Từ những chất liệu thân thuộc với đời sống văn hóa, lịch sử, xã hội, những sản phẩm sáng tạo mang hơi thở thời đại được ra đời. Như một thông lệ thường niên, chuyên đề “Made in Vietnam” của Đẹp trở lại trong mùa thu này để tôn vinh những sản phẩm được làm ra không chỉ bởi bàn tay và khối óc của những người Việt Nam yêu nước, mà của cả những người ngoại quốc đã đến và yêu mến Việt Nam.
Gọi Design by Reborn là xưởng nghệ thuật đương đại cũng được, mà nơi chế tạo anhững món đồ chơi cho người lớn cũng chẳng sai. Kumkum Fernando (1985) khai sinh Design by Reborn vào tháng 11/2018 ở Sài Gòn cũng bởi quá mê nhặt nhạnh những món đồ cũ.
Chiếc xe hơi đồ chơi đầu tiên được anh làm từ những cánh cửa và bàn ghế cũ tìm thấy trong một tòa nhà đang bị phá hủy giữa trung tâm Sài Gòn. Những bộ sưu tập ra mắt sau này bao gồm đồ trang trí nhà cửa được làm từ mẩu gỗ cháy dở, máy đánh chữ thu thập từ khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn, hay sổ tay có phần bìa phai màu được làm từ những cuốn tạp chí cũ… Các sản phẩm sáng tạo của Design by Reborn đều mang đặc trưng của phong cách chiết trung: pha trộn giữa nét đẹp quá khứ với thiết kế hiện đại, giữa phương Đông và phương Tây.
Chơi đùa chán với vật liệu, Kumkum thử nghiệm với họa tiết. Anh dành cả năm trời đi khắp ba miền Việt Nam để ghi lại các họa tiết chấn song cửa sổ, in chúng lên những mẩu gỗ đã được gọt đẽo và từ hóa. Bộ sưu tập 23 mẫu robot với họa tiết cửa sổ của Design by Reborn ra đời như vậy, kèm theo mỗi tờ hướng dẫn lắp ghép robot là một câu chuyện về ô cửa nơi cảm hứng tạo nên nó được
khai sinh.
Kumkum thích thể nghiệm với nhiều kĩ thuật khác nhau như sơn mài, điêu khắc, làm mộc, từ hóa gỗ, khảm… kết hợp với nhiều nghệ sĩ, thợ thủ công khắp Sài Gòn. Với anh, quá khứ luôn có thể được tái tạo để làm đẹp cho tương lai.
12 giờ đêm đến 5 giờ sáng là khoảng thời gian mang lại nhiều kỷ niệm, từ những ý tưởng lạ lùng và bồng bột cho đến những quyết định đáng nhớ (hoặc cả đáng quên). Đó là khung giờ tuổi trẻ thật sự được sống. Cái tên Weehours ra đời như vậy. Ở đây họ bán những chiếc kính với kiểu dáng đơn giản mà khiến người đeo vui phơi phới.
Nếu bạn là người bị cận thị, chắc hẳn bạn từng có những trải nghiệm khá “trắc trở” khi mua kính: nơi bán gọng đẹp thì không cắt mắt, mang ra tiệm cắt mắt kính thì lại phải chờ lâu. Được xây dựng chỉ trong vòng 6 tháng, Weehours mang đến một trải nghiệm mua và cắt mắt kính hoàn toàn mới: nhanh gọn, thức thời. Không còn những pha mua kính online sai lầm nữa. Filter thử kính của Weehours cho phép bạn đeo thử tất cả các mẫu kính lên mặt một cách chân thực y như thử tại cửa hàng, và đảm bảo kính đến tay “giống y như trên mạng”.
Thú nhận rằng mình mới chỉ biết uống cà phê hai năm gần đây, thậm chí ngày trước đi hẹn hò với bạn gái cũng chỉ toàn uống nước ép, nhưng Lê Thanh (1984) lại mê mệt việc đi tìm cuộc đời thứ hai cho cà phê.
Cuối năm 2019, sau khi cho ra đời thương hiệu ShoeX – giày từ bã cà phê, Thanh đã nghĩ đến việc làm khẩu trang cà phê. Anh nhận thấy khói bụi xe cộ là đặc sản của những thành phố lớn ở Việt Nam, trong khi nguồn bã cà phê dồi dào đang bị thải đi một cách lãng phí mỗi ngày.
Thời điểm đại dịch bùng nổ thúc đẩy quá trình nghiên cứu và hoàn thiện những chiếc khẩu trang sợi cà phê đầu tiên trên thế giới. Bã cà phê được Thanh thu mua từ các cửa hàng bán cà phê, trải qua công đoạn sơ chế, hòa trộn rồi kéo sợi kì công ở xưởng để có thể có được sợi vải cà phê. Với chất liệu đặc biệt như vậy, khẩu trang nếu chỉ được coi là công cụ thuần che chắn với tuổi thọ ngắn ngủi thì… phí quá. Chúng hoàn toàn có thể trở thành một phần của bộ trang phục để người ta tự tin mang ra đường hàng ngày, nếu được thiết kế tỉ mỉ và thời trang.
Từ suy nghĩ đó của Thanh, khẩu trang cà phê AirX ra đời với nút kim loại cố định dây đeo – chi tiết thường thấy ở những chiếc quần jean, và hai sọc màu. 5 màu sắc trắng, xanh lam, đen, nâu và xám cũng rất dễ kết hợp với nhiều trang phục khác nhau.
Khẩu trang AirX được giới thiệu vào tháng 4/2020, là một phụ kiện thời trang có độ bền, có thể phân hủy sinh học và thơm hương cà phê tự nhiên. 4 tháng sau đó, sản phẩm này đã đến được 40 quốc gia trên thế giới.
Dòng Dòng là cách nói lái kiểu Sài Gòn của “vòng vòng”: vòng quanh Sài Gòn đi chơi phố, hoặc cũng có thể là vòng từ góc chợ này đến bãi rác nọ để giải cứu những tấm bạt cũ, nối dài vòng đời của chúng dưới hình hài một chiếc túi đeo trên người.
Kiều Anh (1986), Trang (1992) và Quân (1995) nhìn thấy ở những tấm bạt cũ kĩ một chất liệu bền chắc, có độ bóng tự nhiên và có tính thẩm mĩ riêng. Khi người ta mường tượng điểm cuối của những tấm bạt kinh qua nắng mưa vỉa hè chỉ có thể là bãi rác, họ lại nhìn bạt như những chứng nhân của thành phố: có tấm từng nằm rất lâu trong xó Chợ Lớn, có tấm từng là mái hiên quán cà phê sân vườn ở Bình Chánh, có tấm là biển hiệu in chình ình đĩa ốc cà na được tìm thấy trên đường Hoàng Sa… Chúng được phát hiện và lượm về, tẩy rửa sạch sẽ bằng baking soda, giấm ăn, cồn sát trùng, nhưng những vết xước vẫn được giữ nguyên để mỗi tấm bạt kể tiếp câu chuyện của mình.
Sau khi thử nghiệm đến cả trăm sản phẩm, Dòng Dòng giới thiệu mẫu ba lô đầu tiên vào tháng 3/2020 nhằm giải quyết nhu cầu của những người trẻ hiện đại luôn di chuyển với một chiếc laptop: ngăn trong may cao hơn nhằm bảo vệ máy móc, vải bạt chống nước phù hợp với thời tiết nắng mưa thất thường, đặc biệt, có một ngăn chống trộm để “cẩn thận đúng kiểu Sài Gòn”. Các dòng sản phẩm khác như túi tote, hộp bút hay thẻ hành lí dần ra đời sau đó để tận dụng những mẩu bạt thừa, bạt vụn. Vải bạt thu về được Dòng Dòng giữ nguyên màu sắc và họa tiết, vì thế, nhiều mẫu chỉ có một chiếc duy nhất.
Dòng Dòng đặt tên những sản phẩm của mình với sự ngẫu hứng không cầu kì, nhưng dù là gì cũng phải vui nhộn và tích cực. Đó là lý do những chiếc ba lô có tên “Say xe”, “Biển động” hay “Quần trôi” (trong bộ sưu tập “Chuyến du lịch bị hủy bỏ”), túi tote đi chợ – đi học – đi làm có tên “Chơi đen đét”, thẻ hành lý tên “Nem vàng”…
Bạn có muốn đi “dòng dòng Sài Gòn” với Dòng Dòng Sài Gòn không?
Phiên bản “Số đỏ” xuất bản năm 2020 của NXB Đông A là sự kết hợp giữa “Số đỏ” nguyên bản nhất (sử dụng bản in lần đầu tiên năm 1938 của NXB Lê Cường Editeur, thời Vũ Trọng Phụng còn sống) và những yếu tố thêm thắt như bảng chú thích tiếng Pháp, phụ lục.
Một trong những điểm nổi bật của bản in này là những bức vẽ minh họa màu của họa sĩ Thành Phong (tác giả “Long Thần Tướng”). Cuốn sách từ đó vừa là văn chương, vừa giống những thước phim động để độc giả có thể hình dung về một Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20, thông qua những chi tiết như trang phục, mái tóc, dáng điệu hay phương tiện đi lại của các nhân vật…
Nói về tạo hình trong các bức vẽ minh họa, họa sĩ Thành Phong chia sẻ: “Tôi muốn tái hiện nhiều chi tiết về xã hội xưa bằng ít nét vẽ nhất. Tôi chọn phong cách minh họa giản dị bởi bản thân các nhân vật đã mang màu sắc cường điệu rất độc đáo rồi”.
Bàn cờ tỷ phú Đổi Mới Đổi Đời của Ù Tròn được thiết kế trải dài từ Bắc vào Nam với các địa danh gắn liền quá trình đô thị hóa của đất nước. Sổ đỏ, tiền mặt, các thẻ bài Khí Vận và Cơ Hội đều được thiết kế với những màu sắc mang tính biểu tượng như màu mái ngói của phố cổ Hà Nội hay màu cát vàng của biển Đà Nẵng. 6 biểu tượng token được tạo hình dựa trên các nhân vật điển hình trong xã hội những năm 90: cá mập đại diện cho những doanh nhân táo bạo “lướt sóng” để thành công trong một nền kinh tế mới, con trâu sắm vai trò “đầu cơ nghiệp” trong nước đi đổi đời.
Bên cạnh đó, bộ cờ được thiết kế thành nhiều lớp gập mở để người chơi có một trải nghiệm độc đáo khi tiếp cận.
Ù Tròn từng được biết đến với sản phẩm đầu tay là bộ bài Toàn Dân, cũng là bộ bài đầu tiên nói về xã hội Việt Nam giai đoạn giữa thế kỷ 20 qua những hình ảnh ẩn dụ về 5 giai cấp: thương, công, nông, binh, sĩ. Toàn Dân từng giành giải Bạc tại cuộc thi European Product Design Award năm 2019. Tiếp đó, bộ bài Tự Do ra đời với câu chuyện về Việt Nam đầu thế kỷ 20, và bàn cờ tỷ phú Đổi Mới Đổi Đời khép lại series này bằng việc khắc họa thời kỳ đất nước tiến lên kinh tế thị trường.
Cao hơn một trò chơi gia đình đơn thuần, bộ cờ tỷ phú Đổi Mới Đổi Đời là một món quà mang tính trang trí và trưng bày, nhắc ta nhớ về một giai đoạn đất nước chứng kiến nhiều thay đổi cả trong diện mạo xã hội lẫn chất lượng cuộc sống.
Laita có nghĩa là “Lai ta”, là tìm kiếm chất Việt trong những sản phẩm vốn ra đời từ văn minh vật chất phương Tây, từ đơn giản như thay đổi kích thước cái bàn chiếc ghế sao cho phù hợp với vóc dáng người Việt, đến kỳ công hơn như biến chiếc bàn ăn trong nhà hàng thành hình hài chiếc xe bán hủ tíu đứng ở mọi góc đường.
Những sản phẩm thiết kế của Laita luôn thể hiện một tinh thần cởi mở với cái mới và hướng đến sự bền vững. Cùng bắt tay làm studio thiết kế này từ năm 2018, Nguyễn Đình Hoà (1988) và Nguyễn Thị Thái Hằng (1987) luôn tìm thấy nguồn cảm hứng xoay quanh chất liệu. Thấy chiếu cói đẹp, họ ra tận Ninh Bình làm chiếu in hình lập thể. Mê mẩn mây tre, họ về làng nghề ở Phú Yên để sản xuất những chiếc ghế bập bênh hình nghé cho trẻ con. Những ô gạch vuông trắng lát hồ bơi cũng có thể biến thành một chiếc ghế ngồi…
Triển lãm gần đây nhất của Laita bao gồm những thiết kế sản phẩm ứng dụng quanh nhà dùng chất liệu đá mài. Từ một vật liệu kiến trúc rất thân quen, Laita ứng dụng chúng trong thiết kế đĩa ăn, bình hoa đến đồng hồ… Tinh thần tôn vinh vật liệu khiến những thiết kế của Laita Design luôn mang hơi thở hiện đại và tối giản.
Từ những món quà hào phóng của thiên nhiên Việt Nam như bưởi, rau má, bí đao, cà phê… Cocoon mang đến những món mỹ phẩm thuần chay giàu vitamin, khoáng chất cho cả làn da và mái tóc. “Thuần chay” – nghĩa là 100% không thử nghiệm trên động vật và không sử dụng các thành phần có nguồn gốc động vật như mật ong, sáp ong, dầu gan cá mập, tơ tằm… Thay vào đó, mỗi sản phẩm của Cocoon đều tập trung tận dụng tối đa công hiệu của các nguyên liệu tự nhiên bản địa: bưởi cho tinh dầu nuôi dưỡng tóc, nước hoa hồng làm se khít lỗ chân lông, rau má giúp xoa dịu làn da đang kích ứng…
Đó là một phép tính rất hay khi có thể giải được cùng lúc hai bài toán: ủng hộ ngành nông nghiệp nước nhà bằng cách thu mua nguyên liệu thô trực tiếp từ các nhà máy nông sản, hỗ trợ người nông dân Việt Nam; đồng thời cổ vũ khái niệm “mỹ phẩm nhân đạo” vốn đang là vấn đề rất được quan tâm trên toàn thế giới. Với ý tưởng tiên phong trong ngành công nghiệp mỹ phẩm nội địa, vừa qua, Cocoon đã trở thành thương hiệu mỹ phẩm made in Việt Nam đầu tiên được trao chứng nhận chứng chỉ “Animal test-free & Vegan” bởi tổ chức PETA – Tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật toàn cầu.
Không chọn hướng đi dễ dàng dẫu biết rằng luôn có những lựa chọn giá thành rẻ lại mang đến sự thay đổi nhanh chóng hơn rất nhiều trên làn da người dùng, Cocoon nói không với hàng trăm thành phần nguy hại và thường xuyên cập nhật danh sách này theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam. Tất cả các sản phẩm của Cocoon đều sở hữu bảng thành phần đẹp mắt, là sự kết hợp giữa những nguyên liệu thân quen, an toàn của người Việt với các thành phần nền và công thức tân tiến đã được ứng dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm thế giới. Thương hiệu cam kết không sử dụng paraben và “chất gây nghiện” corticoid, không dùng dầu khoáng, oxy già, triclosan, phthalate, các chất phát quang… Đặc biệt, các sản phẩm tắm gội của Cocoon hoàn toàn không chứa hạt vi nhựa – thành phần có khả năng gây hại cho môi trường và con người.
Danh mục sản phẩm của Cocoon giống như một tấm bản đồ về sản vật mọi vùng miền đất nước: từ bơ cacao Tiền Giang, hạt cà phê Đắk Lắk, dầu dừa Bến Tre đến những đóa hồng được trồng hữu cơ ở vùng núi Cao Bằng… Yêu làm đẹp tự nhiên, yêu những món quà dung dị của thiên nhiên dọc miền đất nước, bạn đừng bỏ qua Cocoon với một vài gợi ý xuất sắc nhất theo đánh giá của người dùng là nước hoa hồng cấp ẩm chứa Hyaluronic Acid, cà phê nguyên chất tẩy da chết kết hợp bơ cacao làm mềm da, hoặc tinh chất bí đao với 7% Niacinamide giúp phục hồi da chỉ trong vòng 1 tháng…
Thực hiện Hương Thủy, Vân Anh
Ý tưởng & mỹ thuật Link-Art Sắp đặt Phan Linh Nhiếp ảnh Lê Lai
Sản xuất Hellos. Đồ hoạ Lại Hiếu Hiệu ứng hình ảnh Huy Huỳnh Trợ lý Huyền Trang
Thiết kế Khôi Nguyên
BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP