MC Huyền Ny: Hà Nội cũng nên "có lời" với người ăn xin? - Tạp chí Đẹp

MC Huyền Ny: Hà Nội cũng nên “có lời” với người ăn xin?

Sao

Mới đây Tp.HCM đã kêu gọi người dân không cho tiền người ăn xin, vì kể từ ngày 28/12, Tp.HCM sẽ bắt đầu đưa những người ăn xin, người lang thang vào các cơ sở xã hội. Chủ trương này rất đáng cổ vũ và đang được người dân ủng hộ. Khi xã hội văn minh hơn thì các chương trình phúc lợi xã hội cần được quan tâm hơn, cần có các trung tâm bảo trợ xã hội cho người già, trẻ em, người khuyết tật… Nếu chúng ta không có trách nhiệm với họ, thì họ sẽ phải tự nuôi sống bản thân mình bằng việc… ăn xin.

 
Một trong những mặt trái đáng quan tâm của nạn ăn xin đó là việc lợi dụng người nghèo, người tàn tật, trẻ em để kinh doanh. Chưa nói đến mặt phi đạo đức của những kẻ trục lợi, mà quyền công dân, quyền con người của những người bị lợi dụng cũng tổn hại. Ăn xin thật, ăn xin giả lẫn lộn làm cho xã hội càng thêm mất trật tự, một mặt nào đó cũng cho thấy sự bất cập trong quản lý.

 Bên cạnh đó, nó cũng phản ánh sự phân hóa giàu nghèo, càng những thành phố lớn, phát triển thì người nghèo càng tụ về đông đúc hơn, đặc biệt là ở Sài Gòn. Chưa kể, nạn ăn xin cũng gây mất mỹ quan thành phố, nhất là dưới con mắt của khách du lịch, đối tượng mà chúng ta muốn thu hút đến để phát triển du lịch nước nhà. Để tự thân vận động thì tất nhiên nạn ăn xin thật giả vẫn sẽ tiếp diễn như đã và đang xảy ra. Nên việc đưa những người ăn xin, những người không có chỗ cư trú nhất định vào các cơ sở xã hội là bước tiến cần thiết tiếp theo.

Có nên chăng cả nước hãy cùng phối hợp để làm triệt để, vì không khéo dẹp nơi này, người ăn xin lại chạy qua nơi khác….

Đối với những người ăn xin vô gia cư khi được gửi trả về địa phương sẽ phải làm gì để tồn tại? Điều trông chờ trước hết là chính quyền địa phương nên trích ra một phần công quỹ, xây dựng các trung tâm bảo trợ xã hội để tiếp nhận, chăm sóc các đối tượng: người già, người tàn tật, trẻ nhỏ,…giúp cho các em được tiếp tục đến trường.

Còn những đối tượng có khả năng lao động thì các trung tâm bảo trợ xã hội sẽ phối hợp với doanh nghiệp địa phương để giới thiệu công ăn việc làm ổn định, sau khi giúp đỡ đào tạo nghề. Nói tóm lại, không ai trên đời này muốn làm “nghề: ăn xin. Nên tôi tin nếu chúng ta tạo cho họ một lối thoát, một sự ổn định có lí có tình… thì họ sẽ nghiêm chỉnh chấp hành.

Tuy nhiên, mỗi người mỗi hoàn cảnh, nên không thể đánh đồng, dồn tất cả vào trung tâm bảo trợ xã hội hoặc gửi trả về địa phương mà phải giúp cho họ một lối thoát, công ăn việc làm để ổn định lâu dài. Đồng thời, cũng phải xử phạt hành chính nặng đến các đối tượng “chăn dắt” ăn xin.

Thành phố Đà Nẵng đã thử nghiệm trước nên chắc chắc có nhiều kinh nghiệm cùng với các phương pháp xử lý tình huống phù hợp. Nếu thực hiện và có sự hỗ trợ, học hỏi kinh nghiệm từ Đà Nẵng, tôi tin là kết quả thực hiện ở Tp.HCM sẽ cao hơn.

Sau Đà Nẵng, là Tp.HCM, sao thủ đô Hà Nội vẫn chưa thấy lên tiếng? Quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ – nơi rất nhiều khách du lịch quốc tế lui tới – vẫn còn nạn ăn xin. Và có nên chăng cả nước hãy cùng phối hợp để làm triệt để, vì không khéo dẹp nơi này, người ăn xin lại “chạy” qua nơi khác…. 

MC Huyền Ny
Ảnh: Milor Trần
Trang phục: Đỗ Mạnh Cường
Makeup & Hair: Jason Trần
logo

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

Thực hiện: depweb

30/12/2014, 13:59