Khi tiếng chim trong bụi mận gai ngừng hót - Tạp chí Đẹp

Khi tiếng chim trong bụi mận gai ngừng hót

Review

Con đường từ một y sĩ trở thành nhà văn

Sinh năm 1937, trong một gia đình tại New South Wales, từ nhỏ cô bé Colleen đã bộc lộ sự ham thích đặc biệt đối với việc đọc sách và bắt đầu sáng tác từ năm 5 tuổi. Trước khi bước chân vào đại học, Colleen McCullough đã từng làm giáo viên, cán bộ thư viện và thậm chí là nhà báo. Vì căn bệnh viêm da, cô đã phải từ bỏ giấc mơ trở thành tiến sĩ y khoa .

Nữ văn sĩ Colleen và cuốn sách làm lên tên tuổi bà

Trong khoảng thời gian nghiên cứu và giảng dạy tại Khoa Thần kinh Đại học Yale, Mỹ (1967 – 1976), bà đã cho ra đời hai tác phẩm đầu tay của mình, mà một trong số đó là “The Thorn Birds” (bản dịch tiếng Việt: “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”) đã trở thành cuốn sách gây sốt trên toàn cầu với hơn 30 triệu bản được bán ra. Sự thành công của “The Thorn Birds” và những tác phẩm sau này đã cho phép Colleen từ bỏ nghề nghiên cứ y khoa để “sống theo cách riêng của mình”.

Những năm 70 của thế kỉ 20, tại một hòn đảo khiêm tốn ở Thái Bình Dương, nữ tác giả 46 tuổi đã gặp người chồng của mình, Ric Robinson lúc đó mới 33 tuổi, người mà cuối cùng bà đã kết hôn vào một ngày tháng 4/1983.

Những năm cuối đời: cuộc chiến giữa bệnh tật và khao khát cầm bút.

Sau khi kết hôn, Colleen McCullough sống khá lặng lẽ nhưng dường như sự thôi thúc cầm bút chưa bao giờ nguội lạnh nơi người phụ nữ này. Mặc dù phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến thận, bị chứng viêm khớp hành hạ và thị lực giảm sút,  bà vẫn tiếp tục làm việc.

Cho tới khi không thể viết được, Colleen McCullough vẫn xuất bản sách và sáng tác bằng cách đọc và nhờ người chép. Tính tới nay bà đã cho ra đời khoảng 25 cuốn tiểu thuyết, cuốn sách gần đây nhất của nữ tác giả được xuất bản là “Bittersweet” (năm 2013).

Sự dồi dào trong tư tưởng và tốc độ viết là hai từ người ta dùng để miêu tả khả năng sáng tác đáng kinh ngạc của Colleen McCullough. Trung bình một ngày bà viết được khoảng 15.000 chữ và có thể lên tới 30.000chữ/ngày, chỉ với một chiếc máy đánh chữ cổ lỗ.

“Tiếng chim hót trong bụi mận gai” – đỉnh cao trong sự nghiệp Colleen McCullough.

“Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính Thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại… Ít ra thì truyền thuyết nói như vậy”

Đó là một phần của lời đề tựa cho cuốn tiểu thuyết đã làm nên tên tuổi của nữ văn sĩ người Úc. Thứ tình yêu cháy bỏng đến mức đớn đau, thậm chí chấp nhận hy sinh cả mạng sống như thế cũng nảy mầm và bùng cháy trong từng trang sách của Colleen McCullough. Đó là câu chuyện tình giữa Đức cha Ralph De Bricassart và cô thiếu nữ Meggie Cleary, người kém ông tới vài thế hệ.

Thứ tình yêu cao quý mà Đức cha thề nguyện dành trọn cho Chúa đã bị thay đổi, ngay từ ánh nhìn đầu tiên khi gặp Meggie, từ đó, ông đã hiểu rằng nó sẽ gắn kết và thay đổi cuộc đời hai người mãi mãi. “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” bằng chất văn lãng mạn nhuần nhị như một viên ngọc quý, gieo vào lòng độc giả những cung bậc tình cảm sâu sắc, như tiếng hót bất diệt của loài chim tuyệt đẹp.  

Sau khi được xuất bản, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” đã gây ra một con sốt trong cộng đồng người đọc. Cuốn tiểu thuyết được đánh giá ngang ngửa với “Cuốn theo chiều gió” của Margaret Mitchell. “Tiếng chim hót trong bụi mận gai‘ nổi tiếng đến nỗi nó đã được chuyển thể thành series phim truyền hình ăn khách cùng tên năm 1983 và nhanh chóng trở thành một trong những bộ phim ăn khách nhất mọi thời đại cùng 4 giải Quả cầu vàng cho series phim truyền hình hay nhất (trong tổng số 8 đề cử năm 1984).

Bộ tiểu thuyết được chuyển thể thành phim truyền hình cùng tên nổi tiếng năm 1983. Trong hình là hai nhân vật chính của bộ phim

Cuối cùng thì nữ văn sĩ, người đã sáng tạo ra một câu chuyện tình yêu tuyệt đẹp nhưng cũng đầy bi thương đã ra đi. Khi tin tức Colleen McCullough tạ thế được lan truyền, người hâm mộ và những ai đã từng nghe danh về bà không khỏi bàng hoàng, tiếc thương. Shona Martyn – giám đốc Nhà xuất bản HarperCollins (Australia) – chia sẻ: “Chúng tôi sẽ nhớ bà ấy rất nhiều… Thế giới sẽ trở nên nhạt nhoà khi thiếu vắng Col”. Còn phát thanh viên Richard Glover đăng tải trên mạng xã hội:“Hãy yên nghỉ Colleen McCullough. Tôi không thể tìm ra ai có một tuổi thơ khốn khó mà lại có một cuộc đời tươi đẹp với những thành tích rực rỡ như thế.”

Bài: Ngọc King

Ảnh: Daily


logo

Thực hiện: depweb

30/01/2015, 10:46