Lòng đỏ trứng và dầu đậu nành: hy vọng mới cho phụ nữ hiếm muộn - Tạp chí Đẹp

Lòng đỏ trứng và dầu đậu nành: hy vọng mới cho phụ nữ hiếm muộn

Sức Khỏe

Emma Rose, 38 tuổi, giám đốc nhân sự ở Aylesbury, Buckinghamshire, nước Anh là một phụ nữ hiếm muộn. Cô đã trải qua 7 lần thụ tinh ống nghiệm và 2 lần sảy thai rất đau lòng. Emma gần như đã từ bỏ hy vọng trở thành một người mẹ.

 

Emma Rose  và cậu con trai Theo bảy tháng tuổi

Câu chuyện của Emma Rose và chồng khá điển hình cho những thất vọng cay đắng mà các cặp vợ chồng hiếm muộn phải chịu đựng khi muốn có con. Họ đã trải qua ba năm điều trị, chịu thiệt hại nặng nề cả về kinh tế và tinh thần.

Không nản lòng, Emma đã tới phòng khám của tiến sĩ Ndukwe và nữ hộ sinh Zita West để thử phương pháp điều trị “mayonnaise”. Với những hy vọng mới, cặp vợ chồng này đã quyết định thụ tinh ống nghiệm cùng với tiến sĩ Ndukwe. Như mọi lần khác, trong quá trình mang thai, Emma cũng tiêm hỗ trợ hormone progesterone (hormone có vai trò duy trì thai kỳ), vitamin D… Theo khuyến nghị của Zita, cô ăn uống lành mạnh hơn, thực hiện châm cứu và tránh xa sự căng thẳng. Emma mang thai từ đầu tháng 4 năm 2012. 20 tuần sau, hai vợ chồng cô biết tin họ sắp có một cậu bé trai. Cuối cùng, Emma đã tin rằng cô có thể trở thành một người mẹ: “Tôi cảm thấy con trai của tôi, lần đầu tiên, như một đứa trẻ, chứ không phải là một phôi thai”.

Ngày 28/11/2012, Emma đã bị choáng ngợp vì có một em bé nằm trong vòng tay của mình: “Tim, chồng tôi và tôi từng cảm thấy cạn kiệt cả thời gian, tiền bạc, và quan trọng nhất là cảm xúc. Chúng tôi đã trải qua rất nhiều thăng trầm, nhiều ngày tháng chờ đợi kết quả. Chúng tôi đã bắt đầu cảm thấy phải vượt qua quá nhiều trở ngại để có con với nhau. George là người duy nhất cho chúng tôi hy vọng, và ngay cả khi đây là một điều trị gây tranh cãi, những gì ông nói về vấn đề miễn dịch thực sự vẫn rất ấn tượng với chúng tôi”.

Phương pháp này được giới thiệu lần đầu tiên từ 2 năm trước, và cho tới nay, nó đã giúp cho 50 phụ nữ hiếm muộn (những người đã thử tới 150 lần thụ tinh ống nghiệm) có cơ hội được làm mẹ. Những phụ nữ này đã trải qua tổng số hơn 40 năm chờ đợi, tiêu tốn tới hơn 150.000 bảng Anh để mong được đón đứa con đầu lòng. Nhờ cách điều trị này, tiến sĩ George và cộng sự của ông – nữ hộ sinh Zita West – được mệnh danh là “nhà sản xuất trẻ em”.

 

 Tiến sĩ George Ndukwe và bệnh nhân Reeta Toora

Phương pháp này chưa hề được kiểm tra và chứng minh. Nó hoạt động dựa trên tiền đề cho rằng một số phụ nữ thực sự không thể mang thai, vì khi phôi thai phát triển trong tử cung của họ, hệ thống miễn dịch ở những phụ nữ này sẽ tiêu diệt nó như một virus xâm nhập. Phương pháp điều trị mới đã giải quyết chuyện hiếm muộn của phụ nữ bằng cách bơm vào trong cơ thể họ một hỗn hợp giữa lòng đỏ trứng và dầu đậu nành – các chất được cho là có thể kiềm chế các tế bào “giết người” (tế bào NK) có sẵn tự nhiên trong người mẹ, và do đó duy trì khả năng mang thai đủ tháng. Tại Anh, phương pháp điều trị này tiêu tốn khoảng 7.000 bảng Anh cho một chu kỳ điều trị, đắt hơn khoảng 30% so với các phương pháp thông thường. Tuy nhiên, tiến sĩ George Ndukwe – người phát triển ra phương pháp này – thì cho rằng  giá đó là rất xứng đáng.

Reeta Toora, 41 tuổi, cố vấn tài chính ở Surrey, nước Anh đã có 7 năm điều trị chứng hiếm muộn cho biết: “Tôi đã có 6 lần sảy thai trong khoảng thời gian 7 năm, từ 2003 tới 2011. Lần mang thai lâu nhất của tôi cũng chỉ được 9 tuần. Tôi đã đi tới giai đoạn gần như chấp nhận rằng tôi sẽ sảy thai nếu mang thai. Tôi đã bắt đầu đổ lỗi cho bản thân mình, tôi nghĩ rằng cơ thể tôi có vấn đề“. Một người bạn đã tặng Reeta bài viết về tiến sĩ Ndukwe, sau đó, cô và chồng, Suki, 47 tuổi, một nhà phân tích kinh doanh đã quyết định thử điều trị phương pháp này. Xét nghiệm máu cho thấy Reeta cũng có một số lượng lớn tế bào NK. Sau một thời gian điều trị với chi phí 10.500 bảng Anh, Reeta đã mang song thai. Cặp song sinh Sasha và Zahra của Reeta đã được sinh ra vào năm ngoái.

 

 Karen Dednum và con gái

Karen Dednum, 41 tuổi cũng phải vật lộn với những cảm giác khủng khiếp nhất của mất mát sau mỗi lần thụ tinh ống nghiệm không thành công. Cô và chồng, Nev, 39 tuổi, một nhạc sĩ đã cố gắng trong 9 năm và có tới 5 lần thụ tinh ống nghiệm trước khi em bé Jenna được sinh ra cách đây 7 tháng.

Mỗi lần điều trị không thành công là một lần bạn đi qua đau buồn. Việc điều trị không giúp đỡ gì thêm, mà chúng tôi lại càng thêm băn khoăn vì lý do tại sao mình không thể có thai. Bác sĩ cũng không giải thích được. Ngược lại, khi tới gặp tiến sĩ George, ông nói rằng mọi chuyện rất đơn giản, và ông sẽ giải quyết ổn thỏa. Chúng tôi không bao giờ bận tâm về những chuyện gây tranh cãi, chúng tôi chỉ muốn có em bé.” – Karen chia sẻ.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa cảm thấy được thuyết phục. Giáo sư Lesley Regan, trưởng khoa Sản tại bệnh viện St. Mary ở London cho rằng: “Tôi thừa nhận rằng tôi khá nhiệt tình với phương pháp này, các tế bào NK chắc chắn có tồn tại, nhưng chúng tôi không biết rằng chúng có phải là nguyên nhân thực sự gây sảy thai hay không. Không có nghiên cứu thì không thể chứng minh được hiệu quả của bất kỳ phương pháp điều trị nào“.

Tiến sĩ Ndukwe cũng thừa nhận rằng phương pháp của ông chưa được chứng minh thực sự, nhưng những câu chuyện thành công như trường hợp của Emma thuyết phục mọi người về giá trị của phương pháp này: “Liệu pháp điều hòa miễn dịch của tôi gây tranh cãi, vì trong y học, bạn phải thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên và có mẫu đủ lớn. Nhưng chi phí để thực hiện nghiên cứu như thế rất cao. Phương pháp của tôi đã tạo ra các em bé khỏe mạnh, đó là bằng chứng của tôi“.

Linh Hanyi

Biên dịch từ Dailymail.uk

Nếu bạn có những thông tin hữu ích, những mẹo hay để cải thiện sức khỏe, hãy chia sẻ cùng bạn đọc Đẹp Online bằng cách gửi bài viết về địa chỉ email: giadinh@dep.com.vn. Bài được chọn đăng sẽ hưởng nhuận bút theo quy định chung của tòa soạn.

Thực hiện: depweb

14/07/2013, 18:31