Chef Nguyễn Văn Khu: “Cứ cho đi sẽ nhận lại rất nhiều” - Tạp chí Đẹp

Chef Nguyễn Văn Khu: “Cứ cho đi sẽ nhận lại rất nhiều”

Sống

Anh kể, ngày trước, khi quyết định theo nghề bếp, anh định sẽ học nấu nướng như bình thường, nhưng  khi đó, với vóc dáng nhỏ bé, anh đã “bị” đẩy sang bếp bánh. Không ngờ, từ một điều không dự định trước, anh đã đeo đuổi và đam mê đến tận bây giờ.

Khu cũng là người rất yêu thích mạng xã hội. Anh chưa từng ngần ngại chia sẻ những công thức mà mình học được từ các chef khác cũng như những công thức mình mày mò thử nghiệm. Những thắc mắc của mọi người, Khu hầu như không bỏ sót. Sự chân thành và nhiệt tình của Khu đủ khiến những ai đã từng tiếp xúc, cảm thấy vô cùng yêu mến anh chàng đầu bếp trẻ tuổi này.

Nghề bếp – sướng khổ là tự chọn lấy

– Anh còn nhớ đến nay anh đã theo nghề bếp được bao nhiêu lâu không? Tôi tò mò tại sao anh lại theo nghề bếp mà không phải là nghề nào khác?

– Tôi đến với nghề từ năm 2005, khi tôi 19 và đến nay đã ngót 10 năm rồi. Tôi theo nghề đơn giản vì trót đam mê nó từ khi mới chỉ là cậu bé học sinh lớp 3. Lớn lên, tôi quyết định phải theo bằng được nghề bếp, chứ không phải nghề mà bố mẹ tôi muốn.

chef nguyễn văn khu, đầu bếp nguyễn văn khu, chef khách sạn, đầu bếp nổi tiếng, đàn ông đeo tạp dề

– Khi anh theo đuổi nghề đầu bếp, có ai phản đối hay không?

– Thật may mắn là không ai phản đối cả, mẹ tôi có nói “sướng hay khổ là tự con chọn lấy”.

– Khi rẽ sang một con đường khác, là vào bếp bánh chứ không phải bếp nấu như mong muốn ban đầu, tâm trạng của anh ra sao?

– Sau khi bị “đẩy” vào bếp bánh, cảm giác của tôi là vô cùng thất vọng. Tôi thậm chí còn có ý định nghỉ không đi thực tập nữa cơ. Bởi vì trước khi đi thực tập, tôi mường tượng ra nhiều thứ, là mình được nấu món này món kia, còn bánh thì không bao nghĩ tới. Số phận “oái oăm” ấy đã đưa tôi đến với bánh trong sự miễn cưỡng, nhưng giờ nghĩ lại thì hóa ra mình là đứa may mắn nhất trong số 48 đứa học cùng ngày ấy.

– Trong quá trình làm nghề, hẳn anh đã từng gặp không ít những khó khăn?

– Đương nhiên, tôi cũng có rất nhiều khó khăn, bởi vì chúng tôi đi học chỉ là lý thuyết, khi làm việc, mới thực sự gặp nhiều trường hợp khách hàng khó tính và họ đòi hỏi rất nhiều từ mình. Bởi vậy, luôn cần phải cập nhật phù hợp với thị trường.

chef nguyễn văn khu, đầu bếp nguyễn văn khu, chef khách sạn, đầu bếp nổi tiếng, đàn ông đeo tạp dề

– Nghề bếp là một nghề rất cực, vậy điều gì đã giúp anh vượt qua những khó khăn của buổi ban đầu?

– Tôi tự cảm thấy may mắn hơn mọi người, vì được thực tập ở một khách sạn 5 sao có tiếng ở Hà Nội, được sếp và các anh chị đồng nghiệp giúp đỡ nhiều. Điều may mắn nữa khiến tôi vượt qua mọi khó khăn trong công việc có lẽ là gia đình, nhất là vợ tôi, họ luôn ở bên động viên tôi những lúc chán nản nhất.

– Vậy hẳn là anh đã từng có ý định bỏ nghề?

– Có chứ, nhất là vào năm 2014, tôi muốn bỏ nghề này để tìm cho mình một hướng đi khác. Nhưng duyên với nghề nó giúp tôi suy nghĩ lại.

– Làm bánh đơn giản thì không khó, nhưng cũng có rất nhiều bánh đòi hỏi kỹ thuật cao, anh đã luyện tay nghề như thế nào để chinh phục được những loại bánh khó? Có chiếc bánh nào anh tự tin là đậm chất chef Khu?

– Làm bánh có thể dễ với những người đam mê nó, có thể là cực hình với những bạn chưa biết gì về bánh. Bản thân tôi cũng đã làm hỏng rất nhiều loại bánh, nhất là những ngày đầu thực tập trong khách sạn. Rất may sau đó tôi đã được chỉ bảo những mẹo nhỏ để làm bánh thành công.

Còn về luyện tay nghề có lẽ chỉ cần tập trung làm việc cao độ, không ngại thất bại, cố gắng làm bằng được, không bỏ dở giữa chừng… Cá nhân tôi thì luôn nghĩ, lần sau mình sẽ phải làm tốt hơn lần trước.

Tôi khoái nhất là có một đợt gần Tết năm 2014, 2015 ai ai cũng đi săn lùng công thức butter cookies (bánh quy bơ) của tôi để làm. Còn một món nữa cũng mang hương vị của Khu đó là món mousse chanh sả ớt – món ăn mang đậm hương vị hoa quả miền nhiệt đới.

chef nguyễn văn khu, đầu bếp nguyễn văn khu, chef khách sạn, đầu bếp nổi tiếng, đàn ông đeo tạp dề

– Theo anh, những yếu tố nào để thành công với nghề bếp?

– Để thành công với nghề không chỉ cần sự đam mê mà còn phải cần cù, chịu khó, bạn cần học hỏi tất cả những gì trong bếp, từ những đồng nghiệp khác, thậm chí từ các học viên của bạn.

– Nghề đầu bếp, ngoài những nguyên tắc chung còn đòi hỏi sự sáng tạo, khi anh thực hiện các món ăn, anh sẽ đưa bao nhiêu % sự sáng tạo của mình vào trong đó?

– Là một đầu bếp, đương nhiên bạn cần phải có sự sáng tạo trong món ăn, biến ý tưởng thành thực tế, để tạo nên những hương vị mới. Công thức để thành công là bạn phải giữ 70% cái truyền thống, kết hợp với 30% sự sáng tạo.

– Nếu một ngày, anh cảm thấy mình mất đi sự sáng tạo, anh sẽ làm gì nhỉ?

– Nếu một ngày tôi mà mất đi sự sáng tạo,tôi sẽ về với cuộc sống hàng ngày, đi dạy để lấy tiền làm từ thiện, hoặc sẽ tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện hơn, chăm lo cho gia đình tốt hơn.

– Khi làm việc ở các nhà hàng, khách sạn, thông thường các món của đầu bếp sẽ bị “soi” khá kỹ, điều này có gây áp lực cho anh?

– Khi bạn làm việc, dù ở bên ngoài hay nhà hàng khách sạn, rất nhiều thứ khiến bạn áp lực. Áp lực về việc trình bày món ăn, chất lượng món ăn và nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đặt lên hàng đầu vì nó ảnh hưởng tới vấn đề sức khỏe.

– Có khi nào anh bị chính thực khách của mình bắt lỗi?

– Tất nhiên rồi, thực khách bây giờ họ rất sành ăn,chỉ cần bạn lơ là một chút là “dính đạn” ngay.

– Với anh, nghề đầu bếp đã mang lại điều gì?

– Với tôi, nghề bếp giúp tôi hiểu được sâu hơn về văn hoá mỗi vùng miền, về con người nơi đó, giúp tôi được giao lưu học hỏi và chia sẻ với các đầu bếp và những người đam mê ẩm thực.

chef nguyễn văn khu, đầu bếp nguyễn văn khu, chef khách sạn, đầu bếp nổi tiếng, đàn ông đeo tạp dề

Món tủ của tôi là món “bu ta nấu”

– Mỗi đầu bếp đều có một vài món “đinh”, món “tủ”, vậy đâu mà món “tủ” của anh?

– Mỗi một đầu bếp họ đều có chuyên môn nhất định, người thì chuyên món Âu, người thì chuyên món Á… còn tôi thì chuyên về những món tráng miệng. Có thể bạn sẽ bất ngờ vì món tủ của tôi lại không phải về bánh mà là những món mẹ tôi dạy trước khi tôi đến với nghề, ví như món rau bí om cá, rau khoai lang om mẻ, món cá kho… Chúng tôi vẫn hay đùa nhau là món “butanau” tức là bu ta nấu đó.

– Chứng tỏ rằng, tuổi thơ của anh có rất nhiều món ăn thú vị?

– Những món ăn ấn tượng đối với tôi đến tận bây giờ như bánh đa nấu cá rô đồng, bột mì rán với hạt tiêu, đường và trứng… Đơn giản vậy đấy, nhưng nhớ mãi. Tôi vẫn còn nhớ hồi nhỏ, chúng tôi hay đi câu cá, sau đó về nhà, sẽ chạy ra vườn hái ít rau cải ngọt, mua một ít bánh đa khô, thêm chút gia vị hành khô và gừng… thế là chúng tôi đã có được món bánh đa cá rô đồng ngon tuyệt rồi.

chef nguyễn văn khu, đầu bếp nguyễn văn khu, chef khách sạn, đầu bếp nổi tiếng, đàn ông đeo tạp dề

– Bánh trái, đồ Âu ngày nay đang nở rộ, anh có sợ đến lúc nào đó bữa ăn gia đình Việt bị Tây hóa không?

– Thực sự hiện nay trào lưu ăn món Âu và tráng miệng bánh Âu đang rất thịnh hành. Tôi cũng lo ngại rằng những món ăn truyền thống trong bữa cơm của chúng ta bị mất đi lắm. Bản thân tôi theo về bánh Âu là chính, nhưng trong khách sạn, tôi vẫn hay làm những món bánh truyền thống của Việt Nam như bánh trôi, bánh chay, các loại chè mang đậm hương vị Việt. Bởi với tôi, những thứ đó không thể mai một đi được, vẫn mãi trong tâm trí mình cho dù có đi đâu xa.

– Anh là một đầu bếp nhưng lại thường xuyên chia sẻ công thức lên mạng xã hội, anh không sợ… mất nghề sao?

– Cũng có nhiều người nói với tôi về điều này, họ nói nên giữ lại cái gì đó cho bản thân. Còn đối với tôi, tôi nghĩ giúp được ai cái gì là tôi sẽ làm, công thức nào có thể chia sẻ tôi sẽ chia sẻ. Cuộc sống là “hãy cho đi để nhận lại rất nhiều”. Nhờ chia sẻ, tôi nhận được sự yêu quý, sự trân trọng của nhiều người. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi giúp mọi người có được những công thức nấu ăn ngon và chuẩn.

– Anh có nghĩ mình đã và sẽ là một “hot chef” trên mạng xã hội không?

– (Cười) Tại sao chị lại hỏi tôi câu đó nhỉ? Tôi tham gia facebook là nhằm giao lưu học hỏi và chia sẻ với mọi người chứ không nghĩ mình là một hot chef đâu. Cũng có nhiều người nhắn tin kiểu “tôi rất ngưỡng mộ cậu, em rất ngưỡng mộ anh” nhưng tôi có khẩu hiệu” I am simple Chef, I live in the simple world” (Tôi là một đầu bếp bình thường, tôi sống trong một thế giới bình thường).

– Có rất nhiều người yêu quý, nhưng hẳn cũng có những lời ra tiếng vào về sự “phủ sóng” của anh chứ?

– Đúng là tôi nhận được sự yêu mến rất nhiều từ rất nhiều người nhưng cũng không tránh khỏi những người nhận xét không hay về mình. Tôi không để ý nhiều, bởi vì tôi luôn làm việc với cái Tâm của tôi, tôi tập trung vào công việc và việc dạy học gây quỹ từ thiện. Về việc gây quỹ, mặc kệ ai nói gì, tôi vẫn tự hào khi mình làm được những việc nhân văn như vậy. Đồng tiền đó là chính đáng, nó là mồ hôi công sức của tôi và cũng là sự ủng hộ nhiệt tình của những người bạn đam mê ẩm thực, tôi luôn trân trọng điều đó.

chef nguyễn văn khu, đầu bếp nguyễn văn khu, chef khách sạn, đầu bếp nổi tiếng, đàn ông đeo tạp dề

– Ngoài công việc đầu bếp của nhà hàng, anh còn thường xuyên mở các lớp dạy học và tiếp xúc với nhiều học viên nữ, anh không sợ vợ ghen sao?

Các lớp học của tôi đa phần là dạy chị em nữ công gia chánh, có những lớp đến 30-40 học viên nữ. Nhưng thật may là vợ tôi luôn thông cảm với công việc của chồng.

– Là một đầu bếp, nhưng về nhà có vẻ anh cũng ít khi vào bếp thì phải?

– Công việc bận rộn nên tôi không có nhiều thời gian vào bếp nấu nướng cho gia đình, nhưng mỗi khi có dịp, tôi vẫn trổ tài đấy chứ.

– Tôi tò mò sao anh dạy nhiều học viên thế mà vợ anh vẫn phải tự lọ mọ học làm bánh, nấu ăn nhỉ?

– Không biết có phải là “Bụt chùa nhà không thiêng” không nhỉ (cười)? Đùa thôi, vợ tôi thích tự học và cô ấy khá độc lập, hầu như rất ít khi nhờ vả đến chồng.

– Có bao giờ, anh thấy có ai đó miệt thị hay tỏ ra khinh thường những người đàn ông đeo tạp dề như mình không?

– Có chứ! Một số người đàn ông khác họ dè bỉu, khinh thường việc đàn ông đeo tạp dề. Họ nghĩ việc đó chỉ dành cho phụ nữ. Họ có biết đâu phụ nữ có quá nhiểu việc phải lo cho gia đình, con cái, chúng ta phụ vợ hoặc mẹ mình nấu một bữa cơm hay là cùng dọn dẹp trong bếp, thậm chí rửa bát thì cũng bình thường thôi. Những người đàn ông đeo tạp dề, thực sự là những người đàn ông “chuẩn men”, rất tuyệt vời.

Trân trọng cảm ơn anh và chúc anh gặt hái được thật nhiều thành công!


“Hỏi nhỏ” chị Phương Linh (vợ của chef Nguyễn Văn Khu):

– Lấy một ông chồng đầu bếp, bận rộn suốt ngày có bao giờ bạn thấy phiền không?

–  Cũng có chị ạ. Nhiều khi muốn có một ngày, cả hai bố mẹ cho con đi chơi cũng không được ấy. Nhưng em cùng làm ngành dịch vụ nên em cũng hiểu được công việc của anh ấy.

– Bạn nghĩ như thế nào về công việc và niềm đam mê của anh ấy?

– Mỗi người có một hướng đi riêng, nghề bánh chọn anh ấy, cho anh ấy một niềm đam mê, cho anh ấy cơ hội đi gặp nhiều người, phát triển nghề nghiệp. Hơn nữa anh ấy còn truyền được “lửa” cho các bạn trẻ có ý định theo nghề, ấy cũng là cái duyên.

– Ở nhà, tần suất vào bếp của chồng chị là bao nhiêu lần/ tuần vậy? 

– Gần như bằng 0 ạ. Thực ra, ngay cả em cũng ít vào bếp. Vì ở chung với bố mẹ nên đa số là bố mẹ nấu nướng cho, bọn em đi làm về thì cơm nước đã xong xuôi. 

– Chị thấy thích nhất món nào của anh ấy?

– Món em thích nhất của chồng em là chiếc bánh anh ấy làm tặng em vào Valentine đầu tiên quen nhau.

– Có bao giờ chị thấy ghen khi bên cạnh anh ấy thường xuyên có các học viên nữ?

– Tất nhiên là có. Chị biết đấy, có những món bánh mà học viên được ăn chứ em thì chưa từng được thử đâu đấy. Chưa kể, chồng em lại nhiệt tình, nhiều khi đi làm về, đêm vẫn có các chị, các học viên nhắn tin hỏi han về bánh trái cơ.

– Bận rộn là thế, anh ấy dành thời gian cho chị và con trai những lúc nào?

 
– Ngoài giờ đi làm, tham gia công tác xã hội, thì thời gian còn lại anh ấy hay cho con đi chơi, hay đơn giản là bố con cùng xem phim, rồi trêu nhau. Đó là lúc em thấy anh ý vui nhất. Khi đi xa dạy, anh ấy cũng hay rủ em đi theo vài ngày.

– Cảm ơn chị!


Thực hiện: Tiều Phu

Ảnh nhân vật cung cấp

logo

Khi đàn ông đeo tạp dề
Không phải chỉ phụ nữ mới là người giữ lửa và chăm sóc cái dạ dày cho gia đình. Có rất nhiều những nam nhân rất thích vào bếp và chia sẻ những bữa ăn với mọi người.
Họ có thể là đầu bếp chuyên nghiệp hoặc đầu bếp gia đình, nhưng họ có điểm chung là luôn cảm thấy hạnh phúc khi được đeo tạp dề và truyền năng lượng, cảm hứng, tâm huyết cho từng món ăn.
Đẹp Online giới thiệu tới bạn đọc những tâm tư, chia sẻ của các nam đầu bếp tại gia cũng như các đầu bếp nổi tiếng trong các nhà hàng khách sạn về công việc bếp núc.
Mời bạn đọc cùng theo dõi những chia sẻ thú vị của những người đàn ông đeo tạp dề.
– Chef Nguyễn Văn Khu (Phó chủ tịch Hội đầu bếp Hà Nội)
– Chef Alain Nghĩa (IronChef)
– Chef Phạm Tuấn Hải (Giám khảo MasterChef Việt Nam)
– Hoàng Anh (Thương hiệu bánh Mitosweets)
– Lỗ Võ Bảo Lâm (Tác giả cuốn “Nắng thảo mộc”)
– Có bao giờ anh có ý định bỏ nghề?
– Có chứ, nhất là vào cái năm 2014, tôi muốn bỏ cái nghề này để tìm cho mình một hướng đi khác.Nhưng cái duyên với nghề nó giúp tôi suy nghĩ lại.
– Có bao giờ anh có ý định bỏ nghề?
– Có chứ, nhất là vào cái năm 2014, tôi muốn bỏ cái nghề này để tìm cho mình một hướng đi khác.Nhưng cái duyên với nghề nó giúp tôi suy nghĩ lại.
– Có bao giờ anh có ý định bỏ nghề?
– Có chứ, nhất là vào cái năm 2014, tôi muốn bỏ cái nghề này để tìm cho mình một hướng đi khác.Nhưng cái duyên với nghề nó giúp tôi suy nghĩ lại.

Thực hiện: depweb

25/08/2015, 14:20