Rapper Thỏ (da LAB) và cảm hứng về nhà - Tạp chí Đẹp

Kẻ chuyên cùng Da LAB xui dân tình “lão hóa ngược”: “Đưa em về thanh xuân/Về những dấu yêu ban đầu… Ta thêm lần đôi mươi/Và những ước ao đã từng…” ở ngoài đời hóa ra lại ưa “lão hóa”, mong sớm được giải nghệ, về hưu non, “để được ngồi nhà chơi với vợ con, vợ con ở đâu mình ở đấy”…

Chọn cho mình nghệ danh Thỏ (vốn là cái tên ở nhà hồi nhỏ) nhưng Nguyễn Trọng Đức – trưởng nhóm Da LAB luôn như một con thỏ vừa chạy vừa tự hỏi: “Mình chạy thế liệu có nhanh quá không nhỉ?”.

“Chính xác ra thì tôi giống một con mèo lười hơn – đúng như con vật tôi cầm tinh, ở cái nết ngại ồn ào, lười di chuyển”. Thỏ vì thế có lẽ thích hợp hơn với thế giới ngông nghênh mà dè dặt của nhạc underground – như anh và Da LAB đã từng, hơn là ra với ánh đèn sân khấu, hiệu ứng truyền thông, các hợp đồng quảng cáo, những nỗ lực tạo trend, bắt trend, chiều thị hiếu…

Đành rằng, tiếng vỗ tay và những cơn mưa triệu view luôn có ma lực với những chàng trai trẻ, một khi đã bước ra khỏi “thế giới ngầm”, nhưng Thỏ bảo, sau những chuyến lưu diễn, anh cùng các thành viên của nhóm chỉ mong được nhanh nhanh chóng chóng trở về nhà để tận hưởng những phút giây yên tĩnh.

“Nhìn vẻ ngoài xù xì và phong cách cool ngầu của các rapper trên sân khấu, hẳn là ai cũng nghĩ chúng tôi ‘gấu’ lắm, nổi loạn phá cách lắm. Kỳ thực, chính ra, tay nào trông càng hổ báo, thì lại càng là tay lành nhất, ít nói nhất. Bởi bao nhiêu quậy phá đã được tung hê trên sân khấu cả rồi. Ra tới ngoài đời vì thế chỉ thích ngồi một chỗ yên yên, đi nhẹ nói khẽ”. Thỏ và Da LAB gần đây ưa kết hợp rap và pop cũng là bởi cái nhu cầu “nói khẽ” ấy. Âm nhạc của Da LAB, nếu cần phải gọi tên, thì đấy hẳn là vẻ đẹp của sự thủ thỉ.

Ca khúc “Hà Nội giờ tan tầm” của Da LAB thật ra mang nghĩa kép. Ở nghĩa đen, thì đó là tả thực cảnh tắc đường: “từng dòng người chen chúc, còi xe như thúc giục”, nhưng nghĩa bóng của nó chính là để ám chỉ đường đời bon chen lắm lối mà không dễ gì tìm được cho mình một chỗ đứng hay một chốn dung thân. “Nó đôi khi là cảm giác bế tắc nếu như mình không đủ bản lĩnh và bình tâm để vượt thoát ra được khỏi đó. Bốn chúng tôi vì thế nhiều khi không khỏi bị giằng xé giữa đi và về (chính là hai từ khóa rất hay trở đi trở lại trong các ca khúc của Da LAB – PV)”. Stress từng kéo dài, cho tới lúc các chàng trai của Da LAB, đồng thời là những người đàn ông của gia đình dần điều tiết được ánh sáng của ngọn đèn cao áp, đủ để soi tỏ lối đi, nhưng cũng không vì hắt bóng mà che khuất lối về.

Thỏ lấy vợ là người yêu thuở đại học, đã kịp có cùng nhau một cậu con trai 6 tuổi. Thỏ không thuộc “hiệp hội yêu bếp”, nhưng chắc chắn anh mắc chứng “nghiện nhà”. Da LAB một khi nói đến từ “về”, thì có nghĩa là về nhà. “Một nhà”, “Về nhà” nhanh chóng trở thành bản hit của Da LAB hẳn cũng chính bởi đến từ sự thành thật của cảm xúc, một cảm xúc thường nhật mà không phải ai cũng có được, nuôi giữ nó được trong mình một cách trong lành, thuần khiết: “Khi hai ta về một nhà/Khép đôi mi cùng một giường/Đôi khi mơ cùng một giấc/Thức giấc chung một giờ/Khi hai ta chung một đường/Ta vui chung một nỗi vui/Nước mắt rơi một dòng/Sống chung nhau một đời”. Cái cảm hứng về nhà, như ai đó từng nói: “Người đàn ông hạnh phúc là người sáng thì muốn ra đường, tối thì muốn về nhà”…

Không hẳn là những bản hit triệu view, ước mơ của anh chàng trưởng nhóm Da LAB hóa ra là… trúng Vietlott, hoặc chí ít là “được làm một người cho thuê nhà, cuối tháng ngồi thu tiền, khỏe!”. “Nhà chẳng có gì ngoài hài hước”, biết thế, nhưng phần nào đó, cũng là nét tâm lý “an phận, ngại bon chen” thường thấy ở các anh con giai phố cổ Hà Nội. Trước khi đi hát, Thỏ từng đầu quân cho công ty nước ngoài, cho tới một ngày không chịu nổi áp lực của nó. Giờ anh vừa đi hát vừa mở quán cà phê, tại ngôi nhà mặt phố của mình. Đó là một căn biệt thự Pháp cổ nằm trên một trong những con phố thuộc hàng đẹp nhất ở Hà Nội, nơi Thỏ và gia đình nhỏ của anh có 30 mét vuông để hạnh phúc. Một không gian nhỏ nhưng đủ sâu để chàng trai Hà Nội luôn muốn được trở về. “Chỉ mong sao nhanh về nhà/Về với những êm đềm, từng nhịp thở bình yên/Để chẳng phải bon chen hơn thua ngoài kia…”, như Da LAB từng thổ lộ trong “Thở”. Nơi có “một chiếc váy xinh ngồi chờ anh về”.

Bài Nguyên Lê Ảnh Thai Pham
Trang điểm Lê Trà My Thiết kế Khôi Phạm

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP

 


FEATURE

NGƯỜI THÂN

“Niềm cô đơn của những người trưởng thành/ Là khi muốn trốn nhưng không ai tìm”, Đen Vâu bảo thế. Nhưng, tin Đẹp đi, sẽ vẫn luôn có người tìm bạn, cả khi bạn đã lớn, cả khi bạn không đi trốn, cũng không bị lạc. Đấy chính là người thân.

Người thân, đấy có nghĩa là những người “chung một nhà, khép đôi mi cùng một giường, đôi khi mơ cùng một giấc, thức giấc chung một giờ”, như ca từ của Da LAB.

Là “khi anh làm em khóc thì cũng chính là lúc anh khóc” – như triết lý sống về giọt nước mắt và nụ cười của doanh nhân Sonny Vũ và vợ – Lê Diệp Kiều Trang.

Là nỗi niềm canh cánh trên giường bệnh của một người cha về đường tình duyên lỡ dở của cô con gái: “Con ngựa bất kham của bố, cuối cùng lại khiến bố phải lo cho nỗi chồn chân mỏi gối…”, trong câu chuyện làm mẹ ở tuổi 48 của con gái PGS Văn Như Cương.

Là “công việc mà tôi có thể làm tốt nhất trên đời này” – như tâm sự của diễn viên Hứa Vỹ Văn, sau những nỗi đau sinh ly tử biệt: công việc chăm sóc người thân.

Là “nhường gì cũng được, nhưng gia đình thì không”, nói như danh ca Tuấn Ngọc.

Gia đình có thể không hoàn hảo, nhưng “hương vị tình thân” luôn xứng đáng được bảo toàn.


Tổ chức chuyên đề Thủy Lê Sản xuất hình ảnh Hellos.