Tình dục trong sách tôi chỉ có hai chữ: hoang dại
– Hai năm, ra mắt 7 cuốn sách, cuốn nào cũng nói về những chủ đề hết sức nhạy cảm, gây sốc, từ đồng tính, trai gọi, tới đĩ điếm, chuyển giới,… anh không sợ làm độc giả phát ngán à?
– Tôi nghĩ độc giả bây giờ rất thông minh và biết chọn thứ xứng đáng với số tiền họ bỏ ra, và các công ty phát hành sách cũng tương tự.
Còn về đề tài nhạy cảm, gây sốc, tôi lại thấy mỗi một lần giới thiệu sách mới, tôi nhạy cảm theo kiểu khác nhau. Cuốn về trai gọi, cuốn về đàn bà, cuốn tản văn nhẹ nhàng, cuốn về chuyển giới… mỗi lần mỗi khác như vậy thì chắc người ta cũng không nhàm chán đâu nhỉ?
– Cuốn sách mới của anh “Khóc giữa Sài Gòn” có dấu 16+ và khuyến cáo người ta nên đọc khi đã trưởng thành. Có lẽ 16+ không phải vì sách nói chuyện sex rồi, vì có cuốn nào của anh không đề cập tới chủ đề này? Nhạy cảm hơn cả sex là gì, thưa anh?
– Vâng, sách tôi thì hầu như cuốn nào cũng dính đến sex, vì đơn giản tôi thấy nó đẹp. Mà hình như bạn cũng đang đi trong lối mòn suy nghĩ ấy, cứ nhìn thấy 16+, 18+ thì lại nghĩ ngay đến sex. Ở phương Tây, trẻ con 10+ đã được giáo dục về sex một cách rất khoa học, bài bản rồi đấy thôi.
“Khóc giữa Sài Gòn” có sex, thậm chí còn có những thứ người ta khó chấp nhận về sex, nhưng nó không phải tất cả những điều mà tôi muốn nói đến. Nhân vật của tôi tìm đến sex như một trải nghiệm của bản thân, sau sex, họ nhận ra mình thật sự là ai, là gì của đối phương, thậm chí nhận ra mình có thật sự yêu thương nhau hay chỉ đơn thuần gặp nhau để thỏa mãn.
Còn những thứ nhạy cảm hơn sex mà bạn nghĩ đến, tôi chỉ xin nói đơn giản đó là chuyện lật ngược lại một số khái niệm về đạo đức mà con người vẫn đang tin tưởng, và chính vì điều đó, người đọc nên trưởng thành đủ để nhìn từ hai mặt của vấn đề được nêu ra.
– Tại sao anh luôn nhắc tới tình dục như một thứ bắt buộc phải đi kèm với tình yêu, hoặc với một cảm xúc nào đó? Đây là một chiêu để bán sách?
– Khổ lắm, tôi có bao giờ gắn tình dục vào tình yêu đâu, vì rõ ràng, nhân vật của tôi nhiều khi có tình dục mà không hề có tình yêu đấy thôi. Cũng như bản thân tôi, tôi yêu đàn bà nhưng đâu có nhu cầu tình dục với họ. Tình dục thì ai mà chẳng cần, nhưng quan trọng là phải đúng người, đúng lúc và đúng nơi.
Nếu có gộp, là do mọi người hay gộp chung lại thôi, chứ tôi có làm gì nên tội.
Còn chiêu trò để bán sách, cũng lại là nói oan cho tôi, sách không có tình dục thì vẫn bán ầm ầm, bán đắt như tôm tươi. Người ta viết về tình yêu, về nỗi buồn, về chia tay, đau khổ, đâu có nhắc gì đến tình dục mà vẫn nằm trên kệ “bán cháy hàng” đấy thôi.
– Tình dục trong cuốn sách này có gì khác so với những cuốn trước của anh?
– Tình dục thì luôn luôn khác, chẳng bao giờ giống nhau. Tình dục với cùng một người ở hai thời điểm khác nhau thì đã là khác nhau xa, chứ đừng nói đến tình dục với hai người khác nhau. Thế nên tôi nghĩ tình dục trong cuốn sách này, hay bất cứ cuốn sách nào của tôi cũng sẽ không có gì giống với bất kỳ cuốn nào khác.
Còn về tình dục trong “Khóc giữa Sài Gòn”, tôi chỉ nói được hai từ đơn giản nhất về nó, đó là “hoang dại”.
Tôi gom nước mắt khóc giùm mọi người
– “Cuốn sách này dành tặng những người đã quyết định rời bỏ tôi. Cảm ơn vì đã cho tôi đủ cảm xúc để được ‘Khóc giữa Sài Gòn”. Đây là lời đề tặng của cuốn sách mới của anh. Có thể tạm hình dung những người được đề tặng là những người đàn ông như thế nào?
– Sao bạn chắc rằng câu đấy không dành cho phụ nữ? Tôi đã từng khóc nhiều vì phụ nữ đó chứ. Có người đẹp đến phát khóc, có người thì không đẹp đến phát khóc, có người thì chỉ cần một cái tin nhắn đơn giản là: “Chưa có lương nha em.” cũng làm tôi phát khóc.
“Khóc giữa Sài Gòn” có rất nhiều cảm xúc, của tôi, cũng như của những người xung quanh tôi. Thế hệ chúng tôi đang bị gọi là thế hệ vô cảm, thực dụng và chạy theo những giá trị ảo, ngay cả cái việc khóc, đôi khi cũng khó khăn lắm. Thế nên tôi gom cảm xúc, gom nước mắt của nhiều con người xung quanh mình và rồi khóc giùm họ, một lần thôi, nhưng mà cho đã, cho tan hết nỗi buồn ra.
Còn những người đàn ông đã rời bỏ tôi, tôi khóc vì họ, không có nghĩa đó là tôi không vui, tôi đau hay tôi oán hận. Chỉ đơn giản như khi bạn nhớ về một kỷ niệm đẹp từng xảy ra, mà bây giờ không thể nào tìm lại được, bạn cũng sẽ khóc. Tôi chỉ biết một điều chắc chắn: rằng họ đều là những người xứng đáng để tôi chảy nước mắt.
– Đàn ông mà đủ can đảm thừa nhận mình khóc, khóc nhiều, lại còn khóc… giữa Sài Gòn thì là người như nào nhỉ?
– Thì cũng là người. Cũng ăn, uống, hít thở và sống, thế thôi. Tại bạn nghĩ cái từ “khóc” nghe ghê gớm, chứ thằng đàn ông nào vừa mới lọt lòng mẹ lại không khóc đâu? Lớn lên, đàn ông họ vẫn khóc, chỉ có là khóc không thành tiếng và nuốt nước mắt vào trong, nên khi đàn ông đau, lại càng đau hơn đàn bà, vì ít ra, đàn bà còn có nước mắt mà chảy, đàn ông thì không.
– Sau khi “Khóc giữa Sài Gòn”, anh nhìn tình yêu có gì khác?
– Quan điểm về tình yêu của con người thì ở mỗi độ tuổi lại mỗi khác nhau. Ngày trước, tôi yêu kinh khủng lắm, kiểu như có thể sống chết vì tình yêu, giờ thì không như vậy, sống để yêu thì dám chứ chết vì yêu thì… không chắc. Bây giờ có chuyện gì, cũng còn phải đặt trách nhiệm với gia đình, với bản thân lên trên hết. Tình yêu cũng vì vậy mà được xếp sau khá nhiều thứ, gia đình, sự nghiệp…
Tôi cũng có lúc hẹn hò với vài người tôi thích, nhưng nói thật, đi được một lúc, tôi lại thấy phí thời gian, khoảng thời gian đó tôi có thể làm được nhiều công việc tốt hơn cho mình, đầu óc lúc đó chỉ toàn nghĩ đến công việc, nên xong một lần thì chắc người ta cũng chán, rồi thôi. Nói chung là yêu tôi chán lắm, nên giờ đâu có ai yêu.
– Sao anh không lau nước mắt và bước vào một cuộc tình mới? Hay mất niềm tin và tạm “nghỉ ngơi” một thời gian?
– Khóc xong thì vẫn sống tiếp thôi, chứ có gì đâu mà tính.
Tôi sống duy tâm, tin vào duyên, duyên đến thì tình đến, nếu đúng lúc, đúng người thì tự khắc bản thân sẽ bước chân vào, duyên hết thì người đi, giữ cũng chẳng được, chỉ là làm bản thân mình tự đau. Nghĩ vậy nên tôi sống thoải mái, theo đuổi đam mê viết lách của bản thân mình.
Còn niềm tin thì không bao giờ tôi đánh mất. Từ ngày hiểu chuyện, tôi luôn tự nhủ với lòng rằng mất gì cũng được chứ không được mất niềm tin. Với lại, tôi cũng không có khái niệm “nghỉ ngơi”, đang còn sức khỏe và đang được tổ nghiệp thương, tại sao phải dừng lại trong khi bản thân mình có thể làm hơn thế nữa?
– Và anh tính viết gì tiếp? Vẫn về tình dục hoặc gây sốc?
– Tôi thấy mình chỉ sống khi được viết, nên dĩ nhiên sẽ vẫn viết tiếp. Trước đây, tôi tự viết cho bản thân mình đọc, tự kỷ lắm, nhưng vẫn cứ viết, còn bây giờ đã có độc giả thì càng phải viết nhiều hơn, tốt hơn. Tình dục thì… dĩ nhiên là có, nhưng chắc chắn sẽ có cách khai thác khác đi, những mảng đề tài mới hơn, lạ hơn mà ít ai dám đụng đến.
– Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!
Tháng Ba, không hẹn mà ba tác giả trẻ của Việt Nam đều ra sách nói về tình yêu: Nguyễn Ngọc Thạch với “Khóc giữa Sài Gòn” kể về các mối tình buồn thương, xa cách trong hơi thở vội vã của thành phố; Phan An với “Tình không như là mơ” chia sẻ những chuyện tình dang dở đầy nuối tiếc và ngậm ngùi mà người trong cuộc cũng không hiểu nổi; và Joe với “Tình yêu cũng chỉ là một hoóc môn”, một ebook mang cái nhìn lạnh lùng, tỉnh táo về cơ sở hoóc môn của cái mà chúng ta vẫn cứ thích gọi là tình yêu, và cách cơ thể điều khiển ta từ bên trong.
Đàn ông viết về chuyện tình thì sao? Có phải như Chimamanda Ngozi Adichie, cây bút nữ trẻ tuổi của văn học châu Phi gây tiếng vang trên toàn thế giới với các tác phẩm dấn thân, từng bày tỏ: “Chẳng phải tất cả chúng ta đều viết về tình yêu hay sao? Khi đàn ông viết chuyện tình, đó là một bình luận mang tính chính trị. Còn khi phụ nữ làm điều đó, đây đơn giản chỉ là một chuyện tình yêu”?
Chuyên đề “Đàn ông viết chuyện tình” của mục Giải trí, Đẹp Online xin gửi tới độc giả giới thiệu ba tác phẩm – ba tác giả – ba chân dung – ba góc nhìn về chủ đề thú vị này.
Các bài viết:
– Chàng nói gì khi chàng nói chuyện tình
– 50 sắc thái đàn ông và tình yêu
– Nguyễn Ngọc Thạch: “Tôi viết về sex, vì nó rất đẹp”
– Joe: “Xuân Diệu đã không biết gì về nhiễm sắc thể 17”
– Phan An: Tình không như… đàn bà mơ
Tổ chức: Đinh Phương Linh
Bài: Linh Hanyi
Ảnh: Nhân vật cung cấp
>>> Có thể bạn quan tâm: Tôi còn nhớ đâu đó, người ta nói: “đàn bà thông minh, thường không tin vào đàn ông, càng không tin vào tình yêu.” Nếu câu nói đó đúng, đàn bà của Thạch cực kì thông minh, vì thường họ đều tự định đoạn cuộc đời mình chứ không đặt chúng vào tay đàn ông.