Nguyễn Đại Hùng Lộc – Tem thư, cuộc chơi trầm lắng - Tạp chí Đẹp

Nguyễn Đại Hùng Lộc – Tem thư, cuộc chơi trầm lắng

Sống

Nhưng không như vậy mà buổi gặp mặt định kỳ của những người đàn ông trung niên thiếu vắng sự sôi nổi, vui vẻ, và hào hứng. Bởi giữa họ có chung một đam mê, tem thư và các vật phẩm bưu chính.

Tem thư – Sứ giả văn hóa

“Tôi bắt đầu chơi tem năm 12 tuổi”, lời của anh Nguyễn Đại Hùng Lộc, phó Chủ tịch hội tem Tp.HCM, đồng thời là một trong những người chơi tem kỳ cựu, nổi tiếng trong giới tem Việt Nam. Anh kể khi còn là cậu học trò tuổi xanh dưới mái trường Petrus Ký (nay là Lê Hồng Phong), anh Lộc đã có niềm hứng thú với những chiếc tem thư nghệ thuật.

Phong trào chơi tem thư vào thời điểm ấy nở rộ ví như thú chơi máy ảnh bây giờ, cậu học sinh nào cũng sở hữu cho mình vài bộ tem quý. Riêng anh Lộc do là người mới chơi nên những con tem có được chủ yếu là nhờ đi xin hay người khác cho rồi để vào một album riêng. Sau này hiểu biết hơn, anh Lộc bắt đầu phân loại tem: Tem chết (loại đã qua sử dụng) và tem sống (loại chưa qua sử dụng). Tem chết là những con tem được dán vào bì thư, còn tem sống là những con tem còn nguyên keo, răng cưa đầy đủ không bị trầy xước, màu sắc rõ ràng. Tiếp đến là sưu tầm tem theo từng quốc gia như Việt Nam, Anh, Pháp, Mỹ,…

dai_loc-682x1024

Khi trình độ cao lên rồi người chơi lại hệ thống tem theo chuyên đề như giai đoạn lịch sử, văn hóa, con người, động – thực vật,… Từ đó chọn cho mình một hướng sưu tập chuyên sâu như sưu tập tem về lịch sử bưu chính, sưu tập chuyên đề, sưu tập truyền thống các quốc gia,… Lên bước nữa thì người chơi biết cách thực hiện những bộ triển lãm từ 1 khung đến 5 khung (mỗi khung 16 trang tem) để tham dự các cuộc triển lãm tem được tổ chức ở cấp câu lạc bộ, cấp thành phố, hoặc tham dự triển lãm tem Quốc gia VIETSTAMPEX .

Những bộ sưu tập nào hay, độc đáo, xuất sắc thì được chọn để nâng cấp giới thiệu tham gia triển lãm khu vực châu Á Thái Bình Dương. Đẳng cấp cuối cùng và đỉnh cao của mọi dân chơi tem là được tham dự Triển lãm tem thế giới do Liên đoàn Tem chơi Quốc tế F.I.P (International Federation of Philately) tổ chức hàng năm. Việt Nam nói chung và Tp.HCM nói riêng đã có nhiều nhà sưu tập tem đẳng cấp đã từng được vinh danh trên đấu trường quốc tế như anh Tạ Phi Long, anh Trần Trọng Khải và nhiều anh chị khác.

Với người bình thường thì con tem không gì hơn một mảnh giấy nhỏ nhoi được in ấn dùng để thanh toán cước phí gửi thư. Nhưng đối với người sưu tầm, mỗi con tem đều có nhiều ý nghĩa, giá trị. Ra đời từ năm 1840, con tem bưu chính là một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không chỉ là thể hiện chủ quyền quốc gia, là nhân chứng lịch sử với hàng loạt sự kiện được phản ánh trên con tem bưu chính. Tem còn mang ý nghĩa về mặt truyền thông như vị sứ giả giới thiệu nét tinh hoa văn hóa, thiên nhiên, phong cảnh, nghệ thuật của quốc gia đó đến với các nước bạn trên thế giới, có thể nói “con tem là tấm danh thiếp của quốc gia mang hồn dân tộc”.

Câu chuyện đằng sau những con tem

Nhắc đến bộ sưu tập của mình, anh Lộc chia sẻ đề tài dài hơi đang theo đuổi là “Văn hóa và Nghệ thuật Phật giáo”. Bộ sưu tập gồm có 24 khung tem với 384 trang tem, được anh kỳ công thu thập tìm kiếm khắp nơi cả Việt Nam lẫn thế giới từ lịch sử Đức Phật Thích Ca, hình tượng các các vị Phật, Bồ Tát, kiến trúc chùa chiền… Và bộ sưu tập này đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam chứng nhận đạt kỷ lục bộ sưu tập tem nhiều nhất về đề tài Phật giáo tại Việt Nam vào năm 2013. Một bộ sưu tập khác được anh Lộc đã mang đi tham dự triển lãm tem quốc tế tại Thái Lan vào năm 2003 và được giải Đồng, đó là bộ tem chuyên đề “Ngựa – Bạn thân thiết của con người”.

untitled-6

untitled-2
“Ngựa – Bạn thân thiết của con người”- Bộ tem tham dự Triển lãm tem quốc tế tại Thái Lan (2003) và được giải Đồng. Với số lượng khoảng 700 vật phẩm bao gồm: tem, block, maximum card…

Không chỉ sưu tầm tem, người chơi còn sưu tập nhiều bì thư trên đó có dán tem và đóng dấu bưu điện nơi gửi, ngày gửi hay còn được gọi là bì thư thực gửi. Người mới chơi không biết giá trị lịch sử bưu chính của từng bì thư thực gửi nên dễ dàng bỏ qua bì thư mà chỉ lấy tem. Do vậy xu hướng mới ngày nay là sưu tập, tìm hiểu về bì thư thực gửi cùng dấu hủy bưu chính, những nhãn dán kèm, dấu bổ sung trên bì thư…

Trong bộ sưu tập những bì thư thực gửi mà anh Lộc đang sở hữu, có 5 bức thư cực kỳ quý giá đối với người chơi tem. Đó là những phong thư của cố Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn gửi cho gia đình vào những năm 1976 – 1977. Cơ duyên giúp anh Lộc có được những bức thư này đến từ lần tình cờ tìm kiếm trên Ebay, thấy người rao bán thư mà không ai mua. Với trực giác nhạy cảm của người chơi tem thư lâu năm, anh quyết định mua ngay. Sau khi tìm hiểu thì bất ngờ hơn khi nhận ra rằng mình đang sở hữu 5 bì thư của vị tướng tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung) gửi từ Hà Nội về cho gia đình và người vợ là Bà Hoàng Thị Thu Nhạn khoảng thời gian sau 1975.

dai_loc2-684x1024

Chơi tem lúc đầu đa phần là hứng thú và xem đó như một thú tiêu khiển. Thế nhưng việc sưu tập, trao đổi rồi tiến đến mua bán tem cũ đã trở thành một nghề kinh doanh trên thế giới hàng trăm năm qua. Chơi tem không ồn ào nhưng bên trong chứa đựng sức hút khó cưỡng. Người ta có thể bỏ ra một số tiền không nhỏ cho các bộ sưu tập quý hiếm, do vậy đây cũng có thể xem như là một hình thức đầu tư. Những ai từng gia nhập làng tem, thích chơi tem thì xem như đã chấp nhận dấn thân vào một cuộc chơi thầm lặng, nhẫn nại nhưng đặc biệt hấp dẫn, lôi cuốn đến mức khó mà dứt ra được. Có khi vì sinh kế phải tạm dừng cuộc chơi nhưng niềm đam mê vẫn còn đó để đến một thời điểm thích hợp, có điều kiện sẽ quay trở lại. Đó chính là sự cuốn hút của thú chơi tem.

Có thể nói sưu tầm tem là một trong ít thú vui độc đáo và lành mạnh của đàn ông nhưng nay dần bị mai một. Đại đa số thành viên trong câu lạc bộ tem hiện nay là người có tuổi và không có thế hệ kế thừa. “Một phần vì giới trẻ quan tâm đến nhiều thú vui hiện đại khác hơn, một phần cũng do chúng tôi không truyền được cái lửa đam mê cho con cháu mình”, anh Lộc ngậm ngùi chia sẻ.

Tuy nói vậy anh Lộc vẫn kỳ công làm những bì thư thực gửi mỗi khi có dịp đi công tác hoặc du lịch, trong đó chứa đựng món quà, vật phẩm anh đề tặng cho các cháu nội, ngoại. Bên cạnh đó anh còn cùng các nhà sưu tập khác tham dự nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước để chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm cho những người mới chơi, đặc biệt là các bạn trẻ, để tiếp tục duy trì thú vui thầm lặng như cậu học trò trường Petrus Ký ngày nào vẫn còn say mê tem thư cho dù tuổi nay đã gần 60.

Thực hiện: depweb

28/08/2017, 06:00