“Khởi nghiệp trong kinh doanh nếu không thành công thì có thể bỏ đi, chuyển qua làm cái khác. Nhưng hôn nhân thì khác đấy, khó hơn nhiều!” – “cặp đôi vàng trong làng khởi nghiệp” lần đầu tiên nói về một khái niệm mới: khởi nghiệp trong… hôn nhân. 

Lorem 

Những phép cộng nào là đáng kể, sau khi kết đôi, để làm nên một hình mẫu gia đình hoàn hảo cùng một sự nghiệp kinh doanh nức tiếng với nhiều thương vụ mua bán/chuyển nhượng thương hiệu đình đám?
Sonny Vũ: Cuộc đời tôi tới giờ có thể phân làm hai giai đoạn – trước và sau khi gặp Trang. Có khá nhiều sự khác biệt sau đó đã được dung hòa để làm nên giá trị của những phép cộng. Tính cách nổi bật ở Trang là rất dứt khoát, rạch ròi, hoặc có hoặc không, hoặc đen hoặc trắng; còn tôi thì thường thiên về màu xám.

Ngày đầu về chung nhà, tính trật tự, nền nếp của Trang đôi khi làm tôi hơi khó chịu. Nhưng về sau tôi thấy Trang có lý. Nếu không duy trì được cái trật tự ấy, mọi sự rất dễ bị xáo trộn, sẽ khiến mình rất mất thời gian.

Trang rất giỏi lên kế hoạch, giỏi về cấu trúc. Có Trang thì việc gì cũng sắp xếp được hết.

Kiều Trang: Tôi thì lại rất thích cái ngẫu hứng quái quái của anh Sơn. Đa số ý kiến của anh thường là… không tốt, nhưng nếu tốt thì lại tốt gấp 10 lần của tôi. Nói chung đây là một tay rất thông minh, rất quái và rất hợp lý (cười).

Trước khi gặp anh Sơn, tôi thường rất sợ những gì mà mình không dự đoán được, tôi cần được đảm bảo về sự chắc chắn, hơn là phải hoang mang về khả năng 5 ăn – 5 thua. Nhưng an toàn quá đôi khi cũng kìm hãm sự phát triển. Vì thế, sau khi gặp anh Sơn, tôi đã dám chọn những con đường không biết trước, những đích đến mạo hiểm hơn. Cái quyết đoán của anh Sơn là ở chỗ đó, anh ưa mạo hiểm. Nếu cách đi cũ là an toàn, thì cách đi mới phải nói là rất thú vị.

Cách anh Sơn cởi mở với đối tác và cộng sự cũng giúp tôi nhận ra giá trị của việc dám chấp nhận sự khác biệt. Trước đây, tôi cùng lắm chỉ làm việc được với những người khác mình một chút, chứ khác nhiều quá là tôi chịu, không hiểu nổi suy nghĩ của họ, không biết thuyết phục họ ra sao và do đó, bị hạn chế trong việc tận dụng được năng lực của những người khác mình. Chính anh Sơn đã cho tôi thấy: học cách nhìn mới từ những người khác mình nhiều khi cũng là một cái hay mà nếu cứ ở gần người giống mình, mình sẽ không học được.

Tất nhiên, cũng có những thứ ở chồng tôi mà tôi rất ngưỡng mộ, rất muốn học mà không học được, không thể cố mà có được, chẳng hạn như gu thẩm mỹ.

Mấy người đàn ông có gu thẩm mỹ cao thường rất kỹ tính và… gia trưởng. Sonny Vũ thì sao?
Kiều Trang: Tôi nhận thấy có rất nhiều thành kiến trong hai chữ “gia trưởng”. Nếu một người có chính kiến và muốn bảo vệ chính kiến ấy của mình mà bị coi là gia trưởng thì tôi cũng là người gia trưởng vậy. Trong nhiều việc, nếu cần thiết và mình tin là nó đúng thì mình phải bảo vệ ý kiến đó chứ! Tôi không cho rằng đấy là tính xấu, vì tôi cũng có, và tôi thấy cần.

Trong gia đình, tôi “vote” đàn ông giữ vai trò chủ đạo nhưng không có nghĩa là lấn át. Tôi thích gia đình vận hành như một dàn nhạc: có người chỉ huy, nhưng sẽ không nhạc cụ nào được cho là quan trọng hơn nhạc cụ nào, và nhạc cụ nào cũng có thể có lúc trầm lúc bổng.

Để cỗ máy gia đình chuyển động trơn tru thì cách thức vận hành nào là hiệu quả nhất: sự ngang vai phải lứa, hay là bè chính – bè phụ?
Sonny Vũ: Không cái nào. Bình đẳng trong hôn nhân không phải là thứ tôi hay nghĩ đến. Tôi thích nghĩ về sự ảnh hưởng tương hỗ lẫn nhau hơn, đó mới chính là ý nghĩa của hôn nhân. Vì tôi luôn cho rằng vợ chồng phải là 1 chứ không phải là 2 để mà có thể phân ra lớn – bé, chính – phụ, đậm – nhạt…

Kiều Trang: Vợ chồng tôi thì có một điểm hơi khác. Những việc mà ở các nhà khác thường là do phụ nữ quyết định thì ở nhà tôi lại thường là anh Sơn, chẳng hạn như sơn tường màu gì, hay ngay cả váy áo của tôi cũng do tự tay anh lựa. Tại anh rất có khiếu về các khoản làm đẹp, thiết kế, con người… Còn những việc như chọn nhà đầu tư, vay tiền, gọi vốn… thì thường anh Sơn để tôi quyết. Bảng phân công đó diễn ra rất tự nhiên, căn vào thế mạnh của mỗi người. Điểm mạnh của người này là điểm yếu của người kia, theo thời gian sẽ dần nhận biết thế mạnh của nhau để mà trân trọng người còn lại. Trong nhà tôi không có quyết định nào là lớn hay nhỏ cả. Lớn nhỏ tùy quan niệm. Ai làm được việc gì tốt hơn thì nên để người đó quyết.

Tôi thích gia đình vận hành như một dàn nhạc: có người chỉ huy, nhưng sẽ không nhạc cụ nào được cho là quan trọng hơn nhạc cụ nào, và nhạc cụ nào cũng có thể có lúc trầm lúc bổng.

Lorem 

Nghe nói, hai người khởi đầu bằng một mối tình “sét đánh”?
Sonny Vũ: Đúng là rất nhanh, ngay từ lần gặp đầu tiên, tôi đã để ý Trang. Tôi bị mê hoặc bởi nụ cười sáng bừng của cô ấy, nó vừa cởi mở vừa ẩn chứa rất nhiều thứ sau đó. Và cả cuộc nói chuyện đầu tiên về… ngôn ngữ học…

Kiều Trang: …bởi trong cuộc nói chuyện đó, tôi chính là “nạn nhân” của ngôn ngữ học. Bữa đó tôi tới muộn, và khi được bố trí chỗ ngồi, cách chỗ anh ấy không xa, theo thói quen, tôi đáp: “Yes!”, thì bất giác mọi người cười ồ, trong đó “kẻ chủ mưu” có một vẻ mặt rất hả hê. Ra là trước khi tôi đến, anh Sơn đã có một phát biểu bông đùa rằng: “Người Việt ta rất thích nói từ ‘Yes’, cả khi không đồng tình”. Chính vì vậy mà cuộc nói chuyện đầu tiên giữa nạn nhân và kẻ hả hê kia chính là về ngôn ngữ học, một lĩnh vực mà sau này tôi mới biết là anh Sơn rất yêu thích.

Khi được hỏi: “Từ nào hay nhất trong tiếng Pháp?”, Victor Hugo đã nói: “Là từ đặt đúng chỗ”. Người đến muộn và được chỉ một cái ghế ở cạnh anh, đó là đúng lúc hay đúng chỗ?
Sonny Vũ: Đúng lúc quan trọng hơn chứ! Nếu cô ấy nói từ “Yes” ấy sớm hơn thì làm sao tôi có thể cười hả hê thế được?

Mê một cô gái vì nụ cười, vậy đã bao giờ anh làm cô ấy khóc?
Sonny Vũ: Trang khóc nhiều rồi chứ! Lúc mới quen nhau mà tôi phải qua Mỹ lại này. Hoặc những khi bất đồng ý kiến, cãi nhau, Trang cũng khóc đấy.

Kiều Trang: Hai cá tính với nhiều điểm trái ngược, lại luôn đầy ắp những ý tưởng mới cần tranh luận, tránh sao khỏi những lúc va quệt. Tôi cũng khá là hay khóc, nhưng được cái khóc chút thôi, rồi đứng dậy tìm cách giải quyết liền.

Vậy đã bao giờ chị làm anh khóc?
Sonny Vũ (quay sang vợ): Khi anh làm em khóc thì cũng chính là lúc anh khóc.

Kiều Trang: Thật ra để được cười thoải mái thì phải được quyền khóc. Nhưng chỉ nên khóc ít thôi, đừng khóc hoài, tội phụ nữ!

Sonny Vũ: Trừ khi là khóc có chiến lược như con gái tôi. Phải biết chắc được gì thì mới khóc.

Vậy nụ cười bừng sáng lần gặp đầu tiên liệu có là một nụ cười có chiến lược?
Sonny Vũ: Không có đâu, cô ấy cười rất tự nhiên.

Nhưng trông anh thì lại rất dè sẻn nụ cười?
Sonny Vũ: Là vì tôi bị móm đó! (cười)

Quay lại với chủ đề anh yêu thích: ngôn ngữ học. Thường, những “công dân toàn cầu” kiểu như anh và Trang thì sẽ cãi nhau bằng tiếng gì?
Sonny Vũ: Cãi nhau bằng tiếng Anh, làm việc cũng bằng tiếng Anh, nhưng nói yêu thương thì bằng tiếng Việt.

“Anh yêu em” hay hơn “I love you” sao?
Sonny Vũ: Đương nhiên, ngọt ngào hơn nhiều chứ!

Lời cầu hôn thì sao?
Kiều Trang: Vụ này thì phải để tôi tố, vì bữa đó, anh Sơn rất là quá đáng! Anh kêu tôi dậy từ 5 giờ sáng, xua tôi lên đồi, một ngọn đồi cao đến nỗi tôi chỉ còn nước thở dốc và kêu lên: “Trời ơi tim em đập thình thịch nè!”, còn bị giễu: “Tim không để đập thì làm gì!”. Và đó chính là ngọn đồi thiêng nổi tiếng Masada, nơi người ta xây dựng pháo đài, thành lũy để phòng vệ lẫn tấn công. Lên đến nơi thì anh ấy nghiêm giọng hỏi: “Em có lấy anh không?”.

Vậy lúc đó tim chị thế nào?
Kiều Trang: Ngừng đập luôn chứ còn gì nữa! (cười)

Chính xác là anh biết bao nhiêu ngoại ngữ?
Sonny Vũ: 12.

Chinh phục một ngôn ngữ mới có khó bằng chinh phục một phụ nữ?
Sonny Vũ: Có những ngôn ngữ mà có nghiên cứu cả đời bạn cũng không thể hiểu hết nó. Phụ nữ cũng vậy.

Lorem 

Anh có nghĩ, hôn nhân phải chăng thi thoảng cũng cần “khởi nghiệp”, hay nói cách khác, là học cách yêu lại từ đầu?
Sonny Vũ: Có, nhưng khó hơn nhiều. Sống cùng nhà lâu năm, có thể có những thứ đã trở nên quen thuộc quá rồi, vậy có thể cũng cần làm mới nó, để cho đời sống trở nên thú vị hơn. Nhưng khó là, nếu khởi nghiệp trong kinh doanh mà không thành công thì có thể bỏ đi làm cái khác, còn trong hôn nhân thì không thế được.

Vậy cách của anh là gì?
Sonny Vũ: Cách thứ nhất là thay đổi môi trường sống. 7 năm đầu tiên của hôn nhân, tụi tôi sống ở Mỹ, nơi tôi thông thạo mọi thứ: tiếng Anh, đường sá, lái xe, luật tục…, và trên hết là môi trường kinh doanh. Nhưng 6 năm tiếp theo tụi tôi lại chọn trở về Việt Nam, dù khá nhiều bất tiện: tiếng Việt của tôi, và cả điều kiện kinh doanh… Rời Việt Nam từ sớm, điều tôi bứt rứt nhất là đã không nói tốt tiếng mẹ đẻ và tôi đang cố học lại. Tôi chưa cho con học tiếng Anh cũng vì muốn con nói tốt tiếng Việt đã. Quyết định trở về Việt Nam, 70% là vì mong muốn đó.

Cách thứ hai?
Sonny Vũ: Đã là lúc mình có thể thu xếp thời gian học những gì mình từng muốn học từ lâu nhưng trước giờ cứ bị công việc cuốn đi. Trang thì muốn học vẽ, học đàn, viết các “tút” phản biện về các vấn đề giáo dục… Tôi thì luôn quan tâm đến ngôn ngữ học và toán, đặc biệt là số học.

Còn cách nào khác không, theo chị?
Kiều Trang: Vẽ và đàn thì tôi đang học đây rồi, cũng đã ti toe đánh được vài bản. Nhưng nếu có điều kiện, tôi muốn mình được trở lại trường đại học, theo học những lĩnh vực mà tôi rất quan tâm nhưng chưa am hiểu: giáo dục và khoa học dữ liệu. Tôi tin mình có thể đủ hứng thú đi học tới năm 60 tuổi, còn những khi rảnh thì có thể nằm phơi nắng trước một ngôi nhà trên đỉnh núi ở gần trường…

Thời sinh viên lãng mạn biết đâu nhờ nó… nghèo? Có câu: “Lịch sử không bao giờ lặp lại, nếu lặp lại thì chỉ có thể là bi kịch hay hài kịch mà thôi”…
Kiều Trang: Giờ đi học mới là lãng mạn chứ! Vì nó không còn vì bằng cấp, mưu sinh. Nó chỉ thuần túy là sở thích, tình yêu và lòng ham hiểu biết. Còn gì trong sáng hơn thế?

Vậy có nghĩa “cưa sừng làm nghé” cũng là một cách làm mới hôn nhân, “khởi nghiệp” lại cuộc đời?
Kiều Trang: Tại sao lại phải làm mới hôn nhân? Nó có cũ đâu mà phải làm mới. Tụi tôi thì năm nào chẳng nghĩ ra một cái gì đấy mới để làm mà phải lo nó cũ. Đã bao giờ dừng đâu mà phải lo nhàm. Đâu có thời gian chết đâu mà chán!

Có câu khuyên, vợ chồng “tương kính như tân”, âu cũng là vì sợ nhàm chán mà đôi khi cần xem nhau như khách…
Sonny Vũ: Tôi không nghĩ thế. Đúng là vợ chồng có thể cần những không gian riêng để làm việc, để suy tư, sáng tạo… và luôn cần tôn trọng không gian đó. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc có một bí mật nào đó ngăn cách giữa hai người. Đã là vợ chồng thì không nên có bí mật. Bí mật luôn là nguồn cơn của mọi rắc rối. Thay vì tự nhủ: “Ồ, cái này mình phải giữ cho riêng mình mới được!”, bạn cần phải thật cởi mở với nhau thì mới có thể hiểu được nhau và đi được cùng nhau lâu dài. Nếu có một bí mật duy nhất cần giấu thì đó là… quà tặng.

Kiều Trang: (…anh Sơn thường giấu sau lưng và không nhân một ngày nào).

Đã là vợ chồng thì không nên có bí mật. Bí mật luôn là nguồn cơn của mọi rắc rối.

Toán học dạy anh cách đó sao: quà tặng nên là một ẩn số?
Sonny Vũ: Có thứ còn hấp dẫn hơn cả ẩn số, đấy là quy luật giữa các con số. Giữa một mớ hỗn độn, tự dưng người ta lần ra được quy luật của nó, đấy quả thực là một vẻ đẹp. Tôi thích con số 153 cũng là vì trong nó chứa rất nhiều quy luật thú vị, nhiều phép tính đều dẫn đến nó, biến hóa đến đâu rồi cũng thu về nó.

Nếu là hôn nhân thì tôi lại thích số Pi hơn đấy! Một hằng số, nhưng lại vẫn không ngừng được làm mới nếu như người ta vẫn còn muốn viết tiếp, đường càng dài thì càng chạm đến sự chính xác, thấu hiểu…
Sonny Vũ: Cuộc sống là vậy, sở dĩ nó đẹp là vì nó vừa có quy luật vừa không có quy luật nào cả.

Thật ra, con số nào cũng không quan trọng bằng số phận, đúng không?
Kiều Trang: Không, tôi không tin vào số phận. Vì nói tới số phận có nghĩa là chỉ có một con đường đã vẽ sẵn, bạn có cố tới cách nào thì cũng không đi ra được khỏi con đường đó. Tôi theo đạo, và tôi tin vào Chúa. Tôi luôn tin mình được Chúa ban phước lành, để nếu không đi được bằng đường này, tôi sẽ đi đường khác.

Tôi tưởng trước nay chị chỉ có một con đường, và nó luôn trải thảm? Chẳng phải chị là một cô gái sinh ra đã “ở vạch đích”, đã “ngậm thìa vàng” đấy sao?
Kiều Trang: Đúng và không. Tôi biết mình may mắn hơn rất nhiều người khi được sinh ra trong một điều kiện tốt và lại học giỏi nữa. Nhưng may mắn hơn cả là tôi chưa bao giờ gặp phải áp lực của sự kỳ vọng, vì ba mẹ tôi rất cấp tiến.

Thật ra ngay cả khi mình hài lòng thì cuộc sống này cũng không có gì là hoàn hảo cả, nếu cứ suốt ngày mơ hoàn hảo thì sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc được! Có nhiều người có nhiều hơn mình nhưng họ không hạnh phúc, lại cũng có người có ít hơn mình nhưng họ vẫn hạnh phúc đấy thôi! Vấn đề không phải mình có nhiều hay không mà là ở cách nhìn cuộc sống. Hạnh phúc không phải là sự hoàn hảo, mà là tìm thấy sự hoàn hảo ngay trong chính sự không hoàn hảo.

Có câu: “Đàn ông chỉ thích thêm chứ không thích bớt”. Thật ra, anh có thích phép cộng không?
Sonny Vũ: Xem nào! Trừ thì khó, cộng thì dễ, nhân thì sướng, chia thì chán… Thôi, tôi thích lũy thừa! (cười)

Với tôi thì nếu có thêm "một chút" thời gian, tôi sẽ chơi với con nhiều hơn, và cố gắng học nhiều hơn.

Chế ngự lòng tham có phải là bài toán khó nhất không?
Sonny Vũ: Lúc trước, gần chỗ tôi ở có một tiệm bánh ngọt nổi tiếng, ở đó luôn bày bán một loại bánh mà tôi rất thích, trông nó rất bắt mắt. Nhưng nếu tặc lưỡi chén nó, thì coi như bữa tập đó của tôi bị vô hiệu hóa. Nên mỗi lần đi qua đó thực sự là một “cực hình”, cho tới một ngày tôi bỗng nhận ra rằng: thật ra việc chiến thắng được cái sự thèm ấy nó còn làm mình sung sướng hơn nhiều so với việc được sở hữu nó, khuất phục trước nó.

Nếu người tiêu dùng cũng nghĩ như thế thì bao năm qua anh bán sản phẩm cho ai?
Sonny Vũ: Đó là lý do mà tôi chỉ muốn đẻ ra những ý tưởng và làm ra những sản phẩm khiến người ta ao ước. Thật ra khi mình bán một sản phẩm khách hàng cần, chưa chắc họ đã mua đâu. Phải làm cho họ thấy thèm thì may ra mới bán được!

Thèm sẽ khiến người ta no hay đói?
Sonny Vũ: Người ta hỏi một tỷ phú Mỹ: “Ông có bao nhiêu tiền rồi? Ông cần bao nhiêu nữa?”. “Một chút nữa thôi”, ông ta đáp. “Một chút” ấy, với người này là điểm dừng, với người khác, lại là lực hút. Với tôi thì nếu có thêm “một chút” thời gian, tôi sẽ chơi với con nhiều hơn, và cố gắng học nhiều hơn.

Kiều Trang: Làm việc lúc này với chúng tôi là vì thấy ý nghĩa của việc mình làm, chứ không phải vì cần gì thêm. Tôi nghĩ trên đời này chẳng có gì làm mình no được hết. Có cái này thì sẽ muốn có cái khác. Chỉ có đấng tạo hóa là có một mà thôi. Chỉ có đức tin mới làm mình no được.

Bài Thủy Lê Nhiếp ảnh Liebehuman
Trang điểm Ruan Dang Thiết kế Minh Tuấn

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP

 


FEATURE

NGƯỜI THÂN

“Niềm cô đơn của những người trưởng thành/ Là khi muốn trốn nhưng không ai tìm”, Đen Vâu bảo thế. Nhưng, tin Đẹp đi, sẽ vẫn luôn có người tìm bạn, cả khi bạn đã lớn, cả khi bạn không đi trốn, cũng không bị lạc. Đấy chính là người thân.

Người thân, đấy có nghĩa là những người “chung một nhà, khép đôi mi cùng một giường, đôi khi mơ cùng một giấc, thức giấc chung một giờ”, như ca từ của Da LAB.

Là “khi anh làm em khóc thì cũng chính là lúc anh khóc” – như triết lý sống về giọt nước mắt và nụ cười của doanh nhân Sonny Vũ và vợ – Lê Diệp Kiều Trang.

Là nỗi niềm canh cánh trên giường bệnh của một người cha về đường tình duyên lỡ dở của cô con gái: “Con ngựa bất kham của bố, cuối cùng lại khiến bố phải lo cho nỗi chồn chân mỏi gối…”, trong câu chuyện làm mẹ ở tuổi 48 của con gái PGS Văn Như Cương.

Là “công việc mà tôi có thể làm tốt nhất trên đời này” – như tâm sự của diễn viên Hứa Vỹ Văn, sau những nỗi đau sinh ly tử biệt: công việc chăm sóc người thân.

Là “nhường gì cũng được, nhưng gia đình thì không”, nói như danh ca Tuấn Ngọc.

Gia đình có thể không hoàn hảo, nhưng “hương vị tình thân” luôn xứng đáng được bảo toàn.


Tổ chức chuyên đề Thủy Lê Sản xuất hình ảnh Hellos.