Danh ca Tuấn Ngọc: Nhường gì thì được, gia đình thì không! - Tạp chí Đẹp

 “Trong cái nghề này, tôi hay nhường lắm, hát trước hát sau gì cũng được, tên tôi để trên hay dưới, không sao. Kể cả bài tủ của tôi, nếu người ta kêu tôi nhường, tôi cũng nhường nốt. Nhường tí đâu có sao! Nhưng nếu động đến gia đình thì tôi nhất định không nhường” – danh ca Tuấn Ngọc chia sẻ về gia đình, sau hơn nửa năm xa cách vì Covid.

Một quý ông nổi tiếng, lại là người đàn ông “tự do lâm thời”, cách xa vợ con tới nửa vòng trái đất suốt hơn nửa năm qua, liệu anh xoay xỏa thế nào với khiếu ăn nói hài hước “chết người” và cái vẻ phong tình khó cưỡng ở mình?

Tôi về nước một mình nhiều lần lắm rồi, đâu cần Covid mới có tự do. Nhưng bạn nghĩ đi, tự do của một ông già 75 thì còn để làm gì! Tuổi càng lớn, cám dỗ nó càng ít đi, may thế chứ!

Nổi tiếng là người rất chịu khó tự học, kể cả khi đã có được chỗ đứng chắc chân trong làng nhạc, anh có nghĩ môn học khó nhất với đàn ông là… từ chối phụ nữ?

Chẳng có gì khó cả. Thiếu gì cách để từ chối. Chiếm đoạt mới khó, chứ từ chối thì khó gì! Khi mình thấy khó là mình còn muốn hơn họ đấy! Còn nếu không thì mình cứ lịch sự nhẹ nhàng là thu xếp ổn thỏa thôi. Kêu mệt cũng là cách từ chối tốt lắm đấy! 

Covid có làm khó vai trò trụ cột gia đình của anh không? Đó có phải là một phần lý do cho việc ở lại Việt Nam lâu để… tiện chạy show?

Một năm thì không đủ để mình nghèo đi đâu, nhưng 2 năm thì… chắc sẽ nghèo. Nhưng thật ra thì mình có ăn bao nhiêu đâu, có bao nhiêu ăn bấy nhiêu, mắc gì mà lo! Tôi không có ham tiền, đi hát được nhiêu, về tôi nộp hết. Cuộc đời tôi sống chỉ cốt để nuôi gia đình. Làm sao phải để ý đến tiền, giá trị của mình đâu ở đó!

Nhưng giá trị của anh nó đưa lại tiền, và phải có tiền mới nuôi được gia đình chứ!

Cũng có thể, tôi không biết. Nhưng tôi biết một cặp vợ chồng nghệ sĩ nghèo lắm, nghèo nhất trong số những bạn nghề tôi quen, họ đã cho tôi thấy rằng không phải có tiền thì mới hạnh phúc.

Gần đây anh có gì mới không?

À, có… cái tên! Hồi đổi sang quốc tịch Mỹ, tôi có chọn cái tên Mỹ là Bryan, thế mà nhiều năm sau nghe người ta kêu, tôi vẫn cứ tưởng người ta… gọi thằng nào. Nên tôi mới quyết đổi lại cái tên cúng cơm của mình, Lã Anh Tuấn, tôi thích tên Tuấn. 

Anh không thích cái tên Tuấn Ngọc? Nghe hơi yếu?

Không phải hơi yếu mà là rất yếu. Tôi thì không lo cái tên nó vận vào mình đâu, mình làm đẹp cái tên lên là đằng khác. Nhưng tôi phải đòi bằng được tên Tuấn vì nó là tôi.

 

Rồi anh thấy anh có… mạnh lên không?

Tôi mắc cái tật càng già càng phá (cười), thấy cuộc đời nó vui, trong cái buồn có cái vui, trong cái vui có mầm mống của cái buồn. Cuộc đời nó chỉ vậy thôi, ngang đó đó, mình phải biết mình đã sống rồi, và giờ là lúc mọi thứ dần tuột khỏi tay mình…

Có bao giờ anh thấy chạnh lòng không, vì điều đó?

Chỉ có mấy người tham lam, ăn rồi còn muốn ăn hoài mới hay chạnh lòng kiểu đó thôi. Càng đông tuổi thì càng phải yếu đi chứ, không lẽ cứ khỏe hoài. Khỏe hoài cũng sợ lắm!

Tôi không dám gọi anh là “ông” chính là vì anh quá trẻ so với tuổi đấy!

Ừ kể ra tôi cũng may, tôi cũng không thấy tôi khác hồi trẻ bao nhiêu, thiệt đó! Nhìn ra ngoài kia tôi thấy mình còn thanh niên chán! Làm cái nghề này, người ta đâu chỉ nghe mà còn ngắm mình. Tôi cũng không hiểu sao tôi có thể đứng hát trên sân khấu cho người ta ngắm tôi nữa. Tôi coi vậy nhưng cũng đắt khách. Nhưng ngày hôm nay thôi, chứ mai lại hết. 

Khổ thân người ta mua vé đi coi ca sĩ 20-30 tuổi, tự dưng có một ông già bước ra, cầm mic đứng yên một chỗ, mặt nhăn nhăn nhó nhó. Có người khuyên tôi nên mặc trẻ trung hơn, nên cười nhiều hơn (tại mặt tôi lúc hát không biết sao rất hay nhăn nhó). Không, tôi mặc theo tuổi tôi, và cái cơ mặt của tôi, cái dòng nhạc của tôi, nó vốn dĩ… không cười được!

 

Coi bộ, anh là người dễ gần nhưng khó tính. Hồi giờ, anh được tiếng “chồng ngoan” có phải vì anh… kiêu không?

Tôi kiêu? Không, tôi không có kiêu căng. Kiêu hãnh? Ờ thì trong cuộc đời ai chẳng có lúc làm được một việc gì đó khiến họ cũng có chút đỉnh tự hào. Thật ra tôi cũng thích kiêu căng lắm chứ, cái cảm giác hơn được người khác nó cũng thích lắm chứ, nhưng khổ nỗi, tôi có làm được thế đâu mà kiêu! Hát khó lắm. Càng đứng trong nghề lâu càng thấy khó. Càng học càng thấy mình yếu. 

Khiến được tôi hào hứng, chỉ có thể là việc học. Tất cả những việc tôi làm hồi giờ, chỉ cốt để cho cái nghề của mình nó tốt lên, dù khán giả không phải lúc nào cũng biết mà bắt lỗi mình. Tôi thích hòa âm. Nếu đang trên giường bệnh chờ chết mà có người chỉ cho tôi một cách hòa âm hay, chắc tôi cũng phải nghe xong mới chết được. Không thì phí lắm. 

Anh biết là tôi đâu nói về âm nhạc…

Đối với tôi mà nói, trên đời này vốn dĩ chằng có gì hoàn hảo cả. Đúng điều kiện, hoàn cảnh, môi trường… thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Nhìn mấy cô hấp dẫn tôi cũng thích lắm luôn, đàn ông ai chả thế. “Trăng thanh gió mát” ai chẳng thích, nhưng nếu cố tránh được thì tốt. 

Có người hỏi tôi, anh hay quá vậy, ở với vợ mấy chục năm mà không chán. Nhưng tôi bảo rồi, tôi lấy vợ là để ở, chứ không phải để bỏ. Người ta chết chủ yếu vì tham. Trên đời này bao của ngon vật lạ, đâu phải cứ thấy ngon là xơi đâu! Nếu thế thì sao không ở một mình đi cho khỏe, cho có tự do, thích làm gì thì làm, không ảnh hưởng đến ai. Và không có nghĩa nghệ sĩ là được quyền phóng khoáng.

Anh thích “đi học” thế mà quên mất một kênh hiệu quả đến thế sao: học đàn bà? 

Nếu vậy thì chỉ cần quen thôi, cần gì phải yêu! 

Lorem ipsum dolor sit amet, 

Được rồi, anh không “đi săn”, nhưng nếu “bị săn”, thì sao?

Tùy hoàn cảnh. Có phải lúc nào săn tôi cũng được đâu! Nhưng mà cũng đừng lo. Đàn ông lớn tuổi càng ít người săn. 

Một người phụ nữ như thế nào thì được anh cho là đẹp?

Duyên dáng, thông minh, có học thức, biết nói chuyện, cá tính, hiền lành.

Hiền? Cá tính? Tôi chưa thấy hai từ này đứng cạnh nhau bao giờ.

Đâu phải hiền lành là không có cá tính! Người hiền lành cũng là một cá tính, hiếm là khác. Nhiều người hiền quyến rũ lắm. Phụ nữ hiền rất tốt cho gia đình.

Phụ nữ cứ hay muốn mình đẹp ra, trẻ lâu mà đôi khi quên rằng bề ngoài chỉ là thứ kéo người đàn ông bước tới, nhưng phải là cái bên trong mới giữ được người ta ở lại. Nhiều người đàn ông họ không muốn đi đâu chính là vì họ nể vợ đấy!

Vậy có nghĩa, người “trói” anh được suốt mấy chục năm qua… rất hiền?

Hiền hay không thì… chưa biết. Nhưng rất hóm. Nhà tôi được cái máu tếu. Nhất là ông Phạm Duy (nhạc sĩ Phạm Duy, bố vợ của danh ca Tuấn Ngọc – PV). Còn tôi thì hay “nghĩ xiên nghĩ xẹo” lắm!

Ví dụ?

Nhớ cái bài “Rong rêu” tôi hay hát không? Cái câu “chỉ vì yêu em nên anh vất vả”, cô Thảo vợ tôi bảo chắc vì em bắt anh gọi ship đồ hoài nên anh vất vả. Nhưng tôi nghi cái “thằng cha” kia lắm, chưa làm gì đã kêu là sao! Rồi cả cái câu “anh còn nợ em công viên ghế đá” nữa, ồ sao mắc cười vậy, kêu con nhà người ta vào công viên ngồi ghế đá rồi… không làm gì?!

 

Khi những liên kết xã hội bị lỏng lẻo đi, Covid đã cho người ta thấy rõ hơn ý nghĩa của gia đình, đoàn tụ… Từng khuyên ba cô con gái của mình không nên sinh con, anh có nghĩ đây là lúc mình cần nghĩ lại?

Đáng lẽ hơn lúc nào khác, người ta phải thấy lời khuyên của tôi rất đúng mới phải! Có nhiều thì mất nhiều. Càng lúc dịch bệnh hoành hành, càng phải lo lắng cho con trẻ. Và dịch bệnh là từ đâu mà ra? Cũng là từ con người chứ đâu! Thi nhau sinh con đàn cháu đống để làm gì! Giờ mình có con, vậy khi mình mất thì sao? Tất nhiên, mỗi người một quan niệm, tôi cho thế là đúng, không có nghĩa bạn nghĩ khác là sai.

Vậy rốt cuộc, 3 cô con gái của anh có nghe theo lời khuyên của anh?

Có chứ, nghe hết! Cả ba cô đều đã có bạn trai nhưng chưa cô nào chịu cưới. 

Cô cả, năm nay 45 tuổi, có nuôi con, nhưng là… con mèo. Những 2 con mèo lận! Chưa kể con mèo hoang ở ngoài sân, thương lắm.

Cô út 26 tuổi thì lại nuôi con… chó, trước nuôi nhiều lắm mà giờ chỉ còn 1 con, bự lắm luôn! Đấy, nuôi con chó còn không nổi, huống hồ!

Cô thứ hai cũng nuôi một con bự lắm, nhưng mà là con… trai.

Hơn nửa năm sống xa nhà mà anh không thấm thía giá trị của gia đình sao?

Gia đình thì dù ở xa hay ở gần, mình cũng vẫn yêu vẫn lo chứ! 

Và chắc chắn là hai người ở với nhau thì bao giờ cũng vui hơn một người. Nhưng vấn đề là anh phải thấy hạnh phúc. Còn nếu như đến lúc nằm cạnh mà vẫn thấy cô đơn thì anh thà ở một mình còn hơn, ít ra lúc cô đơn còn có bạn bè rủ đi nhậu. Vậy nếu hai bên đều cô đơn như nhau thì tốt nhất là nên ở một mình, còn có tự do. Nghe lời ông già này đi!

Có điều, tôi thì không cần được tự do (cười). 

Tôi nghe giới bầu sô bảo, tiếng là danh ca, nhưng anh rất hay nhường, không câu nệ gì chuyện hát trước hát sau, cũng rất chịu khó hát song ca, cả khi không ăn ý. Trong trường hợp nào thì anh… không nhường? 

Trong cái nghề này, quả thật tôi hay nhường lắm, hát trước hát sau gì cũng được, tên tôi để trên hay dưới, không sao. Kể cả bài “tủ” của tôi, nếu người ta kêu tôi nhường, tôi cũng nhường nốt! Chứ chẳng lẽ không nhường? Dù hồi đi hát chung với Lệ Thu, tôi giữ ý lắm, biết bài nào Lệ Thu đã nổi tiếng rồi, tôi không có đụng. Tôi từng thấy hai ca sĩ gầm ghè nhau vì giành bài hát. Tôi thấy đâu cần vậy, đâu đến nỗi phải thế. Nhường tí đâu có sao, đâu mất mát gì đâu!

Nhưng nếu động đến gia đình thì tôi nhất định không nhường! Đó là một thành trì mà tôi nhất quyết phải bảo vệ.

Các cụ bảo: “Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn”, chính xác là anh có nhàn không?

Tôi thì không nhàn, vậy chắc tôi là… heo rừng!

Anh có biết ủi đất đâu mà đòi!

Thì… ủi cái khác (!)

Bài Thủy Lê Nhiếp ảnh Đinh Duy
Địa điểm Tiệm cây người làm vườn Thiết kế Minh Tuấn

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP


FEATURE

NGƯỜI THÂN

“Niềm cô đơn của những người trưởng thành/ Là khi muốn trốn nhưng không ai tìm”, Đen Vâu bảo thế. Nhưng, tin Đẹp đi, sẽ vẫn luôn có người tìm bạn, cả khi bạn đã lớn, cả khi bạn không đi trốn, cũng không bị lạc. Đấy chính là người thân.

Người thân, đấy có nghĩa là những người “chung một nhà, khép đôi mi cùng một giường, đôi khi mơ cùng một giấc, thức giấc chung một giờ”, như ca từ của Da LAB.

Là “khi anh làm em khóc thì cũng chính là lúc anh khóc” – như triết lý sống về giọt nước mắt và nụ cười của doanh nhân Sonny Vũ và vợ – Lê Diệp Kiều Trang.

Là nỗi niềm canh cánh trên giường bệnh của một người cha về đường tình duyên lỡ dở của cô con gái: “Con ngựa bất kham của bố, cuối cùng lại khiến bố phải lo cho nỗi chồn chân mỏi gối…”, trong câu chuyện làm mẹ ở tuổi 48 của con gái PGS Văn Như Cương.

Là “công việc mà tôi có thể làm tốt nhất trên đời này” – như tâm sự của diễn viên Hứa Vỹ Văn, sau những nỗi đau sinh ly tử biệt: công việc chăm sóc người thân.

Là “nhường gì cũng được, nhưng gia đình thì không”, nói như danh ca Tuấn Ngọc.

Gia đình có thể không hoàn hảo, nhưng “hương vị tình thân” luôn xứng đáng được bảo toàn.


Tổ chức chuyên đề Thủy Lê Sản xuất hình ảnh Hellos.