Khi đã trở thành đạo diễn triệu đô, Việt Tú vẫn nhớ về món tiền cha cho mình thực hiện những MV ca nhạc đầu tiên cùng lời căn dặn: “Tiền có thể kiếm lại được, nhưng nếu con chỉ vì tiền mà lặp lại cách làm cũ, không dám sáng tạo, thì đó là sự phí phạm”.
Mọi người luôn nhắc tới Việt Tú bằng những tác phẩm mang tính cột mốc “đầu tiên” trong ngành giải trí tại Việt Nam. Còn anh nghĩ thế nào về chuyện “dám làm”, “dám sống”?
Tôi không nghĩ đến những điều đao to búa lớn mỗi khi dấn thân vào một thử thách mới trong nghề, vì nó đơn giản là cuộc sống của mình. Tôi thường thức dậy vào mỗi buổi sáng với câu hỏi: “Liệu mình có thể làm tốt hơn sau những gì đã có?”. 20 năm qua, câu hỏi đó dẫn dắt tôi đến những cột mốc “đầu tiên” mà mọi người đang nhắc tới.
Tôi vẫn nói với ê-kíp của mình, nếu không “dám”, hiện tôi đã có thể lựa chọn một lối đi an toàn cho bản thân và công ty mà vẫn ổn. Nhưng tôi không tưởng tượng ra một ngày nào đó những gì mình làm không còn tiên phong, không còn cập nhật với những thế hệ trẻ sau mình. Sự sợ hãi đó đẩy tôi về phía trước.
“Phải làm điều gì khác biệt, nếu không sẽ phí phạm thời gian”, lời chỉ dạy của cha từ khi nào đã trở thành kim chỉ nam trong cuộc đời sáng tạo của anh? Cái máu tiên phong ấy, anh có bao giờ nghĩ nó được di truyền từ nguyện ước không thành của cha mình?
Tôi may mắn khi không bị gánh nặng cơm áo gạo tiền như bố. Điều ông chưa thể làm đã được tôi thực hiện thay. Tôi vẫn nhớ khi bản thân không biết kiếm đâu ra tiền thực hiện những video ca nhạc đầu tiên trong sự nghiệp của mình, bố là người đã cho tôi số tiền đó với lời nhắn nhủ: “Tiền có thể kiếm lại được, nhưng nếu con chỉ vì tiền mà lặp lại cách làm cũ, không dám sáng tạo, thì đó là sự phí phạm. Nếu con dùng hết số tiền bố cho mà vẫn không thành công, ít ra con cũng có một bài học, và sau này con sẽ không phải hối tiếc rằng con đã không dám thử”.
Đó là may mắn của tôi so với nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa thủa mới vào nghề, những người luôn bị các bậc phụ huynh mặc định là sẽ phải giống như mình. Bố giờ đây không còn nữa, nhưng tôi tin ông luôn tự hào về điều mình đã làm cho con trai và gia đình.
Khán giả sẽ luôn thấy một thế giới lộng lẫy và kỳ thú khi thưởng lãm tác phẩm, nhưng chỉ người tạo ra nó mới đối diện với hậu trường sân khấu, nơi đôi khi có cả những điều xấu xí muốn giấu đi. Anh thường nhìn thực tế ấy bằng con mắt thế nào để bản thân không bị tắt đi nguồn cảm hứng?
Tôi bình thản với những mặt trái của công việc, vì đó là thách thức cần vượt qua nếu muốn đến đích. Thói quen này của tôi có được là do một thời gian dài không sử dụng mạng xã hội, dẫn đến việc không quá chú ý đến những gì xảy ra xung quanh mình. Giờ đây khi sử dụng mạng xã hội, tôi cũng tránh tối đa việc tham gia vào các cuộc tranh luận vì cho rằng sứ mệnh của mình không nằm ở đó.
Tiền có thể kiếm lại được, nhưng nếu con chỉ vì tiền mà lặp lại cách làm cũ, không dám sáng tạo, thì đó là sự phí phạm. Nếu con dùng hết số tiền bố cho mà vẫn không thành công, ít ra con cũng có một bài học, và sau này con sẽ không phải hối tiếc rằng con đã không dám thử.
Từ “Đẹp Fashion Show – Cơn ác mộng của người thợ may” gây chấn động trong lĩnh vực thời trang đến vở diễn thực cảnh đầu tiên – “Thuở ấy xứ Đoài”, anh nghĩ mình đã trải qua sự học hỏi và tiếp nhận “ra đi rồi trở về” như thế nào?
Tôi cho rằng, gốc rễ của mỗi con người chính là văn hóa nơi người ấy được sinh ra, giữ cho họ không bị đồng hóa. Nhưng để hiểu và làm được điều gì đó, người nghệ sĩ phải trải qua nhiều giai đoạn. Chặng không thể thiếu trong hành trình ấy tôi gọi là “hướng ngoại”, nó giúp tôi khám phá cách thể hiện. Sau đó, tôi “trở về” tìm tòi cách xử lý các chất liệu văn hóa bản địa, để cuối cùng đi tới “sự pha trộn”.
Số nghệ sĩ đạt tới trình độ pha trộn giữa công cụ kể chuyện hiện đại với chất liệu văn hóa bản địa mà không câu nệ có lẽ đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng đó là đích đến của tôi: có thể sáng tạo trên mọi chất liệu, mọi dạng thức nghệ thuật.
Anh viết về show diễn thực cảnh mới – “Tata Show” – bằng những dòng đầy hân hoan: “Chào Tatashow – Chào thế giới rộng lớn”. Thứ rộng lớn mà anh nhắc tới ở đây bao gồm những điều gì, khi Việt Tú là nghệ sĩ đầu tiên tại Việt Nam tạo ra được một show giải trí chuẩn quốc tế cho mọi tầng lớp khán giả?
Tựa đề bài post đó mang tính đa diện, “thế giới rộng lớn” vừa mang ý nghĩa như chị đặt ra trong câu hỏi, vừa là tên của dự án lớn tiếp theo mà tôi và ê-kíp của mình được nhà đầu tư tin tưởng giao phó. Nếu nói về độ lớn và quy mô, nó gấp nhiều lần những thử thách cực đại tôi đã gặp trong “Tata Show”, nó là một hệ thống về sản xuất nội dung giải trí mà chưa có bất kỳ một nhà sản xuất hay đạo diễn trong nước nào đạt tới. Chưa kể, nó là một hình thức mới về quản trị nghệ thuật tại Việt Nam. Tôi vinh dự lại là người đầu tiên khai phá vùng đất mới này vào đúng dịp kỉ niệm 20 năm sự nghiệp của mình. “Tata Show” đã mở ra cánh cửa cho các nhà sản xuất nội dung giải trí tại Việt Nam, còn “Grand World” (thế giới rộng lớn) sẽ đưa việc sản xuất nội dung giải trí này lên một quy mô mới không chỉ ở giá trị đầu tư mà còn ở việc quản lý con người. Thành công hay không còn ở phía trước, nhưng những gì sắp được thực hiện làm tôi phấn khích.
Điều khiến anh tự hào nhất về “Tata Show” là gì?
Trước đây, quy mô đầu tư này đương nhiên thuộc về các nhà sản xuất lớn trên thế giới, nay lần đầu tiên thuộc về một nhà sản xuất nội địa, tôi cho rằng sứ mệnh của mình là mở ra cánh cửa này, thay vì để nó đóng sập lại khi vừa hé ra một chút. Tôi biết ơn nhà đầu tư đã tin tưởng mình khi với nguồn lực của họ, họ có thể mời những tên tuổi lớn nhất thế giới để làm việc cho mình. Tôi làm điều này, không chỉ cho ê-kíp của mình, mà còn cho cả một thị trường. Thời gian sẽ chứng mình những gì tôi nhìn thấy và tư duy ngày hôm nay là hướng đi tiên phong.
Dường như bởi vì dám ngông và dám chịu trách nhiệm với cái ngông ấy nên Việt Tú cũng gặp không ít trở ngại trên con đường khai phá những điều mới mẻ để ghi tên mình trong các tác phẩm có tính cột mốc của ngành sân khấu. Bài học nào với anh là đáng giá, và bài học nào… đáng quên?
Tôi không dám nhận mình ngông, nhưng dám làm và dám chịu trách nhiệm chính là con người tôi. Bài học đáng quên nhất của tôi trong suốt 20 năm làm nghề là sự tự mãn quá sớm, đó là bài học sẽ đi theo tôi suốt sự nghiệp, là điều để tôi răn mình cũng như chia sẻ với những thành viên trẻ tuổi trong ê-kíp. Trong thời đại này, những gì bạn làm ngày hôm nay sẽ bị lãng quên ngay ngày mai nếu bạn không tiếp tục nỗ lực, vì vậy tôi cố gắng hàng ngày để không bị tụt hậu và trì trệ trong sáng tạo. Tôi cũng mong rằng mình có đủ may mắn để được sáng tạo đến lúc chết.
Bài học từ “Thuở ấy xứ Đoài” mang tới cho anh điều gì khi làm “Tata Show”? Cảm hứng ấy tiếp nối thế nào trong dự án tiếp theo của anh (nghe cũng có phần… không tưởng) ở Phú Quốc?
“Thuở ấy xứ Đoài” là một kỉ niệm đẹp, một thành tựu đáng nhớ. Các bạn có thể thấy sau “Thuở ấy xứ Đoài”, các vở diễn thực cảnh nở rộ khắp Việt Nam. “Tata Show” và “Thuở ấy xứ Đoài” có hai đời sống riêng biệt nhưng đều là những sản phẩm tiên phong.
Với “Thuở ấy xứ Đoài”, là làm sao hiện thực hóa được nó tại Việt Nam, còn với “Tata Show” là một bài toán sao cho một sản phẩm du lịch “made in Việt Nam” có thể tự tin đặt ngang hàng với sản phẩm của các thương hiệu lớn trên thế giới, và phục vụ khán giả toàn cầu mọi lứa tuổi.
Tới đây, dự án “Grand World” ở Phú Quốc sẽ là tổng hòa của tất cả các hình thức giải trí mà tôi đã làm từ trước đến nay trên một mặt bằng và quy mô quản trị rất lớn, mà những kinh nghiệm tôi đã có trước đó chính là nền tảng.
Trong thời đại này, những gì bạn làm ngày hôm nay sẽ bị lãng quên ngay ngày mai nếu bạn không tiếp tục nỗ lực, vì vậy tôi cố gắng hàng ngày để không bị tụt hậu và trì trệ trong sáng tạo. Tôi cũng mong rằng mình có đủ may mắn để được sáng tạo đến lúc chết.
Anh “tận hưởng” công việc của mình như thế nào?
Nói đến chuyện “enjoy”, đầu năm vừa rồi tôi có một kỉ niệm đáng nhớ là suýt mắc kẹt tại Mỹ giữa tâm dịch. Tôi quyết tâm đi Mỹ để nghiên cứu thị trường cho những sản phẩm chuẩn bị thực hiện tại Phú Quốc, ai biết cũng can để hết dịch thì đi, nhưng tôi thì có cảm giác rất lâu nữa mới có thể thấy được một thị trường giải trí đẳng cấp thế giới nhộn nhịp như cũ, vì vậy cứ xách ba lô và lên đường.
Ngày tôi trở về là 12 giờ sau khi thị trưởng New York đọc lệnh giới nghiêm, đóng cửa các địa điểm giải trí, toàn bộ các chuyến bay nội địa, quốc tế đều kín mít. Nhưng cho dù có bị mắc kẹt tôi cũng không bao giờ hối hận vì quyết định đó của mình. Có lẽ phải rất lâu nữa chúng ta mới được sống trong bầu không khí nhộn nhịp của nghệ thuật thế giới, cho dù mọi thứ có bình thường trở lại. Nếu muốn an toàn, tôi đã chọn ở nhà và chờ đợi, tôi không biết định nghĩa nó là gì, nói là “dám” thì to tát, nhưng nếu không dám thì cũng sẽ không có kết quả như vậy.
Đâu là tiêu chuẩn cốt lõi anh giữ trong suốt 2 thập kỷ làm nghề của mình?
Tôi luôn luôn coi mình là số 0 tròn trĩnh mỗi khi bước vào một dự án mới. Bên cạnh đó, với tôi, không có chương trình to hay nhỏ, kinh phí nhỏ hay kinh phí lớn, chỉ có thành công hay thất bại. Dream Studio có lẽ là công ty duy nhất trên thị trường có thể thực hiện các sự kiện từ cá nhân hóa cho vài người đến những chương trình đại chúng hóa cho hàng chục nghìn người, với mọi quy mô kinh phí từ thiện nguyện cho tới những dự án lớn nhất thị trường như chúng tôi đang được giao.
Khi mà cả giới giải trí đang chao đảo vì Covid-19, Việt Tú dường như vẫn bận rộn với các dự án nối dài. Lúc này, anh nghĩ sao về giả thiết: thế giới sẽ thay đổi và người ta có thể sẽ lại phải xem sân khấu qua một chiếc màn hình? Khi ấy Việt Tú sẽ làm gì?
Thế giới chắc chắn sẽ thay đổi, và sân khấu cũng vậy, việc của người sáng tạo không phải là lo lắng mà luôn quan sát để bắt kịp những xu hướng mới, đồng thời giữ những giá trị cốt lõi của mình. Tôi chỉ dám nhận mình là người may mắn, những may mắn đó đã đưa tôi đến ngày hôm nay.
Tôi biết ơn cuộc sống và muốn chia sẻ những may mắn mình có được với các đồng nghiệp nghệ sĩ, những người còn đang mắc kẹt trong những khó khăn bởi dịch bệnh. Việc cùng nhau vượt qua khó khăn vào lúc này thực sự rất ý nghĩa với chúng ta.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Bài Thục Khôi Nhiếp ảnh TUANTI
Stylist MegaBlonde Trang điểm An Nguyễn Trợ lý Xuân Giang
Thiết kế Khôi Nguyên
BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP