MEN OF THE YEAR 2012 - Architect Võ Trọng Nghĩa - Tạp chí Đẹp

MEN OF THE YEAR 2012 – Architect Võ Trọng Nghĩa

Sao


Năm 2012 vừa qua có vẻ là khoảng thời gian không trôi chảy của giới làm kiến trúc và nội thất ở Việt Nam, tuy nhiên, với Võ Trọng Nghĩa đây lại được anh xem là cơ hội “ngàn năm có một”. Bởi có trong giai đoạn khó khăn nhất, nghĩa là khi có khủng hoảng xảy ra, thì mới biết đơn vị nào hoạt động chắc chắn, đơn vị nào thì không. Khi đó, chỉ những người làm tốt thực sự mới vượt qua được những cạnh tranh khốc liệt. Tự tin và hiểu rõ mình, hiện tại là khoảng thời gian quý báu trong hoạt động nghề nghiệp của Nghĩa và các cộng sự. Tuy nhiên, trong tâm thế của người tu tập và thiền định, mọi sự việc đối với anh đều có những lúc đi lên và đi xuống. Nghĩa không quá vui khi mình đi những người bắt đầu từ hai bàn tay trắng như anh. Chúng tôi đã bắt đầu câu chuyện của mình như vậy.

Võ Trọng Nghĩa sinh năm 1976 tại Quảng Bình. Tuổi thơ khó khăn ở một trong những vùng thuần nông nghèo nhất cả nước, những nỗ lực không ngừng của cậu học trò vượt khó, đỗ 3 trường Đại học danh tiếng nhất miền Bắc, rồi sau khi hoàn thành năm đầu ở Đại học đã giành được học bổng toàn phần đi học kiến trúc tại Nhật. Bước khởi đầu của Nghĩa đối với vai trò Kiến trúc sư có lẽ cũng mang mẫu số chung như nhiều câu chuyện khác về những người con của vùng “đất học” Bắc Trung Bộ. Thế nhưng, con đường của anh lại ít nhiều tạo được sự chú ý hơn.

“Hãy biết chấp nhận sự thật như nó đang là”


Con đường đi đến một cứu cánh, bất luận là việc gì, đều chứa đựng những khó khăn hoặc cả những thất bại chờ sẵn. Với Nghĩa đây là một quy luật và không có gì để bàn cãi thêm. Là người chuyên về thiền định nên anh có cảm giác ổn định và cách ứng xử bình tĩnh về những việc xảy đến, từ đó làm giàu hay trở nên có uy tín hơn cũng chỉ là những sự kiện trên hành trình tu tập đi qua, không hơn không kém. Trải qua một quá trình rèn luyện với những khó khăn trong suốt 10 năm ở Nhật, anh cho rằng mình đã có một may mắn, đó là sự trong sáng trong cách nghĩ. Chính nhờ sự trong sáng đó mà anh có thể nhìn nhận sự việc theo một cách rất khách quan – không áp đặt, không định kiến. Anh nhìn mọi thứ như nó là như thế, và nhờ vậy mà hiểu được mọi sự một cách dễ dàng hơn. Nghĩa đã tìm đến văn phòng kiến trúc của những người thầy, những kiến trúc sư giỏi của Nhật Bản, “lì lợm” xin vào học việc cho bằng được, không lương và kiên trì… vẽ. Vẽ và vẽ, và sau đó là “dí” vào mắt những người thầy của mình để được chỉ bảo, chỉnh sửa. Cứ như vậy, cho đến khi nhận được phản hồi tích cực từ người thầy. Đó cũng là lúc Nghĩa tạo được sự quan tâm đặc biệt nơi bậc tiền bối. 

Có thể nói, Nghĩa say mê với thiền. Những khóa thiền đã giúp Nghĩa nhìn rõ được rằng bất cứ ai cũng là con-người-không-hơn-người-khác. Thiền cũng tác động đến công việc chuyên môn của anh, đó là sự tương đồng trong triết lý sống thuận thiên nhiên, hợp với những quy luật của tự nhiên. Đồng thời những triết lý của Thiền theo trường phái Ấn Độ và đạo giáo của Đức Phật đã thấm sâu vào trong quan điểm của vị Kiến trúc sư trẻ. Nghĩa hiểu sâu hơn, rõ hơn về vô thường, về được và mất. Thế nên anh luôn nỗ lực hết mình và không quá buồn vui vào cái kết quả sau cùng mà luôn tâm niệm phải biết “chấp nhận sự việc như nó đang là” để có cái nhìn nhận đúng và vượt qua được nó. “Thất bại một trận đánh nhưng thắng lợi một cuộc chiến, thế là ổn” – đó là cách Nghĩa tư duy về sự phấn đấu trong hành trình nghề nghiệp.

Những giải thưởng danh giá

Võ Trọng Nghĩa về Việt Nam vào năm 2006 với một sứ mạng được giao phó từ người thầy mà anh rất kính trọng – Giáo sư Hiroshi Naito: “Phải về Việt Nam để tìm thấy thất bại”. Trong suốt 6 năm, anh đã có đến 4 năm đầu tiên để gặp và chấp nhận những thất bại, dẫu ngay từ 2007 Nghĩa đã có giải thưởng quốc tế với công trình café Gió và Nước (Bình Dương). Trong khoảng thời gian khó khăn đó, việc đảm bảo trang trải hết tất cả các chi phí hoạt động của công ty đã trở thành nỗi lo thường trực dẫu đây là giai đoạn mà lĩnh vực kiến trúc trong nước đang hoạt động hết sức sôi nổi. Tuy nhiên, Nghĩa nhất quyết tuân thủ nguyên tắc không “lẹt xẹt” đi tạo dựng quan hệ, cũng không nhậu nhẹt, la cà để… tìm công việc cho mình. Anh hạn chế việc họp mặt và gặp gỡ các anh em trong giới kiến trúc mà tập trung vào công việc chuyên môn của mình. Bởi với anh, “giao tiếp” giữa các kiến trúc sư với nhau thì có gì khác ngoài những công trình mà họ thực hiện được!? Sau đó, Nghĩa đẩy mạnh việc dự thi, đấu thầu các công trình quốc tế, và việc thắng được các thầu trên thế giới cũng đồng nghĩa với việc quay lại và “chiến thắng” ở trong nước. Thành quả là những gì công ty đang làm được và đang gặt hái được ngày hôm nay. 

Với quan niệm của Nghĩa, hoàn tất công trình không phải là bước cuối cùng của công việc, mà còn phải chụp ảnh công trình, chọn ảnh, trình bày đẹp và sau cùng là gửi đi dự thi – đó mới là bước kết thúc chu trình làm việc. Dẫu đôi khi người làm cái mới thường chịu sự phê phán của đám đông, nhưng nếu mình đủ niềm tin, đủ sức mạnh và đủ sáng suốt để vượt qua, để chứng minh mình đúng thì cứ thế mà làm, mọi lời nói của người khác đều không liên quan. Những giải thưởng còn là một cách để anh giới thiệu với thế giới những công trình của Việt Nam, do người Việt Nam làm nên. Trong năm 2012, Nghĩa và cộng sự đã có đến 10 giải thưởng quốc tế, góp vào tổng các giải thưởng quốc tế mà anh đạt được lên đến khoảng 30 giải. Bao gồm các giải của Hội KTS châu Á, giải thưởng International Architecture Award – IAA của Mỹ (cũng là giải thưởng đầu tiên mà Võ Trọng Nghĩa nhận được vào năm 2007 cho các công trình bằng tre dành cho Cafe Gió và Nước), giải thưởng Green Good Design của Mỹ, giải thưởng tại World Architecture Festival – WAF, giải FuturArc Green Leadership Award châu Á…

Text: HẢI TRUNG

Photo: TUẤN FR.

TTVH & ĐÀN ÔNG 01/2013

Thực hiện: depweb

14/01/2013, 19:15