Hải Wit – Yêu xe hơn yêu vợ - Tạp chí Đẹp

Hải Wit – Yêu xe hơn yêu vợ

Sống
manh_hai-4-768x512
Hải Wit

– Anh bắt đầu thích xe từ khi nào?

– Từ thời phổ thông tôi đã tìm hiểu về xe hơi, xe đua và theo dõi thường xuyên các giải đua xe quốc tế cũng như sưu tầm các loại báo, tạp chí nước ngoài chuyên về xe.

– Chiếc xe hơi đầu tiên được anh “độ” là chiếc gì?

– Chiếc Honda 360 – chiếc ô tô đầu tiên tự mua khi vừa mới tốt nghiệp đại học.

– Đến nay đã có bao nhiêu chiếc xe được “độ” dưới bàn tay của anh?

– Khoảng chừng 400 – 500 chiếc, làm cho bạn bè và khách hàng là chủ yếu.

– Vậy thì bộ sưu tập xe của anh ắt hẳn rất hoành tráng?

– Hiện nay thì chỉ có vài chiếc thôi (cười). Sưu tập xe hơi hay xe “độ” là câu chuyện dành cho các đại gia nhiều tiền và mê xe, còn tôi thì chỉ có vế sau.

Thông thường những chiếc xe tôi sở hữu lúc còn “zin” sẽ được “độ” và chạy trong một thời gian. Đến khi không còn gì để “đụng chạm” thì đỉnh cao lúc ấy là… bán xe để mua chiếc khác và “độ”tiếp. Chiếc xe lâu nhất của tôi là 5 năm, ngắn nhất thì chắc chỉ vài tuần.

– Anh có vẻ thuộc kiểu người “cả thèm chóng chán” nhỉ?

– Hầu hết dân độ xe thường như vậy (cười).

manh_hai-8-768x433-1

– Tại sao người ta lại thích “độ” xe?

– Vì muốn tạo khác biệt, thể hiện cá tính, dân “độ” xe chẳng ai muốn mình lẫn vào trong đám đông cả. Chiếc xe sau khi “độ” đều có ngoại hình ấn tượng, tiếng pô uy lực, tốc độ mạnh mẽ so với các xe cùng chủng loại nên dân chơi xe ai mà không thích. Bản thân tôi không bao giờ leo lên chiếc xe nào của mình mà chưa qua “tút tát”, kể cả mô tô, xe máy.

– Thú chơi này quá xa xỉ, anh thấy có đúng không?

– Do cách nghĩ của mỗi người thôi. Ví dụ phụ nữ mấy ai quan tâm xe cộ nhưng sẵn sàng bỏ mấy ngàn đô mua một chiếc túi, tôi là người ngoài cuộc thì thấy quá xa xỉ. Ngược lại, họ không phải là tôi thì hiển nhiên thấy tôi bỏ cả trăm triệu mua một bộ thắng gắn vào xe mặc dù thắng “zin” vẫn hoạt động tốt là điên rồ. Quan trọng là mình thích và không phương hại đến ai là được, người khác nói gì thì thôi bỏ qua đi (cười).

– Anh thường hay đắn đo mỗi khi mua món “đồ chơi” nào cho xe?

– Có tiền sẵn là tôi mua không cần suy nghĩ. Chỉ khi nào mua những món khác mới suy nghĩ thôi (cười).

– Điều khiến anh lo lắng nhất là gì?

– Kiếm được đủ tiền để mua xe, “độ” bất kỳ xe nào mình thích.

– Đàn ông mê xe cộ và tốc độ là những người như thế nào?

– Mạnh mẽ, liều lĩnh, thích chinh phục và kiên nhẫn.

– Vì sao phải cần kiên nhẫn?

– “Độ” một chiếc xe tốn rất nhiều thời gian, tùy vào từng món đồ mà có thể mất từ vài tuần, vài tháng thậm chí cả năm, chưa kể đến những món đồ của xe đời cũ không có sẵn mà phải săn lùng. Không kiên nhẫn liệu anh có thể chờ vài tháng đến vài năm để hoàn thành chiếc xe?

– Cảm giác như thế nào khi chiếc xe được anh “độ” đạt vận tốc anh mong muốn?

– Cực kỳ phấn khích, cảm thấy thỏa mãn, xứng đáng với số tiền và công sức mình bỏ ra.

– Và cũng không ít lần gặp tai nạn?

– Dĩ nhiên, nhiều là đằng khác nhưng không ảnh hưởng đến tính mạng. Yên tâm! Dù sao cái thú đua xe này cũng quá nguy hiểm. Tôi không phủ nhận nhưng dân “độ” xe mà coi đua xe là chuyện nghiêm túc thì tiêu chí an toàn và hợp pháp phải đặt lên hàng đầu.

Đua xe phải đua trong trường đua hoặc ở những cung đường vắng có kiểm tra độ an toàn trước. Tuyệt đối không đua ngoài đường giao thông công cộng và trái pháp luật. Còn đối với xe đua không phải bỗng dưng mà lại gắn thêm khung chống lật hay thay bộ thắng hiệu Brembo cả trăm triệu vì nó tạo sự an toàn cho người lái cũng như người xung quanh. Cái thời tuổi trẻ bồng bột đua xe tháo thắng xưa rồi, hiện giờ mọi thứ đều phải chuyên nghiệp mới được.

manh_hai-2-682x1024

– Bạn bè trong giới xe cộ của anh chắc rất nhiều?

– Tôi tham gia nhiều hội nhóm chơi xe nhưng thân thiết chỉ 2,3 nhóm là chính. Nói thật, dân chơi xe cái tôi lớn lắm, mâu thuẫn xích mích rồi rã nhóm là chuyện bình thường. Nhưng may mắn tôi vẫn có nhiều người anh em tốt. Từ bạn “xe” thành bạn “thân” lúc nào không hay.

– Xe và phụ nữ, anh chọn gì?

– Cả hai (cười) nhưng trong vài trường hợp xe vẫn được ưu tiên hơn.

– Anh không sợ làm phật lòng chị em phụ nữ sao?

– Tôi “cuồng” xe mà.

– Vì vậy mà đến giờ anh vẫn chỉ có xe?

– Tôi chơi chưa đủ (cười). Lập gia đình thì chắc chắn, nhưng thú chơi này tôi sẽ theo cả đời.

manh_hai-7-768x433

THÔNG TIN VỀ “ĐỘ” XE

 Có bao nhiêu kiểu “độ” xe?

“Độ” xe chủ yếu có hai kiểu gồm “độ” tăng tính thẩm mỹ và “độ” tăng sức mạnh.
“Độ” tăng tính thẩm mỹ chủ yếu là thay đổi phần trang trí bên ngoài xe như thay bodykit (cản xe), thay đổi màu sắc, mâm vỏ, đèn,… hoặc thay đổi nội thất bên trong như thay ghế thể thao, bọc da nội thất, nâng cấp hệ thống âm thanh,… Đây là kiểu “độ” xe phổ biến nhất ở Việt Nam.

Trong khi đó, “độ” tăng sức mạnh xe sẽ phức tạp và tốn kém hơn nhiều vì những bộ phận nâng cấp này đều phải là hàng hiệu nhập từ nước ngoài. Phần độ này bao gồm: Độ hệ thống ống xả để thoát khí thải nhanh hơn, âm thanh pô ấn tượng hơn; độ hệ thống lái để tạo cảm giác lái tốt hơn; độ hệ thống treo để xe thấp hơn, dễ “cua” hơn; độ hệ thống thắng để thắng ăn hơn và đỉnh cao nhất là độ máy xe như: thay pittong, tay dên, gắn thêm hệ thống turbocharger, supercharged,… Phần “độ” này yêu cầu người thợ phải có kỹ thuật, lành nghề và hiển nhiên tiêu hao không ít chi phí; do đó không thông dụng lắm tại Việt Nam.

Đua xe phải có cả tốc độ lẫn kỹ năng và an toàn là số một 

Nếu nghĩ rằng đua xe chỉ cần có một chiếc xe xịn rồi tăng ga chạy cho thật nhanh thì hoàn toàn sai lầm. Trong đua xe thường có 3 hình thức đua chính gồm:

– Chạy Draft: Hai xe chạy thẳng hai đường song song. Đây là dạng đua phổ biến tại Việt Nam vì dễ nhất.
– Chạy Circuit: Đua một vòng quanh trường đua.
– Chạy Drift: Drift là một kỹ thuật lái xe mà trong đó, người lái xe cố tình làm thừa lái, gây ra sự trượt bánh sau, trong khi vẫn có thể điều khiển được chiếc xe theo hướng mong muốn ở tốc độ cao(*).

Các kiểu đua trên không chỉ đòi hỏi xe phải tốt, phải “xịn” mà tay đua phải có kỹ năng lái rất vững để làm chủ tốc độ và đảm bảo mọi thứ phải nằm trong tầm kiểm soát. Trong đua xe, chính anh là người điều khiển chiếc xe chứ không phải để bị điều khiển. Nhiều người thường mang siêu xe ra đua nhưng nếu không biết “cầm cương” thì “ngựa” ngon cỡ nào cũng sẽ ngã.

Trong ba hình thức đua thì đua Drift là khó nhất và nguy hiểm nhất vì không chỉ cần xe chuyên dụng mà còn đòi hỏi tay đua phải có kỹ thuật cao đồng thời tập luyện thường xuyên. Độ an toàn cho xe Drift cũng được chú trọng hơn so với các loại xe khác.

(*)Theo Autovina

Thực hiện: depweb

28/08/2017, 06:00