Hoa khôi một chân Bế Thị Băng: "Nếu bất hạnh là một tài sản thì tôi thấy mình giàu có" - Tạp chí Đẹp

Băng chậm chạp mở mắt giữa căn phòng trắng xóa, xung quanh toàn máy móc phát ra tiếng tít đều đều. Vài chai nước và một túi máu đang nhỏ từng giọt, truyền vào cánh tay cô. Định thần, cô nhớ mình bị tai nạn. Một chiếc container đâm vào xe máy của cô từ phía sau, kéo cả người và xe lê 3 mét trên đường. Hôm đó được người ta đưa đến bệnh viện Việt Đức, cô rút hết tỉnh táo thông báo số điện thoại người nhà rồi ngất lịm.

 

Đầu óc váng vất, toàn thân Băng đau ê ẩm, duy chỉ có chân không cảm nhận được gì. Cấu nhẹ xem mình có phải đang mơ, cô thất thanh gọi y tá: “Chị ơi, nhấc em dậy, em không cử động được hai chân”. Cô y tá chạy đến: “Em tỉnh rồi à? Mê man bốn ngày rồi đấy. Chị nói thật, em phải tháo một chân rồi”. 

 

Khi mình nằm đây, cuộc sống vẫn tươi đẹp

Năm đó Băng 25 tuổi. Sau câu nói của cô y tá, Băng rùng mình như bị ai tạt xăng vào người và châm lửa đốt. Đôi tay cô vẫn cắm đầy dây dợ, quờ quạng kiểm tra hai chân. Thấy chân trái vẫn còn đến đầu gối, cô yên tâm. Nhưng sờ đến đùi phải, bàn tay cô hụt hẫng. Chỉ có vải bông băng bó. Không gào thét nhưng nước mắt Băng cứ trào ra. Ngày này tuần trước cô vẫn là một người bình thường, sáng đi làm, tối đi chơi, cuối tháng dự định về quê thăm bố mẹ, vậy mà giờ đây cô không biết phải đối mặt với người thân như thế nào.

Sau 21 ngày điều trị, Băng nhất quyết không về quê mà ở lại Hà Nội vì không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình. Cô biết 3 tuần nằm viện đã lấy đi của gia đình gần như toàn bộ tài sản tích cóp.

Căn phòng trọ 12m2 trên đường Phạm Văn Đồng là nơi Băng tiếp tục chiến đấu với vết thương của mình. Chân trái hàng ngày vẫn phải khoét thịt hoại tử, hậu môn nhân tạo ở bụng phải tự thay thường xuyên, cô phải tự cứu lấy mình. Những cơn đau kéo dài, những vết chỉ chưa cắt mãi không lành, thậm chí còn nhiễm trùng nặng hơn. Một ngày của cô chỉ quay vòng với việc thay băng khử trùng, vệ sinh vết thương, uống thuốc. 

Những đêm dài mất ngủ, Băng ôm chiếc điện thoại đen trắng để nghe hết chương trình này đến chương trình khác trên đài FM. Lúc ấy, cô nghĩ về tương lai của mình, chỉ mong có thể đứng dậy tập đi, được tháo hậu môn nhân tạo, không còn là người liệt. Mặc cảm, cô không cho bạn bè đến thăm, mẹ xuống chăm cũng đuổi về. 

Một lần nghe chương trình “Quà tặng âm nhạc”, Băng thấy ngoài kia cuộc sống vẫn đang vận động. Qua sóng FM, mọi người tặng nhau những bài hát, chia sẻ câu chuyện tình cảm của mình. Cũng có nhiều số phận éo le, người gặp tai nạn, người bị phản bội trong tình yêu… Họ tặng nhau những bài hát để lạc quan hơn, yêu đời và tiếp tục sống có ý nghĩa. Cô chợt nghĩ, trong khi mình nằm đây thì cuộc sống vẫn tươi đẹp, mọi người vẫn quan tâm, yêu thương nhau như thế. 

 

Bay lên với những điệu múa

Thêm 3 tuần nằm nhà, thấy chiếc chân trái yếu dần, teo tóp chỉ còn bằng cẳng tay, lo lắng sẽ mất nốt chân còn lại, Băng đứng dậy tập đi. Trong phòng trọ nóng bức, cô gái trẻ người đầy băng gạc cứ vịn người định đứng lên thì lại ngã xuống. Hai tuần với không biết bao nhiêu lần đập đầu xuống đất, đập trán vào thành giường, Băng đi được những bước đầu tiên với nạng, chân trái dần có cảm giác trở lại. Khi đi đã thạo, cô đến bệnh viện xin tháo hậu môn nhân tạo để trở lại với cuộc sống bình thường. 

Buổi tối ngày thứ 60 sau khi ra viện, Băng tìm lại những bộ quần áo trước đây từng mặc, gấp gọn, cất vào một góc để mang về cho em gái. Chưa thể đứng vững vàng nên vài đôi giày cao gót cũng bị cô bỏ vào gầm giường. Ngày nhỏ, giày cao gót là mơ ước của Băng. Khi đi làm, có những đồng tiền đầu tiên, cô đã mua vài đôi giày cao gót mình thích nhất, nhưng giờ cũng không thể đi được nữa. May hai chiếc váy dài chấm mắt cá, Băng đi tìm việc. 

 

Những ngày đầu ra đường, Băng cảm giác ai cũng nhìn mình, mặc váy rồi người ta vẫn biết mình cụt chân. Được vài ngày, cô muốn lắp chân giả. Có chân giả rồi mọi người vẫn biết. Băng hiểu rằng mình phải chấp nhận bản thân và không nên làm gì để che giấu nữa. Từ đó, cô mua váy ngắn mặc ra đường, những chiếc váy mà trước tai nạn chưa bao giờ cô mặc. Khi thử chúng, cô thấy mình nữ tính hơn hẳn.

10 tháng sau ngày tai nạn, khi đã đi vững, lành hẳn các vết thương và có công việc ổn định, Băng trở về quê thăm bố mẹ. Một sáng ngắm bình minh cùng mẹ, cô nhìn bóng mình đổ trên sân thượng rồi đưa tay ra múa vài động tác vu vơ. Ý tưởng tập múa để giữ thăng bằng tốt hơn, cơ thể mềm mại hơn đến với cô từ đó. Lên mạng tìm các clip múa, Băng tự tập cho mình.

Không biết sau bao nhiêu lần ngã bầm tím tay chân, Băng nhảy được theo điệu nhạc bằng một chân và không cần đến nạng. Cô thấy mình như đang bay. Đêm đêm cô lại mơ mình đang đứng trên sân khấu lớn, múa đẹp như một vũ công.

Năm 2016, Băng gặp một nửa của mình. Trước lời tỏ tình của người đàn ông không bao giờ xem cô là một người khuyết tật, cô đồng ý yêu và lấy anh. Cô thấy mình giàu có. Nghĩ về vụ tai nạn, Băng không còn thấy căm ghét nó nữa. Từ khi tập đi như một đứa trẻ 1 tuổi, tập mặc váy như một cô bé đến tuổi dậy thì, tập múa, tập yêu bản thân và yêu một người đàn ông xa lạ, cô thấy mình được sinh ra một lần nữa.

Sau 7 năm kể từ vụ tai nạn, Bế Thị Băng đã có một gia đình nhỏ của riêng mình, đạt giải Nhất cuộc thi “Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết 2019” với phần thi tài năng là một bài múa tự biên đạo. Hiện cô đang vận hành một phòng khám Nha khoa ở Hà Nội, thường xuyên tham gia các buổi trò chuyện truyền cảm hứng cho người trẻ và còn làm chủ một homestay nhỏ. Nhà văn Phan Việt từng nói: “Bất hạnh là một tài sản”, Băng nghĩ, chuyện đời mình đúng là như vậy.

Tìm hiểu thêm câu chuyện của các nhân vật khác của chuyên đề True Beauty

Bài Nha Trang | Trang phục Lê Kiêu | Thiết kế Uyển Quân

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP