Năm hết Tết đến, đàn ông khóc thầm - Tạp chí Đẹp

Năm hết Tết đến, đàn ông khóc thầm

Men's Talk

Cứ năm hết Tết đến, y như rằng, lác đác trên mặt báo là “tâm thư” của các thị vợ, các mợ dâu, các nàng mới cưới lần đầu đón giao thừa ở nhà chồng. Mô típ chung là tố khổ vì phong tục hủ lậu bất công giữa đàn ông và đàn bà, giữa nhà chồng và nhà vợ, giữa cái của nợ mua quà cáp giữ thể diện với thực tế khắc nghiệt của ví tiền.

dan-ong-don-nha-don-tet2

Tôi thật, cứ kêu gọi ra rả như loa phường là phải bình đẳng giới, rồi mọi người a lô xô vào rủa xả bọn đàn ông chúng tôi, đánh đồng một lũ như quái thai của nền văn minh thế giới. Mà ít ai hay biết rằng, phía sau hậu trường, đàn ông cũng khóc thầm chán ra cho cái “vụ án” ăn Tết này.
Đơn cử như nhà tôi đây. Nhà tôi chi trưởng họ, được hai con trai. Anh cả đã biết thân mình gánh nặng trọng trách, kén cá lựa canh mãi đến đầu băm mới lùng ra một phụ nữ có tài năng đặc biệt trời ban trong khoản làm dâu trưởng quán xuyến việc họ mạc. Ngay kỳ giỗ đầu tham gia, chị đọc được vanh vách tên tuổi, vai vế, chi nhánh của từng người trong họ đến ăn giỗ, lại vồn vã hỏi thăm cha mẹ vợ chồng con cái của người ấy như đã quen nhau cả chục năm rồi. Vợ tôi sợ xanh mắt, nàng mới thuộc chưa được nửa số ấy, dù thời gian nàng quen tôi và về quê gặp mặt họ hàng lâu hơn hẳn chị dâu. Tôi lừ mắt nhìn vợ, lúc ấy vẫn chưa cưới, nói: “Em phải thấy là anh yêu và lo cho em đến thế nào chưa. Yêu nhau mãi mà anh không cưới, là để chờ bằng được đấng cứu thế này xuất hiện cứu vớt cuộc đời em đấy! Anh phải tốn bao nhiều chất xám để nghĩ ra đủ thể loại kịch bản lung linh cho ông anh khô như ngói của anh và chị ấy nên duyên tròn trịa đấy!”.

Rồi thì cái Tết đầu tiên của hai nàng dâu mới. Họ hàng nườm nượp đổ về thử thách tài năng của “gái lạ” mới về làng. Đến hôm mùng Năm Tết cúng hạ mâm, khi tôi lảo đảo ra giếng vỗ nước vào mặt cho tỉnh sau bữa cỗ, thấy vợ mới cưới của mình đang ngồi vặn vẹo hai tay, vai rung rung, vợ-ít-mới-hơn của anh trai thì ngoặc tay ra sau đấm lưng thùm thụp. Lúc ấy tôi biết ngay là lên thành phố sẽ có biến to rồi.

dan-ong-don-nha-don-tet5

Chả sai! Ngay bữa đầu tiên vừa về lại nhà trên phố, vợ tôi lẳng va li túi xách, dắt xe đi thẳng sang nhà ngoại. Tôi vội vội vàng vàng xách một túi quà to, sang nhà bố mẹ vợ xin ăn bữa cơm khai niên. Vợ cũng chả có mặt trong bữa cơm đó. Mặt bố vợ dàu dàu, mẹ vợ thì lơ đãng báo: “Con gái mẹ nó tranh thủ đi chùa đầu năm cầu xin sức khỏe dồi dào con ạ! Làm dâu nhà con thì nhất thiết là phải có sức khỏe dồi dào rồi!!!”.
Một tuần liền sau đó, vợ tôi nại hết lý do cùng cơ quan đi chúc Tết, cùng đồng nghiệp đi đền xin lộc may đầu năm, biền biệt bỏ tôi chơ vơ ở nhà. Vợ nhấm nhẳng: “Mấy hôm Tết dưới quê, em thịt tổng cộng hơn chục con gà đấy. Nên chắc bây giờ anh chả muốn ăn thịt thà gì nữa đâu nhỉ?!”. Bếp núc lạnh tanh, đầu năm hàng quán cũng chả mở nhiều, tôi cáu lắm mà chả biết làm sao, mới mò sang nhà anh cả, hòng xin bữa cơm và lời tư vấn để trị vợ, đồng thời khẳng định vị thế đàn ông của mình.

Anh ra mở cửa, đầu tóc bù xù, râu ria tua tủa, hốc hác bơ phờ. Ra là chị dâu ốm nằm viện gần cả tuần nay rồi. Bữa Tết, một hôm chặt gà đãi khách, chắc vì mệt quá lơ đễnh, chị chặt sượt dao, văng hẳn cái móng chân cái, may không phạt vào xương. Nhưng rồi cỗ bàn lu bù, chị không giữ khô ráo được vết thương, cứ nhiễm nước lạnh vào suốt. Lên đến thành phố thì bị nhiễm trùng, chị sốt cao đến co giật. Nhưng đầu năm đầu tháng, lại mới cái Tết đầu tiên ra mắt, chị cấm tiệt anh không được để ai biết tin, sợ đàm tiếu. Tôi lần đầu tiên nhìn thấy ông anh trai lạnh lùng, lãnh đạm, khô khốc của mình mếu máo: “Lúc anh đưa chị vào viện, cả bác sĩ, y tá, hộ lý một loạt nhìn anh như nhìn quái vật ăn thịt người ấy chú ạ?!”. Tôi cũng lo cuống cả lên, nghĩ thầm: “Nói phủi phui, bà chị dâu đảm đang mà có sao, còn mỗi vợ đoảng nhà mình gánh vác Tết nhất cỗ bàn thì chết, khéo cũng lăn ra ốm luôn!!!”. Nghĩ đến nguy cơ khủng bố đấy, tôi phát hoảng, đi lùng mua mấy hộp sâm xịn về bắt anh cả cho chị dâu uống bồi dưỡng.

Đừng có bảo rằng chỉ mỗi cánh chị em phụ nữ là khốn khổ mỗi dịp xuân về nhá. Bọn đàn ông chúng tôi, cũng nhiều nỗi niềm rưng rưng lắm ạ!

dan-ong-don-nha-don-tet3
Anh cả thì sau cú vợ anh nằm liệt giường đến gần hết tháng Giêng, hẳn cũng lo canh cánh vợ tôi kiếm cớ đào tẩu, giỗ chạp lễ Tết không chịu về quê cùng. Anh mua hẳn một cái túi xách hàng hiệu, dúi cho tôi bảo đi dỗ dành vợ, cuộc đời hai anh em từ nay nằm trong tay hai người phụ nữ ấy rồi, sơ sẩy phát là… “mồ côi” vợ cả đôi (!).
Qua nhiều cuộc tranh luận, điều đình, dỗ dành, bây giờ nhà chúng tôi có cái luật bất thành văn thế này: Để giữ thể diện cho bố mẹ tôi là trưởng tộc, một năm ba cái giỗ lớn và một cái Tết, hai nàng dâu sẽ về quê đóng vai đảm đang, tần tảo, quần quật dưới bếp. Bù lại cho những chuyến “khổ sai” đó, anh em chúng tôi phải thu xếp mỗi năm 2 chuyến du lịch nghỉ dưỡng tươm tất, lau nhà rửa bát tất cả các ngày còn lại trong năm, và xoa dịu tinh thần bất mãn vì bất bình đẳng giới của vợ bằng cơ số túi xách, giày hiệu, son xịn, kem dưỡng, phiếu massage, vân vân và mây mây…

Cho nên, đừng có bảo rằng chỉ mỗi cánh chị em phụ nữ là khốn khổ mỗi dịp xuân về nhá. Bọn đàn ông chúng tôi, cũng nhiều nỗi niềm rưng rưng lắm ạ!

Thực hiện: depweb

10/02/2017, 16:30