Dễ thấy nhất khi nhìn vào Minh là nét chững chạc thường có của một người dẫn đầu. Minh luôn biết khúc mắc ở đâu nhưng không bao giờ vội vàng, cậu nhường Thành hoặc nhìn sang Đạt đợi họ nói xong, nếu muốn bổ sung, chỉnh sửa hoặc cần một lời giải thích thống nhất sau cùng thì cậu sẽ là người chốt lại. Và ở Minh, tôi còn nhận thấy một cách phát ngôn rất thật thà nhưng đúng trọng tâm và vô cùng chắc chắn.

Việc duy trì một nhóm nhạc hoạt động chuyên nghiệp tại thị trường Việt Nam là điều không hề dễ dàng, các bạn từng phải đối mặt với những khó khăn nào trong quá khứ?
Đó là khi làm album vol.2 “Giấc mơ giấy” và đi tour. Vol.2 rất khác với vol.1, chất liệu khác, âm nhạc “nặng đô” hơn, chúng tôi đã rất kì vọng nhưng mọi thứ không được như mong đợi. Nội bộ cũng có những ý kiến trái chiều về việc nên theo khán giả hay để khán giả theo mình. Thời điểm đó, chúng tôi còn nghĩ không thể sống được bằng âm nhạc rồi. Tôi dự định sẽ quay lại theo đuổi nghề bác sĩ, Thành tiếp tục học về âm nhạc và sản xuất, còn Đạt thì chơi nhạc cụ và theo đuổi sở thích thiết kế. Khi chuẩn bị album “Gấp” (vol.3), chúng tôi luôn nghĩ đó là những ca khúc cuối cùng, ý nghĩa của chữ “Gấp” chính là “gấp lại” cuộc hành trình.

Thêm một khó khăn nữa, chúng tôi xuất phát từ dòng nhạc rock vào thời điểm rock Việt phát triển cực thịnh. Đến khi nó thoái trào, chúng tôi loay hoay tìm chỗ đứng rồi bắt buộc phải thay đổi. Cá Hồi Hoang là chuyển giao giữa rock và indie. Nếu nói về rock Việt, chúng tôi là thế hệ cuối cùng, còn với indie, có lẽ là thế hệ đầu tiên.

Là thế hệ đầu tiên, sao các bạn sợ bị gắn mác Indie đến vậy?
Không hẳn là sợ, chúng tôi không có ý kì thị điều gì. Đối với Cá Hồi Hoang, indie có thể là một phong cách, nhưng không nên dùng nó để đánh giá thái độ làm việc của chúng tôi. Nhiều người dùng từ indie để biểu thị cho việc không chỉn chu, không nghiêm túc và mang tính tự phát cao. Chúng tôi không muốn bị gán ghép trong một viễn cảnh như vậy. Indie thì cũng có indie này và indie kia, chúng tôi luôn muốn làm tốt hơn và hướng đến sự chuyên nghiệp.

Bạn đánh giá như thế nào về sự phát triển của cộng đồng indie ở Việt Nam?
Indie phát triển quá nhanh và bây giờ là thời điểm bùng nổ luôn rồi. Nhiều nghệ sĩ được gọi là indie nhưng số lượng khán giả của họ còn hơn cả nghệ sĩ mainstream. Năm 2014 chúng tôi bắt đầu làm nhạc, thời điểm đó chỉ có các ban nhạc rock, thu âm cũng rất khó khăn. Vậy mà chỉ 2 năm sau thôi, các nghệ sĩ trẻ đã có thể đưa sản phẩm của họ đến với khán giả thông qua các nền tảng trực tuyến như Facebook, Soundcloud, YouTube…, kết hợp tổ chức show diễn, làm nên một cộng đồng.

Theo bạn, lý do nào khiến indie phát triển nhanh trong đời sống người trẻ Việt Nam như vậy?
Vì những nghệ sĩ trẻ hiểu được người trẻ nghĩ gì. Nhạc của ba mẹ tôi, tôi không nghe được. Trước đây tôi nghe Ưng Hoàng Phúc, ba mẹ tôi thì không. Các thế hệ sau này cũng vậy thôi. Mặt khác, nhạc của các nghệ sĩ trẻ ngày nay rất hay và đa dạng thể loại. Social media phát triển đồng thời giúp họ dễ dàng đến gần với công chúng, chỉ cần đăng nhạc lên mạng là khán giả tiếp cận được ngay.

Việc định hướng khán giả không phải là trách nhiệm của chúng tôi. Nghệ sĩ không định hướng khán giả nổi đâu. Nhiều khi định hướng chính bản thân mình còn chưa xong. Suy cho cùng, chúng tôi vẫn tự tin rằng có một bộ phận khán giả luôn hiểu Cá Hồi Hoang.

Dường như Cá Hồi Hoang đang thay đổi bằng cách làm truyền thông và xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội thay vì chỉ tập trung cho âm nhạc. Lợi ích của social media mang tới thì rõ ràng quá rồi, nhưng hạn chế thì sao?
Là sự thụ động. Nghệ sĩ luôn luôn phải đưa thông tin một cách kĩ càng đến tận tay khán giả. Tôi có cảm giác con người đang chỉ thụ động hưởng thụ mọi thứ trên mạng. Nhiều khi họ nghe vì bạn họ nghe và bấm like dù họ còn chẳng biết nội dung bài hát là gì, tôi cũng từng như vậy.

Các bạn có sợ làm loãng đối tượng khán giả của chính mình không, chẳng hạn trong trường hợp Cá Hồi Hoang trở thành một trào lưu trên mạng xã hội?
Có những người muốn nghe nhạc nghiêm túc, có những người lại muốn thử nhiều thể loại khác nhau. Nếu một sản phẩm của chúng tôi trở thành trào lưu trên mạng, tôi nghĩ cũng không sao cả, nhưng một số bạn fan lâu năm có thể sẽ thốt lên: “Cá Hồi Hoang dạo này ở khắp nơi rồi”, hay “Ôi trời ông Minh bây giờ mặc đồ đẹp thế, trả lại Cá Hồi Hoang ngày xưa đi”, “Sao ai cũng nghe nhạc Cá Hồi Hoang!”…

Thật ra chúng tôi không tập trung vào xu hướng âm nhạc, chúng tôi muốn trưởng thành và già đi cùng âm nhạc thôi. Việc định hướng khán giả không phải là trách nhiệm của chúng tôi. Nghệ sĩ không định hướng khán giả nổi đâu. Nhiều khi định hướng chính bản thân mình còn chưa xong. Suy cho cùng, chúng tôi vẫn tự tin rằng có một bộ phận khán giả luôn hiểu Cá Hồi Hoang.

Xét về mặt kinh tế, việc ra mắt album rồi đi tour có khả quan không, bởi ở Việt Nam, ai cũng biết bán được album và vé xem show là chuyện không hề dễ?
Album vol.2 của chúng tôi chẳng lời được gì. Nếu tính cả tiền sinh hoạt và chi phí tập luyện thì thật ra chúng tôi còn lỗ đấy. Từ album vol.3 đến giờ thì không lỗ như vậy nữa. Thật ra đây là một bài toán. Nếu muốn làm lớn, bạn phải đầu tư lớn trước đã và phải chấp nhận rủi ro. Chúng tôi tôn trọng khán giả của mình nên luôn muốn làm đàng hoàng, chỉn chu.

Có thể ban nhạc dừng hoạt động nhưng mỗi chúng tôi sẽ vẫn làm nhạc thôi. Thật ra chúng tôi luôn thấu hiểu nhau và không bị áp lực bởi chuyện đi tiếp hay dừng lại.

Không có nhà tài trợ, các bạn giải quyết núi việc khổng lồ ấy như thế nào?
Chúng tôi phải chia việc ra làm. Ví dụ như Thành, từ album vol.1 đến giờ Thành luôn cố gắng phát triển mình là một producer, việc đó sẽ đỡ được chi phí sản xuất album, thu âm và phối nhạc cho nhóm. Thậm chí ở những dự án đầu tiên, chúng tôi còn tự thiết kế, tự đóng gói từng đĩa CD một.

Về tour, chúng tôi bàn bạc cùng nhau và ước lượng chi phí, lợi nhuận có thể đạt được rồi từ đó bắt đầu xây dựng kế hoạch PR. Chúng tôi ngại dính đến nhà tài trợ lắm. Không phải ai cũng tôn trọng hình ảnh và sự sáng tạo của ban nhạc để đồng ý lồng ghép yếu tố thương hiệu một cách hợp lý. Nhưng chúng tôi không hoàn toàn từ chối mà vẫn chọn lọc và sẵn sàng đón nhận nhà tài trợ phù hợp với phong cách của mình.

Những nghệ sĩ có độ nhận diện công chúng nhất định ngày nay có rất nhiều cơ hội mở rộng thu nhập, chẳng hạn như bắt tay với nhãn hàng, làm quảng cáo… Sao các bạn không thử làm điều đó?
Thời gian để cân nhắc những việc đó, chúng tôi thà tập luyện cho âm nhạc. Nếu âm nhạc của bạn tốt, bạn chịu khó vất vả ở thời gian đầu, miễn là ra sản phẩm thường xuyên thì sau này bạn sẽ không phải quá lo lắng về tiền bạc nữa. Còn lo lắng về đồng tiền trước khi có sản phẩm, tôi nghĩ đó không phải là ý hay.

Ở vị trí một nhóm trưởng, bạn nghĩ chặng đường phía trước của Cá Hồi Hoang sẽ phải đối mặt với những thử thách nào?
Đầu tiên là nội bộ. Cuộc sống mà, ai rồi cũng phải lớn lên và đối mặt với nhiều chuyện khác ngoài sở thích cá nhân. Chúng tôi cũng “có tuổi” rồi, bây giờ chỉ cần một đứa lập gia đình thôi là mọi chuyện sẽ khác. Thứ hai, câu hỏi chúng tôi luôn đặt ra là: “Phải làm gì tiếp theo?”. Xong 4 album, xong tour diễn sẽ làm gì tiếp? Có thể chúng tôi sẽ dừng lại hoặc viết tiếp album mới.

Dừng lại có phải điều tất yếu sẽ xảy ra với tất cả những người làm nghệ thuật?
Không, tôi không nghĩ như vậy. Có thể ban nhạc dừng hoạt động nhưng mỗi chúng tôi sẽ vẫn làm nhạc thôi. Thật ra chúng tôi luôn thấu hiểu nhau và không bị áp lực bởi chuyện đi tiếp hay dừng lại. Kể cả dừng, sau 5-10 năm nữa nếu còn cảm hứng, chúng tôi vẫn có thể quay lại, tiếp tục làm Cá Hồi Hoang.

CÁ HỒI ĐÃ BỚT HOANG?

Tại một nền giải trí nơi các sản phẩm âm nhạc hầu như chỉ được nhận diện bằng MV, và nhiều nghệ sĩ đại diện cho thị trường gần như bỏ quên việc làm album, thì một ban nhạc mang tiếng là độc lập như Cá Hồi Hoang lại có cách thức phát hành chuyên nghiệp hơn tất cả: ra liên tiếp 4 album, đầu tư cho từng concept, dùng MV làm sản phẩm quảng bá và tổ chức tour diễn xuyên Việt. Nói cách khác, những gì Cá Hồi Hoang đã và đang làm mới là những hoạt động chính thống nhằm tạo nên sự vận hành cho thị trường âm nhạc.

Trong buổi ra mắt đĩa nhạc thứ 4, ba chàng trai đồng loạt phát ngôn: “Chúng tôi sợ bị gọi là indie”. Điều này làm dấy lên một nỗi sợ trong cộng đồng người hâm mộ rằng “Cá Hồi đã không còn hoang”. Giờ là lúc để họ lên tiếng về điều này.

Thực hiện: Hạnh Moon, Thủy Phan

Đọc thêm:

Cá Hồi Hoang: Indie hay không, cũng không quan trọng

Nguyễn Thanh Minh: Indie là phong cách, không phải là thái độ

Thành Luke: Nhạc của Cá Hồi Hoang khó nghe và khó hiểu

• Bùi Khắc Đạt: Chúng tôi bình thường đến bất thường

Thực hiện Hạnh Moon, Thủy Phan Sản xuất Hellos. Nhiếp ảnh Bincio Trang điểm Đặng Trí Viễn Trợ lý Trần Gia Huy Địa điểm Catsy studio
Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP