Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong: Làm mới ca khúc, tại sao không? - Tạp chí Đẹp

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong: Làm mới ca khúc, tại sao không?

Sao

Tôi ít thấy người ta thay đổi hòa âm một ca khúc cũ.

Những ca khúc đã có tên tuổi mỗi khi vang lên vẫn lay động trái tim hàng ngàn khán giả như lần đầu, vậy tại sao một số nhạc sĩ lại phải làm mới chúng? Tôi đồng ý, các ca khúc ấy, thậm chí đã trở thành kỷ niệm với một thế hệ, nhưng nó chỉ đúng với những khán giả đã từng nghe, từng yêu mến và trăn trở. Nếu không cho làm mới, ca khúc cũ và khán giả có tuổi cứ thế mà đồng hành cùng nhau, còn thế hệ tiếp nối, không chịu nghe cái đĩa cũ chứ gì? Kệ nhé. Và có thể, vì thế, một bài hát có tên dần dần bị lãng quên, bởi sự bảo thủ không cần thiết.

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, người có rất nhiều bản hit được khán giả trẻ yêu thích như: “Ba kể con nghe”, “Đường cong”, “Thư chưa gửi anh”, “Góc tối”, “Dòng thời gian”…

Thực tế mọi thứ đều đã thay đổi: tâm thế thời đại, kinh tế, nhịp điệu đời sống và giáo dục đều đã khác trước rất nhiều. Trong gia đình, tôi hiểu, không thể ép con phải tự làm lấy con diều như mình ngày xưa. Bởi nếu con thích, có thể chạy ra đầu hẻm mua một loáng là có một con diều hiện đại cho mình. Còn nếu tôi vẫn thích những cánh diều trong tuổi thơ của mình, tôi có quyền lưu những tấm hình riêng trong khoang ký ức, có thể trò chuyện với con về thơ ấu của mình. Nhưng chắc chắn không thể bắt con sống với ký ức của mình. Tôi có quyền thích cái cũ và con tôi có quyền thích cái mới được phát triển lên từ cái cũ, thậm chí một cái mới hoàn toàn.

“Nếu tôi vẫn thích những cánh diều trong tuổi thơ của mình, tôi có quyền lưu những tấm hình riêng trong khoang ký ức, có thể trò chuyện với con về thơ ấu của mình. Nhưng chắc chắn không thể bắt con sống với ký ức của mình.”

Bản chất của việc làm mới là để dành cho người mới, bên cạnh đó có thể dành cho người cũ có cái đầu muốn thay đổi, nhưng tất nhiên không dành cho người cũ với cái đầu “bảo thủ”.

Trong chuyện làm mới một ca khúc, người làm mới phải sẵn sàng chấp nhận tác giả của chính ca khúc ấy cảm thấy không hài lòng. Thực tế, ngoài việc người cũ không thích sự làm mới, có thể sự làm mới của mình chưa hay, sự làm mới của mình chưa đúng cách. Nhưng sáng tạo là như vậy, luôn có người thích và không thích.

Theo dõi các nền âm nhạc văn minh trên thế giới, tôi thấy cách họ làm mới một ca khúc đúng là khác ta rất nhiều. Đa số họ không thay đổi hoàn toàn cấu trúc, hòa âm một bài hát, bởi sự thay đổi đó có khi làm sai ý nghĩa ban đầu của bài hát.  Chẳng  hạn, trong series phim truyền hình ca nhạc “Glee” họ sử dụng toàn bộ ca khúc cũ (có những ca khúc rất cũ) và làm lại. Nhưng họ làm mới bằng cách thay đổi giọng hát, cách hát, nhạc cụ trong dàn nhạc, đôi lúc thay đổi cả thể loại nhạc, nhưng tôi không thấy họ thay đổi hòa âm bài hát nào  (trừ một số trường hợp đặc biệt muốn biến đổi thể loại ca khúc từ pop sang jazz hay một thể loại khác).

Cũng như thế, tôi hiếm khi thấy họ thay đổi câu dạo nhạc. Đó gọi là thừa kế, tôn trọng những giá trị người đi trước tạo ra. Vẻ như, những người làm mới này biết được mục đích việc mình làm mới để làm gì, để phục vụ ai.

Nếu chỉ để đề cao cá nhân, liệu chừng

Ca khúc đang được yêu thích – “Những giấc mộng dài” trong album cùng tên của ca sĩ Dương Triệu Vũ cũng là ca khúc Hitteam do ekip của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong sáng tác và phối khí

Xác định được mục đích việc mình làm luôn quan trọng, và việc làm mới các ca khúc cũng không ngoại lệ. Nếu không trả lời được các câu hỏi cơ bản nêu trên, chúng ta sẽ dễ bị mượn câu chuyện làm mới để thể hiện khả năng chuyên môn, để chứng tỏ tôi có đủ khả năng biến hoá. Những điều đó không phục vụ người nghe và tác giả ca khúc gốc, tác giả bản phối gốc. Nó chỉ phục vụ cho sự đề cao tính cá nhân.

“Không phải ca khúc nào cũng nên làm mới. Có ca khúc không thể nào làm mới hay hơn. Có những ca khúc có thể làm mới mười lần hoặc hơn nữa cũng được. Việc này người nghệ sỹ phối khí nào cũng hiểu.”
Ngày trước, những năm đầu của nghiệp phối khí, hầu như tôi chỉ toàn làm mới những ca khúc cũ, dựa trên
nguyên tắc không thay đổi quá nhiều hoà âm của bản gốc. Tôi xác định hòa âm chính là phần cốt lõi của tác giả. Thật may, nhìn ra thế giới họ cũng làm như vậy.

Nhưng tôi vẫn thích “Đi học”, “Bài ca hy vọng” khi nhạc sỹ Quốc Trung làm mới, mặc dù hai bài này thay đổi hoà âm rất nhiều, nhưng mục đích của việc thay đổi ấy rất rõ ràng, đó là làm thay đổi cảm xúc, bối cảnh và cả tính thể loại của ca khúc. Trong trường hợp này, tôi đã nghe và biết rõ bài gốc. Có lẽ tôi tôi thuộc dạng người cũ nhưng có cái đầu muốn thay đổi.

Xét về kỹ thuật  âm nhạc, bất kỳ ca khúc nào cũng có thể làm mới, nhưng có nên làm mới hay không mới là chuyện cần bàn. Bởi không phải ca khúc nào cũng nên làm mới. Có ca khúc không thể nào làm mới mà hay hơn. Có những ca khúc có thể làm mới mười lần hoặc hơn nữa cũng được. Việc này người nghệ sỹ phối khí nào cũng hiểu.

Việc một số ca khúc được làm mới nhưng bị khán giả phản đối kịch liệt, theo tôi có hai lý do: Một là, bản mới không rõ mục đích, khiến ca khúc dở hơn so với bài hát gốc. Hai là, những người phản đối là những người cũ, không chấp nhận cái mới. Trong việc làm mới này, đối với người nghe lần đầu tiên, thông thường họ chẳng phản ứng gì. Họ có thái độ thích sẽ nghe tiếp, không thích thì thôi.

Riêng cá nhân tôi nghĩ làm mới ca khúc đã có chỗ đứng, đã quá quen thuộc, là việc nên làm. Nhưng làm thế nào để người cũ không bị sốc khi tiếp nhận, người mới nghe thấy được cảm xúc, còn người trong nghề nhìn vào thấy có điểm để học hỏi. Và dù cách nào, luôn phải tôn trọng người khai sinh ra ca khúc ban đầu.

Nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong
Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp
logo

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

Thực hiện: depweb

30/11/2014, 19:20