Diễn viên Hứa Vĩ Văn: Giờ trời sập cũng thế thôi! - Tạp chí Đẹp

Ở tuổi 43, sau những cú sốc liên tiếp của số phận (3 người thân lần lượt ra đi), chàng “soái ca” nhàn nhã thư sinh ngày nào của điện ảnh Việt giờ đây mang gương mặt của một người đàn ông “cô đơn giữa đám đông”, từng trải mà ngơ ngác, mạnh mẽ mà chua chát thở hắt: “Giờ, trời sập cũng thế thôi!”…

ĐẾN CON CHÓ ĐANG NUÔI,
TÔI CŨNG SỢ MẤT NỐT!

ĐẾN CON CHÓ ĐANG NUÔI, TÔI CŨNG SỢ MẤT NỐT!

Covid là khoảng ngưng với ai, nhưng với Hứa Vỹ Văn thì ngược lại, với 3 vai diễn trái ngược: một “đấng chồng ngoan” trong “Tiệc trăng máu”; một gã trai già mất nết, đa nhân cách trong “Trái tim quái vật”; một con sói đội lốt cừu trong “Em là của em”… Nỗ lực vượt thoát khỏi lối mòn của một gương mặt tưởng đâu đã được đóng khung trong hình tượng soái ca, đã đành! Nhưng mặt nữa, cũng là một món quà từ cuộc sống: vốn sống, sự trải nghiệm… Một món quà đau đớn mà chắc hẳn bất kỳ một nghệ sĩ nào, dù yêu nghề đến mấy, khát vọng trưởng thành đến mấy, cũng đều không muốn mang vác, đánh đổi: trong vòng 20 năm, non nửa chặng đường đã đi, Văn mất tới 3 người thân.

Đầu tiên là người anh trai kế Văn, mất năm 28 tuổi, trong một tai nạn giao thông, khi chuẩn bị làm chú rể. Văn lúc ấy 24 tuổi, đang trong cuộc thi “Gương mặt điện ảnh triển vọng”. Sau khi Văn bước lên bục nhận giải ba thì người nhà mới dám báo hung tin. Tròn đúng 10 năm sau, lại thêm một tai nạn giao thông, thật ra là một vụ cướp giật, đẩy bố anh ngã xuống đường, dập gan và không lâu sau đó ra đi vì căn bệnh xơ gan. Rồi gần 10 năm sau, người em kế anh, cũng lại ra đi vì cái án tử ung thư vòm họng. Văn vì thế có dạo rất sợ phải nghe tiếng xe gắn máy, nó gợi nhớ những cú ngã, cũng chính là những cú xẹt ngang tàn nhẫn của số phận. Anh sợ cả con số 10 tượng trưng cho sự hoàn hảo, khi bất hạnh không hiểu sao cứ lần lượt giáng xuống đời anh theo cái chu kỳ quái gở 10 năm một ấy. “Đời người hỏi có được mấy lần 10 năm. 10 năm, vừa mới băng qua được một miệng vực, tưởng đã rớt xuống tận cùng rồi, lại thoắt cái 10 năm, lại thấy hiện ra một miệng vực khác, và không biết liệu còn miệng vực nào không nữa, sau mỗi 10 năm… Cái cảm giác ấy nó rất là bất an, thấp thỏm, rợn ngợp”.

“Phải sống” có lẽ là bộ phim mà Văn phải đóng ở ngoài đời mà không cần tới bảng phân vai của Trương Nghệ Mưu. “Có dạo, tôi chỉ phân biệt có hai tốp người trên cõi đời này: những người được chọn ra đi và những người bị chọn ở lại. Vấn đề là mình không được chọn để ra đi, mình tồn tại không phải vì mình nữa mà là vì người khác. Để sống nốt phần đời dang dở của người thân, để thay họ gánh vác những lo toan còn bỏ ngỏ”. Đó là người mẹ ốm liệt giường sau ba cú sốc liên tiếp có lẽ vượt quá sức chịu đựng của một người đàn bà đang phải cõng trên mình căn bệnh ung thư gan đã bước sang giai đoạn di căn. Là người em dâu một nách ôm hai con nhỏ… “Nếu mình mất đi, tôi không muốn có kiếp luân hồi nữa, không cần hóa kiếp, có chăng là hóa thành cát bụi, vì kiếp này mệt quá rồi, đau khổ quá rồi. Sau những biến cố, giờ đây tôi không sợ nghèo, sợ xấu, sợ chìm, mà chỉ sợ chia ly. Đến nuôi hai con chó mà cũng suốt ngày sợ mất nữa…” – Văn cười dài, mà mắt anh ngấn nước.

CÔNG VIỆC TỐT NHẤT CÓ THỂ LÀM
LÀ CHĂM SÓC NGƯỜI THÂN

CÔNG VIỆC TỐT NHẤT CÓ THỂ LÀM LÀ CHĂM SÓC NGƯỜI THÂN

Đã từng có những quãng thời gian dài “tụt mood”, cạn kiệt năng lượng. “Có những tháng liền, hàng ngày phải chạy đi chạy lại giữa 3 bệnh viện chăm người nhà đổ bệnh cùng lúc, mà toàn bệnh nặng, cảm giác mọi năng lượng trong mình bỗng chốc như cạn kiệt. Không có thời gian ngó ngàng đến bản thân, không còn hoài bão làm nghề nào nữa, ngoài ước mong người thân được bình an”. Cũng có lúc, sau nhiều tháng ngày nuốt đau vào trong để làm điểm tựa, Văn chạy ào ra đường, đứng dưới gốc cây, nương vào bóng tối, khóc. Văn hồi giờ từ chối truyền hình thực tế, vì anh lo mình không… cười được, cũng không làm được cho người ta cười.

Gần đây, anh vẽ. Covid, ngồi nhà buồn tay, lưng vốn hai năm từng theo học dang dở Đại học Mỹ thuật, bao chất chứa nội tâm – ngần ấy thứ kéo tay Văn đặt lên toan, để “quăng đại tâm trạng của mình lên đấy”. Vậy mà, màu sắc, lạ sao, toàn tông nóng, mạnh, vui tươi, ấm áp. “Ấy là lúc tôi nhớ về người thân, chỉ nghĩ về người thân”. Hẳn đó là lúc Văn cười, bằng ký ức về những ngày chưa ai trong nhà đi vắng. Tất cả đều được chọn ở lại, cùng nhau.

Văn bảo, cũng chính bởi cần dè sẻn thời gian, thậm chí, dè sẻn cả cảm xúc, mà anh dần biết lựa chọn và cân nhắc các cơ hội làm nghề kỹ càng hơn, thấu đáo hơn, thay vì “gật đầu lấy được” chỉ cốt để phủ sóng tên tuổi, bất chấp sự lặp lại, chưa tới, như lúc mới vào nghề, hay như trước đó là lựa chọn cầm mic vào cái thời nhà nhà đi hát…

“Sau mất mát, mọi hào nhoáng với tôi chỉ là vô nghĩa. Ở một khía cạnh tích cực, những vết sẹo lòng phần nào đó lại như một chiếc màng lọc, giúp tôi nhận biết được điều gì cần làm, hay không đáng làm trong một cuộc sống vốn không có nhiều thời gian để mà phung phí. Nên đó nhất định phải là một vai diễn đáng để mình đổ công đổ sức cho nó, bằng không thì tốt nhất là ở nhà, dồn thời gian mà chăm sóc người thân. Tôi nghĩ rằng, nếu có một công việc mà tôi có thể làm tốt nhất trên đời này, thì đấy chính là chăm sóc người thân. Sứ mệnh tổ tiên giao phó cho tôi có lẽ chính là gánh vác gia đình”.

Văn nấu ăn rất ngon. Tôi từng được ăn món lẩu cua Cà Mau anh làm, rõ là “đỉnh của chóp”! Ưng cái nước dùng pha khéo, chua – cay – mặn – ngọt không vị nào lấn át vị nào. Cả cái cách Văn chi chút chiều bạn, đứa thì thích phải cay hơn, đứa lại không chịu nổi…, một tay Văn “cân” tất, với một vẻ dịu dàng nhẫn nại của một người quen săn sóc, lo toan.

43 tuổi, mẹ già, con thơ (thật ra là hai đứa cháu), cùng… hai con chó nhỏ làm bầu bạn, Văn cười bảo: “Nhiêu đó cũng đủ mệt rồi”. Văn gần như “thất thanh” khi nghe nhắc tới tình yêu: “Mình, trời ơi, làm sao, cái lòng mình tan nát vậy, ai người ta chịu nổi”. Trong vết đau của Văn, có cả cái mặc cảm mình không mang lại may mắn cho những người sống cùng, ở cạnh. “Nếu mình không có duyên với ai, coi như mình không mắc nợ ai hết. Còn duyên, là còn nợ…”.

Nếu mình không có duyên với ai, coi như mình không mắc nợ ai hết. Còn duyên, là còn nợ…

- Hứa Vĩ Văn -

Tôi từng nhìn thấy Văn trên thảm đỏ, hôm ra mắt phim “Trái tim quái vật”, phim anh đóng vai ông Bé, nhưng lại là cơ hội lớn cho anh thay đổi đột phá, không chỉ ở tạo hình. Lớp hóa trang sau khi gỡ bỏ đã trả lại cho thảm đỏ một Hứa Vỹ Văn vẫn còn chưa mất đi vẻ hào hoa của một “soái ca” dễ thương. Chỉ duy nhất một thứ cuộc đời không hoàn lại được cho Văn, đấy là những nếp nhăn nội tâm giờ đây đã kịp hằn sóng lên ánh mắt gầy xa xăm cùng nét cười bơ vơ khôn tả ngay giữa chốn đông người và dưới ánh hào quang, của nghề. Nó bất giác làm tôi nhớ đến những câu cảm thán mà văn tài Nguyễn Công Hoan từng dành cho nhân vật kép Tư Bền của ông: “Vinh dự thay, anh kép Tư Bền! Nhưng mà khốn nạn thân anh! Người ta biết đâu rằng… anh đang nẫu ruột nhầu gan… Thôi, nhưng mà mặc kệ. Anh phải quên đi, mà bông, mà đùa, mà pha trò trên sân khấu…”.

Văn, thì không diễn hài. Chỉ là, đời này hài ở chỗ, sao lại bắt anh mang họ “Hứa”, hay đời chỉ toàn giỏi hứa suông với anh thôi?!

Bài Thư Quỳnh Ảnh Đinh Duy
Trang phục Gentleman by Truong Thanh Hai
Địa điểm Cafe Hoàng Thị – Phân Đà Mùa Hè Tan Nát
Thiết kế Nguyên Khôi

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP

 


FEATURE

NGƯỜI THÂN

“Niềm cô đơn của những người trưởng thành/ Là khi muốn trốn nhưng không ai tìm”, Đen Vâu bảo thế. Nhưng, tin Đẹp đi, sẽ vẫn luôn có người tìm bạn, cả khi bạn đã lớn, cả khi bạn không đi trốn, cũng không bị lạc. Đấy chính là người thân.

Người thân, đấy có nghĩa là những người “chung một nhà, khép đôi mi cùng một giường, đôi khi mơ cùng một giấc, thức giấc chung một giờ”, như ca từ của Da LAB.

Là “khi anh làm em khóc thì cũng chính là lúc anh khóc” – như triết lý sống về giọt nước mắt và nụ cười của doanh nhân Sonny Vũ và vợ – Lê Diệp Kiều Trang.

Là nỗi niềm canh cánh trên giường bệnh của một người cha về đường tình duyên lỡ dở của cô con gái: “Con ngựa bất kham của bố, cuối cùng lại khiến bố phải lo cho nỗi chồn chân mỏi gối…”, trong câu chuyện làm mẹ ở tuổi 48 của con gái PGS Văn Như Cương.

Là “công việc mà tôi có thể làm tốt nhất trên đời này” – như tâm sự của diễn viên Hứa Vỹ Văn, sau những nỗi đau sinh ly tử biệt: công việc chăm sóc người thân.

Là “nhường gì cũng được, nhưng gia đình thì không”, nói như danh ca Tuấn Ngọc.

Gia đình có thể không hoàn hảo, nhưng “hương vị tình thân” luôn xứng đáng được bảo toàn.


Tổ chức chuyên đề Thủy Lê Sản xuất hình ảnh Hellos.