Weinert Brothers: 10 năm, 13 vùng đất & 12 bộ phim - Tạp chí Đẹp

Dennis Weinert (1992) và Patrick Weinert (1994) là hai anh em ruột. Dennis bỏ học đại học, Patrick bỏ học cấp 3, nhận làm những thước phim quảng cáo cốt để dành tiền cho chuyến đi ra ngoài nước Đức. 10 năm, 13 vùng đất không phải ai cũng có thể đặt chân đến. 12 bộ phim tài liệu. Hiện tại họ đang dừng chân tại Sài Gòn và vẫn mang một giấc mơ bỏ ngỏ là làm cho ra được một bộ phim điện ảnh.

ĐI ĐẾN SỰ MƠ HỒ

Nhiều năm về trước, trong chuyến du lịch Tây Ban Nha cùng gia đình, Dennis và Patrick tha thiết nhờ bố chở đến sa mạc vì muốn bắt chước các nhân vật trong những bộ phim cao bồi miền Tây. So với việc ngồi chơi điện tử đến chán, thì đi bộ hai ngày trời xuyên qua sa mạc, để cơ thể thích nghi với việc mất nước liên tục dưới nắng nóng là điều khiến hai cậu bé thích thú hơn nhiều. Đó là chuyến đi nghiêm túc đầu tiên. Cái gì diễn ra trong đầu thời điểm đó, hai anh em đều không biết. Nhưng bây giờ nhìn lại, họ nghĩ rằng thiên hướng của cả hai đã bộc lộ từ ngày đó: lăn xả khám phá để thỏa mãn trí tò mò.

Điều gì đến trước và là động lực cho điều còn lại? Tình yêu dịch chuyển hay tình yêu làm phim?
Có lẽ là việc làm phim. Chúng tôi lớn lên cùng những bộ phim hành động Hollywood, toàn phim hay nhưng cũng rất bạo lực. Hồi nhỏ hai anh em hay tưởng tượng mình sẽ tái hiện lại những cuốn phim này thế nào, đóng vai nhân vật bố già rồi mafia để tiêu khiển với nhau suốt 6 tuần nghỉ hè. Sau đó bố chúng tôi đặt mua một chiếc máy quay giá rẻ trên trang ebay, đó là lúc chúng tôi quyết định sẽ làm bộ phim đầu tiên.

Quyết định từ bỏ việc học của cả hai ở độ tuổi rất trẻ chỉ với kim chỉ nam là mơ ước làm một bộ phim điện ảnh liệu có quá liều lĩnh trong một xã hội nơi học thức vốn rất được chú trọng?
Đúng và lại cũng không đúng. Tôi nghĩ một khi bạn biết mình muốn làm gì, tất cả những quyết định bạn đưa ra dù liều lĩnh hay không cũng đều có lý hết. Hai chúng tôi biết dù có đi tiếp với việc học thì kết quả cũng không tốt, có lẽ vì chúng tôi là kiểu cứng đầu – một khi đã biết rõ mình muốn gì thì tại sao không đầu tư thời gian vào nó?

Quyết định ấy thực ra không dễ dàng chút nào, nhưng nếu nói là liều lĩnh thì cũng không hẳn. Nếu chỉ đánh đổi bằng việc chuyển đến căn hộ nhỏ hơn, nhận những công việc oái oăm như chụp ảnh sản phẩm (Patrick) hay làm bảo vệ (Dennis) nhưng biết mình đang đầu tư vào việc làm phim nay mai thì cũng đâu phải mất mát quá nhiều? Tuy vậy việc học vẫn quan trọng nhé, đặc thù của làm phim tài liệu là càng làm càng thấy lắm cái phải học. Đến giờ, ngày hai tiếng chúng tôi vẫn dành cho việc học sản xuất phim đấy.

Nhà văn William Gibson từng nói đại ý: chúng ta quan sát để chuyển động, và chuyển động để có thể quan sát. Điều này ứng thế nào với hai anh?
Nó làm chúng tôi nhớ đến thời điểm quyết định làm phim. Hồi đó cả hai hăm hở muốn làm bộ phim đầu tiên, nhưng sau đó nhanh chóng nhận ra kinh nghiệm sống và hiểu biết với thế giới bên ngoài hầu như là con số 0, bộ phim có làm ra cũng sẽ rỗng không như vậy. Vì thế chúng tôi không có cách nào khác là lùi lại đôi chút, học trước, làm sau. Đúng là có thực mới vực được đạo, chúng tôi phải có tiền và chút kinh nghiệm thực tế đã trước khi có thể đi xa hơn và quan sát nhiều hơn. Thế nên ban đầu chúng tôi vận động là để quan sát.

Làm phim tài liệu thể hiện rõ ràng sự tương tác cộng hưởng: phải đi thì mới ghi lại được những câu chuyện xứng đáng được kể; nhưng bạn sẽ không thể đi xa được và không kể hay được nếu ở mỗi nơi không chịu khó dừng lại nhìn ngó xem có nhân vật nào cần được trò chuyện, hay địa điểm nào phải đến để có được những source hình đắt giá hơn.

Tôi thích cách hai người từng ví von việc đặt chân tới những quốc gia như Congo, Afghanistan hay Nepal để làm phim giống như đi tới sự mơ hồ (“go to the unknown”). Sự mơ hồ ấy có thể diễn giải như thế nào?
Thường thì bạn không biết mạch câu chuyện sẽ đưa bạn đến vùng đất nào, chứng kiến cảnh tượng gì, nên lúc nào cũng phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận những tình huống mới, nhất là ở những vùng chiến sự hay đại dịch như vậy, điều gì cũng có thể xảy ra. Nhưng cũng có những kỉ niệm rất thú vị nhé. Tôi nhớ đó là một trong những chuyến đi đầu tiên, hai chúng tôi đang ngủ trưa nhờ trong một căn nhà nhỏ cạnh sa mạc ở Burkina Faso (miền Tây châu Phi) thì có một anh bạn chạy đến đánh thức chúng tôi dậy để… thực hành tiếng Đức. Anh bạn này nói tiếng Đức rất giỏi, anh tự học vì thích thôi, nhưng không có nhiều người để luyện tập cùng. Một chuyện khác là khi ở Congo, chúng tôi đi xe suốt 2 giờ để có thể gặp được nhân vật, nhưng phút cuối người ta báo nhân vật vừa lên trực thăng đi mất rồi…

Hai anh thường chuẩn bị gì cho những chuyến đi như vậy?
Thuốc men là thứ không thể bỏ qua. Chúng tôi đã thử nghiệm trên người tất cả các thể loại kháng sinh rồi cũng nên. Nhưng sau một thời gian thì chúng tôi đã có kinh nghiệm hơn nhiều rồi, trước khi lên đường sẽ tìm hiểu kĩ về vùng miền sắp đi rồi tự chẩn đoán xem mình có nguy cơ bị bệnh gì ở đó để chuẩn bị. Máy móc, đồ nghề, danh sách liên lạc cũng cần được ưu tiên. Ngôn ngữ, nơi ở, ẩm thực… tất cả đều phải tìm hiểu kĩ trước. Những yếu tố còn lại thì có lên kế hoạch trước cũng chẳng ích gì.

Có bao giờ hai anh thấy mệt vì việc luôn chuyển động không?
Có khi ngồi một chỗ chúng tôi còn mệt hơn, chắc do quá quen với việc di chuyển rồi. Thường thì cứ cách vài tháng chúng tôi sẽ lên đường một lần, đó là lúc phải di chuyển nhiều và liên tục, nếu đề tài phim hóc búa thì mệt mỏi là điều không tránh khỏi. Những lúc như vậy chúng tôi thường cố gắng tập trung hết mức có thể, vì mình chỉ có lượng thời gian và kinh phí giới hạn thôi. Sau đó sẽ là quãng thời gian nghỉ bù: quay về với căn hộ nhỏ ở Sài Gòn để dựng phim, thỉnh thoảng đi uống với bạn bè, ngồi cà phê chơi chơi hoặc đánh xe ra khỏi thành phố. Mệt trước vui sau.

Định nghĩa về vui của hai anh lạ vậy?
Hồi ở Đức, chúng tôi hay ra ngoài uống cùng bạn bè đến say thì thôi, vì chẳng có gì khác để làm. Như thế cũng vui. Nhưng rồi chúng tôi phát hiện ra có niềm vui kiểu khác: nó gắn với những tình huống và trải nghiệm có thể khiến chúng tôi bật cười khi nhắc lại, dù thực tại lúc đó có khắc nghiệt hay hiểm nghèo. Kiểu vui này bền vững hơn, gây nghiện nữa. Ví dụ chúng tôi có một người bạn quốc tế thân thiết là người vô gia cư Ấn Độ, gặp cậu bạn này còn nhiều hơn gặp bạn bè ở Đức nữa.

NHƯ MỘT ĐÔI VỢ CHỒNG GIÀ

Dennis và Patrick hiểu nhau đến mức khi họ trao đổi nhanh với nhau, người ngoài nhìn vào không thể hiểu được gì. Nhiều khi cả hai cùng nảy ra một ý tưởng ở cùng một thời điểm. Việc này đặc biệt có ích khi làm phim ở nơi có quá nhiều tiếng ồn hay sự hỗn loạn. Giống nhau như vậy nên nếu nói chán người bạn đồng hành với mình thì chẳng khác nào tự chán mình. Nhưng họ cũng có những trái ngược rõ rệt. Patrick bừa bộn trong khi Dennis thì cẩn thận. Patrick có thể tập trung cao độ vào những việc kĩ thuật còn Dennis lại thích viết lách hơn. Patrick thích ngẫu hứng nhưng Dennis thì thích lên kế hoạch…

Nghe thì có vẻ hai người luôn là bạn thân?
Thực ra có một giai đoạn hai chúng tôi không thân lắm đâu, nhất là khi còn ở tuổi thiếu niên, chúng tôi có bạn bè riêng, có mối bận tâm riêng. Nhưng hầu hết quãng thời gian trưởng thành, hai chúng tôi luôn ở cạnh nhau. Chuyện có chung hứng thú và giờ là sự nghiệp khiến chúng tôi càng hiểu nhau hơn, nó vừa là tình bạn, vừa là tình thân. Có lần sau một chuyến đi, cả hai bị bệnh còn nằm cạnh nhau ở bệnh viện Bangkok, lúc nào cũng như hình với bóng.

Khi có bất đồng thì phải làm sao?
Chúng tôi vừa mới hét vào mặt nhau xong đã có thể bình thường ngay được, nên ai mà làm việc cùng hai anh em chắc sẽ bối rối lắm. Nhưng chúng tôi có chiến lược cả rồi, có vẻ giống những cặp đôi kết hôn lâu: khi người này nổi cáu, người kia nên tránh tránh ra, khi nào cả hai cùng bình tĩnh thì có thể trao đổi lại.

Một ngày của hai anh ở Sài Gòn diễn ra như thế nào?
Chúng tôi lười ra đường lắm, vì việc dựng phim cũng mất nhiều thời gian. Nhưng chúng tôi còn lười nấu ăn hơn nên đói thì vẫn phải ra ngoài thôi. Chúng tôi thích thành phố này vì nguồn năng lượng sáng tạo của nó. Quan sát nó vận hành, chúng tôi bị thúc đẩy theo cái chiều hướng đó. Vì thế chúng tôi quyết định chuyển đến đây sống từ giữa năm 2018, có một căn hộ để đi về thay vì gói ghém toàn bộ cuộc sống trong mấy cái ba lô. Chúng tôi cũng thích xem phim điện ảnh Việt Nam nên hễ có phim mới là sẽ ra rạp xem ngay.

Bài Vân Anh Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP