Thật kỳ lạ khi ở Việt Nam, lượt xem YouTube dường như đang trở thành một loại vương trượng. Thì cũng phải thôi, YanTV đã ngừng phát sóng, các bảng xếp hạng âm nhạc èo uột khi chỉ dựa vào tầng số liệu hạn chế, lác đác một hai cái tên dám thu phí bản quyền ca khúc trên iTunes, Spotify thì mới chân ướt chân ráo bước vào thị trường. Một thị trường như thế (nếu nó có thể được gọi là thị trường), thì có thể dựa vào gì khác ngoài lượt xem YouTube? Thành hay bại, với nhiều nghệ sĩ, chỉ nằm ở YouTube mà thôi.
Hãy cùng tham gia vào cuộc trò chuyện giữa Đẹp và các ca sĩ Bích Phương, Phạm Quỳnh Anh, Uyên Linh – những người đã trải qua đầy đủ các cung bậc cảm xúc trước con số hiển hiện trên YouTube. Họ nói gì khi nói về lượt view?
Năm 1981, khi kênh MTV phát sóng lần đầu tiên, ban nhạc rock The Buggles đã sớm dự đoán “video sẽ tiêu diệt các ngôi sao của đài radio”. Hơn hai mươi năm sau, khi YouTube được nhóm bạn ba người lập nên (vì một trong số đó cho rằng quá khó để tìm lại đoạn video về sự cố lộ ngực của Janet Jackson tại Super Bowl năm 2004), đã thay thế thế hệ ngôi sao MTV bằng một thế hệ ngôi sao hoàn toàn mới. YouTube đã thực sự bẻ bánh lái của thị trường âm nhạc theo một cách khác, dưới những quy luật khác.
Theo giám đốc điều hành của YouTube, mỗi tháng có 1,8 triệu người dùng đăng nhập vào trang mạng xã hội này và 85% trong số đó tiếp cận với các nội dung âm nhạc. Phép nhân đơn giản cho ta một con số khổng lồ về tiềm năng của YouTube. Và đương nhiên, lượt xem YouTube trở thành một chỉ số đánh giá mức độ nổi tiếng của một bài hát hay một nghệ sĩ.
Nói không đâu xa, vài tuần trước, Taylor Swift phát hành single “Me!”, cả làng nhạc nín thở chờ xem cô có vượt qua được các kỷ lục về lượt xem của BTS hay Ariana Grande không. Thậm chí trên YouTube còn có cả một video mang tên… “Cách cày view cho MV mới của BTS”. Lượt xem không quan trọng thì cày làm gì?
Thế mà, lượt xem YouTube không phải lúc nào cũng luôn ở đó. Năm 2007, lần đầu tiên Billboard đưa các thông số streaming do AOL Music và Yahoo!Music cung cấp vào công thức xếp hạng của danh sách Billboard Hot 100. Nhưng phải mãi đến tháng 2/2013, Billboad mới đưa lượt xem YouTube thành một phần số liệu streaming.
Nhưng những thông tin này thì có ý nghĩa gì? Bây giờ, bạn hãy nghĩ tới “Gangnam Style” của Psy, hãy nhớ nó đã nhanh chóng tạo thành cơn sốt toàn cầu và đạt 1 tỷ lượt xem nhanh chóng thế nào. Rồi. Giờ bạn hãy nghĩ đến thời điểm mà nó phát hành: tháng 7/2012. Đúng thế, vào thời điểm “Gangnam Style” ra đời, số lượt xem YouTube khủng khiếp của ca khúc chẳng liên quan gì tới vị trí của nó trên bảng xếp hạng Billboard. Thứ hạng cao nhất mà “Gangnam Style” đạt được là vị trí thứ 2 của Billboard Hot 100.
Nhưng thật kỳ lạ khi ở Việt Nam, lượt xem YouTube dường như đã trở thành một loại vương trượng. Thì cũng phải thôi, YanTV đã ngừng phát sóng, các bảng xếp hạng âm nhạc èo uột khi chỉ dựa vào tầng số liệu hạn chế, lác đác những cái tên như Mỹ Tâm, Sơn Tùng M-TP dám thu phí bản quyền ca khúc trên iTunes, Spotify thì mới chân ướt chân ráo bước vào thị trường nhạc Việt. Một thị trường nghèo nàn như thế (nếu nó có thể được gọi là thị trường), thì có thể dựa vào gì khác ngoài lượt xem YouTube? Thành hay bại, với nhiều nghệ sĩ, chỉ nằm ở YouTube mà thôi.
Thành ngữ Anh có câu: “There ain’t no such thing as a free lunch”, nghĩa là chẳng có bữa ăn trưa nào miễn phí cả đâu. YouTube chính là thế, cứ tưởng là một “bữa ăn” miễn phí, nhưng đổi lại, ở một nền tảng không thu phí và chỉ kiếm tiền từ quảng cáo thì đừng hòng ép nó phải luôn luôn chuyên chở những giá trị chân – thiện – mỹ có sức sống dài lâu. Một khi đã mở YouTube ra, chúng ta có mất gì đâu mà không dành một view cho những sản phẩm âm nhạc, dù không ít trong số đó ta biết là í ẹ, nhưng vì tò mò nên cũng xem cho biết? Không có quyết định tiêu dùng nào được đưa ra, trừ quyết định tiêu dùng thời gian, mà với thời gian thì ai cũng là tỷ phú.
Nhưng điều đáng sợ hơn hết, sự phát triển đơn tuyến của YouTube ở Việt Nam khiến cho nhiều người ngộ nhận sự thành công và cả thất bại của một sản phẩm âm nhạc.
Trong một nền âm nhạc chuyên chế mà vị vua là YouTube, luật pháp được tính bằng số lượt xem và số lượt theo dõi, thì những giá trị vàng thau lẫn lộn là điều tất lẽ dĩ ngẫu.