Tôi gặp Lâm vài ngày sau khi Lâm ra cuốn sách đầu tiên của mình “Lamissimo – Nắng thảo mộc”. Về cuốn sách, Lâm nói: “Em khá tự tin với cuốn sách của mình. Những kiến thức, công thức từ cuốn sách là nhờ những tìm hiểu cặn kẽ cũng như những trải nghiệm của chính bản thân em”. Câu chuyện của chúng tôi sau đó vẫn loanh quanh về ẩm thực, niềm vui với căn bếp gia đình. Ở độ tuổi 24, tuy còn đôi chút rụt rè, nhưng có thể nhận thấy, Lâm chững chạc và sâu sắc hơn rất nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Lâm biết nhiều, Lâm có định hướng riêng với cuộc sống của mình, Lâm có một cách nhìn mọi thứ hết sức tinh tế và có chiều sâu thực sự.
– Rất nhiều người cầm trên tay “Lamissimo – Nắng thảo mộc” đang rất tò mò về nhân vật “Em” mà Lâm trân trọng viết hoa và cũng là “người đã giúp anh bắt đầu tất cả”. Lâm có thể tiết lộ chút ít với mọi người không?
– (Cười). Hiện tại thì chưa, em chưa thể tiết lộ được. Đến một lúc nào đó, mọi người sẽ được biết thôi, còn bây giờ thì chưa ai được biết điều đó cả.
– Tại sao, một chàng trai như Lâm lại đến với thế giới bếp núc, một thứ mà không ít người nghĩ rằng nó thuộc về phụ nữ nhỉ?
– Bắt đầu có lẽ là nhờ em được ăn những món ăn của mẹ và của bà ngoại. Họ là những người phụ nữ nấu nướng rất ngon và kỳ công. Em vào bếp thực sự và cảm thấy nó có sức hút kỳ lạ với mình thì phải kể tới năm lớp 10. Lúc đó, em có dịp trở lại nước Ý trong một chuyến du lịch tương đối dài, được thưởng thức những món ăn mang đậm màu sắc bản địa để rồi bị chinh phục hoàn toàn. Sau chuyến đi, em đã vào bếp và thử với món đầu tiên của mình, món mỳ spaghetti al sugo di pomodoro e basilico (mỳ Ý với sốt cà chua húng tây cổ điển).
– Món Ý có gì hấp dẫn với Lâm đến vậy?
– Khi tới Ý, em thường rất hay vào những quán ăn nhỏ ở mỗi vùng miền khác nhau. Những quán ăn này thường có các công thức, cách nấu nướng kiểu gia đình rất thú vị. Em nhận thấy trong ẩm thực Ý, có sự đa dạng vùng miền y chang Việt Nam mình. Em đã cực kỳ thích thú khi thấy rằng với những nguyên liệu đơn giản, người Ý có thể sáng tạo ra vô số món ăn với hương vị thật khó tin.
Lâm (bên trái) thường nấu nướng vào mỗi cuối tuần
– Quay lại về chuyện vào bếp, khi một chàng trai bước vào một nơi được coi là “thánh địa của phụ nữ” hẳn cũng sẽ có không ít những lời đàm tiếu?
– Tại sao vào bếp lại là chuyện của phụ nữ nhỉ? Chúng ta đang kêu gọi bình đẳng giới cơ mà. Giả sử cứ cho bếp núc là việc của phụ nữ đi, thì tại sao chị em có thể làm những việc của đàn ông mà đàn ông lại không thể làm việc của phụ nữ?
Riêng với em thì chuyện vào bếp rất bình thường, nó là gia vị của cuộc sống, là một cách thư giãn. Hơn nữa, em cũng được mẹ và mọi người xung quanh ủng hộ chuyện này. Em nghĩ, đàn ông có xắn tay đỡ đần những người phụ nữ chút chuyện bếp núc thì đâu có gì là ghê gớm, chia sẻ công việc trong gia đình sẽ giúp ta thấu hiểu và dễ cảm thông hơn với nhau.
– Đang làm marketing cho một khách sạn lớn, Lâm dành thời gian cho nấu nướng lúc nào vậy?
– Em vào bếp vào mỗi cuối tuần, hoặc thỉnh thoảng những bữa tối về muộn phải ăn một mình. Nhiều lúc, em cũng thích bày vẽ tiệc tùng với bạn bè nữa.
– Nhiều chị em than thở nấu nướng cực lắm đấy?
– Em nghĩ do góc nhìn của mỗi người thôi. Em thì thích nên thấy vui lắm, mọi thứ nhẹ nhàng mà. Ví như việc buổi sáng đi mua đồ về nấu, cứ xem như đó là một cuộc dạo chơi, tìm hiểu những nguyên liệu mới, mua được những thứ ưng ý hay thậm chí chỉ là đi và nhìn cuộc sống trôi thôi cũng khiến đầu óc thư thái hơn nhiều rồi.
– Mẹ ủng hộ Lâm như thế, chắc mẹ cũng thường xuyên thưởng thức các món Lâm nấu chứ?
– Thỉnh thoảng mẹ có ăn nhưng vì mẹ là người đậm chất Á đông nên cũng không khoái đồ Âu lắm. Có em Kem thì rất thích (Kem là em gái ruột của Lâm – PV)
– Sang Ý từ năm lớp 10, mà sao Lâm có thể gom được nhiều kiến thức về gia vị, thảo mộc cũng như các món ăn thế chứ?
– Thực ra, ngoài những trải nghiệm thực tế, em còn tìm hiểu qua mạng nữa.
– Cầu toàn và khó tính trong ăn uống, đã có ai kêu ca về điều đấy của Lâm chưa?
– Đôi khi cầu toàn và khó tính cũng tốt mà (cười). Chắc do em hay giao lưu những người khó tính nên cũng may chưa thấy ai kêu ca về điều đó cả.
– Bây giờ người ta chuộng những món ăn vừa nhanh, vừa gọn để tiết kiệm thời gian, những món cầu kỳ và tỉ mẩn quá chắc ít người làm theo được lắm?
– Theo em biết, ở bên Ý có hẳn một hiệp hội slow food để chống lại sự “bành trướng” của fast food. Em luôn nghĩ rằng, dù cuộc sống bận rộn đến mấy thì cũng nên dành thời gian cho việc nấu nướng và thưởng thức, tận hưởng cuộc sống một cách thư thái và chậm rãi. Việc ăn không chỉ giải quyết vấn đề của cái dạ dày mà còn là khoảng thời gian để chúng ta có thể giao tiếp, chia sẻ với những người cùng dùng bữa.
– Ẩm thực, nấu nướng, ngoài việc là một “thứ gia vị” cuộc sống như Lâm nói thì còn là gì nữa?
– Ẩm thực là một mảng màu của ký ức. Em vẫn nghĩ rằng khi chúng ta nhìn lại quá khứ, điều thật khó quên chính là những món ăn ngon.
– Mê bếp núc là vậy, sao Lâm không theo nghề đầu bếp nhỉ?
– Ôi, em thấy mình chưa hội đủ các yếu tố để trở thành một đầu bếp đâu. Một đầu bếp cần sự kiên trì, nhẫn nại, cần phải cực kỳ chăm chỉ và chịu áp lực giỏi nữa. Ngoài đam mê nấu nướng, họ còn là những người sáng tạo công thức, còn em thì thuộc týp người thích nấu nướng để thư giãn và hưởng thụ thôi.
– Tôi thấy Lâm cũng cần mẫn và tỉ mẩn trong nấu nướng đấy chứ?
– Em có được ưu điểm là đã thích cái gì thì làm bằng được, làm tới cùng. Nhưng mặt khác thì em vẫn còn ham chơi lắm, nên không thể theo được nghề đầu bếp đâu. Mà cái gì không chắc chắn theo được đến cùng thì em sẽ không theo (cười).
– Đúng thế, em có hợp tác với anh Hồng Nam, cùng thi MasterChef mùa đầu. Còn để tự mình có một công việc kinh doanh, chắc phải chờ thêm một thời gian, em thấy mình vẫn chưa đủ “chín”.
– Chị nói đúng, nhưng món Việt mình đang gặp phải nhiều vấn đề, từ khâu lựa chọn nguyên liệu sạch tới việc chế biến, phục vụ. Hơn nữa, cũng rất nhiều người quan niệm sai lệch về “nâng tầm”. Nhiều người cứ nghĩ lai tạo với những món Âu hay trình bày theo kiểu Âu là làm cho món Việt sang lên, nhưng không phải là thế, làm như thế món Việt sẽ dần mất đi bản sắc. Điều cần thiết là làm sao khiến người ta muốn cầm đũa lên, ăn những món Việt theo kiểu của người Việt thì mới chuẩn, giống như ở bất kỳ nơi đâu, vào sushi bar là phải dùng đũa chứ chẳng ai dùng dao dĩa. Không ai có thể làm được điều này một mình, các đầu bếp, food blogger hay chuyên gia ẩm thực đều phải cùng chung tay thì mới có thể thay đổi nhận thức của công chúng và nâng tầm món Việt thực sự.
– Cảm ơn Lâm và chúc em sẽ thành công hơn nữa!
Thực hiện: Tiều Phu
Ảnh: Nhân vật cung cấp