NSUT Thanh Hương: Sao bắt Thanh Lam cam chịu được? - Tạp chí Đẹp

“Tôi là sẵn cái nết hy sinh cam chịu. Còn Thanh Lam, nó thuộc về một thời khác, cá tính nó cũng khác, nó lại có cả một sự nghiệp, một giọng hát như thế, sao bắt nó làm vậy được?”, NSƯT Thanh Hương – mẹ của ca sĩ Thanh Lam nói về hai chữ dám sống, dám yêu ở mỗi thời và từ chính câu chuyện cuộc đời hai người đàn bà quan trọng nhất của cố nhạc sĩ Thuận Yến.

THEO THUẬN YẾN VÀO CHIẾN TRƯỜNG CHO… VUI

“Nơi gặp gỡ tình yêu” – album nhạc đỏ phát hành đúng ngày sinh mới đây của Thanh Lam đã được diva riêng tặng trước hết cho bố mẹ – nghệ sỹ đàn tranh Thanh Hương và nhạc sĩ Thuận Yến vì kỷ niệm tình yêu một thời bão lửa của hai người, cũng là bối cảnh đã hoài thai nên giọng ca nổi tiếng sau này. Hãy nhớ lại “nơi gặp” đã làm nên tài sản ký ức của cả gia đình bà?
Đó phải nói là một tình yêu hết sức sâu nặng với cả tôi và anh Thuận Yến, vì với tôi thì anh là mối tình đầu cũng là tình cuối, duy nhất trong đời, còn với anh Yến thì nếu không kể 1-2 lần gì đó bị người yêu bỏ vì tội… xấu trai (cười) thì có thể nói, Thanh Hương cũng là cuộc tình duy nhất. Anh Yến hơn tôi 11 tuổi, chúng tôi gặp nhau tại Hà Nội khi tôi mới 14-15 tuổi, vừa lóp ngóp từ Quỳnh Lưu – Nghệ An ra, cùng học Trung cấp Nhạc viện. Xong rồi tôi được giữ lại dạy, còn anh thì được phân công ra chiến trường. Lúc nhận lời yêu anh, tôi còn trẻ lắm, chả biết hòn tên mũi đạn là gì, nên quyết đi theo anh vào chiến trường cho… vui. Mà cái chính là lo cho anh. Anh Yến hồi đó gầy lắm, đàn ông con trai mà nặng có 50kg thì biết rồi đấy, đến nỗi tôi đưa về quê khoe còn bị mắng: “Mất công ra Hà Nội, lấy ai không lấy, lại đi lấy cái thằng ho lao” (cười). Yêu tôi, được tôi chăm cho từng ly từng tý rồi thì mới đỡ xấu giai đi nhiều đấy. Tại vì mình thấy người ta chịu khó quá, lại học giỏi, môn gì cũng giỏi, viết chữ rất đẹp, ông thầy đưa cho một bài thơ, phổ được 4-5 kiểu liền thì là giỏi quá còn gì!

Nói thật là đầu tiên tôi cũng không yêu ông ấy đâu, nhưng không hiểu sao mình cứ bị thương người ta, cứ nghĩ một người giỏi thế, tốt thế, mà không có ai chăm, ai yêu thì phí quá, tội quá. Một người giỏi như thế mà gặp được một người phụ nữ biết chăm chút họ thì họ sẽ lại càng giỏi. Đấy, mình trọng là trọng cái tài của họ, xót cho họ, nghĩ tới tương lai về sau của họ, nghĩ rộng ra cho cả cái chung nữa chứ không chỉ nghĩ cho mình.

Nghĩ vậy thôi nhưng khi vào tới chiến trường rồi, chăm sóc nhau cũng không dễ. Cả đoàn văn công 16 người không có đôi nào ngoài cặp Thanh Hương – Thuận Yến, lại nơi hòn tên mũi đạn gian khổ ác liệt, có chăm sóc nhau cũng phải giữ ý giữ tứ một chút. Tôi nhớ có lần thấy anh Yến gầy quá, mới nhao xuống đồng bằng kiếm được ít mỳ ống cho anh ấy ăn đỡ, mà rồi lên đến nơi thấy anh em toàn ăn cơm với muối vừng, mình lại không nỡ bày vẽ rình rang, đành để mỳ mốc hết.

Sau chiến tranh, cả nước đói khổ, nhưng ai khổ thì khổ, tôi vẫn bươn chải đi diễn khắp nơi, theo kiểu năng nhặt chặt bị nên bữa cơm nhà cũng không đến nỗi khổ lắm. Tôi luôn tâm niệm, mình có vất vả mấy cũng được, miễn sao chồng mình được yên tâm ngồi sáng tác. Cũng vì luôn coi công việc của chồng là trên hết mà về sau này có nghe hay đọc được chuyện này chuyện kia ở đâu đó, tôi đều giấu vì không muốn làm anh bị phôi pha lung lạc niềm tin, ảnh hưởng đến cảm hứng sáng tác.

Tôi có được nhìn thấy đâu đó bức ảnh chụp bà hồi trẻ, phải nói là một nhan sắc sắc sảo mặn mòi đúng kiểu gái miền Trung, đúng kiểu yêu chí chết của bà?
Nói không phải tự hào chứ đúng là hồi xưa tôi xinh thật, nhiều người đeo đuổi lắm, có cả “đại gia” chứ không đùa đâu, đừng tưởng hồi ấy không có “đại gia”. Có chứ, trời ơi nhiều lắm, già rồi nói sai làm chi! (cười). Thuận Yến đã xấu lại còn nghèo, thế mà mình cứ mê ông ấy mới lạ chứ!

Thì thế mới có được một bóng hồng đẹp đến thế trong “Chia tay hoàng hôn” chứ! Một cuộc chia tay trong khói lửa, khi người chồng không biết vợ mình đã mang thai?
Ấy là thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh, lúc đó chúng tôi đang ở Huế, cùng anh em trong Đoàn văn công giải phóng Thừa Thiên – Huế. Thế trận căng thẳng, hai vợ chồng được chia làm hai mũi hành quân khác nhau, có lúc tưởng đâu khó lòng gặp lại. Tới lúc gặp được nhau, hai đứa ôm nhau khóc hết nước mắt vì không nghĩ mình còn sống được, không hiểu sao vẫn còn sức về được đến đấy. Nhưng không lâu sau đó, tôi được chuyển ra Bắc vì mắc bệnh tim, và cũng không biết là đã mang thai Thanh Lam.

Mà khổ thân ông Yến, ông ấy sáng tác thì lãng mạn thế thôi chứ thực ra ông ấy sợ đạn bom lắm. Đang ngồi chơi mà nghe tiếng bom là mặt cứ thế tái dại đi, tay chân run cầm cập. Tận đến thời bình, nghe tiếng bom trên TV thôi mà cũng vẫn sợ. Về sau ông mắc chứng alzheimer, tôi đồ là một phần cũng vì nỗi ám ảnh ấy.

Nhưng cũng chính nhờ phôi thai trong khói lửa chiến tranh và chênh vênh giữa hai lằn ranh sống chết ấy mà tình yêu càng trở nên đẹp hơn, sâu hơn và cũng rộng hơn, “nơi gặp” của tình yêu lứa đôi cũng chính là tình yêu đồng bào, đồng chí. Không ai sinh ra để dạn bom đạn cả, nhưng chính sức mạnh tình yêu đã giúp họ trở nên dám sống, và với Thuận Yến là dám quên đi những gian khổ sợ hãi của mình để viết nên những bản tình ca thật đẹp…

Thanh Lam từng nói với tôi rằng đôi khi cũng cần biết khích tướng đàn ông để họ còn biết lo cho mình, thay vì nghĩ vợ mình quá mạnh mẽ. Còn bà thì ngược lại, tựa miếng bọt biển luôn muốn hút mọi vất vả khó nhọc vào mình để chồng yên tâm sáng tác, vào cái thời mà nhạc… không đem bán được?
Tôi thì nói làm gì, tôi yêu theo kiểu phong kiến ngày trước, hy sinh cam chịu, kể cả không ai bắt thì cái nết ấy nó cũng nằm sẵn trong máu rồi. Đàn bà miền Trung thường thế, cái thời ấy nó thế. Vì chồng vì con, tôi luôn nghĩ mình có cam chịu một tí, hy sinh một tí cũng chẳng sao, miễn sao gia đình được yên ấm ổn thỏa. Tôi luôn cảm thấy mình may mắn vì đã gặp được người đàn ông tài năng, biết điều, tử tế. Với tôi như thế là đủ.

Còn Thanh Lam, nó thuộc về một thời khác, cá tính nó cũng khác, nó lại có cả một sự nghiệp phải chăm lo, một giọng hát trời cho như thế, sao bắt nó làm vậy được? Nói thật, cùng là NSƯT, mà tôi thấy tôi lao động sáng tạo giỏi lắm cũng chỉ được 1/5 của Thanh Lam là cùng. Trông nó lãng đãng thế thôi nhưng thật sự tôi thấy nữ nghệ sĩ hiếm ai lao động cật lực được như nó, bền bỉ như nó. Thật cái đứa, làm gì cũng hết mình!

Còn chuyện “khích tướng” đàn ông, tôi nghĩ đôi khi cũng cần chứ! Nói thật, Quốc Trung mà không gặp Thanh Lam, không bị nó “khích tướng”, thì chắc gì được như bây giờ, và Thanh Lam cũng vậy. Nó là cái sự nhìn vào nhau để cùng lớn, cùng đi cạnh nhau trong nghệ thuật, cả khi không còn sống cùng nhà. Nên là sau khi bỏ nhau, Trung nó mới làm được mấy bài hát hay như thế, nghe mà rớt nước mắt. Thằng Trung nó biết cả đấy, chỉ là không nói ra thôi.

Trước những lựa chọn được cho là thiên về bản năng của Thanh Lam trong đời sống tình cảm, đã bao giờ vì sự khác biệt trong tính cách và quan niệm sống mà bà… mắng con chưa?

Không, tôi chẳng bao giờ mắng con vì chuyện ấy cả. Tình yêu mà, nó phức tạp lắm, mấy ai được trọn vẹn đâu, chẳng ai nói khôn nói dại gì được cả. Thanh Lam, nó đã khôn ngoan trong nghệ thuật, hà cớ gì không đủ nhạy cảm trong tình yêu, chẳng qua đôi khi cái số nó thế, “bắt phong trần phải phong trần”, thì phải chịu thôi chứ sao! Thôi con mình thì mình thương, mình hiểu nó, và cũng hiểu, cha mẹ sinh con trời sinh tính, mỗi thời một quan niệm khác. Chữ “dám” của ngày hôm qua chắc gì đã là chữ “dám” của ngày hôm nay, của người này chắc gì đã đắp được vào người khác. Nên miễn sao, cứ được sống đúng là mình là tốt nhất. Đó mới là “dám” nhất!

Xin cảm ơn bà!

Tôi luôn nghĩ rằng, kể cả trong thời bình thì một người đàn ông đúng nghĩa cũng cần phải biết “xông pha trận mạc”, phải đủ sức che chở cho người phụ nữ của mình theo một nghĩa nào đó. Chiến trường đó có thể là thương trường, nơi người đàn ông lao ra kiếm tiền để lo cho gia đình và người phụ nữ của họ. Cũng có thể là mảnh đất của nghệ thuật, nơi người đàn ông mang đến cho người thân và những người hâm mộ họ vẻ đẹp của sáng tạo, hoài thai… Khi sự tôn trọng đủ nuôi sống cảm hứng song hành, sự hy sinh của 1 trong 2 – nếu cần có – tự khắc sẽ có, một cách tự nhiên nhất có thể. Tình yêu chỉ đẹp, sự hy sinh chỉ đẹp khi nó là tự nguyện, tự nhiên, không do bị bắt ép mà thành.

Với tôi thì kỳ vọng vào người đàn ông cũng chính là sự lãng mạn ở người phụ nữ. Đứng trước hay đứng sau, vị trí đó sẽ không làm mất đi vẻ đẹp lãng mạn ấy. Khác chăng là người đàn ông ấy có đáng để họ kỳ vọng hay không mà thôi.

Mọi điều xảy ra trong cuộc sống tưởng là tình cờ ngẫu nhiên nhưng đều có lý do và trật tự riêng của nó, có thể đúng có thể sai, có thể đúng với người này và sai với người kia, hơn thua ở chỗ bạn có đủ điềm tĩnh để dám đối diện với nó không. Tôi tin vào thuyết luân hồi và luôn nghĩ rằng điều gì mình chưa làm tốt hay chưa được đối tốt ở kiếp này thì cũng vẫn còn kiếp sau để trả và để nhận. Dám sống, dám yêu vì thế với tôi đôi khi nằm gọn trong hai chữ “buông bỏ”. Buông bỏ để nhẹ hơn, và để giúp tan biến những hận thù nếu có.

Tình yêu không phải là chiến trường vì không có thắng thua nào ở đây hết. Một cuộc tình tan vỡ sẽ không có ai là người thắng cả. Và cho dù đó là cuộc tình thứ mấy trong cuộc đời bạn thì tình yêu cũng sẽ vẫn luôn bí ẩn vì không ai có thể nói trước được gì về nó.

Có ai đó nói rằng: “Nếp nhăn cũng là một tài sản của người phụ nữ”. Tôi thì không nghĩ thế. Đàn bà sinh ra không phải để đựng mất mát và nếp nhăn không thể là cái hũ chứa nó. Tài sản mà thế thì thương lắm, tôi thà vô sản còn hơn. Tôi không muốn tin vào nếp nhăn. Tôi chọn tin vào mình, dù có thể có lúc sai lầm. Nhưng không sao cả. Chẳng phải cuộc đời là một chuỗi dài để chúng ta dần chia tay những ảo ảnh từng có sao, kể cả khi chúng rất đẹp và mình cứ muốn ở trong nó mãi?

Có ai đó nói rằng: “Nếp nhăn cũng là một tài sản của người phụ nữ”. Tôi thì không nghĩ thế. Đàn bà sinh ra không phải để đựng mất mát và nếp nhăn không thể là cái hũ chứa nó. Tài sản mà thế thì thương lắm, tôi thà vô sản còn hơn. Tôi không muốn tin vào nếp nhăn. Tôi chọn tin vào mình, dù có thể có lúc sai lầm. Nhưng không sao cả. Chẳng phải cuộc đời là một chuỗi dài để chúng ta dần chia tay những ảo ảnh từng có sao, kể cả khi chúng rất đẹp và mình cứ muốn ở trong nó mãi?

Bài Thư Quỳnh Nhiếp ảnh Đại Ngô
Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP