Thành Luke (Cá Hồi Hoang): "Nhạc của chúng tôi khó nghe và khó hiểu" - Tạp chí Đẹp

Thành kể: “Giai đoạn đầu khi nói chuyện với báo chí, chúng tôi bịa ra ý nghĩa cho tên nhóm vậy thôi chứ Cá Hồi Hoang thật ra là nick Yahoo của tôi ngày xưa, lấy từ tên một nhân vật da đỏ trong cuốn sách mà tôi thích. Lúc bí ý tưởng, tôi đặt đại tên nhóm là Cá Hồi Hoang, mãi sau tìm hiểu mới biết đó là loài cá bơi ngược dòng”.

Là người sáng tác cho nhóm, để làm ra một ca khúc, bạn thường trải qua những công đoạn nào?
Những sáng tác của tôi đến từ nhiều trải nghiệm khác nhau của bản thân hoặc của bạn bè. Đôi khi tôi cũng tự liên tưởng ra các câu chuyện khi đọc sách. Tôi sáng tác ở bất cứ đâu, trong bất kì hoàn cảnh nào. Khi nghĩ ra ý tưởng, tôi thu âm lại bằng điện thoại. Không nhất thiết phải vào phòng thu mới có thể sáng tác được, có khi cả nhóm ngồi với nhau rồi đánh một giai điệu ngẫu hứng, thấy hay quá thì phát triển, phối nhạc thành ca khúc.

Đến album “Hiệu ứng trốn chạy” thì chúng tôi bắt đầu thấy chán với kiểu làm trước kia và nảy ra ý tưởng lấy một nhân vật làm trọng tâm, phát triển các ca khúc theo dòng suy nghĩ và trải nghiệm của nhân vật đó.

Lời bài hát của Cá Hồi Hoang rất lạ, bạn đã học cách viết và trau dồi vốn từ ở đâu?
Tiếng Việt rất hay, rất đẹp và có nhiều tầng ý nghĩa nên nếu chỉ dùng những từ quen thuộc thì sẽ rất lãng phí. Tôi được truyền cảm hứng nhiều từ những bản rap Việt. Dù những ca khúc ấy không dùng từ ngữ chính thống cho lắm nhưng tôi rất thích và muốn thử sáng tác theo hướng đó.

Việc đọc sách cũng giúp tôi sử dụng từ ngữ một cách uyển chuyển. Hồi nhỏ tôi hay đọc Nguyễn Nhật Ánh, lớn lên tôi đọc sách ngoại văn và cả những cuốn ngôn tình sến súa nữa (cười).

"Tôi được truyền cảm hứng nhiều từ những bản rap Việt. Dù những ca khúc ấy không dùng từ ngữ chính thống cho lắm nhưng tôi rất thích và muốn thử sáng tác theo hướng đó".

MV của các bạn có hình ảnh đơn giản nhưng phần nhạc lại không dễ nghe. Theo bạn, điều gì khiến khán giả tìm đến và ở lại với Cá Hồi Hoang?
Âm nhạc của chúng tôi đúng là khó nghe và khó hiểu. Nhưng đây không phải định hướng của ban nhạc, nó chỉ đến một cách tự nhiên thôi. Tôi tin nếu đã nghe, các bạn sẽ tò mò câu hát đó có ý nghĩa thế nào, tiếng guitar ở đây là sao, sao lại xuất hiện cùng hình ảnh này. Khi tìm ra đáp án rồi, bạn sẽ ở lại vì đồng cảm.

Yếu tố thị hiếu chiếm bao nhiêu phần trăm trong việc các bạn sản xuất một sản phẩm?
10%. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng bật YouTube lên để cập nhập xem thế giới có gì mới, nhạc nào đang là xu hướng được mọi người ưa chuộng. Nhưng chúng tôi không chiều chuộng khán giả. Âm nhạc vẫn phải có cái tôi của mình trước đã.

Yếu tố nào theo bạn đã làm cho album vol.3 thành công, trong khi vol.2 lại thất bại đến mức suýt tan rã nhóm?
Do chúng tôi đạt đến sự trưởng thành nào đó. Album vol.3 “Gấp” nghe quá khác so với hai album trước đây, nó dễ nghe nhất, có màu pop nhất. Chơi nhạc không ai hiểu mãi rồi, lúc đó chúng tôi muốn làm một cái gì đó dễ hiểu.

Khi làm album vol.2 “Giấc mơ giấy”, tôi stress rất nhiều, còn làm vol.3 lại thoải mái hơn. Lúc đó, tôi còn tin rằng vol.3 là album cuối rồi nên cũng không áp lực nhiều.

“Hiệu ứng trốn chạy” được giới thiệu là câu chuyện xuyên suốt về chàng trai vừa qua tuổi 32 và đang trong hành trình làm lại từ đầu. Vì sao phải quay lại tuổi 25 mà không là đi tiếp?
Thật ra đây chỉ là một câu chuyện do chúng tôi tưởng tượng ra. Một chàng trai 32 tuổi đã có gia đình, học rất giỏi, luôn được mọi người ngưỡng mộ, có công việc, cuộc sống yên ổn cho đến một ngày, anh ta tỉnh dậy giữa đêm và quyết định sẽ bỏ đi. Có thể anh ta tìm một điều gì đó, một ai đó hoặc tìm lại chính mình sau quá nhiều ngày lặp lại nhàm chán.

Ảnh NVCC

Chọn Đà Lạt làm điểm dừng chân đầu tiên cho Fx Tour 2019, các bạn có lý do gì đặc biệt không?
Đây là lần đầu tiên chúng tôi bắt đầu tour ở Đà Lạt, quê hương của mình. Cách làm tour kiểu “home coming” – Đà Lạt là nơi để trở về – đã xuất hiện quá nhiều rồi nên bây giờ chúng tôi muốn Đà Lạt trở thành điểm đầu tiên. Đối với chúng tôi, Đà Lạt là nơi ba mẹ sống, là nơi chúng tôi lớn lên và bắt đầu học những điều cơ bản nhất về âm nhạc.

Thành phố lãng mạn này có ảnh hưởng gì đến phong cách sống và làm nhạc của các anh không?
À, để người Đà Lạt nói cho mà nghe! Hầu hết những ai nói Đà Lạt lãng mạn, mộng mơ thì đều không phải người Đà Lạt đâu. Đà Lạt đẹp nhưng ấy là khi bạn đi xa rồi trở về hoặc thỉnh thoảng lên chơi. Sống tới 18 năm ở Đà Lạt, tôi thấy mọi thứ bình thường, xứ sở mộng mơ gì mà ẩm ương mưa hết 12 tháng một năm?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn yêu thích Đà Lạt và truyền cảm hứng cho rất nhiều người khác, khiến họ nghĩ rằng Đà Lạt lãng mạn và mộng mơ. Nhưng người Đà Lạt gốc không thơ thẩn, mơ mộng đâu. Rất nhiều thần tượng của chúng tôi là người Sài Gòn hoặc Hà Nội, họ vẫn lãng mạn hơn đứt chúng tôi mà!

CÁ HỒI ĐÃ BỚT HOANG?

Tại một nền giải trí nơi các sản phẩm âm nhạc hầu như chỉ được nhận diện bằng MV, và nhiều nghệ sĩ đại diện cho thị trường gần như bỏ quên việc làm album, thì một ban nhạc mang tiếng là độc lập như Cá Hồi Hoang lại có cách thức phát hành chuyên nghiệp hơn tất cả: ra liên tiếp 4 album, đầu tư cho từng concept, dùng MV làm sản phẩm quảng bá và tổ chức tour diễn xuyên Việt. Nói cách khác, những gì Cá Hồi Hoang đã và đang làm mới là những hoạt động chính thống nhằm tạo nên sự vận hành cho thị trường âm nhạc.

Trong buổi ra mắt đĩa nhạc thứ 4, ba chàng trai đồng loạt phát ngôn: “Chúng tôi sợ bị gọi là indie”. Điều này làm dấy lên một nỗi sợ trong cộng đồng người hâm mộ rằng “Cá Hồi đã không còn hoang”. Giờ là lúc để họ lên tiếng về điều này.

Thực hiện: Hạnh Moon, Thủy Phan

Đọc thêm:

Cá Hồi Hoang: Indie hay không, cũng không quan trọng

Nguyễn Thanh Minh: Indie là phong cách, không phải là thái độ

Thành Luke: Nhạc của Cá Hồi Hoang khó nghe và khó hiểu

• Bùi Khắc Đạt: Chúng tôi bình thường đến bất thường

Thực hiện Hạnh Moon, Thủy Phan Sản xuất Hellos. Nhiếp ảnh Bincio Trang điểm Đặng Trí Viễn Trợ lý Trần Gia Huy Địa điểm Catsy studio
Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP