Nhà thơ Trang Thanh: Được, mất tùy duyên - Tạp chí Đẹp

Nhà thơ Trang Thanh: Được, mất tùy duyên

Tin Tức
Khi một người đàn bà bị thơ “dẫn dụ”, hay nói khác đi, thơ là định mệnh, thì cuộc sống của người đàn bà đó có những điểm gì khác so với một người đàn bà bình thường, thưa chị Trang Thanh?
 
Cuộc sống của người phụ nữ bình thường ở tôi chắc cũng giống tất cả mọi người thôi. Cũng bếp núc, cũng chồng con quấn bện, cũng phải làm một nghề để kiếm sống. Nếu có khác thì ở chỗ, thi thoảng cao hứng lại “nhả” ra một số chữ theo cái nhu cầu tự thân – một nhu cầu chẳng có định kỳ, chẳng có một sự sắp đặt nào, mà hoàn toàn nương theo cảm xúc. Mà cảm xúc là một trạng thái luôn thất thường, luôn biến ảo đến nỗi chính tôi cũng chẳng lường trước được. Có thể điều đó cũng tạo ra ở tôi những tâm trạng bất ngờ thảng thốt. Sự quá vui hoặc quá sầu muộn luôn có thể trở thành hai thái cực lấn át lẫn nhau, lấn át sự cân bằng trong con người mình, khiến tôi thường rơi vào trạng thái trầm cảm nhiều khi đến thường trực. Ai hiểu thì rất dễ chia sẻ, bằng không sẽ khó chịu hay chí ít là lắc đầu không hiểu nổi.
 
Cân bằng giữa lý trí và cảm xúc là điều cần thiết cho công việc và cuộc sống thường ngày, nhưng tôi mới chỉ biết đến điều này trên lý thuyết. Một cuộc sống phụ thuộc vào cảm xúc với tôi luôn là một cuộc sống đầy bất trắc. Để sống dễ thì đôi khi phải toan tính, phải trông trước ngó sau, phải biết liệu cơm gắp mắm, phải hội đủ sức mạnh để có thể đối diện với những khó khăn xảy đến bất thường…, trong khi, những cảm xúc chợt đến chợt đi chẳng khi nào cho phép tôi làm được điều đó.
 
Người ta hay dùng những chữ như “dấn thân”, hay “trả giá” để nói về những người làm nghệ thuật. Vậy, theo chị, đâu là cái giá mà một người làm thơ phải trả, cho niềm đam mê của mình?
 
 Bản thân sự nương theo cảm xúc có thể cũng là sự “dấn thân”, và những hệ lụy của nó có thể được coi là sự “trả giá”. Khi tôi chỉ vui buồn với cảm xúc của tôi, khi “tôi đang bức bối đây và đừng ai đụng vào tôi cả”, điều đó cũng rất dễ biến mình thành kẻ đáng ghét trong con mắt người khác, và kéo theo sẽ là những phiền toái cho công việc của mình hoặc cho một ai đó. Nhưng đôi khi tôi nghĩ cũng không nên nghĩ về sự dấn thân hay trả giá của người làm thơ là cái gì đó quá quan trọng, làm việc gì cũng phải trải qua những khó khăn nhất định để dẫn đến thành hay bại. Với người làm thơ, sống chân thành với cảm xúc của mình quan trọng hơn.
 
Xưa kia người ta có thể nghĩ rằng người làm thơ là ngồi trong tháp ngà, nhìn cuộc sống từ xa, phán xét cuộc sống dựa trên trí óc mẫn tiệp của mình rồi mà viết ra những điều cao siêu đầy sắc màu kinh viện. Sau này có người lại nghĩ người làm thơ là luôn sẵn sàng quăng mình vào cuộc đời gió bụi, lê la, bê bết, thậm chí rời bỏ cuộc sống bình thường, kể cả mang lấy cái tiếng vô trách nhiệm với gia đình để thỏa mãn khát vọng nghệ thuật của mình thì mới thành nghệ sĩ đích thực! Tôi “trung dung” giữa hai quan niệm ấy. Tôi có thể thiếu cái may mắn là một cuộc sống suôn sẻ, đôi khi nghĩ rằng ông Trời cứ thử thách mình mãi, cũng là cách khiến mình dấn thân chăng? Nghĩ thế nên tôi chấp nhận cuộc sống của mình, cứ là mình trong cái hoàn cảnh ấy, mọi sự đến, đi, được, mất là ở “tuỳ duyên”, tôi tin là vậy, còn cái giá “được trả” cho tôi chính là thơ vậy.
 
Thơ chị là những cuộc độc thoại sâu sắc của một cái Tôi bé nhỏ trước cuộc đời. Những thân phận phụ nữ của bà, của mẹ, của chính mình đã được chị vẽ chân dung. Nhưng, những chân dung ấy lại quá buồn, quá u uẩn. Vì sao vậy?
 
Tôi nghĩ là cái gì đập vào tôi thế nào, cuộc đời tôi nhận về cái gì, khi tôi rút ruột mình ra, nó là như vậy. Làm sao có thể khác được! Xung quanh mình tôi luôn thấy những chân dung quá buồn. Ai đó có vui là đang giấu nỗi buồn đâu đó, một cách rất cố gắng. Tôi không biết có quá chủ quan không, nhưng tôi cho rằng con người luôn phải nỗ lực để kiếm tìm niềm vui, trong khi con người trôi trong dòng sông cuộc đời có bản chất là u buồn.

 
Chị thuộc thế hệ phụ nữ sinh ra sau chiến tranh, có thể gọi là thế hệ giao thời. Chị cũng đã có một con gái nhỏ. Chị có thể làm một phép so sánh để thấy sự khác nhau của 3 thế hệ phụ nữ: mẹ chị, chị, và con gái chị bằng cảm nhận của chị?
 
Mẹ tôi đến giờ vẫn thường dạy tôi phải sống cho cam phận, phận đàn bà. Tôi thì đã cựa quậy, muốn vùng vẫy, muốn bung phá lắm nhưng vẫn phải trông trời trông người rồi lại trông mình, cho nên có lúc dù đã “cuồng si hóa gió” thì cuối cùng vẫn làm “những bông quỳnh cúi mặt/rũ nỗi đời vào đêm…”. Con gái tôi mới 9 tuổi, tôi chưa thể hình dung hết sau này sẽ thế nào, nhưng có vẻ sẽ rất khác, mạnh mẽ, rõ ràng lắm, nó vẫn thường trêu đùa tôi là “người đàn bà u sầu” với một vẻ rất hiểu và thương mẹ nhưng song song với thái độ không chấp nhận.
 
Chị từng viết: “Tôi có thể, đã có một cuộc đời khác… Tôi có thể, đã có một gương mặt khác”. Hãy thử hình dung Trang Thanh sẽ khác Trang Thanh của ngày hôm nay như thế nào, nếu có một gương mặt khác?
 
Thật ra đó là tôi viết về giấc mơ của tôi, nên bài thơ bắt đầu bằng mấy câu ấy có tên là “Giấc mơ”. Nhưng kết cục thì “Những giấc mơ dịu dàng không đủ dập tắt ngọn lửa/Không biết chảy vào đâu trên mặt đất quá rộng”. Điều đó cũng giống như tôi, cứ chấp chới giữa những khao khát, nhưng thực tế chẳng biết hình dung mình sẽ như thế nào. Có lúc nào đó buồn, than thân trách phận, có người bạn lại nói với tôi rằng, “đừng than, nếu khác đi thì đã không có Trang Thanh bây giờ”, và tôi lại cảm thấy được an ủi.
 
Ở đâu đó chị đã nói rằng, Trang Thanh chính là một tiếng vọng từ trang giấy. Chị mong muốn tiếng vọng ấy sẽ vang tới độc giả của mình như thế nào?
 
Đó cũng lại là một câu thơ: “Trang Thanh/ Trang giấy trải rộng hay tiếng vọng?”. Thơ tôi trước hết là tiếng vọng từ chính tôi dội lại mình. Làm được như thế với tôi là một giải thoát. Tôi nghĩ con người dù có hoàn cảnh khác nhau, cuộc sống khác nhau, cũng vẫn có những nỗi niềm chung. Tôi đã và sẽ còn viết về những vấn đề muôn thuở của con người, và luôn mong nhận được sự đồng vọng từ phía độc giả.
Giống như nhiều nữ thi sĩ khác, chọn làm báo là nghề để sống. Nghề báo thì ồn ào, bụi bặm. Làm thơ lại phải ở trong “cõi lặng và cõi mộng”. Làm sao để chuyển đổi hai cõi ấy nhịp nhàng trong mỗi ngày sống của chị?
 
Đó là một cái hơi khó của tôi đấy. Nếu quá tỉnh táo để mà phân thân được, e rằng thơ cũng trở nên “tỉnh” quá. Tôi nghĩ làm thơ cũng là một công việc giản dị như bao công việc khác, nhưng thơ thì phải có vẻ đẹp huyền ảo mới thực là thơ. Từng có lúc tôi cũng nghĩ như nhiều người khác rằng, “báo chí là cái lò xay văn chương”. Giờ tôi lại thấy khác. Thấy điều quan trọng là tâm thế của mình, cách sống của mình và sự chân thành của cảm xúc. Và không để những mớ lý thuyết suông khiến mình rối lên. Kể cả trong một giai đoạn nào đó, nếu vì một lý do nào đó cứ cho là bận làm báo đi, mình tạm không viết gì, thì cũng nên coi đó là một lẽ tự nhiên, và “nàng thơ” đang biếng ngủ giấc dài, đừng có cố đánh thức nàng dậy. Làm văn chương không thể cố mà được. Dù rằng một người nương theo cảm xúc nhiều như tôi, thì cũng khó chia mình ra thành nhiều ngăn, để biết khi cần thì mở ngăn nào, thơ hay báo hay gì nữa.
 
Nhưng ngẫm ra vẫn có những cái thuận, là khi đối diện với một vấn đề hiện thực nào đó, sự nhạy cảm của người làm thơ có thể cho mình cách phát hiện vấn đề tốt. Cách của tôi là thật ra chẳng nên quá lo lắng cho sự rạch ròi thơ – báo làm gì. Trước một vấn đề cụ thể, tự khắc tư duy của mình sẽ tự chuyển hướng. Một bằng chứng sống của tôi là gần đây, do nhiều khủng hoảng, tôi viết thơ khá nhiều, nhưng khi đi Con Cuông – Nghệ An, hoặc lang thang ra bãi giữa sông Hồng với mục đích là viết phóng sự, thì tôi đã làm thơ trước, sau đó vẫn có phóng sự ra trò (cười).

Vũ Quỳnh Trang (thực hiện)

Thực hiện: depweb

09/06/2008, 13:16