xéo nhau, không đều hoặc có mảng bị nát; khoá kéo chạy mượt. Dòng túi Louis Vuitton và Gucci khá dễ phân biệt au-fake ở những đường cắt và ô vuông đặc trưng: nếu là hàng nhái, các hoa văn dễ bị lệch nhau nhìn rất cẩu thả.
Chất liệu có thể cho bạn biết rất nhiều về chất lượng của túi. Da thật có mùi đặc trưng của nó, bền và dai. Ngoài ra, logo cũng là một dấu hiệu “chỉ điểm” khá rõ rệt. Logo của túi nhái phần lớn bị xấu, không thẳng hàng hoặc thậm chí… sai chính tả.
4. Kiểm tra phần trong túi:
Những đường may khéo léo và tỉ mỉ là đặc điểm luôn có ở túi Au. Nếu bạn thấy đường chỉ xộc xệch, cẩu thả, hoặc chất liệu vải lót bên trong không tốt thì khả năng cao đó là hàng fake.
Thêm một mẹo nữa là bạn hãy tìm kiếm các mã nối tiếp, thường ẩn trên một dải chất liệu ở bên trong một ngăn nhỏ hoặc ngăn chính, đây là tiêu chuẩn của túi xách Louis Vuitton và Gucci. Bạn cũng nên kiểm tra nhãn bên trong xem dập hay khâu tay, thường thì túi giả sẽ không có nhãn mác bên trong.
5. Cách phân biệt giày “nhái”:
Những chiếc giày của các thương hiệu lớn sẽ được sản xuất cầu toàn và chi tiết ngay từ bao bì của sản phẩm. Giày nhái không có hộp và túi đựng chất lượng cao, giấy chứng nhận chất lượng có thể là giả.
Các mẫu thiết kế chính hãng được chú ý đến từng chi tiết và không để có bất kì một lỗi nào. Nếu sản phẩm có sơ vải, đường cắt và may không đều nhau thì có thể đó là hàng giả.
Giày của Saint Laurent thường cầu kì từ hộp đựng, thiết kế đến tên nhãn hiệu.
Càng ngày, công nghệ hàng giả càng tinh vi, các đồ fake được bày bán công khai với mức giá thấp hơn so với hàng thật rất nhiều. Trang Huffingtonpost đã đưa ra thống kê giá trị của thị trường “chợ đen” (đồ fake) chiếm đến 10% giá trị của hàng chính hãng, ví dụ như ở châu Âu, các công ty quần áo và giày dép mất đến 9,8 tỷ USD mỗi năm cho thị trường “nhái”. Điều này ảnh hưởng rất xấu đến ngành thời trang, và khiến cho đẳng cấp của những hàng hiệu mất dần đi. Vì thế, nói không với hàng fake và hiểu rõ cách phân biệt hàng fake cũng là một cách để chứng tỏ “văn hoá thời trang” của bạn.
Bài: Ngọc Đặng
Nguồn: Huffingtonpost, Fashionbi, Tổng hợp
Hãy cùng Đẹp Online điểm danh những nhãn hiệu hàng hiệu hay bị fake nhất để bạn đề cao cảnh giác khi mua sắm.